Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

SONG BÍCH KỲ NHÂN: NGỜI SÁNG CHỮ TÂM! SÓNG SÁNH CHỮ TÌNH! (Tiếp theo)

  Đường Văn
 
SONG BÍCH KỲ NHÂN:
NGỜI SÁNG CHỮ TÂM!
SÓNG SÁNH CHỮ TÌNH!
(Tiếp theo)
(Đọc bộ sách: Thơ Bạn thơ 6, Vườn 5 nhà 2, Chém gió muôn màu 2. 
Đồng Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên; NXB Hội Nhà văn, 2016…)
ĐƯỜNG VĂN
 
Chém gió muôn màu 2 (2016): 297 trang; về số lượng: nhiều hơn; chất lượng, hay hơn, đa dạng hơn, sâu lắng hơn và mạch lạc hơn, nếu so với Chém gió 1 (2015), 234 trang. Thực chất, đây là một tập tuyển văn phê bình, trao đổi văn chương của nhiều tác giả với cách viết và trình bày khá mới lạ, uyển chuyển và sáng tạo.
          Điều này được thể hiện trước hết ở cái nhan đề vừa tung tẩy, dí dỏm, dân dã vưà hiện đại, hấp dẫn: Chém gió muôn màu. Chém giónổ, mang tính khoa trương, cường điệu,… lại còn muôn màu muôn vẻ! Thứ nữa là 1 khái niệm thể loại đầy hình ảnh, hình tượng, đậm tính chủ quan, gợi mở, có thể gây tranh cãi trong giới phê bình nghiên cứu văn học hàn lâm: Đò đưa. Vấn đề ở đây là chúng ta hãy xem các nhà thơ – nhà văn – nhà phê bình chuyên và không chuyên đã chém gió – đò đưa chính bản thân mình (Phần 1: 7 khúc Tôi chém gió tôi); chém gió người khác (Phần 2: 9 đoạn quần hùng chém gió tôi), bạn bè phê bình tác giả (Phần 3: 15 nhịp quần hùng chém gió tôi) và cuối cùng là Phần 4 như một thanh dài 7 nhát của Nguyễn Nguyên Bảy chém gió sau chuyến thăm nước Nga từ năm ngoái năm kia, nhớ về những kỷ niệm học tập tiếng Nga và dịch văn học Nga, đầu những năm 60 thế kỷ 20 xa lắc…
          Từ thành phố Hoa Kỳ Seattle, nơi gia đình các con cháu tác giả hiện đang cư ngụ,… Nguyên Bảy trải lòng bằng 7 khúc thơ văn xuôi vừa ròn rã tiếng chào Hello quen thuộc vừa đằm thắm, dịu dàng, dựng cảnh Seattle sang thu, với ngôi Chùa Việt ở nơi này, thoắt sang Tuần trăng mật kỳ lạ, hòa Bài tình viết chung ở vịnh Alki với Bản buồn ở chợ trời Seattle và kết phần, kết tập sách phê bình – tản văn - hồi ức độc đáo bằng nỗi cô đơn, chiêm nghiệm: Một mình.
          Kết cấu – bố cục một tập văn đò đưa mang thương hiệu BNN như thế chẳng khác người, thú vị và độc đáo sao?!
          Phần 1: 7 khúc Tôi chém gió tôi! Chính là 7 bài tự phê bình bản thân chân thành, nghiêm khắc hết mực nhưng cũng đầy tự tin. Từ cách mở đầu bằng khúc Cảm ơn và trân trọng giới thiệu sách qua việc bàn luận bài thơ viết sau cơn mơ: Viếng thọ BNN/ U 80 rồi, mong chi nữa của lão Bát Nguyễn Khôi phố Vọng, Hà Thành. Qua đó, thấy rõ  lòng yêu đời, yêu thơ, sức sống thanh xuân và khát vọng lao động, cống hiến nghệ thuật của Nguyễn Nguyên Bảy U80 đít chơi vơi, vẫn đang nồng nàn, ngùn ngụt.

          Quan niệm về Thơ nói riêng về văn chương nghệ thuật, về con người và cuộc sống nói chung của Nguyễn Nguyên Bảy được xác định từ rất sớm, đầu những năm 70 thế kỷ trước, (dám nói ra công khai quan niệm ấy trong điều kiện, hoàn cảnh xã hội miền Bắc Việt Nam bấy giờ đã là đầy bản lĩnh dũng cảm. Vì quan niệm ấy mà phải chịu đựng những tai nạn nghề nghiệp, vẫn kiên trì thực hiện như một tín niệm trung thành và xác tín qua 12 chữ vàng mà anh nhiều lần nhắc đi nhắc lại: Thơ là Thơ. Thơ không phải là địa vị của người làm thơ. Chịu đựng và vượt qua để tiếp tục vươn lên, tự khẳng định lối sống, lối viết của mình, không chỉ thể hiện một bản lĩnh, một tư duy dũng cảm mà còn là một căn bản nội lực thâm hậu, sung mãn hiếm có.
          Càng đọc, tôi càng tâm đắc và chia sẻ với bài lục bát 24 câu Chân hương vốn được viết ra để tụng tiễn nhà thơ trẻ Phú Thọ tài hoa yểu mệnh Lãng Thanh (1977 - 2002). Nhưng đó cũng chính là quan niệm nghệ thuật của BNN biểu hiện gián tiếp bằng hình tượng thơ triết lý và triết lý thơ trữ tình:
          Cháy rồi, cháy hết phần thơm/Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/Rồi màu phẩm nhuộm qua đi/Dẫu chẳng còn gì, vẫn đứng chân hương!
          Đã vô vi mà vẫn buồn?! Đã hướng Đạo mà vẫn chẳng quên Đời! và Dẫu chẳng còn gì (thể xác, vật chất), vẫn đứng chân hương (tinh thần, tinh anh). Đó là triết lý Nguyễn Du – Truyện Kiều (Thác là thể phách, còn là tinh anh!) được diễn đạt  bằng ngôn ngữ, hình ảnh thơ đời thường dung dị mà triết lý, và hiện đại.
          Hơn nửa thế kỷ qua, quan niệm văn chương ấy là cái gốc, kim chỉ nam hướng dẫn mọi sáng tác và hết thảy những khúc đò đưa thơ văn ký tên BNN.
          Phần 2: 9 đoạn chém gió (NNB phê bình, cảm luận, nhận xét, bình giải) quần hùng (bầu bạn). Thú vị và đa dạng ở đây là có cả những đò đưa duyên dáng về tranh chữ tuyệt chiêu, đẹp tĩnh/động, thăm thẳm biến hóa (thư pháp Việt) của lão thi sỹ - nhà thư pháp Bùi Hạnh Cẩn (cũng là người rất am tường về những lĩnh vực này) trên cơ sở những kiến thức uyên bác của một bậc thầy về Dịch học và Phong thủy. 3 bài tiếp theo: Phong thủy phục sinh trong đời sống đương đại Phỏng vấn BNN của Nhật Lệ), Thư trả lời bạn đọc về việc hoạc Dịch và Phác thảo một căn nhà Phong thủy giúp bạn đọc phổ thông quan tâm đến lĩnh vực này không ít kiến thức và kinh nghiệm bổ ích. Những nhát đò đưa khoan nhặt về thơ Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Hậu, thơ tình Ngô Thế Oanh tặng vợ chồng BNN qua bản dịch tiếng Anh của Trần Đình Hoành, và Cùng Văn Chinh trên Mùa màng văn học đã cổ vũ, khích lệ một nhà phê bình văn học tự học với những phân tích, chia sẻ thấu đáo, tinh tường, với những chiêm nghiệm và gan ruột:
          Trong bình văn chỉ nên phân giải, bình luận, ngợi ca có lý, có tình; chớ nên chê mắng, lại càng không nên dùng tiếng chửi. Cứ thẳng thắn lời lý mà thoại chẳng đẹp hơn sao? (tr.89,CGMM2).
          Phần 3: Đọc 15 nhịp Quần hùng chém gió tôi, tôi hoàn toàn với đồng hành với cố GS Hoàng Như Mai về khái quát sâu sắc mang tính phát hiện khoa học: Có một thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Nghĩa là nó đủ phong phú và đậm sắc nét riêng làm nên sự khác biệt độc đáo, định hình một phong cách Thơ khó trộn lẫn trên thi đàn Việt Nam vài chục năm lại nay. Đò đưa của Hạt Cát Bùi Cửu Trường bài thơ Tích roi mây (BNN) ngữ lạ, tứ lạ trong 1 bài siêu thơ lạ… như một tụng ca hơi đẩy mạnh mái chèo, nhưng lời khuyên bạn đọc nên đọc bài thơ này bằng tâm bằng trí và bằng cả sự khôn ngoan suy đoán lẽ đời (tr. 101, sđd); (kinh nghiệm, trải nghiệm, xét cho cùng cũng vẫn thuộc về trí tuệ) cũng như lời khuyên của Phùng Thành Chủng: Đọc thơ NNB phải có nhiều kiến văn (tr. 105) là những lời khuyên thận trọng, có cân nhắc, nên theo. Nếu Miên man cùng Sông Cái mỉm cười (Trần Vân Hạc), Thắp nén nhang cho Sông cái mỉm cười (Đào Trọng Khánh),Đọc trường ca SCMC (Mai Anh Tuấn) là ba khúc đò đưa tràn đầy nhiệt hứng, cảm xúc đồng điệu nhưng chưa thực sự phân giải mạch lạc, sâu sắc những đóng góp nghệ thuật của tác giả với tư cách thi pháp thể loại trường ca thì NNB, thơ là thơ của Nguyễn Văn Hòa (Phú Yên) đưa những nhát chèo đằm sâu, khá toàn diện về đặc sắc thơ BNN, tuy hơi bị tham dẫn chứng minh họa. Hoàng Xuân Họa bước đầu trông ngắm và khám phá núi thơ BNN với ngôn ngữ ngồn ngộn, hình ảnh thăng hoa, dùng từ “tàn bạo”Hoàng Xuân Họa hết cùng BNN bơi lội và phiêu bồng trong những dòng sông, lại lên bờ nghe Lời ru dưới những mái nhà, Trằn trọc ru, Cuối ru… mang mang buồn nhân thế (tr. 155, sđd). Tùy văn Tô Hoàngđò đưa của Minh Thi cho người đọc nếm vị ngọt ngào, trong vắt của giếng thơ Nguyên Bảy.
          Đặc biệt, những dòng dưới đây của Nguyễn Minh Khiêm về thơ BNN:
          Mới. Lạ. Mở. Gợi. Dạt dào cảm hứng. Ý  tứ mênh mang. Chữ như mây vỡ. Rất thực mà ảo. Rất ảo mà thực. Tình chắp cánh cho trí bay lên. Trí găm tình người ở lại… Đa thanh. Hiện đại. Viết như mê, như say, như không, như… chơi! Không khuôn mẫu, không lặp lại. Biến hóa. Sáng tạo. Nhuần nhuyễn. Đầy chất thơ! (tr. 165; sđd).
          Theo tôi, là những khái quát sâu sắc, chính xác, toàn diện, tuy cũng chưa thật đầy đủ về giá trị và phong cách thơ Nguyên Bảy. Có điều, sự phân giải, chứng minh của anh Khiêm cũng chưa thật phong phú, cụ thể, tường minh và thuyết phục.
          Đạo diễn điện ảnh – nhà văn Mai An Nguyễn Anh Tuấn, với 8 bài đò đưa lien tiếp, công phu: Thử mở một cánh cửa vào thế giới thơ NNB từ bình diện thể loại: Hòa quyện  tự sự (giống Kệ Phật giáo, lại giàu trực cảm) – với trữ tình tâm tư, tâm trạng đến bình giải 1 baì cụ thể Quan họ không ngoại tình để thức nhận những hình tượng quá phong phú, phức tạp nơi bài thơ đau xót nhất mà ấm nồng bậc nhất,… khi giữa thời đại cả nước hát hùng ca thì ở đây lại âm âm lời Chinh phụ, lời Kiều - bè trầm là cảm hứng chủ đạo tác giả Việt kỳ khôi! (tr. 183, 184)… thì quả là kỳ khôi, trái khoáy, khó chấp nhận!... Hình ảnh người Mẹ trong hoài niệm và tâm thức của người con với chùm thơ Phật hát, Mẹ khóc, Mùa tứ quý,…
          Với cách đọc kỹ lưỡng, người viết đã phân tích, so sánh đa chiều, giúp bạn đọc thêm hiểu thêm yêu thơ về Mẹ của NNB và những đóng góp, sáng tạo nghệ thuật riêng của ông qua thể tài truyền thống này.
          Trong phần 4, tôi yêu và đồng cảm chia sẻ nhất với 7 đoạn chém gió với gấu Nga không chỉ bởi  cách viết đậm chất tản văn - du ký - hồi ức, mà vẫn nóng hổi tính thời sự, nhờ bản dịch bài báo chính luận Nga sắc sảo. Những hồi ức không chỉ làm sống lại những hoài niệm ấm lòng về những đêm trắng Nga, về bà giáo Nga hiền hậu, thông minh mà còn khiến tôi bồi hồi nhớ lại, sống lại những năm tháng sinh viên học hành trên đất nước Nga vĩ đại và thân yêu…
          Tóm lại, trong cảm nhận của tôi, Chém gió muôn màu 2 là một tập sách phê bình văn chương sáng giá và độc đáo, có giá trị tư tưởng - thẩm mỹ sâu sắc, lành mạnh, hiện đại, rất  nên đọc.
(Còn tiếp một kì nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét