MỘT TÀI LIỆU MỚI TÌM THẤY
VỀ BÌNH PHẨM TRUYỆN KIỀU
Nhân
đọc lại báo “Tiếng dân” (Huế, 1927-1943) để tìm một vài tài liệu, tôi thấy có
bài sau đây, nói về việc cụ Thai Sơn Đặng Nguyên Cẩn (1866-1923) bình phẩm
Truyện Kiều.
Sáng
tác và trứ thuật của cụ Thai Sơn mới chỉ được thấy trích trong cuốn “Thi tù
tùng thoại” (1939) của Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, hoặc “Văn thơ cách mạng Việt
Nam đầu thế kỷ XX” (1961) của Đặng Thai Mai (học giả Đặng Thai Mai chính
là con trai cụ Thai Sơn).
Điều
hơi ngạc nhiên là thời gian trước đây, dù giới nghiên cứu đã chú ý khảo sát
lịch sử việc biên khảo và bình luận Truyện Kiều, song tài liệu này vẫn chưa hề
được tìm ra và ghi nhận.
Bài
này không phải do đích thân cụ Thai Sơn viết ra, chỉ là do một học trò của cụ
là Tùng Ngư (đây là tự hoặc hiệu, chưa rõ họ tên thật) hỏi chuyện cụ, nghe cụ
giảng giải thuyết minh rồi về nhà nhớ ra mà ghi lại. Tuy vậy, có thể tin rằng
bài này đã ghi được một số nét thuộc quan niệm của cụ Thai Sơn về Truyện Kiều.
Nếu các nhà nho ở ta xưa thường hay bàn về phương diện thơ ca của tác phẩm
Truyện Kiều, thì trong buổi trò chuyện với anh học trò đã thuộc về thời đại chữ
quốc ngữ này, cụ Thai Sơn lại đề cập một phương diện mà thường khi không phải
sở trường nhà nho, − phương diện nghệ thuật tự sự. Cụ gọi là “văn pháp” Truyện
Kiều, phiên sang hệ thuật ngữ hiện đại, có lẽ cần phải gọi là “thi pháp” hoặc
“nghệ thuật” Truyện Kiều. Thiết nghĩ, những điều cụ Thai Sơn nhận xét về “văn
pháp” (hay là nghệ thuật) Truyện Kiều, trong tài liệu này, đương nhiên không
còn gì mới so với các quan niệm nghiên cứu của tự sự học ngày nay, song chính
những luận bàn của cụ, do một học trò cụ ghi lại, cách nay 80 năm, lại cho thấy
điều người ta ít biết, ít có tài liệu, ấy là quan niệm về văn tự sự ở giới nhà
nho, thông qua một trong những nhà nho được xem là uyên bác và rất có ảnh hưởng
trong giai đoạn 30 năm đầu thế kỷ XX.
Để
hoàn thành bản đánh máy tài liệu đăng báo này, nhất là các đoạn có chữ Hán, tôi
đã được sự giúp đỡ của GS. Trần Đình Sử, của TS. Phạm Văn Ánh. Nhân đây xin tỏ
lời cảm ơn.
Xin
trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
5/7/2015
LẠI NGUYÊN ÂN
VĂN PHÁP TRUYỆN KIỀU
TRONG CON MẮT CỤ THAI SƠN ĐẶNG
NGUYÊN CẨN
Lâu nay kể chuyện mấy nhà tiên thời nhân vật thường hay nhắc
đến các cụ Tập Xuyên, Mai Sơn, Hải Ngư, v.v. mà có một nhân vật rất quan hệ rất
ảnh hưởng trong khoảng tân cựu giao thời, bạn thiết với cụ Sào Nam, cụ Tây Hồ,
không chỉ là bạn, tự hai cụ Phan còn xem như bậc thầy, mà ít kẻ thuật đến.
Ấy là cụ Thai Sơn Đặng Nguyên Cẩn.
Cụ Thai Sơn, một nhà lão học trứ danh đất Nghệ, đỗ Phó bảng
năm 1895 (Ất Vị), làm quan đến Đốc học Nghệ, đổi vào Bình Thuận. Năm 1908, cuộc
dân biến, vì học trò cụ nhiều người cổ động tân học và có người em xuất dương
nên cụ bị đày ra Côn Lôn; năm 1921 được tha về, vài năm sau thì cụ mất.
Đời cụ, nói Hán học thì uyên bác lão luyện, mà nói tân học
thì mở mang phong khí lúc đầu tiên, nhứt là truyền bá học thuyết Khương, Lương
cùng cách giáo dục Phúc-trạch Dụ-cát của người Nhật, thì cụ có công rất nhiều.
Trong đám Hán học mà có tân tư tưởng, tưởng không ai không biết đến cụ.
Văn chữ Hán cụ có lưu truyền nhiều, điển nhã thâm thúy,
thoát hẳn lối sáo thường, mà văn quốc ngữ cũng già dặn.
Đây có một bài của một người bạn, học trò cụ ở Nghệ gởi vào,
thuật lời phê bình của cụ về Truyện Kiều, về mặt văn pháp rất là rành mạch, rõ
là có con mắt xem văn đặc biệt khác với bao nhiêu nhà phê bình nhảm mà chúng ta
thường thấy lâu nay. Dưới nầy là bức thư của người bạn.
TIẾNG DÂN [1*]
Thưa
quý Báo,
Truyện
Kiều là một tác phẩm xuất sản ở đất Nghệ chúng tôi, phần đông độc giả trong
tỉnh nhiều người thuộc và thích đọc. Thích, không phải sùng bái con đĩ Kiều, mà
chính mê văn của cụ Nguyễn Du.
Chính ký giả thuở 15 tuổi đã thuộc cả toàn bộ, dầu là trong có lắm điển sách
Tàu mà tự mình không hiểu.
Một điều in sâu vào não ký giả là ngày theo học với cụ Thai Sơn, từ lúc cụ làm
giáo thọ phủ Hưng Nguyên cho đến ngày làm Đốc học tỉnh Nghệ, đã 4 – 5 năm, nào
Hán học, nào tân học, cụ thường giảng luôn mà không nghe khi nào cụ nói đến
Truyện Kiều. Ký giả nghi cụ là một người cang giới nghiêm chỉnh, không thích
lối văn phong tình chăng, nên không khi nào dám giở truyện ấy ra hỏi cụ điều
gì.
Năm 1921, cụ ở Côn Lôn về, ký giả thường lại hầu chuyện. Nhân lúc ấy ngoài Bắc
có phong triều kỷ niệm Truyện Kiều, tán dương Truyện Kiều một cách rất bồng
bột, ký giả nhân hỏi cụ đối với văn Truyện Kiều thế nào. Khi ấy cụ mới giảng
cho một bài học về văn pháp rất là rành mạch. Ký giả mới biết: Riêng về một
nghề văn chương, chỉ những người đã đào luyện tinh thâm, trải mùi cay đắng
trong nghề ấy mới hiểu được chỗ dụng ý sâu sắc của tác giả; còn những kẻ thấy
đâu nói đó, toàn không căn để, gọi là phê bình, không khác chi là gãi ngứa
ngoài giày vậy.
Một tòa kiến trúc rất công phu và tài tình, ở trong chứa những giống gì mặc
dầu, cái công và cái khéo của tay kiến trúc kia, chúng ta không đáng để mai
một. Cụ Tập Xuyên trước có bài bác Truyện Kiều, cho là không phải chính học,
chẳng qua vì phản niệm đối với kẻ “không biết xem văn, chỉ tán con đĩ Kiều” mà
có lời quá khích ấy.
Dưới nầy tôi xin thuật lời phê bình văn pháp Truyện Kiều của cụ Thai Sơn, một
là phát xiển chỗ khổ tâm của soạn giả Truyện Kiều, hai là biết văn pháp có
nhiều lối, mở đường làm văn cho người sau.
TÙNG NGƯ
THUẬT LỜI ĐÀM THOẠI CỦA CỤ THAI SƠN
Ai đã gần gũi cụ Thai Sơn, cũng biết tính cụ rất nghiêm xẵng, trong đám học trò
mà có điều sai quấy thì cụ mắng ngay giữa mặt, nhưng đến khi bình luận văn
chương mà động đến chỗ hứng của cụ thì cụ kéo mấy ngàn quyển sách trong bụng
ra, thôi thao thao bất tuyệt, nói nghe không chán.
Thuật chuyện đàm thoại nầy, có một điều mà ký giả không quên được là hình vóc
cụ nhỏ, má cóp, miệng lớn, trông bộ hết sức xấu, chính cụ Tập Xuyên đã có câu
rất thú: “Nếu ai gặp cụ Thai Sơn mà bình nhật chưa quen biết, chắc cho là người
không biết chữ nhất là một, nào ai có biết cái bụng nhỏ xép kia trong chứa vô
số sách và văn!”
Xin vào đề:
Trước hết ký giả hỏi:
− Thưa cụ, bình nhật, tôi học với cụ đã mấy năm, cụ giảng cổ văn tân thơ nhiều
mà không nghe cụ nói đến Truyện Kiều, ý kiến cụ đối với Truyện Kiều thế nào?
− Anh hỏi chuyện con đĩ Tàu, muốn học nó sao? − Cụ trả lời có hơi gắt.
− Dạ không, tôi muốn nói văn Nguyễn Du, văn quốc ngữ.
− Quốc ngữ, anh tưởng ông Nguyễn Du cũng học quốc ngữ như anh mà viết
được Truyện Kiều sao? – Cụ cũng còn hơi gắt.
−
Dạ gần đây nhân phong triều học quốc ngữ, người ta phê bình, giải thích Truyện
Kiều nhiều, tôi muốn biết ý cụ đối với những lối tán và phê kia thế nào?
−
Tán với phê! May nhờ ông Đinh Đào có thích điển một ít, nhưng mười phần
chưa được năm, còn văn pháp thì chả ai nói đến, mà văn pháp ấy học nát sách Tàu
mà chưa hiểu được, lựa là phê với tán!
Giọng
nói cụ gắt mà đã hơi dịu như ngày giảng học thường.
−
Thế ra cụ thục Truyện Kiều mà bạn học trò chúng tôi không biết vì không
nghe cụ nói đến.
−
Mình đây thục Truyện Kiều từ thuở 13 tuổi, đến nay không quên một câu
nào, nhưng ghét người đời không biết chỗ khổ tâm của tác giả, không biết văn
pháp, chỉ đọc một ít câu để ve gái, nên không khi nào nói Truyện Kiều với các
anh.
−
Vâng, xin cụ chỉ rõ một ít về văn pháp cho nghe.
−
Văn pháp nói ra thì dài lắm, từ cách kết cấu gian giá cho đến luyện tự luyện
cú, luyện cuộc, cùng thứ lớp, chiếu ứng, nói sao hiểu được, nhứt là người không
hiểu văn Tàu.
−
Tôi có học văn Tàu, xin cụ chỉ rõ đôi chỗ.
−
Ừ, ta chỉ nói một trương đầu cho anh nghe xem:
1/
Khởi đầu. – Một truyện gì hay là một bài trường thiên, khó nhứt là khởi
đầu, như bài Bình Hoài Thai Bia, [2*] của ông Hàn Dũ, khởi
đầu 7 chữ 天 以 唐 克 肖 其 德
[Thiên dĩ Đường khắc tiếu kỳ đức] người ta cho là xưa nay không mấy tay danh
thủ làm được; như bài Chinh Phụ Ngâm, mở đầu 8 chữ: 天 地 風 塵 紅 顏 多 屯 [Thiên địa
phong trần hồng nhan đa truân] bao quát đại ý cả toàn bài, lực lượng biết bao!
Truyện
Kiều, ông Nguyễn Du lấy bốn chữ Tài mạng tương đố mở đầu. Nhãn lực và
mạng ý đã cao, gồm được tinh thần toàn thiên, đó là đại cương toàn truyện.
(Cụ
có đọc cả bài thi 8 câu của Bạch Cư Dị cho nghe).
Cụ
đã hơi hứng, nói tiếp:
2/
Phản chiếu. – “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương bằng lặng, hai Kinh vững vàng”,
–
Anh tưởng là câu nhàn thoại sao? Câu ấy chính là phản chiếu với đoạn Từ Hải nổi
giặc, đạp đổ năm tòa cõi nam, ở sau.
3/
Phục mạch. – “Có nhà viên ngoại họ Vương,
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”,
–
Câu “gia tư thường thường” đó, không phải câu nói phiếm, chính là dựng cái
chứng cho chuyện “không có 300 lượng bạc chuộc tội mà Kiều đến nỗi phải bán
mình”. Ví như đánh cờ cao, đặt một con cờ, người ngoài xem như không ý nghĩa
quan hệ gì mà kỳ thực không thiếu được, thiếu là mất chiếu ứng. (Cách này gọi
là Phục mạch, cũng gọi là Trương bổn).
4/
Tá khách hình chủ. – Chủ trong truyện là Thúy Kiều, tả Kiều đẹp biết tả
bao cho vừa, cái nầy trước tả chung cả Vân và Kiều gọi là “bình tả”.
“Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười”.
Rồi
tả cái đẹp con Vân:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuông trăng đầy đặn nét người nở nang.
Hoa cười ngọc tuyết đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”
Rồi
chỉ hạ một câu:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn”.
Thế
là cái đẹp của Vân tức là đẹp của Kiều mà Kiều lại xấp mấy nữa, rút được biết
bao nhiêu cái đẹp ở ngoài ngòi bút kia. Cách nầy cũng gọi là “gia bội tả pháp”.
5/
Cân lượng từng chữ. – Tả Vân thì:
“Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Đến
tả Kiều:
“Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Trên
nói “thua”, “nhượng”, sắc trung chi hiền, đến chữ “ghen” chữ “hờn” thì rõ ràng
là sắc trung chi thánh; trong sắc giới mà có phân bậc thánh bậc hiền thì mấy
chữ đó chính là tác giả đã khổ tâm chọn lựa, nấu nướng, un đúc để tả cho rành,
không lẫn nhau.
Đó,
chỉ nói mấy câu ở trương đầu Truyện Kiều anh đã thấy tay thợ của tác giả chưa?
Thật con đĩ Tàu tu phúc mấy đời mới được ngọn bút lão học của ông Nguyễn Du tô
vẽ, mới được truyền tụng đó, chớ bản thân con Kiều ở nước Tàu, đầu trong làng
đĩ cũng không đáng nửa đồng kẽm, việc gì mà tán trinh tán hiếu? tán nhảm cả.
Nói
đến đây cụ nghỉ một hồi rồi hỏi:
–
Sao? Anh nghe những câu tôi nói đó, có hiểu được văn pháp chút nào không?
–
Thưa, những câu cụ giảng đó, thật tôi mới nghe lần đầu, chỉ một trương đầu mà
đã thú, ước gì được nghe cụ giảng cả toàn bộ thì quý biết bao!
–
Dài lắm, chỉ nói đại lược chỗ [chỗ này báo rách, mất 1 dòng – NST.]
6/
Chẩm phong tương đối. – Sau khi Kim Trọng, Túy Kiều gặp nhau, tựu trong
tâm tưởng Kiều mà tả Kim Trọng:
“Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không”
Thì
bên kia, tựu trong tâm tưởng Kim Trọng mà tả Kiều:
“Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.”
Hai
bên gặp nhau không nói một lời, chỉ sự ao ước nồng nàn trong tim đen, mà ngòi
bút nhà văn tả thấu chỗ tâm sự kín của hai bên đối nhau, rõ là “một mũi kim
thấy huyết”.
7/
Tằng thứ phân minh. – Làm văn cần nhứt là có tầng thứ, do cạn vào sâu,
do gần đến xa. Nếu tằng thứ lộn xộn là mất hẳn cách kiết cấu và lòi những điều
vô ý thức ra, như: đồng là tả tâm sự Túy Kiều nhớ nhà trong khi lưu lạc quê
người mà tả có thứ lớp:
a/
Trước hết, ở lầu Ngưng Bích:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rầy trông mai chờ,
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người dựa cửa hôm mai,
Quạt nồng đắp lạnh những ai đó giờ.
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.”
Đấy
là lần đầu, tình nặng hơn lý nên nhớ Kim Trọng trước mà nhớ cha mẹ sau.
b/
Lần thứ hai, khi ở lầu xanh:
“Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngã bóng dâu tà tà.
Dặm ngàn nước biếc non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế nầy.
Sân hòe đôi chút thơ ngây,
Trân cam ai kẻ đỡ thay cho mình.
Nhớ lời nguyện ước ba sanh,
Xa xuôi ai có thấu tình chăng ai.
Khi về hỏi liễu chương đài,
Ngành xuân đã bẻ cho người chuyền tay.
Tình sâu mong trả nghĩa giày,
Hoa kia đã chắp ngành nầy cho chưa.”
Đó
lại nhớ cha mẹ trước mà nhớ Kim Trọng sau.
c/
Lúc đã gặp Thúc Sinh thì tình có chia ra nên chỉ nhớ nhà:
“Bóng dâu đã xế ngang đầu,
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi.
Tóc thề đã chấm quanh vai,
Nào người non nước, nào người sắt son”
d/
Lúc đã gặp Từ Hải, Hải bỏ nhà đi, tả cảnh Kiều nhớ nhà:
“Xót thay xuân cội huyên già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương.
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Duyên em như nối chỉ hồng,
May ra khi đã tay bồng tay mang”.
Đây
lần đầu tiên chỉ nhớ suông, đến lần thứ hai mới tưởng việc em chắp duyên mình,
lần sau mới tưởng tượng đến em đã có con. Còn bên cha mẹ, đầu tiên nói: “Gốc
tử vừa ôm”, thứ nữa nói: “bóng dâu tà tà”, sau hết nói: “da mồi
tóc sương”… chỉ trong tư tưởng mà từ cạn đến sâu, có thứ lớp, có ngăn nắp,
đường đi trong óc như sợi tơ, rành mạch biết bao! Có đâu nói “hổ lốn xáo bần”
như truyện văn sĩ ta thường thấy.
8/
Sử bút, sử nhãn. – Về nhà làm sử nhứt là lấy con mắt bàng quan mà xem
người xét việc, ở đời quân chủ chuyên chế, trừ nhà vua ra, ai cũng là giặc [mất
1 dòng, chừng 4-6 từ – NST.] “được vua thua giặc” đó in sâu vào não nhà làm sử.
Xưa nay duy Tư-mã Thiên là có con mắt đặc biệt: Trần Thiệp là một tên dân xâu
khởi binh đánh Tần Thỉ Hoàng, Tư-mã Thiên không gọi là giặc, mà nêu là Trần
Vương và liệt vào hàng thế gia, v.v.
Về
đoạn trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng học bút pháp Tư-mã Thiên, không chỉ
không gọi Từ Hải là giặc, lại tả rõ một tay anh hùng, như:
“Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải, vốn người Việt-đông,
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Đờn gươm nửa gánh, giang sơn một chèo”…
“Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những đồ giá áo túi cơm sá gì…
Đục trời khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.”
Ai
đọc đoạn nầy cũng sinh lòng khẳng khái. Nhứt là chỗ tả Hồ-tôn Hiến với Từ Hải,
hai bên cầm ngang nhau: bên nầy gọi “Hồ công” thì bên kia cũng gọi “Từ công”,
xem bình đẳng nhau, không có ý nâng cao bên nầy đè thấp bên kia như các nhà sử
“a dua” kia. Mà theo văn tả đó thì Từ Hải cử chỉ quang minh lội lạc, khi làm
giặc thì làm giặc, mà khi hàng thì hàng, còn bên Hồ-tôn Hiến làm việc ám muội
phỉnh lừa, giết một anh tướng đã về đầu hàng, đê tiện biết bao!
Nói
dài hơi mệt, cụ uống chén nước, hút điếu thuốc lá (cụ không hút thuốc lào, khác
thói quen các quan Nghệ) rồi tiếp:
–
Thôi, nói nấy đã nhiều, nay nói đoạn kiết truyện cho anh nghe.
–
Xin cụ dạy.
–
Theo thực tế thì phần con Kiều đến “nhảy sông Tiền-đường” là hết, mà bên
Kim Trọng đi tìm cũng đến đó là rồi chuyện, nên văn Truyện Kiều cũng có ý vị
đến đoạn ấy thôi. Còn đoạn sau, nào Giác Duyên vớt Kiều, nào Kim Trọng gặp
Kiều, chỉ là theo lối sáo nhà tiểu thuyết xưa, mượn cớ “báo ứng” để khuyên răn
đời, đoạn ấy rõ là “vẽ rắn thêm chưn” nên tự nhà thức giả cho đoạn văn sau là
“không mùi” (vị sách, 味 索). Mà người
sau thêu thùa phụ họa, nào “phật lý”, nào “tu”, nào “phúc”, đều là thừa cả. Vậy
nói “kiết truyện” mình chỉ nói đến chỗ Kim Trọng biết Kiều chết ở Tiền-đường,
không nói đoạn sau.
Trước
kia mình nói một bộ truyện khởi đầu khó, mà kiết sau cũng không dễ: đoạn kiết
văn Kiều, ông Nguyễn Du đã khéo dùng các lối văn.
–
Thế nào? cụ chỉ rõ cho.
–
Anh phải biết làm văn kỵ nhứt là một ngòi bút thẳng đơ 壹 筆 直 下 (nhất
bút trực hạ) không có hồi co lại, như giòng nước chảy xuôi, mà hồi co lại
lại kỵ “nói lặp”. Nên kiết một bài đại luận có đủ mấy lối:
a/
Mau lẹ như luồng gió cuốn mo nang 疾 風 捲 籜 (tật
phong quyển thác)
b/
Khúc chiết như sông Hoàng Hà trăm dặm, một đoạn quanh nhỏ, ngàn dặm một đoạn
quanh lớn 百 里 一 小 曲 , 千 里 一 大 曲
[Bách lý nhất tiểu khúc, thiên lý nhất đại khúc]
c/
Triền miên. – Lời ít mà ý nhiều, khiến người đọc như ăn mía, càng nhai càng
nghe mùi ngon, cứ dẫn tới mãi.
d/
Giáp tự giáp nghĩ. – Cụ kể chuyện mà tự nhiên có lời nghị luận ở trong.
Đoạn
kiết Truyện Kiều nầy, ông Nguyễn Du toàn mượn lời kẻ bàng quan để thu thúc,
trước hết là lại già họ Đô. Họ Đô kể một đoạn dài gần hết ba phần đời con Kiều,
toàn là chiếu ứng về mấy đoạn đã thuật trước, tuy là kể chuyện mà trong câu văn
đã có lời bình phẩm.
Đến
đoạn gặp Từ Hải, như [mất 2 từ – NST] thì có ý vị gì đâu, nên dứt ra một khúc,
bắc cầu sang Thúc Sanh.
Thúc
Sanh kể thêm một đoạn đến chỗ Từ Hải gặp Kiều nói rõ hơn họ Đô một tý. Như kể
ngay đến đoạn Từ chết Kiều nhảy sông… thì văn ra xuôi quá, nên lại ngừng lại
một đoạn nữa, đến sau sang Hàng Châu mới biết rõ lai lịch mà câu: “Nàng đà
gieo ngọc trầm châu, Sông Tiền-đường đấy là mồ Hồng nhan, Than ôi không hiệp mà
tan” ấy là hết chuyện.
Một
đoạn vừa kể chuyện vừa thu thúc toàn truyện mà chia ra ba đợt, lời văn khúc chiết,
càng đọc càng có vị; lối văn ấy, tác giả đã hấp thụ nhiều tinh túy văn Tàu mà
có mấy kẻ để ý.
Những đoạn văn nồng thấu trong truyện
Đến
đây, nghe cuối chuyện, ký giả bèn khêu thêm một câu hỏi nữa:
–
Thưa cụ, cụ giảng văn pháp Truyện Kiều, tôi nghe rất mới. Vì lâu nay tôi thấy
vô số là lời phê câu giải mà không ai nói chỗ văn pháp thâm thúy ấy. Vậy toàn
cả Truyện Kiều cụ cho đoạn nào là hay hơn cả?
–
Văn hay không phải độc chiếc do sức nhà văn mà nhờ tình cảnh cùng sự cố
làm nền. Người xưa nói “Văn sinh bởi tình”, nên gặp cái cảnh khác thường, gặp
cái chỗ tình cảnh khó xử, cay chua đắng chát, nồng nàn đằm thắm, thì văn tả mới
có hứng vị, có chí tình. Bằng chỗ bình thường thì văn cũng bình thường. Duy đã
là tay thợ văn, dầu gặp chỗ thường cũng dùng cách phu diễn thêu thùa để che mắt
độc giả không thấy chỗ thường đó thôi, như toàn Truyện Kiều chỉ được 4 đoạn văn
nồng thấu, còn ngoài ra lối văn thêu cả.
–
Thưa 4 đoạn nào?
–
Một là lúc Kiều đã thề với Kim mà rủi gặp gia biến trao lời cho em là Túy
Vân.
Hai
là lúc Kim Trọng trở sang nhà Kiều mà Kiều đã bán mình.
Ba
là khi mới vào lầu xanh, lấy thân khuê các mà sa vào cái hầm lửa kia.
Bốn
là Từ Hải bị giết mà mình bị ép, định nhảy sông Tiền-đường. (1)
Ngoài
4 đoạn ấy là văn phu diễn tự sự, nhưng nhờ tài văn ông Nguyễn Du lưu hoạt nên
không thấy chỗ dở, chớ không nơi nào nồng thấu.
***
Đấy
là xong một bài giảng, ký giả từ cụ ra về, chép vào một bản riêng để học lối
xem văn – không chỉ văn Kiều, văn gì cũng thế – lâu nay không nói với ai. Gần
đây ký giả có gặp con cụ là ông Đặng Thai Mai, hỏi tìm thêm di trước của cụ
nhưng ông nói bị đốt mất cả. Ký giả còn bản thảo nầy, xin tuyên lên báo chương
để lưu một dấu tích “luận văn bình văn” của một nhà lão học tiên thời nhân vật
ta.
- Nguồn:
Tiếng dân, Huế, s. 1021 (số Tết Đinh Sửu, 9
Fevrier 1937), tr. 5, 7.
- Chú thích:
(1) Cả 4 đoạn văn, cứ xem trong truyện, không dẫn ra đây vì dài
quá. (nguyên chú của Tùng Ngư)
[1*] Lời dẫn của tòa soạn “Tiếng dân” có lẽ do Minh Viên Huỳnh
Thúc Kháng viết.
[2*] Tác phẩm này của Hàn Dũ nguyên gốc
chữ Hán là 平 淮 西 碑 /Bình Hoài
Tây bi/, tức là bài văn bia về việc bình định Hoài Tây; chưa hiểu vì sao các cụ
lại đọc là “Bình Hoài Thai Bi”, tạm đoán là do người ghi (Tùng Ngư) nghe hơi
lầm (Tây nghe thành Thai) nên viết ra như vậy chăng. Đây là bài
văn bia Hàn Dũ viết để ghi công lao của vua Đường Hiến Tông đã dẹp yên phiên
trấn Hoài Tây. Nguyên sau vụ biến loạn An Lộc Sơn, nhà Đường suy yếu, các phiên
trấn lộng quyền, không sợ Trung ương. Nhân dịp một trấn đem quân quy phục,
Đường Hiến Tông sai quan đi dẹp Hoài Tây. Gọi là bình, tức bình định, nhưng do
chọn tướng không tinh chiến dịch kéo dài, sau phải sai tướng khác, 4 năm sau
mới dẹp xong, coi như một sự kiện lớn, sai Hàn Dũ viết văn bia. Câu mở đầu (Thiên
dĩ Đường khắc tiếu kỳ đức, nghĩa là Trời lấy nhà Đường làm kẻ kế thừa đức
của Trời) nói cái lý để về sau các việc dù gặp khó mà sau lại thành công. – Chú
thích này là do nhà giáo Trần Đình Sử tìm và giải giúp; xin cảm ơn anh Sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét