Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Nhớ bài thơ chúc tết 1947 của Bác Hồ






VỀ CÁC BÀI THƠ CHÚC TẾT VÀ BÀI THƠ CHÚC TẾT 1947 CỦA BÁC
                                    Vũ Nho

THƠ CHÚC TẾT XUÂN ĐINH HỢI – 1947
                Hồ Chí Minh
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

 Người Việt ta có mỹ tục chúc Tết. Nối tiếp truyền thống đó, bác Hồ cũng làm thơ để chúc Tết. Cảm hứng làm thơ chúc Tết là một cảm hứng liên tục trong cuộc đời làm thơ của Bác. Kể từ năm 1942, sau  khi người trở về lập căn cứ địa Cách mạng ở Cao Bằng cho đến khi “lên đường theo tổ tiên” ( Tố Hữu) năm 1969, Bác đã làm 25 bài thơ chúc Tết. ( Chỉ có 3 năm  gồm các năm 1955, 1957, 1958 là Bác không có thơ chúc Tết). Cố nhiên, các bài thơ chúc Tết khi làm ở Cao Bằng chỉ được lưu truyền trong các tờ báo bí mật và trong tài liệu tuyên truyền. Bài thơ chúc tết năm 1947 có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là bởi vì bài thơ được làm sau khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Đó là bài thơ ra đời sau khi cả nước bước vào cuộc trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 12 năm 1946.  Bài thơ này được làm sau khi Bác viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và lời kêu gọi này được phát trên đài ngày 20 tháng 12 năm 1946. Và đặc biệt nhất, bài thơ này được Bác trực tiếp đọc trên đài truyền đi cả nước. Lịch sử của Đài tiếng nói Việt nam có ghi : “Ngày 21/1/1947: Hồ Chủ tịch đến Đài Tiếng nói Việt Nam đọc thơ chúc Tết gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Hồ Chủ tịch viết tặng sư cụ chùa Trầm mấy chữ trên giấy hồng điều: “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”. Cũng tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ghi âm lời Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ”. Như vậy có thể nói bài thơ chúc Tết của Bác năm 1947 là bài thơ đầu tiên được quảng bá  rộng rãi trên sóng của Đài Tiếng Nói Việt Nam.

Theo các đồng chí được gần gũi với Bác, thì Bác rất quan tâm đến Tết của đồng bào và chiến sĩ. Thường thì trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc nhở các cơ quan, ban, ngành chuẩn bị Tết cho nhân dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc: tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo và cán bộ công tác ở nước ngoài, và cuối cùng là một chương trình đi thăm hỏi, chúc Tết nhân dân, các cơ quan, đơn vị, một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết.
Thơ chúc Tết của Bác thường có tóm tắt tình hình đất nước,  nhiệm vụ của cách mạng và lời chúc thành công. Hầu hết các bài thơ chúc tết của  Bác có nội dung “Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân” ( thơ chúc Tết, 1952, thơ chúc Tết 1964). Bài thơ chúc Tết 1947 là sự tiếp nối “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Người và có phát triển thêm. Trong lời kêu gọi, Người khẳng định chúng ta không thể tiếp tục nhân nhượng, phải nhất tề đứng lên kháng chiến. Kháng chiến nhất định thẳng lợi. Trong thơ, Người   mở rộng tinh thần của “Lời kêu gọi” bằng cách tóm lược tình hình kháng chiến “Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông”.  Người khẳng định sức mạnh của cuộc kháng chiến: Ý chí và tinh thần đoàn kết của chúng ta rất cao.Thế và lực của chúng ta đã mạnh :
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Hai câu  thơ này  có bốn từ “đã” khẳng định vị thế của kháng chiến không phải là điều mong ước, mà là điều hiện thực. Ý chí, tinh thần đoàn kết, sức mạnh và lực lượng con người đều đã đủ, đã sẵn sàng. Điều đó làm cho mọi người tin tưởng vào  thắng lợi  của cuộc kháng chiến. Trong thơ chúc Tết, Bác đưa thêm khẩu hiệu, cũng là đường lối kháng chiến:
          Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Và “Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi”. Như vậy là đường lối kháng chiến của chúng ta đã được Bác thể hiện trong thơ một cách ngắn gọn, súc tích và dễ nhớ, dễ thuộc : “Toàn dân, toàn diện và trường kì”.
          Như đã nói, thơ chúc Tết của Bác bao giờ cũng có phần “kêu gọi” như Bác đã nêu trong một bài thơ chúc Tết của Người. Bài thơ chúc Tết năm 1947 cũng không ngoài tinh thần ấy. Bác thay mặt cho Chính phủ kêu gọi:
             Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Một điều lí thú là, hầu hết các bài thơ chúc Tết của Bác thường có các mục  “Mừng” và “Chúc” theo truyền thống  của dân tộc ( Chúc đồng bào ta đoàn kết mau/ Chúc Việt Minh ta càng tấn tới ( 1942);  Rót cốc rượu xuân mừng Cách mạng/ Viết bài chào Tết, chúc thành công ( 1944);  Chúc xong thế giới đó đây/ Việt Nam độc lập chúc ngay đồng bào ( 1945);   Mừng toàn thể chiến sĩ đồng bào/ Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới;  (1953)  Mừng nhà  nước ta mười lăm xuân xanh/ Mừng đảng chúng ta ba mươi tuổi trẻ/ Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua/ Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa ( 1960); …)
          Bài thơ chúc Tết năm 1947 không có mục  “chúc” và “mừng” như thường lệ. Điều đó cho thấy sự đa dạng và linh hoạt trong các bài thơ chúc Tết của Người. Mặt khác, bài thơ chúc Tết này là bài thơ nối tiếp tinh thần của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” như đã nói, cho nên tính chất “kêu gọi” được Bác nhấn mạnh. Câu thơ “Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!” vừa như lời kêu gọi, nhưng cũng là mệnh lệnh tiến công của vị chỉ huy kháng chiến tối cao. ( Không phải lúc nào trong thơ chúc Tết của Người cũng có lời kêu gọi  đồng thời là mệnh lệnh. Mệnh lệnh “Tiến lên” này chỉ xuất hiện trong thơ chúc Tết 1947 và  hai lần khác trong thơ chúc Tết 1968 và bài thơ chúc Tết cuối cùng 1969  : Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta. (1968) và  Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân  nào vui hơn ( 1969).
          Giao thừa, nghe Bác đọc thơ chúc Tết trên Đài tiếng nói Việt Nam đã trở thành quen thuộc với mọi người trong thời gian dài.  Trong trường ca “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu viết:
          Bác ơi!
Tết đến! Giao thừa đó
Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần
Năm 2017 đang đến gần. Bài thơ chúc Tết xuân Đinh Hợi của Bác sẽ vừa tròn 70 năm. Cùng đọc lại những bài thơ chúc Tết khác  và bài  “Thơ chúc Tết xuân Đinh Hợi 1947” của Bác   cũng  là thể hiện tinh thần yêu kính, biết ơn lãnh tụ, đồng thời là một việc làm thiết thực “học tập và làm  theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ”.
                                                     Tháng 12/2016
Bài in báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam số Tết Đinh Dậu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét