“Giấc sen” trong sương khói
(Đọc thơ Nguyễn Đình Hiển)
LÊ ANH PHONG
NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG
“Giấc sen cuối hạ” (2019) cùng với “Thời gian” (2013) và
“Bến say” (2005) đã làm nên con đường thơ của nhà
thơ Nguyễn Đình Hiển, một cựu chiến binh, một kỹ sư giao
thông, giám đốc công ty xe buýt Hà Nội, một nghề không
liên quan đến văn chương. Nhưng thi ca có con đường riêng
của mạch ngầm, của trời cho và đam mê.
Càng đọc anh, tôi càng nghiệm ra điều đó.
Giàu cảm xúc nhưng cũng giàu suy tưởng và nghĩ ngợi,
tính trữ tình và suy tư ý vị đã làm nên vẻ đẹp thơ Đình Hiển.
Một tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên, trước cuộc đời và
con người. Với anh, thơ không chỉ là tả, là kể, mà đích đến
của tứ thường ở phía suy tưởng. Là người sâu lắng, trọng
nghĩa tình, nên thơ viết về gia đình, quê hương, bằng hữu
thật đằm thắm và cảm động. Tôi đã đọc cặp 6/8 này trong
nước mắt của sự đồng cảm đồng điệu, của sự thấm thía từ
không gian tâm linh hiếu nghĩa về tình mẫu tử mang tâm
hồn Việt, bản sắc Việt: “Mẹ giờ đã hóa thành chùa/ Con như
chú tiểu bốn mùa chạy quanh”. Tôi cũng đã được nghe khá
nhiều thơ viết về cổng làng, nhưng “Cổng làng” trong thơ
Đình Hiển không nhòe lẫn trong lẽ thường tình: “Ai đi đó, ai
nhớ về/ Quê nghèo đẹp đến tái tê cổng làng”. Biết bao nỗi niềm
từ nghiệm sinh hiện ra trong cái “đẹp đến tái tê” ấy. Anh
thường phát hiện cái đẹp trong hiện thực bình dị của đời
sống. Đây là những vần thơ anh viết tặng vợ, thiếu nữ Huế
thuở nào: “Về làm dâu Đàng Ngoài từ khi còn rất trẻ/ Đất bén lề
quê thói giữ gia phong/ Tiếng “dạ” ngọt cả dải đất Đàng Trong/
Thành tiếng “vâng” đậm đà xứ Bắc/ Sống một đời bể dâu nước
mắt/ Chết làm ma nhà chồng thơm thảo đất quê con”. Không
những chị, mà cả chính tôi nữa đã rưng rưng nghe anh đọc
những vần thơ nghĩa tình phu thê ấy trong buổi sáng giao
mùa. Nghe thơ thấy người, nghe được cả những xôn xao
mạch ngầm của đời sống, của một thời gian khó không quên.
Là người sống nội tâm, sống đậm, nên thời gian và không
gian trong thơ Đình Hiển thường là thời gian, không gian
của hoài niệm, của tâm tưởng. Mỗi nhà thơ có một thời gian
nghệ thuật và một vùng trời ký ức riêng. Với anh, nỗi nhớ
ngày xưa gắn liền nỗi nhớ thương mẹ. Nhớ một ngày gặt
lúa ngỡ mừng vui mà âu lo thấp thỏm. Hạt lúa vừa hái trên
tay cũng là lúc gió mưa ập đến: “Đưa ta về với ngày mưa/
Mẹ ta ngồi khóc khi vừa gặt xong”. Thật mong manh cho cuộc
đời con người của một thời, chỉ biết trông vào hạt thóc trên
cánh đồng của gió mưa giông bão. Vì thế, người mẹ của nhà
thơ đã trở thành người mẹ của một thời và mãi mãi... Cũng
trong trường cảm xúc ấy, anh nhớ ngày tiễn cha về cõi cao
xanh, ký ức về người cha thân thương hiện lên với hình ảnh
và sự liên tưởng vừa khác lạ vừa cảm động: “Tiếng ba toong
người gõ/ Hóa thành tiếng mưa rơi” . Đó còn là “Nhớ làng”,
nhớ phố, nhớ mùa xa... Nhớ dòng sông chảy trong mơ hồ
của “Một thời lễnh loãng chảy không nhớ bờ”. Chữ nghĩa không
im lặng mà tinh tế, giàu cảm xúc, giàu suy tưởng, đó là ánh
sáng của lối nói trong thơ Nguyễn Đình Hiển. Trong sương
khói cuộc đời, khi đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, thi sĩ
chợt giật mình khi mùa xuân đến, bởi chính sự “phơi phới ấy
cứa ta thành nước mắt”, “Tóc ta bạc không thuốc gì để chữa/ Hoa
đào buồn nhỏ máu vào thời gian/ Có cái gì như sương khói đang
tan”. Thơ anh khá nhiều sương khói. Ra “Thăm mộ” người
bạn, không chỉ là nhớ thương mà còn lắng sâu nghĩ ngợi về
nhân sinh thế sự, thấp thoáng sương khói của minh triết:
“Mang theo một nửa mùa thu/ Biết đâu lẫn cả mây mù ở trong”.
Triết luận nhưng vẫn trữ tình, vẫn rất thơ. Không dễ có được
sự hài hòa ấy trong biểu đạt của thi ca. Còn đây là vẻ đẹp
của Hà Nội trong cát bụi, trong con mắt thi nhân hoài niệm
và đắm đuối, “âm thầm và xao động”. Cảm quan tinh tế
mang đến cho anh câu thơ thật đẹp nhưng cũng nhiều mong
manh: “Lộc vừng thêu những thuyền hoa bé nhỏ/ Chở Hà Nội
đi đâu mà mỏng mảnh quá chừng”. Từ hoài niệm, thơ anh đã
đến với hoài nghiệm. Thơ trở nên thâm trầm và thấm thía.
Thơ Đình Hiển là gương mặt của cảm thức thời gian, nhưng
được khúc xạ qua ánh nhìn nhân bản. Đó còn là những câu
thơ cộng sinh, thi ca vì thế sẽ tham dự vào đời sống.
Ẩn chứa tư chất của kẻ sĩ hiện đại, nên thế sự là điểm
nhìn khá phổ biến trong thơ anh. Đó có thể là một bài trọn
vẹn, có thể chỉ là một câu thơ, nhưng nó là hiện thực của
thao thức. Với “Vô danh”, nhà thơ nhập vào thần thức của
đồng đội mình để kể chuyện trong hoang lạnh, trong “ngơ
ngác bốn mùa”. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bài thơ vẫn là
câu hỏi day dứt khôn nguôi. Nó mang đến cho người đọc
sự ám ảnh và nghĩ ngợi nhiều chiều: “Ta liệt sĩ không bao giờ
bia mộ/ Khói hương ngơ ngác bốn mùa/... Cuộc hành quân không
tìm ra đích đến/ Ta lang thang giữa chốn cỏ và hoa/ Lá thông rơi
rụng trắng đất gan gà/ Hoa bất tử khiến chân ta lạc lối/ Âm thầm
hành hương vào bóng tối/ Từ vô danh đi tới những vô danh”.
Ngay trong “Thiền” vẫn u uẩn bao điều không tĩnh lặng:
“Pho tượng Phật trong ngôi chùa cổ/ Chẳng được yên trên cõi niết
bàn/ Lời chúng sinh đục ngầu bể khổ/ Dâng thành hương cháy đỏ
nhân gian”.
Là người lặng lẽ giữa đám đông, nhưng anh có nhiều câu
thơ ở gần ô cửa của đời sống. Đây là câu thơ anh viết về
mười cô gái liệt sĩ thanh niên xung phong ở “Ngã ba Đồng
Lộc”. Vẻ đẹp dâng hiến tuổi thanh xuân ấy vẫn còn lan tỏa
đâu đây trong bình minh ngày mới: “Môi hồng thơm cả ban
mai/ Tóc mây phủ nẻo đất đai chưa chồng”. Còn đây là bóng
ngày của nhớ thương ký ức “Cuộc đời”: “Ta trót để dấu giày
in trên cỏ/ Như bức thư xanh em chẳng đọc bao giờ/ Ký ức ấy tím
một miền xứ sở/ Để nhớ thương ngơ ngác cháy theo mùa/ Những
mỏng mảnh lại về trong rạn vỡ/ Nhắm mắt tìm những thực giữa
đời mơ”. Miền ký ức của tình yêu đôi lứa vẫn xôn xao sóng
sánh trong thơ: “Muốn ngoảnh lại phía chân trời nhớ tiếc/ Ta
không biết và cả em không biết/ Mùa bâng khuâng len lén vội trôi
ngang”. Và trong cái miền sóng sánh ấy, nhiều khi “Giông tố
lại là thí dụ cho tình yêu”. Bằng lối nói của cánh đồng, “Trái
mùa” cũng trở nên thao thiết và bao dung, trong lỡ làng câu
thơ vẫn nhân tình duyên dáng: “Em giờ hạt gạo trên sàng/ Còn
tôi lượm chút rơm vàng cuối đê”, “Em đi vời vợi trăng sao/ Một
tôi lẳng lặng rẽ vào mùa thu”.
Thơ Đình Hiển vừa sâu lắng suy tưởng vừa trữ tình trẻ
trung. Tôi chợt nhớ câu nói của danh họa Picasso: “Người
ta cần rất nhiều thời gian để trở nên trẻ”. Nhìn chung, thơ anh
vẫn mang nhiều dấu ấn của truyền thống, trong một số tác
phẩm có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Tuy
chưa nhiều, nhưng vẫn hiện lên những điểm nhìn mới, ngôn
từ mới và cách xử lý mới với đề tài cũ, thơ anh vẫn tiềm ẩn
nội lực của chữ.
Trong nhiều thể loại được sử dụng, lục bát chiếm tỉ lệ
cao nhất. Thi liệu của lục bát Đình Hiển vừa truyền thống
vừa hiện đại. Dường như tính trữ tình trong thơ anh khởi
nguồn từ một tâm hồn vốn thấm đẫm cảm xúc đồng quê,
nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn - Làng Mọc thân thương,
nơi những năm tháng tuổi trẻ anh sống trong hơi thở,
trong không gian chân quê “Ngái mùi rơm rạ, thẫm màu thôn
hương”. Với anh, thơ đã trở thành nơi lưu dấu tâm hồn
của một “thi nhân Làng Mọc” hay suy tư nghĩ ngợi về con
người, về thế sự...
Có thể nói, nhắc đến lục bát Nguyễn Đình Hiển, không
thể không nói đến “Mù Căng Chải”, một bài thơ khá điển
hình cho lối nói, cho cái tạng 6/8 của anh. Hay và đẹp, tự
nhiên và nhuần nhị, không có dấu vết của dụng công: “Ở
đây đất chạm tới trời/ Mù Căng Chải ngủ ngàn đời trong sương/
Heo may thổi lệch con đường/ Váy H’mông thả nõn nường vào
mơ/ Chợ phiên thổ cẩm rượu ngô/ Bán buôn cả cái hững hờ là
mây/ Mật ong ai rót mà say/ Hỏi em mua vạt nắng này bao
nhiêu/ Tiếng chân ngựa gõ vào chiều/ Thơm nồng thắng cố đổ
siêu tiếng khèn/ Ô xòe bỗng rực rỡ em/ Để trăm ngọn núi chợt
mềm như lau”.
Bên cạnh đó, trong lục bát Đình Hiển, người đọc còn
nhận ra thấp thoáng sự làm mới thể loại này của anh. Đôi
lúc chúng ta gặp những cặp 6/8 tung tẩy phảng phất lối nói
của lục bát dân gian đương đại. Nó có chút bụi phong nhiêu
phóng túng của đời sống thường nhật, nhưng vẫn ánh lên
tình bạn trong vất vả mưu sinh: “Rượu suông uống với đàn bà/
Bùn non mấy kiếp mới là đầm hoang”, “Thương nhau từ thuở hàn
vi/ Bây giờ Lưu Nguyễn chân đi tuềnh toàng/ Nhớ ngày xe tuyến
đi hoang/ Hồn xiêu đầy gió thấy toàn nắng phơi”...
Với người cầm bút, với nhà thơ, vượt qua chính mình
là khó nhất. Nhưng trước hết, phải là mình đã. Trong
“Tiếng mùa thu” của cuộc đời, nhà thơ đắm đuối mà khiêm
nhường: “Dẫu đi mê mải vẫn chưa tới mình”. Đọc 3 tập thơ
của anh, tôi lại nghĩ khác, anh đã đến được mình, anh đã
nói bằng ngôn ngữ của chính mình. Có lẽ, trong những
phẩm chất cần có trong thơ, có hai điều không thể thiếu, đó
là cái điệu tâm hồn và giọng nói. Cả hai phẩm chất ấy đã
hiện lên, đã khẳng định một bản sắc riêng của thơ Nguyễn
Đình Hiển.
Giữa hư và thực, thơ Nguyễn Đình Hiển như những giấc
sen trong sương khói. Đó là những vần thơ của thời gian và
say đắm. Nó vượt qua tuổi tác, vượt qua tục lụy, kiêu hãnh
xanh trong đằm thắm và tràn đầy sức sống.
Mùa Đông 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét