Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

CA TRÙ HÀ NỘI, HẰNG THƯƠNG, HẰNG NHỚ

 


 Nguyễn Thị Minh Bắc

 
CA TRÙ HÀ NỘI, HẰNG THƯƠNG, HẰNG NHỚ
(Qua “Giọt giọt đêm Hà Nội” của Phạm Thị Phương Thảo)
 
   Bên cạnh các tác phẩm văn xuôi được đông đảo bạn đọc đón nhận, Phạm Thị Phương Thảo còn được biết đến là một tài thơ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong sự hâm mộ của bao người, qua 12 tập thơ và 4 tập trường ca. Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Trường ca là tác phảm dài bằng thơ, có nội dung, ý nghĩa xã hội rộng lớn”(Nxb, ĐHQG, Tp HCM, 2008). Đúng vậy, “Giọt giọt đêm Hà Nội”-  tập trường ca mới của Phương Thảo được ra mắt đúng vào dịp kỉ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô là thành quả của cả một quá trình lao động  nghệ thuật nghiêm túc, đầy sáng tạo và say mê. Nhằm góp thêm một tiếng nói vào việc giữ gìn tinh hoa văn hóa Thăng Long Hà Nội trong cuộc sống hội nhập với văn hóa nhân loại ngày nay.
 
   Tập trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội”, NXB Hội Nhà văn, 2024, của Phạm Thị Phương Thảo gồm 12 chương và 81 khúc ca. Mỗi một khúc ca đều in đậm những kí ức, hoài niệm về Thăng long Hà Nội, Tình yêu Hà Nội, yêu truyền thống văn hóa dân tộc của tác giả luôn tan chảy trong từng hình ảnh thơ, lấp lánh một vẻ đẹp riêng, dồi dào nhịp sống, có sức hấp dẫn, sức cuốn hút đặc biệt. Hình tượng Giọt giọt đêm cứ trăn trở, lặng lẽ cuốn theo thời gian, không gian, tâm tưởng, tâm trí, cảm xúc... của nhà thơ. Hiện rõ một tâm hồn khao khát, chìm và lắng rất sâu vào vùng đất Thăng Long xưa - nay, với bao số phận, bóng dáng con đường, phố cổ, âm thanh, sác màu, hương vị...
Nhiều nét đẹp đặc trưng của Hà Nội được gợi về bằng những hình ảnh thơ sinh động cụ thể: “Gió sông Hồng thổi cong con đê cũ.../ Hồ Trúc Bạch sương trắng thức cùng đêm/ Đâu phải chỉ là 36 phố phường/ Bộn bề nỗi đau kẻ chợ”. Chị hòa mình vào từng giọt đêm để lắng nghe, thấu hiểu, thu lượm từng âm thanh mà chiêm nghiệm cuộc sống người Hà Thành. Đón nhận từng tiếng giao đêm, tiếng xe xích lô, tiếng lao xao của chợ đêm Đồng Xuân, những tiếng dương cầm vọng qua phố vắng. Ấn tượng nhất là tiếng ca trù khoan nhặt theo nhịp phách bên đình cổ... Tất cả những thanh âm phố phường ấy, cứ vấn vít, vang ngân, khơi dậy, đánh thức kí ức tuổi thơ, vừa lung linh xa mờ, vừa hiện hữu, ẩn hiện những vui buồn của đời người, của văn hóa, lịch sử dân tộc.
 
 Trục cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tập thơcatru1
     Có thể nói, ĐÊM  là thời gian nghệ thuật đầy ám ảnh, cũng chính là trục cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tập trường ca. Điều đó đã toát nên được chủ ý nghệ thuật của tác giả ngay từ tên đề của cuốn sách - “Giọt giọt đêm Hà Nội”. Nhà thơ Phương Thảo chọn thời gian Đêm cho dễ cất lên tiếng nói chân thực của lòng mình, thể hiện sự đào sâu suy ngẫm vào bản thể, chiêm nghiệm từ thực tế từng trải qua bao thăng trầm của cuộc đời. Đêm trong thơ Phương Thảo vì thế đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc và lạ. Độc và lạ ngay từ phần mở đầu tập thơ:
Hà Nội giọt giọt đêm tan chảy
Rót mê đắm ngọt ngào, bản tình ca
không tên.
Giọt giọt đêm Hà Nội”.
    Ban đêm mọi cảnh vật dường như đang chìm trong giấc ngủ, trong sự  lặng tĩnh, thường cũng là lúc khơi dậy cảm hứng ở độ thăng hoa với thi nhân. Điều đó khiến ta hiểu vì sao trong thơ chị hiện về ngổn ngang bao nỗi nhớ. Nỗi nhớ nào cũng xốn xang, xao động, đẹp như một giấc mơ. Là giấc mơ nên hình ảnh Hà Nội với cội nguồn lịch sử được hóa thân hiện về qua lời kể của sông Hồng, dãy phố, hàng cây, các di tích, địa danh  và mặt hồ soi bóng..., tất cả đều lung linh hiện hữu.
    Nhà thơ rót mê đắm ngọt ngào vào câu chữ để dệt thành bản tình ca không tên”, nối quá khứ với hiện tại, đẹp đẽ, thuần khiết và rất thơ mộng. Bản tình ca ấy cứ ngân dài, vang xa, vọng về cái thời gian hồng hoang xa lắc. Đó là “Hà Nội ngàn năm/ Hồn cốt Thăng Long trầm tích/ Đêm nay chợt vỡ òa/ Trở dạ hân hoan”. Cứ thế, cứ thế, mạch cảm xúc của nhà thơ tan chảy vào trùng điệp dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa, những cảnh sắc thiên nhiên diêm lệ thuần khiết, rất đỗi tự hào về Hà Nội.
   Đêm trong “Giọt giọt đêm Hà Nội” của chị được gợi tả rất đa dạng, nhiều dáng vẻ, với nhiều cung bậc tình cảm rất tự nhiên, khéo léo. Có hàng trăm nghìn dáng vẻ của đêm mà vẻ nào cũng hiện rõ hồn thiêng Hà Nội. Nó đan kết hòa quyện để nối ngày qua đêm, nối các mùa trong năm, nối ngày xưa đến nay và mai sau. Ở những mấu nối ấy tạo thành những liên tướng rất sâu, tạc vào thời khắc dêm Hà Nội bằng những hình ảnh độc đáo, trân quý về một Thủ đô nghìn năm văn hiến.
    Chiều sâu ấn tượng nhất trong đêm Hà Nội là âm thanh. Đêm càng khuya, âm thanh càng lánh lót, xao động lòng người. Nếu không có một tình yêu ca hát thì khó có thể nhập cuộc, mê đắm trước một tiếng dương cầm hay một giọng ca trù. Chẳng thế mà khi diễn tả về những âm thanh ấy, Phạm Thị Phương Thảo đã dành trọn hẳn một chương: chương VII, giọt giọt dương cầm (tr 90) và chương II với “giọt giọt ca trù” (tr 37).
Suy ngẫm về ca trù, nhà thơ cảm được sâu xa ý nghĩa của nó. Ở phần đầu chương II – trong “Giọt giọt đêm ca trù”, chị viết:
Đêm ca trù tiếng phách, tiếng đàn/ Giọng ca buồn cất lên, cất lên/ “canh khuya đưa khách...”, lời em hát (...)Như thực, như mơ/ Hồng hồng tuyết tuyết/ Lời ngọc tiếng tơ/ Đêm Hà Nội, nghe tiếng phố và trăng cùng thở” . Những giai điệu quen cũ “hồng hồng, tuyết tuyết” gợi về những mơ màng xa xăm.
    Đúng như nhà thơ đã nhận xét, “ca trù xưa, thú vui tao nhã đến bây giờ”. Bởi giai điệu của lời ca vẫn vang vọng tiếng tơ tiếng trúc, da diết, u hoài, trầm tư trong nhịp phách, đàn. Giọng ca nương trong ngôi đình cổ, cứ len lỏi vọng vào đêm vắng những “chuyện xưa nghe thăm thẳm tiếng giọt giọt buồn”, vọng vào mặt nước Hồ Gươm, phảng phất trên những con phố vắng, với điệu “tom tom chát...” xáo động hồn Thăng Long, đánh thức sóng sông Hồng.
   Thơ Phương Thảo hàm súc, giàu sự liên tưởng, gợi mở về tận ngọn nguồn “quý phái” của nghệ thuật ca trù. Nhà thơ đưa người đọc trở về thời “hoàng kim thơ Đường”, đến với Thần thơ Bạch Cư Dị để thưởng thức giọng ca cho đã:
Bóng dáng thơ Tỳ bà hành...
Luyến láy vào đêm mơ hồ, mơ hồ
Giọng ai cùng tom chat tiếng thơ?
    Nói về sức hấp dẫn của ca trù, Phương Thảo liên tưởng ngay đến tiếng đàn Tỳ bà mà Bạch Cư Dị tiễn khách trên bến Tầm Dương, tại thị trấn Cửu Long Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Nghe tiếng đàn Tỳ bà khi khoan, khi nhặt, khi to khi nhỏ, khi ào ạt như mưa rào, khi nỉ non tâm sự. Tiếng đàn ở đây được diễn tả ở nhiều cung bậc, nhiều giai đoạn cảm xúc khác nhau: vừa có tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau, vừa có tiếng ríu rít của oanh ca, tiếng nước sa xuống ghềnh, lại vừa có tiếng binh khí va nhau, có tiếng lụa xé và tiếng bình hạc vỡ... Mô tả tiếng đàn là biểu thị tài năng của người chơi, tâm trạng đầy thán phục của người nghe và sự sẻ chia đồng cảm của tác giả.
    Nói về ca trù Hà Nội, nhà thơ nhắc tới ca nương Bạch Vân trong (khúc ca 11): Ca trù chị hát đêm nayGiọt đêm say đắm, ngất ngây bao người. (Tr. 37). Nhà thơ Phương Thảo trân trọng và cảm phục nghệ sĩ Bạch Vân và tình yêu lối hát ca trù của chị. Năm 1996, Bạch Vân mở một câu lạc bộ hát ca trù Hà Nội, nhằm khôi phục lối hát một thời bị lãng quên. Phương Thảo cũng từng đến dự, nên rất cảm kích, nhắc tới Bạch Vân trong khúc ca này:
“BẠCH VÂN - mây trắng buông lơi
Giọng ca vang ngọt, nhả lời, vân vi.
Mùa mùa, mây trắng thiên di
Đêm đêm, đàn phách, ngại gì gian truân.
Giọt giọt đêm, rót vào lòng
Ca trù, mùa thả trắng trong lên trời”.
    Lời thơ như dẫn dắt người đọc ngập chìm vào không gian nghệ thuật ca trù. Không gian ấy được giới thiệu thật đặc biệt ấn tượng với giọng ca buông lơi, nhả lời cùng đàn phách, tạc vào đêm Hà Nội, rót thổn thức vào lòng người nghe, vào những nỗi niềm gian truân của kiếp hát. Hình ảnh “mây trắng buông lơi” đầy sức gợi. Mây trắng làm cho trời cao hơn, đẹp hơn, lãng mạn hơn, nhưng ở đây, mây trắng cũng chưa hẳn là mây trắng. Có màu trắng, nhưng là màu trắng của sự phôi pha, tan loãng. Liền đó là mây trắng thiên di, ngại gì gian truân... tạo ra cái đối lập về số phận. Câu thơ nói đến “ca trù, mùa thả trắng trong lên trời”, ý thơ nói Bạch Vân như tan vào mây trắng, cũng vĩnh hằng như ca trù Hà Nội với cái tên ca nương Bạch Vân. Điệp từ mây trắng được nhắc lại trong đoạn thơ, một lẫn nữa nhấn mạnh, khắc sâu thời gian thăng hoa và nỗi niềm trắc ẩn với bao ngẫm suy về việc bị lãng quên của nghệ thuật hát ca trù, cũng như số phận người nghệ sĩ “Ả đào” một thuở.
    Cùng với ca trù, tiếng dương cầm thánh thót trong đêm Hà Nội, ngân những khúc nhân gian mở ra ngày mới với nhiều điều thú vị. Thật sáng tạo, khi nhà thơ đã nhuộm tím “tiếng dương cầm trong đêm Hà Nội” trong  “Giọt giọt dương cầm” (chương VII, khúc ca 34- 38).
   Phương Thảo lang thang cùng “những phím đàn long” trên sân vắng đầy lá rụng, theo dấu chân buồn xưa Phan Vũ. Thẩm thấu tiếng đàn Piano trong đêm, chị nhân rõ con “mắt phố” nhức đau, khoáy sâu vào kí ức của 12 ngày đêm, khi giặc Mĩ ném bom dữ dội, phá nát phố Khâm Thiêm, phá gẫy cầu Long Biên Hà Nội (1972).
   Đồng thời, mỗi góc phố cũng là một thiên tình sử, tạc vào kí ức không quên những tên tuổi các nghệ sĩ tài ba như “ Trịnh Thị Nhàn hay Đặng Thái Sơn”... Đêm trăng về, những cuộc đời còn mất, giọt dương cầm chìm, khuất, tan vào phố vắng, tạc vào không gian vũ trụ mênh mông.
   Buổi sớm khi bình minh thức dậy, dương cầm ngân vang những tình khúc nhân gian lướt trên mái phố. Đi trên con phố Nguyễn Đình Thi ven Hồ Tây, nhà thơ liên tưởng nhớ bản “hùng ca Người Hà Nội” và  ngưỡng mộ chí khí quyết tâm của người Hà Nội ra đi kháng chiến, bỏ mặc “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...”.
   Phải tinh tế lắm, nhà thơ mới có thể hình tượng hóa Giọt giọt dương cầm bằng màu săc, âm thanh, ánh sáng, lúc ban mai, khi trời thu mưa,  nắng, với đêm trăng hoa sấu rắc vàng thềm phố, một cách tự nhiên đến vậy.
Mượn lời Kể của sông Hồng, Phương Thảo làm sống dậy hồn cốt Hà Nội cả nghìn năm văn hóa với bao trầm tích. Đưa người đọc trở về thuở hồng hoang mà lắng nghe, suy ngẫm, tự hào vơi điểm nhấn là việc vua Lý Công Uẩn rời kinh đô Hoa Lư  về đất Thăng long:
“ Và sông Hồng đêm đêm lắng nghe bao tiếng vọng.
Tiếng người xưa và cả tiếng hôm nay
Văn minh sông Hồng thấm bề dày lịch sử
Hà Nội ngàn năm, nuôi ta lớn từng ngày!
   Hoàng thành Thăng Long - dáng Rồng bay, đậm dấu ấn văn hóa Á Đông, chứa đựng cả niềm tin hi vọng vào sự phát triển tốt đẹp lâu dài của đất nước.
Tứ thơ giàu tính sáng tạo
   Tên của tập thơ - giọt giọt đêm Hà Nội đã là một tứ thơ độc  lạ, chi phối toàn bộ nội dung, ý nghĩa tác phẩm. Mỗi giọt giọt đêm trong thơ Phạm Phương Thảo là một tứ thơ, biểu đạt về một trạng thái tâm tư riêng thật đặc biệt. Sức hấp dẫn của thơ Phạm Phương Thảo chính là ở tứ thơ lạ và hay ấyTheo Từ điển thuật ngữ văn học: “Tứ thơ là cảm xúc thơ, hoặc ý nghĩa hình ảnh thơ. Cấu tứ là tạo được hình tượng có khả năng khêu gợi được cảm xúc thơ, tức cái cảm xúc nhân văn của tâm hồn con người. Đó là sự kết hợp hình ảnh sống động và ý thơ, sao cho sự sống của hình ảnh càng triển khai ra càng thêm nhiều ý nghĩa”(Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 1992, tr 208). Trong thơ, Phạm Phương Thảo tỏ rõ sự cân nhắc kĩ lưỡng khi chọn tứ thơ, tạo ra một cách nhìn, một cách cảm và một cách nghĩ của riêng mình. Chính cái tứ thơ Giọt giọt đêm Hà Nội ấy chi phối toàn bộ cảm xúc, là “chiếc xe” chuyển tải nội dung và ý nghĩa, hiện rõ một hồn thiêng đặc trưng kinh kì Hà Nội, rất giàu bản sắc văn hóa dân tộc.     
   Với cách viết độc đáo này, Phương Thảo đã đem đến sự đồng cảm sâu sắc tới đông đảo người dân Hà Nội. Chứng tỏ việc tìm tứ để diễn đạt ý thơ của tác giả là công việc lao động nghệ thuật tinh vi, nó vừa đòi hỏi một sự khổ công tìm tòi, vừa phải có một tài năng sáng tạo. Bởi tứ thơ có thể nảy sinh từ hình tượng xuyên suốt cả bài thơ, có thể nảy sinh từ một cảm xúc chung rồi dẫn dắt ra những dòng suy nghĩ, liên tưởng về Hà Nội.
   Điều đáng quý là ở đây, Phương Thảo đã chọn hình tượng giọt giọt đêm làm nên cái tứ thơ độc đáo, xuyên suốt tác phẩm. Nhiều khúc ca kế tiếp nhau cũng đều là giọt giọt đêm, như: “giọt giọt đêm ca trù”, “giọt giọt dương cầm” cùng dăng mắc, hé lộ bao yêu thương tha thiết, với rất nhiều ẩn ức và những hoài niệm khó giãi bày. Nên nhà thơ đã tin cậy, trao gửi nỗi lòng, kí thác vào “Ca trù chị hát đêm nay/ Giọt đêm say đắm, ngất ngây bao người...Mênh mang sông nước đầy vơi/ Hồ Tây dào dạt, đất trời ngả nghiêng”. Đó là tâm trạng có thực của nhà thơ đã trở thành một khuynh hướng nghệ thuật, đậm chất nhân văn, khơi gợi tình đời, tình người Hà Nội thanh lịch.
 
    Đêm trong thơ Phương Thảo cũng là một tứ thơ biểu hiện rõ không gian và thời gian nghệ thuật, bằng những hình tượng phong phú, giàu sức gợi, có liên hệ sâu xa với văn hóa kinh đô Thăng long Hà Nội. Đó là con “Sông Hồng chứng nhân lịch sử.../ Ghi trên mảnh đất Thăng long/ Nhớ xưa một vùng châu thổ/ Làng quê lúa xanh trù phú/ Vùng đất ấy thật linh thiêng/ Một dáng “rồng cuộn hổ ngồi!”. Đó là Hà Nội với 36 phố phường xưa, với bao thăng trầm, bao số phận buồn vui đời người và cuộc sống hôm nay với những hi vọng vươn xa...để hòa nhập thế giói.
 
z5798176451308_2d0f6af6d3e645d90699c035757a95f4Thể thơ đa dạng, nghiêng về hiện đại
    Tập trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội” rất đa dạng về thể thức. Thể thơ không chỉ gắn với nghệ thuật ngôn từ mà còn phải được xem như là biểu hiện của quan niệm thẩm mĩ đối với đời sống. Ý thức về con người cá nhân và sự vận động đổi thay của Hà Nôi, của xã hội, trong thơ Phạm Phương Thảo được thể hiện rõ bởi lối thơ tự do, mang phong cách hiện đại. Có cả những bài thơ văn xuôi, không bị bó buộc vào câu chữ, tiến tới xóa nhòa khoảng cách giữa thơ và văn xuôi,.
 Một số bài thơ tứ ngôn, ngũ ngôn, mang hơi hướng Kinh thi rất chuẩn. Như “Gió sen còn thổi đêm ngày...” (khúc ca 56, tr 129). “nụ đêm” (khúc ca 57, tr 130)... Trong “Dương cầm trăng” (khúc ca 38, tr 96), thể thơ 4 chữ dặt dìu qua nhiều cung bậc cũng đủ trở thành một giai điệu Hà Nội buồn đẹp, mãi ngân vang trong lòng người đọc:
“ Mòng mọng nụ đêm
 Áo trời cởi gió
 Ngực sen căng nở/
Vạt xanh lấp ló!” ;
Hoặc:
“Hoa sấu rắc vàng
Trên thềm phố cũ
Đêm về mênh mông        
Giọt dương cầm Phố”
    Ý thơ chứa đựng một nỗi buồn man mác cõi xưa, lấm tấm rơi, phủ trên thềm phố một màu vàng hoài cổ. Ở đây nhà thơ đã mượn hình ảnh giọt dương cầm của người nghệ sĩ tài ba để bày tỏ cảm xúc trầm lắng trong tâm thức mình về nỗi buồn nhân tình thế thái, không chỉ với người Hà Nội mà là chung của mọi người.
    Tiếp nối truyền thống, tìm về mạch nguồn dân gian, thơ lục bát trong tập trường ca ít, nhưng rất giàu chất trữ tình, giàu nhạc điệu, mượt mà, uyển chuyển. Những khẩu ngữ, tục ngữ, cách ví von so sánh rất giàu sức gợi: “Hà Thành sương khói mang mang/ Nồng nàn giấc phố, mùa sang, ả  đào” (khúc ca 8, tr 41). Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị lớn nhất của cả nước, cũng là nơi hội tụ được nhiều tinh hoa, tinh tú, nhiều người tài giỏi về đây.  Hà Nội tuy không sản sinh ra ca trù nhưng là nơi tập trung nhiều nghệ nhân ưu tú, đam mê lưu giữ, lan tỏa nét đẹp quý phái, thông tuệ của nghệ thuật hát ca trù nổi bật trên cả nước. Bởi ca trù rất kén người chơi và người thưởng thức. Nên khi nói đến ca trù Hà Nội, Phương Thảo nhắc ngay tới người có công lớn lập ra câu lạc bộ ca trù Hà Nội là “Ca nương Bạch Vân”(khúc ca 1 1, tr 49):
 Ca trù chị hát đêm nay
Giọt đêm say đắm, ngất ngây bao người.
“Thăng Long còn đó, ngàn năm
Chuông chùa Trấn Quốc, bóng rằm Hồ Tây
Vua Lý Công Uẩn về đây
Nhị Hà soi bóng, tháng ngày không quên”.
Những lời thơ dung dị ấy được nhà thơ sử dụng vần điệu tuân thủ theo quy tắc lục bát, thể hiện sinh động không gian, thời gian, các địa danh, di tích cổ xưa, nổi bật nét đặc trưng Hà Nội.
     Đôi khi để tạo dấu ấn riêng biệt, lạ hóa, nhà thơ đã sử dụng tách câu thơ ra làm nhiều dòng, để làm mới thể thơ này: “Giang tay vén gió/   Hoa thành/ Giấc/  Sen...” Hướng đến lối thơ tự do, thơ văn xuôi, thể thức thơ hiện đại đòi hỏi nhà thơ phải đi sâu tìm tòi, khám phá, sáng tạo nghệ thuật. Không ít các khúc ca là thơ 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ ; rồi ngắn tới 1, 2, 3 chữ, hoặc kéo dài bằng những đoạn thơ văn xuôi trong (Khúc ca tháng tư)...., Sử dụng lối thơ tự do để tác giả tránh sự sáo mòn ngôn ngữ, sự khuôn mẫu về nhạc điệu, nhằm gây được ấn tượng mới mẻ, hấp dẫn. Việc đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ, khiến thơ dễ nhập vào người đọc và trở nên gần gũi cuộc sống.
    Hướng tới kỉ niệm 75 năm ngày giải phóng thủ đô, có rất nhiều văn nghệ sĩ viết về Hà Nội, trong số đó có nhà thơ Phương Thảo. Chị thu lượm những tinh hoa Hà Nội, đặc biệt nhấn sâu vào nghệ thuật hát ca trù, viết nên bản trường ca  Giọt giọt đêm Hà Nội. Tác phẩm là sự kết tinh, kết tụ, giao hòa và thăng những nét đẹp tinh hoa của Hà Nội. Ca trù được chị nhắc đến nhiều vì giọng ca này rất khó hát, quý phái. Nó là thứ nghệ thuật dân gian bác học, kén nghệ nhân và kén thính giả, được giới “trí thức” Hà Nội ngưỡng mộ. Chả thế mà sau bao thăng trầm quên lãng, đến nay nghệ thuật hát ca trù vẫn xứng danh là “một nét văn hóa thủ đô Hà Nội”.    
*
*   *
     Hà Nội là nơi tập trung nhiều những gương mặt anh tú, hội tụ tinh hoa của mọi mọi miền đất nước. Đúng như câu nói: “Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng Hà Nội sinh ra và lớn trong tôi”(Phan Quế Mai). Cũng giống như chúng tôi, Phương Thảo với Hà Nội là người như thế.
     Tập trường ca của chị vừa thể hiện tình yêu Hà Nội, vừa góp phần lan tỏa những ý nghĩa tích cực vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Hà Nội. Góp phần xây dựng một thủ đô văn minh, giàu đẹp, hòa bình, thân thiện và hội nhập thế giới. Hi vọng nghệ thuật ca trù Hà Nội sẽ ngày càng nức tiếng vang xa, hòa nhập mà vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa Thăng Long, Hà Nội.
 
                                                                                            N.T.M.B
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét