Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

SONG BÍCH KỲ NHÂN: NGỜI SÁNG CHỮ TÂM! SÓNG SÁNH CHỮ TÌNH! ( tiếp theo và hết)






SONG BÍCH KỲ NHÂN:
NGỜI SÁNG CHỮ TÂM!
SÓNG SÁNH CHỮ TÌNH!

(Đọc bộ sách: Thơ Bạn thơ 6, Vườn 5 nhà 2, Chém gió muôn màu 2. 
Đồng Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên; NXB Hội Nhà văn, 2016)

ĐƯỜNG VĂN


Vườn 5 nhà 2 (2016), nối tiếp Vườn 5 nhà 1 (2015), có thể xem là một hợp tuyển 5 tập thơ chọn lọc của 5 tác giả ở các vùng miền khác nhau trên đất nước ta, với tuổi tác, nghề nghiệp, kinh lịch, cá tính nghệ thuật khác nhau, dựa trên ý tưởng vừa tập trung vừa mở rộng hơn về tác giả và tác phẩm thơ trong một cuốn sách. Người tuyển chọn và đò đưa luận bình, giới thiệu chủ yếu là chủ biên BNN và một vài nhà thơ, nhà văn chuyên và không chuyên khác: Phùng Thành Chủng, Trần Vân Hạc… dựa trên tiêu chí cơ bản: Thơ Hay! Thơ là Thơ! Nghĩa là ưu tiên số 1 với mỗi bài thơ là chất lượng tư tưởng thẩm mỹ thể hiện trong tứ thơ, hình tượng, sự mới mẻ, khác lạ, hấp dẫn, đa nghĩa, đa thanh, cá tính riêng trong ngôn ngữ thể hiện, trong cấu trúc bố cục văn bản… Nhìn chung, mức độ chưa thực đồng đều (được 100% mới thật lý tưởng!), nhưng khoảng cách giữa các tác giả, các vườn thơ là không lớn, trong mỗi vườn thơ, mỗi bài thơ, là không nhiều. Từ mỗi tác giả, có thể chọn tiếp một vài bài, câu, đoạn vào loại hay, đã trở nên ít nhiều quen thuộc với người đọc yêu thơ. Đó là ưu điểm lớn nhất, rõ nhất của tập tuyển.
          Người đọc, sau khi đọc kỹ từng tác giả, nếu lùi lại, đọc chung toàn bộ sách, đã có thể nhận ra sự khác biệt ít nhiều về phong cách và ngôn ngữ thơ của từng người, tất nhiên tùy mức độ đậm nhạt, gợi nghĩ, gợi liên tưởng, tưởng tượng khác nhau, và tùy từng bạn đọc có thể chia sẻ hay phản biện đôi điều hữu ích hoặc chưa đồng thuận. Đó là ưu điểm thứ hai cần ghi nhận.
          Cụ thể hơn, lần lượt đọc sâu hơn vào từng tác giả - tác phẩm, tôi nhận ra:
                                                          ***
          Nguyễn Nguyên Bảy viết Phần mở đầu sách gồm các bài Lời thưa – Cảm ơn của vợ chồng chủ biên viết năm 2012, in lại vào tất cả các tập trong bộ sách. Bài Thơ là Thơ (Khúc Tựa) của BNN nhằm khẳng định, nhấn mạnh quan niệm nghệ thuật cốt lõi của chủ biên về Thơ, làm tiêu chí, cơ sở lý luận cho việc tuyển chọn, biên soạn, đò đưa của cả nhóm biên soạn. Tiếp theo là trích 30 đoạn thơ văn xuôi xen kẽ lục bát, nhan đề: Thủ thỉ tuổi thơ như những hồi ức, những tia hồi quang lấp lánh ánh thơ hoài niệm về quá khứ ấu niên qua tuổi thanh niên trưởng thành, về những người thân trong gia đình: bà ngoại, bà dì, mơ ước vợ chồng tương lai, những năm đi học trường làng, hình ảnh và chuyện kể về thầy, bạn, về cha, mẹ và kết bằng những dòng ôn lại tuổi thơ của bản thân để thỏa niềm mong ước tuổi thơ con cháu sẽ được rực rỡ, yêu nhớ suốt đời.
          Phần mở đầu xen kẽ văn xuôi và thơ văn xuôi, thơ và đời, lý luận thơ và thực tiễn cuộc sống là một chủ đích nghệ thuật của chủ biên, đồng thời cũng bước đầu hé lộ một nét phong cách lý luận thơ BNN: sự phong phú đến rậm rạp của hình tượng và ngôn từ bắt nguồn từ trí tưởng tượng phóng túng, liên tưởng bất ngờ dựa trên một sức nhớ bền dai, đáng nể; tư duy luận lý chặt chẽ, triệt để...
          Phần chính thơ tự tuyển của NNB trong tập này được ánh xạ bởi câu đề từ là lạ, không dễ giải ảo tường minh: Chuyền tay chữ hát xuống thuyền (?!) gồm 5 bài thơ dài mà tác giả gọi khi thì là Trường tụng, khi là Trường ca. Theo chúng tôi, cũng chỉ là 1 thuật ngữ: Trường ca (bài thơ dài hàng trăm câu, hỗn hợp thể thơ, có thể có hoặc không có cốt truyện, nhân vật, kết hợp kể - tả - biểu hiện (cảm xúc, tâm trạng); cảm hứng trữ tình nồng nàn – sâu lắng – mở rộng từ đời tư ra thế sự, cấu trúc nương theo cảm hứng mà không theo logich cốt truyện hoặc nhân vật)… mà thôi!
          Trường ca BNN miên man theo dòng cảm xúc, trải dài, cuồn cuộn như dòng sông thơ ăm ắp, laị như núi thơ sừng sững chon von, trập trùng men lên đỉnh trời không gian bát ngát và tựa giếng thơ trong veo, thăm thẳm tư duy, hồi ức, liên tưởng…
          Âm dương, mới đọc thấy hơi bị rối trí vì sự nhập hòa giữa hai thế giới dương âm, người sống với hồn ma, quá khứ mờ xa với hiện tại tựa hờ vào những mảnh đời và sự ra đi cùng các đám tang của cha, của mẹ, của chị, của anh… để suy ngẫm và cảm thán về lẽ đời, bản thân tâm sự và nhắn nhủ con cái, cùng thằng cháu đích tôn hãy còn nhỏ dại… Nhưng chung quy vẫn là chiêm nghiệm về bản ngã của mình trước cuộc đời và mục đích sống:
          Đời cũng muôn màu/Sao không sống tận cùng hương sắc/Nếu người sống còn nhớ thương người chết/Xin sống dùm phần dang dở đời tôi/Anh gật đầu cho hồn tôi trong suốt gương soi/Cười bay vùng cực lạc.
          Trường ca Tứ tụng bốn mùa thực chất là một chùm thơ tương đối độc lập được ghép nối với nhau trong 1 chủ đề chung, nổi lên hình tượng bao trùm: Tụng ca người Mẹ với những cạnh khía khác nhau: Phật hát, Mẹ khóc, Tứ quý, Mẹ ru chắt ngoại, Mẹ dặn bạc đầu, Mẹ gặp người trời… Hiện thực hiện tại càng mờ nhạt để hồn thơ lúc tung hoành, khi đắm chìm trong thế giới hồi ức và tưởng tượng phiêu bồng. Chất Thiền và chất dân gian làm kết dính khiến cho chùm thơ có vẻ tản mạn này vẫn đảm bảo tính thống nhất ở tầng sâu tư tưởng.
          Trường ca tình yêu Ô cửa vầng trăng da diết và man mác, đắm đuối những tình cảm tiếp nối theo dòng thời gian cuộc đời: tình yêu, tình vợ chồng thủy chung, trải bao tháng năm mà vẫn tương kính như tân. Tuy nhiên, có một vài so sánh, thể hiện tưởng mới mẻ, nhưng e vẫn thật thà, chân mộc:

          Chúng mình yêu nhau như đất hút nước/Hút chín tháng mười ngày/Em tặng anh một quả trai…/Em tặng anh  thêm một tiên nga/Nếp tẻ thế là đủ cả/Mơ mong gì nữa người ơi!…
          Trường ca Gia phả là sự tiếp nối từ chủ đề đến hình thức biểu hiện của Ô cửa vầng trăng như một hệ quả, kết quả tất yếu. Sông Cái mỉm cười khép lại chùm trường ca chọn lọc của BNN với đoạn đò đưa ngắn của Đào Trọng Khánh, như thêm một nén hương lễ tạ gia tiên trước thểm năm mới, theo cách của tác giả.
          Đọc SCMC, tôi cứ nghĩ tới bài thơ sử thi dài hùng tráng, dào dạt Cửu Long Giang ta ơi (Nguyên Hồng) Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm). SCMC khác 2 bài thơ dài trên ở hướng đằm sâu trong sóng sông Hồng, với những ký ức tuổi thơ và gia đình riêng của mình. Nhưng những câu: Mỗi người mang theo một dòng sông Caí/Trong anh, sông Cái mỉm cười/Và anh tin lòng con anh/Sông Cái cũng mỉm cười… chẳng đã vừa bộc lộ nét riêng của BNN mà vẫn rất rõ nét chung của tâm thức, tâm tình Việt khi viết về những dòng sông Việt của người Việt Nam mình đó sao?
          Tôi cho rằng về thơ BNN nói chung, trường ca của ông nói riêng, trong tương lai, cần có những chuyên luận nghiên cứu một cách hệ thống và sâu sắc hơn.
                                                                ***
          36 bài thơ chọn lọc đủ để làm nên một vườn thơ tỏa hương sắc riêng của chủ vườn Phùng Thành Chủng. Mời bạn đọc kỹ bài đò đưa giới thiệu khá độc đáo, dưới hình thức một bức thư văn chương của BNN tự bút như người dẫn lối đáng tin cậy vào vườn thơ họ Phùng. Trong cảm nhận của tôi, thơ Phùng Thành Chủng cô đọng, luôn có ý thức đúc lời, đúc câu, trau chữ. Triết lý bằng hình tượng cụ thể lại dí dỏm, hóm hỉnh. Bài Soi gương là một ví dụ tiêu biểu: Nghĩ trẻ là trẻ/Thấy già là già/Hai thằng đồng tuế/Nhìn nhau cười khà. Nhưng có lẽ vì quá mê lối thơ phu chữ, vụt hiện của các nhà thơ Lê Đạt, Hoàng Hưng, Dương Tường nên đôi khi anh vẫn chưa vùng thoát khỏi những cái bóng lớn ấy chăng (Lê Đạt, Tình thiên thu)?!
          Gọi đò nhuyễn hơn tâm trạng hòa với suy tư khởi lên từ một tình huống thực. 2 câu cuối thật hay: Trách mình, lại trách cơn mưa/Trách người sang chỗ đứng chờ vội quên. Có thể: tứ sâu, bất ngờ, nhưng lời hơi bị khô…Cha con cảm động và tinh tế trong cái nhìn vừa đối lập vừa tiếp nối, kế thừa – những quy luật cuộc đời:
                   Thời gian muối tiêu theo số đếm/lại đang xanh từ búp tay con
          Các bài Tạ tội với bạn đời, Dó, Lên chùa đều sắc sảo, khiến người đọc ngạc nhiên khi lập tứ, chọn lời.
          Nói chung, Phùng Thành Chủng mạnh về thơ ngắn, nhất là thơ 4 câu, tứ tuyệt. Trong khi BNN lại nghiêng sang những bài thơ dài, những trường ca… Mỗi người hay một kiểu!
                                                          ***
          Thơ Nguyễn Minh Khiêm được đọc chọn 28 bài, quy vào 4 chủ đề: Tu thân. Tình yêu quê làng quê, Đất nước. Tụng ca Mẹ. Chiến tranh với cái nhìn nhân bản của người lính. Bài Đá  2 câu chơi chữ tả chiều: Hoàng hôn vỡ tím cả chiều Con cào cào nhún gẫy cả hoàng hôn. Lục bát Đất làng mình rõ chất dân gian quê kiểng thôn dã mộc mạc, nhưng có phần chưa thật rõ chất Thanh Hoá (mặc dù có cả 1 bài thơ dài Cứ về Thanh Hóa một lần liệt kê ra khá nhiều địa danh xứ Thanh!): Lạ thay cái đất làng mình/Bỏ quen sợi tóc cũng thành ca dao; Vẫn là lối ôn nghèo nhớ khổ truyền thống trong niềm tự hào không giấu diếm: Đói nghèo bấm nát bàn chân/Thắp hương gọi mãi mùa xuân chưa về/… Miếng cà nhai tự ngày xưa/bây giờ nghe lại vẫn chưa hết giòn! Chùm thơ về Mẹ có những câu rưng rưng, thành thật: Con đã lạc chỗ ngọn roi mẹ không đụng tới (gợi nhớ vô tình đến bài Tích roi mây (BNN)… Chỗ mẹ để con đứng ngoài tâm bão/Nghe giọt mưa thút thít phía sau nhà (Giọt nước về thưa với mẹ).
          Ở chủ đề vịnh sử, Nguyễn Minh Khiêm cũng nêu những suy nghĩ mạnh bạo, mang tính phản biện, đáng trao đổi rộng rãi, không chỉ bằng thơ (về An Dương Vương, Trần Thủ Độ, Lê Lợi (Nếu không về Lam Kinh). Bài Thỉnh chuông Đồng Lộc nên dừng ở đoạn lục bát ấn tượng, tụng ca thành kính, xúc động với cách nói mộc mạc… là đã đủ ý, vừa lời:
          Tuổi tên các chị thành trầm/Cho non nước mãi nghìn năm màu cờ…/Mấy lần mây trắng thành bà/Các chị mãi mãi vẫn là các em!...
          Tiếng cừu trưa Ninh Thuận ngắc ngoải há mõm kêu ẹ ẹ vì khát nước như xé nắng, gọi mưa, xé đất khóc tìm ngọn cỏ ở một trong những miền đất Nam Trung Bộ chịu hạn hán nặng nhất nước ta, trở thành tứ thơ độc đáo với cái kết nhân ái học theo lối thơ của bậc Đại Thi bá Trung Hoa (Đỗ Phủ - Mao ốc vị thu phong sở phá ca):
          Trong giấc mơ, tôi thấy mình hóa cỏ/Ngút ngát xanh, tít tắp dưới chân cừu.
                                                        ***
          Nguyễn Khôitrai Đình Bảng, Bắc Ninh, lão bát Phố Vọng, Hà Nội - làm thơ, viết văn cũng đã hơn nửa thế kỷ nay. Càng già, cảm xúc và bút lực ông càng sung mãn, tung hoành. Thơ đăng trên các blog liên tục, hằng ngày. Dường như đi tới đâu, ông cũng có thể làm thơ, gặp chuyện lớn nhỏ gì cũng có thể thành thơ. Hiện thực gai góc sù sì hay thơ mộng, dưới mắt ông, cũng có thể bật ngay tức thời thành thơ hào sảng, khá quyến rũ, một chút kiêu ngạo đáng yêu, một chút ngất ngưởng nửa quan/nửa dân và một chút tham vọng ẩn tàng … Tôi cho rằng nhà đò đưa BNN đã bắt trúng cái thóp thơ của tác giả U 80 còn mong chi nữa!
          Nguyễn Khôi viết nhiều, liên tục, không ít bài đọc được, không ít bài khá. Duyên dáng, hóm hỉnh như Ao làng phải tắt trăng khi em ra tắm đêm; Uống chén rượu Thiệu Hưng (Triết Giang, Trung Quốc), nhớ AQ làng Mùi của Lỗ Tấn, khà một tiếng cảm khái, mà rằng: Ai say thời cuộckhông Chí Phèo!
          Chiều phố Vọng là một trong những bài thơ gợi được cái hồn phố Hà Nội ở khổ thơ đầu:
          Nắng óng ả xanh cao chiều phố Vọng/Hoa sữa vương hương cốm đầu mùa/Em xuất hiện như thiên thần lồng lộng/ Rất diệu kỳ mà lại rất thơ.
          Tuy 2 câu sau cứ xui tôi nhớ tới những câu thơ tình nổi tiếng của A. Puskin:
Trước mặt tôi, em bỗng hiện lên/Như hư ảnh…, như thiên thần sắc đẹp trắng trong.     Và cách nói của câu 4 thì quả đã quá quen rồi!
          Nguyễn Khôi đi nhanh: Xe máy phóng ào ào! Viết khỏe. Một số bài thơ, đoạn thơ gần với văn phóng sự báo chí, đậm ngập tính thời sự tân văn. Nhưng những bài đọng lại được ít nhiều trong tâm trí người đọc, có lẽ vẫn là những bài nhớ quê, về quê, hoài niệm làng quê Kinh Bắc đang mạnh mẽ trên đường đô thị hóa:
          Ta là kẻ lạc loài chán chê phố thị/Chàng nhà quê mê kéo vó đêm/Thả hồn thơ cùng chị Hằng tăm cá/ Cánh tay trần cất cả ánh trăng lên!/Ta muốn quên cái thời đang biến động/Chỉ vài hôm đã sạch lũy tre làng/ Cánh đồng xanh đã thành đô thị mới/Ở giữa quê như chẳng có Quê  Hương! (Xóm cỏ).
          Tôi thích nhất 3 chữ tình líu ríu chan chứa yêu thương, lá lành đùm lá rách của những người dân nghèo xóm bụi, xóm liều ngụ cư trên cánh bãi sông Hồng:
          Phong phanh áo vá không hộ khẩu/Mà tình líu ríu níu thương nhau!
                                                           (Mồng một Tết chơi bãi sông Hồng).
          Thơ Nguyễn Khôi, nhìn chung về thể thơ, thành công hơn cả là những bài thơ cổ thể thất ngôn hoặc ngũ ngôn luật Đường dựa trên nền tảng kiến văn khá sâu rộng về văn hóa - văn học Trung Hoa trung đại, nhưng tâm hồn lão bát vẫn rất trẻ tráng, thanh xuân. Có lẽ đây mới thực sự là mùa thu vàng lần thứ hai của lão thi hữu đó chăng?
                                                             ***
          Thơ Trúc Linh Lan tràn đầy nữ tính, duyên dáng, nhiều trải nghiệm và đậm đặc phong vị Lục tỉnh Nam Bộ, miệt vườn Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về.
           Đó là nét riêng rõ nhất, nổi trội nhất trong thơ chị.
          Nhưng theo tôi, Hãy khắc em vào trái tim anh, khiến cho nhiều người đọc đồng cảm, chia sẻ chính là bởi sự giãi bày một tâm trạng, một tình cảm, tình yêu chân thành, chung thủy với người yêu bằng mối tình của mình, chứ không phải ở cái nhan đề, ở cấu trúc bài thơ và cách biểu hiện ngôn từ, lại bộc lộ sự sắp đặt cố ý. Điệp câu: Anh đừng khắc em vào… Lý giải. Câu kết: Anh hãy khắc em vào trái tim anh!
          Một nhà thơ đã nói rất hay: Đọc bài thơ hay, người ta sẽ quên đi câu thơ, chỉ còn thấy tình người! Bài thơ này là như vậy. Câu thơ cuối, tôi ngờ rằng ai cũng muốn nó là của mình: Mỗi nhịp đập/thăng hoa thành nỗi nhớ!
          Bồi hồi đồng bằng cuốn hút tôi từ những hình ảnh thiên nhiên đậm đặc Nam Bộ đằm trong cảm xúc và tâm trạng của người phụ nữ miền Nam:
          Thằng bù nhìn rơm ủ rũ/Tiễn con nước đi rồi tơi tả ước mơ/ Con cá lóc ngược về mừng mừng tủi tủi/Theo sau, bầy lòng ròng náo nức sinh sôi/Cúm núm gọi bạn tình mơ chuyện lứa đôi… rồi bìm bịp nín thinh nhìn cánh lục bình tím ngắt/Câu lý giao duyên óng ả trăng rằm/Điệu hò phương Nam rừng tràm bát ngát/Xuồng lưu niên rong ruổi kiếp thương hồ
          Cứ như thế, ngỡ không biết đến bao giờ mới kết bài và kết như thế nào cho thỏa, cho xứng?!... Cho nên 2 khổ cuối làm tôi hết sức ngạc nhiên vì nỗi nhớ quê hương miền Bắc của chị. Tình thương mìền Nam đã từ lâu hòa quyện với nỗi nhớ quê miền Bắc: hoa đào, câu Kiều – cành mai - lý giao duyên vọng cổ…Trong tim chị, cũng như trong tim mỗi chúng ta, đâu cũng là đất nước Việt Nam mình! Các bài: Hà Nội mùa trở gió, Hoài niệm khúc tình xưa, Mai ta về, Hà Nội chớm vào đông… cũng đau đáu những hoài niệm, gặp gỡ, nhớ thương, tình Nam nghĩa Bắc như vậy. Đó cũng là một nét đẹp, nét riêng trong thơ tình quê hương đất nước của Trúc Linh Lan.
          Vọng một tiếng đờn (kìm) ngân rung nỗi lòng người xa quê trong câu đờn ca tài tử, gợi trường liên tưởng thao thiết biết bao nhiêu: Con vạc thả ngang trời tiếng kêu lưu lạc/Khúc đờn kìm nước mắt tuôn rơi/Nhớ khói đốt đồng, nhớ hương gạo mới/ canh chua nấu bần/cá sặc kho khô…
          Buồn đến thúi ruột thúi gan! Những câu thơ ngậm ngùi, đọc rơi nước mắt xót thương cho chiếc lá cuối đời vẫn nguồn cội đường xa. Trúc Linh Lan đã góp vào thi đề xa quê - nhớ quê cách nói của riêng mình.
                                                                ***
          Tiếng thơ Hà Thị Trực là tiếng thơ của một tấm lòng phụ nữ Việt Nam đã và đang sống định cư ở nước ngoài (CHLB Nga), không nguôi khắc khoải hướng về Tổ quốc quê hương như một tất yếu, một lẽ dĩ nhiên, được bày tỏ một cách trực tiếp, thẳng thắn, mộc mạc mà trĩu nặng những đau đáu nhớ thương da diết:
          Ai ra đi chẳng nhớ về nguồn cội/Da diết hơn khi ở tận xứ người/ Càng đau đáu hướng lòng về đất mẹ/Bởi đói nghèo cam phận sống tha phương (Vọng cố hương).
          Những câu thơ gan ruột của chị chính là những câu giãi bày tâm trạng cô đơn đến ngơ ngẩn, nỗi sầu xứ, hoài hương từ xứ sở bạch dương tuyết trắng:
          Xứ người lạc lõng thơ ca/Xứ người mờ mịt, quê xa mịt mờ!/Nắng có đợi, mưa có chờ/Bóng chim tăm cá… ngẩn ngơ ra vào (Chỉ là mơ).
          Tôi hoàn toàn chia sẻ với tác giả tâm trạng ấy. Bởi tôi cũng đã từng trải qua tâm trạng như thế trong suốt 6 năm trời du học đằng đẵng ở Kiep (Ucraina) và Kraxnođa (Nga) thập kỷ 80 thế kỷ trước. Nhiều buổi chiều, một mình thả bộ trên bờ sông  Đnhiep, hoặc sông Cuban xanh trong lững lờ chảy, bên kia là những cánh đồng lúa mì Ucraina, cánh thảo nguyên Nga mênh mông, chạy tới chân trời, ngước lên bầu trời cao thăm thẳm, lòng tự ngâm thầm mấy câu Kiều cho khuây nỗi nhớ nhà, nhớ nước: Bốn phương mây trắng một màu/Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?/Dặm ngàn nước thẳm non xa…
          Là phụ nữ - phái đẹp, ai chẳng sợ tóc bạc, ai chẳng ngán tuổi già, nhưng ai chống được quy luật của thời gian khắc nghiệt?! Vậy thì phải chấp nhận, nhưng với tâm thế như thế nào? Đó chính là khởi hứng cho tứ bài thơ khá hay: Nói về tóc bạc. Bài thơ ngũ ngôn 4 khổ là lời tâm sự rất thành thực, giản dị về chuyện này. Bằng cách nào để chống lại tuổi già, để trẻ mãi không già, dù tóc bạc da mồi, mắt mờ chân chậm? Câu trả lời của Hà Thị Trực thật dễ hiểu mà không phải ai cũng thực hiện được trong những năm tuổi già, cái già xồng xộc đang tới của mỗi người:
          Chỉ trẻ mãi không già/Bằng nét cười trìu mến/Bằng tấm lòng thân thiện/Giữa tình đời bao la…
          Đúng vậy chăng, hỡi các bạn đang già?! Tiếng thơ Chu Hà (Hà Thị Trực) tự nhủ mình và nhắn các bạn thơ trong, ngoài nước cũng chỉ thủ thỉ, nhỏ nhẹ, khiêm nhường như vậy… mà thực tâm thành, hữu lý… thế thôi!
                                                           ***
          Thưởng lãm tạm xong Vườn năm nhà 2, người yêu thơ đương thời xin có mấy vần song thất lục bát vịnh tặng Ngũ bá Thi nhân.
          Thơ rằng:         Vườn năm nhà, mỗi hoa mỗi vẻ,
                           Bắc – Trung – Nam, già - trẻ, trong – ngoài,
                                     Nam thanh – nữ tú trổ tài,
                          Rạng Thi đàn Việt, ngời ngời tinh anh!
                                                                *** 
          Thơ Bạn Thơ 6 (2016) dày 300 trang, tinh tuyển thơ hay của 160 tác giả Việt Nam đã qua đời và đương thời (nếu cộng cả 384 tác giả với 384 câu thơ hay ở phần II, thì sẽ là 544 tác giả, một con số “khủng”! Chẳng hạn, nếu so với Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân (1941) chọn bình thơ của 78 tác giả); trong đó phần mở đầu, ngoài in lại Lời thưaLời mời tham gia Dự án sách Thơ Bạn Thơ của chủ biên, còn có bài Thơ bạn thơ  - Tuyển tập thơ có giá trị đặc biệt của Hòa Phú Yên.
          Phần nội dung chủ yếu gồm:
I. Lục bát  trăm nhà: 99 tác giả xếp theo  ABC
II. 384 câu thơ hay của 21 tác giả xếp theo ABC
III. Thơ hay của 21 tác giả đã từ trần
IV. Thơ hay của 40 tác giả đương thời
         
          Như vậy, về số lượng tác giả và bài thơ: tập này đã vượt trội hơn cả so với 5 tập Thơ Bạn Thơ trước. Về các phần, mục: Có thêm mục mới: Lục bát trăm nhà.
Bố cục sắp xếp các phần, mục: mạch lạc, chặt chẽ, khoa học. Nhìn chung, đó là một tập hợp tuyển Thơ được kiến tạo rất công phu hoàn toàn hướng tới mục đích nhân văn cao thượng: tôn vinh Thơ Hay và Người Yêu Thơ. Hình thức sách rất trang nhã, hiện đại, bìa cứng, minh họa đẹp, khổ sách vuông 20.20, hầu như không để sót lỗi biên tập, in ấn đáng tiếc. Số lượng phát hành lớn (1000 bản), tạm đủ thỏa mãn yêu cầu của bạn đọc yêu thơ trong cả nước.
          Về chất lượng thơ được tuyển chọn trong toàn tập: khá đồng đều. Về cơ bản, nhóm đọc chọn đã tuân thủ đúng các nguyên tắc đã được thống nhất trong toàn nhóm với chủ biên một cách khách quan và thận trọng, nhưng không cứng nhắc và cầu toàn. Đọc cụ thể vào từng phần, mục, chúng ta thấy:

I.                  99 tác giả lục bát trăm nhà:

          Đây là ý tưởng mới của chủ biên cùng nhóm tuyển chọn. Một ý tưởng đẹp, hay. Ta gặp lại ở đây những tác giả, tác phẩm từng được chọn in trong các tập Thơ Bạn Thơ trước, được thử thách qua thời gian sàng lọc và trụ vững nhiều thập kỷ và 5 năm lại nay (tính từ TBT1 (2012).
          Chẳng hạn: Tản Đà với Thề non nước, Trần Huyền Trân với Uống Rượu với Tản Đà, Huy Cận với Ngậm ngùi, Bàng Bá Lân: Trăng quê, Bùi Kim Anh: Nhặt trăng…; Bên cạnh nhiều tác giả, tác phẩm mới, chuyên nghiệp và không chuyên, nổi tiếng (nhiều ít): tôi gặp lại những cây lục bát lừng lẫy thi đàn Việt: Đoàn Thị Lam Luyến, Giang Quân, Lý Phương Liên, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phi Tuyết Ba…và nhiều cây bút lục bát mới mẻ, chưa thành danh. Những Trịnh Xuân Trứ, Hồ Phong Tư, Quách Sỹ Hùng, Minh Tuấn, Nguyễn Thị Tính… 
          Bất kể nữ nam, dân tộc, trẻ già… cứ thấy lục bát hay là tuyển! Phong cách nghệ thuật biểu hiện càng khác nhau, càng thú!
          Đã lâu lắm rồi, tôi mới được đọc lại bài thơ Vùng phấn bay của nữ đồng nghiệp Phi Tuyết Ba viết về nghề dạy học chúng tôi. Những hình ảnh thơ có vẻ đã mòn cũ theo thời gian, năm tháng, nhưng đọc lại vẫn thấy dâng mãi lên niềm rưng rưng xúc động thương cho cái nghề trồng người:
          Sông bao nhiêu nướcsông gầy/Cánh đồng gieo chữ… đợi ngày hoa non… Nước trôi về xứ vô cùng/Thương thầy ở lại một vùng phấn bay/… Sông đời bất chợt nông, sâu, /Học thầy, em bắc chiếc cầu chữ Tâm.
          Chỉ tiếc trong tập tuyển, về nghề sư phạm và người giáo viên, chỉ chọn duy nhất bài này?!
          Lại vừa thú vị vừa tiếc, khi lần thứ mấy rồi đọc lại bài Trăng quê của cụ Bàng. Bài thơ đã thọ tới hơn 80 tuổi. Nhưng 2 câu cuối: Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?!... thì quả thật kỳ diệu, đã được dân gian hóa thành ca dao từ bao giờ chẳng ai rõ! Và chắc nó sẽ trường thọ muôn đời!  Thú vị, vì người tuyển đã giúp bạn đọc không chỉ biết rõ nguồn gốc xuất xứ, văn cảnh, tác giả cụ thể của câu ca dao Hỡi cô tát nước bên đàng mà còn được đọc những câu trước làm nền cho nó, càng khâm phục tài tuyển chọn, sàng lọc tự phát của trí tuệ dân gian (người vặt lông vịt tài tình (Xuân Diệu). Nhưng tiếc và mong những câu thơ lục bát của các nhà thơ Việt thành danh đã hóa ca dao không ít. Ví dụ: những bài, những câu: Gió đưa cành trúc la đà/Tiễng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương… (Dương Khuê), Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ (Bảo Định Giang),  Trên trời mây trắng như bông/Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây (Mây và bông – Ngô Văn Phú). Hoặc gần đây nhất là những câu thơ, bài thơ hay hóm, tài hoa của Nguyễn Bảo Sinh đã được dân gian hóa tự bao giờ: Vợ là cơm nguội của ta/nhưng là phở tái thằng cha láng giềng (Cơm và phở)… Những câu từ những bài như thế, tôi rất mong các nhà sưu tập lưu ý, lần lượt  đưa chúng vào các tập TBT tiếp theo.
          Nhân đây, cũng xin nêu một đề nghị mang tính tham khảo:
          Nói lục bát Việt, trước hết phải nói tới lục bát ca dao. Sang lục bát thơ viết thì đỉnh 1 là cụ Nguyễn Du, với Truyện Kiều bất tử, sau là lục bát (trong song thất) Nguyễn Gia Thiều (Cung oán ngâm), Đoàn Thị Điểm (Chinh phụ ngâm), Nguyễn Khuyến (bản tự dịch Di chúc)… lục bát Nguyễn Bính, Tế Hanh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn… Có một dòng thơ lục bát Việt Nam khi cuộn xiết, khi êm đềm chảy trong lịch sử thơ ca Việt, với những đỉnh cao tuyệt vời và đa dạng, cần được tinh tuyển của mỗi người chỉ 1 bài hoặc 1 đoạn hay nhất với những lời bình phẩm đích đáng để đưa vào các phần LB trăm nhà tiếp nối trong những năm sau.
          Riêng tôi, lần này đọc TBT6, khi đang ngấp nghé chào tuổi thất thập cổ lai chẳng còn hy nữa! (chỉ 1 phường Trèm tôi, mùa xuân Đinh Dậu đã mừng tới 100 cụ vào tuổi này!) nên rất tâm đắc chia sẻ cùng bạn đọc với bài lục bát 70 của Phan Tấn Ni (Tôi chưa được làm quen với tác giả?! Không biết cụ Ni niên kỷ xuân này được bao nhiêu và quê đâu tá?). Yêu sao tình yêu đời của cụ Phan, khi cụ ngẫm về tuổi tác, cuộc sống bằng những hình ảnh thơ trẻ trung, mới mẻ, mạnh mẽ, hóm hỉnh lạ lùng:
          70! Ôi thấm thía gì/ Tóc râu dẫu bạc, hồn thì xanh lơ/ Hồn tôi như lá đôi bờ/Gói yêu thương lại ủ bờ tre xanh…/Vui chân tôi bước qua cầu/Tay bưng khệ nệ cái sầu trong veo/…70 lội suối, leo đèo/Hái chơi vài trái mộng treo nhánh tùng/Đói lòng uống núi ăn rừng/ Nuốt suông vài giọt sương lừng khừng rơi…/Khom lưng cõng hạt bụi trời xanh bay/…Lên non rủ đám vô thường/Về xuôi, lượm trái trăng hường vừa sa/… 70 đâu tháy mình già!... Giật mình ngó lại ban trưa /Mới hay tuổi tác tôi vừa lên ngôi… (tr.68-69, TBT6).
          Chí lý, chí tình vậy chăng hỡi các bạn già 70 và tròm trèm thất thập, như… tôi!?

II.               384 câu thơ hay của 384 tác giả xếp theo ABC

          Xin mạn phép góp ý đôi điều về bếp núc công việc biên tập nhọc nhằn, khó khăn, phức tạp.:
          Tôi rất băn khoăn trước con số 384!? Vì sao 384 mà không 385? Hoặc 390 hoặc 400 cho tròn? Con số 384, với nhóm tuyển chọn, với chủ biên mang ý nghĩa đặc biệt gì chăng? Có lẽ cũng nên đò đưa, tỏ tường đôi chút với bạn đọc đã yêu thơ lại hay tò mò thì càng thú vị chứ sao?!
          Thơ hay có thể gặp ở những cấp độ khác nhau: câu hay, cặp câu hay (2 câu), khổ hay (3 - 4 câu), đoạn hay (trên 4 câu), bài hay, chùm hay, tập hay v.v… TBT6 tiếp tục chủ trương và trích các câu hay như thế, thiển nghĩ, các nhà biên soạn nên tiêu mục là: 384 cặp câu thơ hay mới chính xác. Bởi lẽ có không cặp câu trong đó chỉ hay 1 câu (1 hoặc 2). Câu còn lại chỉ đóng vai trò câu dẫn hoặc nền, phụ họa hoặc trích cho trọn ý mà thôi. Ca dao cũng thế mà Truyện Kiều cũng vậy. Ví dụ: câu Hỡi cô tát nước bên đàng (làm nền, dẫn ý, bình thường)/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?! (Câu hay!); hoặc: Chàng Vương quen mặt ra chào (câu kể, bình thường)/ Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa (hay, nhất là từ “nép”). Nhiều khi câu dưới, câu trên bình thường, chỉ có câu giữa là hay. Ví dụ: Một tiếng chim kêu: sáng cả rừng! (Khương Hữu Dụng – Từ đêm 19); Trăng mài mòn guốc võng (Về hỏa tuyến thăm con - Bằng Việt) v.v… Và có lẽ nên chăng, chọn trích mở rộng ở 4 cấp độ: câu, cặp câu, khổ, đoạn… trước khi chọn trích lên cấp bàichùm bài. Như vậy sẽ chuẩn xác, hiệu quả và khoa học hơn.
          Về 384 cặp thơ hay đã được đọc chọn, tôi vui mừng gặp ở đây không ít câu mới lạ, kỳ thú, bất ngờ của những tác giả tôi hoàn toàn chưa được nghe tên. Gặp lại những câu hay đã từng quen từ hồi học phổ thông, đại hoc. Thử ngẫu nhiên nhặt lại:
          Bỏ mùa đông cũ ra phơi/Áo hoa ngoài ngõ cứ cười áo bông (Trần Ai); Gáo dừa mỗi gáo một hơi /Giếng quê, tôi uống suốt đời vẫn trong (Phạm Ánh). Một cặp lục bát Nguyễn Bính quen quá mà đọc lại vẫn ngỡ ngàng: Hồn anh như hoa cỏ may/Một chiều cả gió bám đầy áo em; Mải mê đuổi một con diều/Củ khoai nướng cháy cả chiều thành tro (Đồng Đức Bốn); Hồn chênh vênh, bóng chơi vơi/Đất cong mặt giận, chân trời lảng xa (Vũ Hoàng Chương) Dân 25 triệu, ai người lớn?/Nước 4000 năm, vẫn trẻ con! (Tản Đà)Người về từ cõi ấy/Vợ khóc một đêm, con lạ một ngày (Hoàng Hưng? Hay Phùng Cung (Xem đêm)? Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng(Trần Đăng Khoa); Gió rơi, mẻ tiếng chuông chùa/Vùng vằng khoảnh khắc giao mùa, gãy đôi (Đào Mạnh Long);  Gọi đò, đò đã rời xa/Gọi người khản cổ, hóa ra gọi mình (Nguyễn Ngọc Oánh) Hoa huệ trắng, bức tường cũng trắng/Sao bóng hoa trên tường lại đen (Bế Kiến Quốc); Vấn vương với sợi tơ trời/Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan (Đoàn Thị Tảo); Ai đâu trở lại mùa thu trước/Nhặt hết cho tôi những lá vàng (Chế Lan Viên)…
          Một tự nhận xét riêng, vụt hiện thú vị, chưa kịp lý giải: Mỗi cặp hay một kiểu, một lối khác nhau và hầu hết những cặp câu hay đều là thơ lục bát?!

III. 21 bài thơ hay của 21 tác giả đã từ trần (xếp theo ABC)

          Trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của tôi, với các tập TBT tiếp theo, ở mục này, các soạn giả nên đọc chọn tiếp những cố tác giả sau, mỗi vị 1 bài tiêu biểu, hay nhất, tùy theo cảm quan của soạn giả: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh,  Sóng Hồng và Xuân Thủy, Trần Dần và Phùng Cung, Lê Đạt, Hoàng Hưng, Dương Tường, Hoàng Yến, Hữu Loan, Hoàng Tố Nguyên, Thanh Tịnh, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa,… và những nhà thơ đã khuất núi đáng kính khác… Nên có những bài đò đưa trang trọng, sâu sắc về bài thơ được chọn như thêm một nén tâm hương kính bái Người Thơ đã đi xa, đặc biệt đối với các tác giả ít quen biết, nổi tiếng và những bài thơ hay của các tác giả nổi tiếng nhưng ít được chú ý phân tích bình luận, giới thiệu với đông đảo bạn đọc.
          Đọc 21 bài thơ hay của 21 tác giả đã từ trần trong tập TBT6 này, tôi được thêm một lần bồi hồi với Tạm biệt Huế của Thu Bồn, bởi những câu thơ lãng mạn, duyên dáng, tài hoa, xuất thần, rất Huế tựa hồ những câu thơ vĩnh biệt, báo trước cuộc ra đi não lòng:
          Nón rất Huế, nhưng đời không phải thế/Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng/… Con sông dùng dằng, con sông không chảy/Sông chảy vào lòng Huế rất sâu/…Tạm biệt nhé, chiếc hôn thầm lặng/Anh trở về hóa đá phía bên kia!...
          Tôi cũng lại muốn thêm một lần những động tác cơ thể, từ lả lướt, dập dìu đến quay cuồng: Say đi em, dưới ánh đèn mờ ảo, nhịp kèn biếc dặt dìu, trong vũ hội đăngxinh, thả hồn đê mê lên tiên trong thoáng chốc cùng Vũ Hoàng Chương – ông hoàng say nàng tiên nâu khói huyền lênhoa đăng một thuở, cũng là tác giả những lời thơ hào hùng, sảng khoái hồi đầu Cách mạng:
          Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/Năm cánh xòe trên  năm cửa ô.
          Theo u tôi, cùng Đoàn Văn Cừ trên Đường về quê mẹ, mỗi mùa xuân, để ngắm cò trắng bay từng lớp/Xóm chợ lều phơi xác lá vàng… để nhớ thương, ngậm ngùi một thời đói nghèo, gian khó đã qua, sẽ không bao giờ trở lại!
          Tôi lại thấy rung mình như nghe văng vẳng đâu đây tiếng đàn nguyệt chậm, lạnh, buồn vang trong đêm trăng sáng, trời trong, đêm thủy tinh để nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê, qua Nguyệt cầm sang trọng, hiện đại mà lãng mạn cổ điển của Hoàng tử thơ tình Xuân Diệu
          Phút chốc lại bừng bừng hứng khởi cuốn theo chùm Lửa đèn (Đèn, Tắt đèn, Thắp đèn) của cánh chim phượng hoàng Trường Sơn Phạm Tiến Duật, mắt chói lóa, lấp lánh muôn màu trong những đêm hành quân trên những cung đường Trường Sơn thời chống Mỹ…
          Nhớ nữ sĩ Vân Đài, qua những câu thơ Trưng nữ Vương đẹp sang trọng, quyến rũ, ngời tỏ mặt anh thư đất Hà Thành một thuở:
          Ải Bắc, quân thù kinh vó ngựa/Giáo vàng, khăn trở, lạnh đầu voi/Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời, bóng lẻ soi.
          Theo hồn linh Phạm Hầu lên thăm Vọng hải đài rồi Tiễn chân anh Khóa xuống tàu với Á Nam Trần Tuấn Khải. 
          Cùng Bích Khê ngạc nhiên khi nghe khúc Tỳ bà (thể thất ngôn toàn thanh bằng):
          Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông!
          Xin được chiêm bái 21 bài thơ hay và nghiêng mình tri ân, chúc xuân 21 hồn linh Người Thơ Việt đang thích thảng rong chơi giữa trời xuân Đinh Dậu!

IV. 40 tác giả thơ hay đương thời (xếp theo ABC; trọng tâm)

          Người ít nhất được chọn 1 bài (2 người), nhiều nhất (Hữu Thỉnh): 8 bài. Thật phong phú đa dạng về nội dung: đề tài, chủ đề; hình thức thể loại, truyền thống dân tộc, tự do, hỗn hợp, thơ văn xuôi, tùy hứng – tùy bút, ngắn thì tứ tuyệt, bốn chữ, năm chữ, thất ngôn, lục ngôn, tám chữ, trữ tình tâm tư, trữ tình thế sự… Chỉ thấy vắng bóng thơ trữ tình chính trị, trữ tình chính luận, nhất là trào phúng -châm biếm?!… Nhưng thế cũng đã quả là một vườn hoa thơ Việt Nam đương đại trăm hồng ngàn tía, đua nhau khoe sắc tỏa hương. Những bài hay vì phát hiện được tứ sâu, bất ngờ; bài truyền cảm vì tình cảm chân thành, giản phác; bài hấp dẫn vì sự tìm tòi hình ảnh, từ ngữ, nhịp điệu; bài hướng nội trĩu nặng suy tư chuyện mình, chuyện đời khoác vẻ ngoài bình tĩnh, thanh thản, kìm nén; bài khơi căng cảm hứng về tình huống mâu thuẫn bên ngoài và bên trong như kịch thơ;…        Tóm lại một câu là: Bài hay chen lẫn bài vừa/ Dân gian – hiện đại, chẳng thua nước ngoài!/Không tin, thử đọc dăm bài!
          Chẳng hạn, chủ đề quê hương làng xóm đã quá quen thuộc và phổ biến trong thơ Việt từ xưa đến nay với không ít bài thơ đạt tới đỉnh cao. Quê hương của Đỗ Trung Quân xuất hiện đầu những năm 80 thế kỷ trước là một đột phá trong cách thể hiện chủ đề này qua những so sánh - ẩn dụ rất quen thuộc, những câu hỏi tuồng như ngớ ngẩn, phổ biến của trẻ thơ tuổi mẫu giáo mà sao vẫn làm người đọc sững sờ, ngạc nhiên: Quê hương là gì hở mẹ? Và những câu trả lời còn làm ta ngạc nhiên hơn nữa: Quê hương là chùm khế ngọt, là đường đi học, con diều biếc, là đêm trăng tỏ, dậu mồng tơi… kể mãi vẫn chưa hết, chưa đủ… Và cuối cùng, đoạn kết gợi nhắc, thức tỉnh, bừng ngộ một chân lý vô cùng giản dị, thiêng liêng về tình cảm quê hương – lẽ sống làm người. Có câu thơ ngỡ như nói điều hiển nhiên, quá đơn giản, mà sao ở đây không hề thấy vướng gợn, ngây ngô: Quê hương như mẹ, với mỗi người chỉ một mà thôi! Tình cảm quê hương xác định phẩm cách người nơi mỗi con người. Bài thơ được phổ nhạc thành bài hát, càng được lan rộng và truyền bá khắp muôn nơi, ra cả nước ngoài.
          Đến Mai Bá Ấn, trong Làng tôi, vẫn tiếp tục lối nhẩn nha hồi cố - kể - tả - suy ngẫm về cái làng của mình với những hình ảnh và kỷ niệm ấu thơ vừa quen vừa lạ:
          Ngọn bàng già, dồng dộc về xây tổ (thú thật cho đến nay, tôi vẫn không biết dồng dộc là loài chim gì?!)/ Hót ríu ran trong bảng lảng trời chiều/Chùa Tiền Nhơn lam một màu rêu cổ/Cha vuốt râu, ngâm lửng mấy câu Kiều…? Ngày thơ bé lùa trâu ra sông tắm/Con sông Trầu lờ lợ nước chè hai! (so sánh thật ấn tượng!)/ Mò lên bờ ăn trộm dưa cậu Tám/Bà ngoại thắt cười (cụm từ thắt cười: đắt!)… mở túi lấy trầu nhai… Cũng như thằng bé Duy Nhuệ trong Đò Lèn thích ăn trộm nhãn chùa Đồng. Trẻ con làng Việt nào chẳng thích ăn trộm hoa quả như 1 trò chơi đầy hấp dẫn! Nhưng thằng cu Ấn này ăn trộm nhiều lắm, “giỏi” lắm, hết vườn này sang vườn khác mà chưa bị bắt bao giờ! May thế!
          Qua Chợ quê, cũng một lối kể - tả chân phương kiểu Hà Cừ: Chợ quê, con tép cũng gầy/Con cua, con ốc dính đầy bùn non…; trong khi Lê Đình Tiến nhớ thương, tái hiện những hình ảnh:
          Chỉ thương cái dáng mẹ tôi/Có mớ rau lợn cũng ngồi cả trưa…/Thương bà đầu chợ chưa chồng/vẫn hàm răng vẩu che thầm cười duyên…/Chợ quê trái thị còn thơm/Để thương để nhớ một miền đã xa
          Không khi ngờ gì nữa, từ thời Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ đến thời cuối thế kỷ 20, thơ trữ tình - thế sự Việt về làng quê, người quê, chợ quê quả đã đã tiến lên được một bước dài theo hướng hiện đại hóa trong nghệ thuật biểu hiện, dù vẫn khuôn trong những thể thơ truyền thống dân gian: lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn…
          Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái nhà thơ chân quê Nguyễn Bính) thể hiện một tình huống bi kịch người phụ nữ muộn chồng (50 tuổi) thật đắng đót, xót xa, cảm động như khứa vào tim người đọc:
          Đêm chông chênh nỗi mình câm nín/ Nghiêng bên nào cũng trống hoác mùa đông./ Nằm cạnh chồng, chị ngỡ mình Tô Thị/ Bốn cõi nhân sinh biết vọng nơi nào?/ Vốc thời gian tuột qua từng kẽ ngón / Chút lỡ làng lỡ trao, lỡ nhận/ Đau đáu trăm năm lỡ một phương chồng
          Bao nhiêu éo le, ngậm ngùi khó nói… Nhưng thân phận chị là thế. Biết làm sao?! Bi kịch thiệt thòi ấy, dai dẳng hiện tồn trong xã hội hiện đại thời nay cũng làm sao mà gỡ, mà giải nổi?!
          Trong một hướng tư duy – cảm luận ngược lại, Bao giờ của Song Hảo lại phả vào hồn tôi ngọn gió ngọt ngào, ấm áp, êm ái lòng vị tha của người phụ nữ nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở. Điệp khúc:
                   Bao giờ anh đau khổ/Hãy tìm đến với em…
láy đi láy lại thành chủ âm bài thơ 4 câu, đặng sẵn sàng an ủi, sẻ chia, đón đợi … Giản dị thế thôi mà,… anh!
          Nhưng cũng có em, chỉ cần quan sát qua 2 hành vi rất nhỏ, có vẻ rất vô tình, lơ đãng: không đậy nắp bút, khi viết xong;  quên cài khuy áo ngực cho em, (lúc mãn cơn tình tự)… trong cư xử, sinh hoạt thường ngày, khi yêu nhau, âu yếm… là đã đủ để em nhìn ra bản chất tính cách, tình cảm ích kỷ của anh… Và quyết định chia tay, chấp nhận Tan vỡ. Bản lĩnh sâu sắc, tinh tế và quyết liệt đến thế. Tan vỡ  (Dư Thị Hoàn) đã trở thành bài thơ tình hiện đại hay, được đông đảo bạn đọc chia sẻ, đồng cảm từ hàng chục năm lại nay là vì thế.
          Người đàn bà ngồi đan là một bài thơ hướng nội và gợi mở sâu sắc của Ý Nhi qua sự suy luận và ngẫm ngợi, lý giải, liên tưởng từ hành vi của nhân vật trữ tình vừa nhẫn nại vừa vội vã. Cấu trúc hướng nội liên tục được xoáy sâu mãi vào nhờ những câu hỏi tu từ với cụm từ - câu hỏi tu từ điệp hay là thế này, hay là thế kia?... nảy ra trong lặng câm, lặng lẽ, bình thản…, dường như chỉ được nhìn từ bên ngoài mà suy đoán, tưởng tượng. Hình ảnh thơ vừa hiện thực vừa gợi biểu trưng: Cuộn len dưới chân chị như quả cầu xanh đang lăn những vòng chậm rãi mang tính gợi mở đa chiều rất cao.
          Tính hiện đại – trí tuệ mà vẫn rất thơ của bài thơ độc đáo này là ở đó.
          Thơ Nguyễn Bảo Sinh trong TBT6 lại không chọn những bài hay quen thuộc hướng ngoại mang tính phê phán, châm biếm xã hội sắc nhọn mà chọn chùm thơ triết lý đượm màu Phật – Thiền sâu thẳm: Cảm kinh vô tự, Cảm Phật Tổ Như Lai, Lên chùa, Cảm Vô Vi hòa sắc Đạo – Đời, xưa – nay một cách kỳ lạ, với 2 câu cuối đầy bất ngờ, hóm hỉnh:
          Ai cầu trời bằng bất cứ ngôn ngữ nào trời cũng hiểu/ Trời biết nhiều ngoại ngữ nhất…!
          Bỗng nhiên lại được đọc lại Nghỉ hè (Xuân Tâm) ra đời từ thời Thơ Mới mà vẫn thấy trong trẻo biết bao tâm trạng thời học trò áo trắng trước khi được về quê nghỉ hè:
          Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ 90 ngày nhảy nhót  ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!
          Đọc Nghỉ hè, cứ nhói lòng chạnh thương cho lũ học trò cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 hiện nay, học hành lu bù quanh năm, bị người lớn “cướp không” của chúng cả 3 tháng hè thần tiên! Hãy trả lại tuổi thơ, tuổi hồn nhiên cho các em!
          Chùm thơ chọn của Hữu Thỉnh là chùm thơ đặc sắc, nổi tiếng từ mấy chục năm nay. Chân mộc, cảm động như Phan Thiết có anh tôi, Ngôi nhà của mẹ. Tình tứ, diết da, mới lạ là Thơ viết ở biển. Bài thơ còn được giai điệu âm nhạc của Phú Quang (Biển, nỗi nhớ và Em) chắp cánh bay vút lên và lắng đọng mãi trong lòng người nghe – người đọc những hình ảnh, âm giai ngân nga, man mác sâu thẳm:
          Anh xa em/Trăng cũng lẻ/Mặt trời cũng lẻ/Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn/Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn/Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tim/Sóng? Chẳng đi đến đâu/… dù sóng đã làm anh nghiêng ngả/ vì em…!
          Rõ ràng, từ Biển (Xuân Diệu), Thuyền và biển (Xuân Quỳnh – Phan Huỳnh Điểu), Sóng, Chỉ có sóng và em (Xuân Quỳnh), Biển và Em (Tế Hanh, Trần Đăng Khoa) đến Thơ tình viết ở biển (Hữu thỉnh) thơ về tình yêu và biển cả Việt Nam đương đại cũng đã tiến lên một bước dài trên lộ trình hiện đại hóa.
                                                           ***
          Trở lên là những cảm luận, nhận xét bước đầu của tôi về 3 tập sách mới do anh chị Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên chủ biên, vừa xuất bản quý IV năm 2016 và được long trọng tổ chức ra mắt – tặng sách ở Thủ Đô Hà Nội yêu dấu trong ngày đầu xuân Đinh Dậu này.
          Tự nhận thấy sự đọc - viết của tôi còn sơ sài, vội vã. Sức nghĩ, kiến văn còn hạn hẹp, cạn nông; nên chắc chắn những lời giới thiệu trên còn cụng về, những ý kiến nhận định, phẩm bình còn phiến diện hoặc chưa tới, tay chèo đò đưa, cậy, bát còn chưa mát mái, không tránh được dài dòng, lòng vòng luẩn quẩn, có khi thấy cây chưa thấy rừng, lại rất nông nổi, chủ quan, làm mất nhiều thì giờ của quý vị ở đây… Xin được cảm thông và lượng thứ!
          Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn anh chị Bảy – Liên, các vị trong nhóm đọc - chọn – biên tập và cảm ơn toàn thể quý vị có mặt hôm nay!
          Chúc các anh chị một mùa xuân mới Đinh Dậu an lành, một năm mới an khang, hạnh phúc!
          Không gì bằng, không gì hơn từng cảm nhận riêng của mỗi cá thể - cá nhân người yêu Thơ trong quá trình tự mình đọc - ngẫm bộ sách quý này.
          Nào! xin mời quý vị, ta hãy cùng ngâm câu Kiều lẩy:
Cảo thơm, lần giở trước đèn,
Phong tình cổ lục, say truyền Tuệ - Tâm!

Trèm- Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội,
Từ 1 à 7 (Khai hạ) Tết Xuân Đinh Dậu
(3/2/2017)

Đường Văn kính bút!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét