Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

MẠCH NGUỒN VÀ VÙNG PHỦ SÓNG

 MẠCH NGUỒN VÀ VÙNG PHỦ SÓNG

(Đọc thơ Đoàn Văn Thanh)

                 LÊ ANH PHONG

anh_anh_phong

NHÀ GIÁO NHÀ VĂN LÊ ANH PHONG

Đó là tên 2 tập thơ trong số 7 thi tập của nhà thơ Đoàn
Văn Thanh. Xin được mượn hai hình tượng ấy làm
từ khóa để mở ra cánh cửa của con đường thơ anh, của một
tác giả sinh ra trên miền quê Hà Nam giàu trầm tích văn hóa.
Có lẽ với người cầm bút, sáng tạo luôn gắn liền với mạch
nguồn và vùng phủ sóng.
Khi đọc thơ anh, tôi luôn tự hỏi: Truyền thống hay hiện
đại? Duy tình hay duy lý? Đâu là cái điệu tâm hồn của một
người thơ mà tôi yêu quý?
Có thể nói, viết về đồng quê, viết từ đồng quê là thế mạnh
trong thơ anh. Sau khoảng thời gian trong quân ngũ, người
thương binh Đoàn Văn Thanh lại trở về gắn bó với quê
hương, lăn lộn trong các phong trào sản xuất, tham gia vào
các tổ chức chính trị xã hội của địa phương, thực tế và trải
nghiệm ấy có lẽ là khởi nguồn đầu tiên, cùng với ước nguyện
“xin làm đệ tử truyền nhân” của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính,
đã mang đến cho thơ anh những “khúc ru xanh” của một
điệu tâm hồn thanh nhã tâm tình “Bao đêm thức đợi câu
thơ chín thầm”. Thấm nhuần văn hóa của quê hương trống
đồng Ngọc Lũ, trong thơ Đoàn Thanh, cánh đồng, cánh cò,
bến sông, sân đình, cỏ nội, bờ ao... đã tạo nên một miền thi
quyển: “Ta về lặn ngụp vào quê/ Đằm hương cỏ nội, thỏa thuê gió
đồng”, “Phù vân ngược gió đẩu đâu/ Xuôi về soi bóng ao sâu tím
bèo”... Lòng thành và tình quê sâu nặng nên với anh “Gió quê
thơm rất lạ/ Đi đâu cũng nhớ nhà”. Dẫu đã ra với phố thị, với
kinh thành, nhưng ký ức đồng quê còn mãi trên gương mặt
thời gian của một thi nhân luôn lấy nghĩa tình làm trọng:
“Tôi về vui với rạ rơm/ Củ khoai ngày ấy còn thơm đến giờ”. Dọn
sang nhà mới ở chung cư cao tầng giữa thủ đô, trong cảm
thức đô thị vẫn vang vọng tiếng sáo diều, buồn vui trước
gió: “Lên cao chạm tiếng sáo diều/ Vẫn nghe chân đất tiếc điều
không đâu”. Từ những không gian và thời gian nghệ thuật
âý, tầm nhìn được mở rộng. “Mạch nguồn” của dòng thơ trữ
tình hiện lên đằm thắm, tinh tế, khiêm nhường, bao dung và
nhân hậu: “Mẹ sinh em của để dành/ Đã từ kiếp trước cho anh
kiếp này”, “Em về để lại nỗi đau/ Nuôi ta suốt chặng đường sau
không người”, “Quên đi thế thái nhân tình/ Ta làm cỏ biếc cho
mình ngả lưng”... “Ở giữa trời và đất”, trong tâm tưởng nhà
thơ luôn có sự trở về, hướng về với hương đồng gió nội, “với
bùn”, bởi vì ở đó: “Tôi mới hiểu vì sao/ Mẹ tôi lại nuôi tôi khôn
lớn nhường này/ Sen, lúa, mẹ tôi/ Suốt đời tắm trong bùn”, “Mẹ
đi như giọt sương sa/ Con thành ngọn cỏ nở hoa không người”.
Quê hương, Đất Mẹ luôn là nguồn mạch vô tận và mang lại
tươi tốt mùa màng cho cánh đồng thơ Đoàn Văn Thanh.


Một trong những phẩm tính đáng quý ở thơ anh, là đọc
thơ thấy người. Trong miền “thương nhớ đồng quê”, ngôn
từ giản dị, thuần hậu, trang nhã, thanh sáng mà sâu lắng,
giọng điệu chủ đạo vẫn là thì thầm, lục bát vẫn là thể loại
chính, anh như tựa vào thiên nhiên để biểu đạt, nên miền
thơ này thường xanh và dịu dàng. Và ở đó có bao nỗi niềm
từ những mơ hồ, những xôn xao của tâm tình: “Ban ngày
tích cóp vu vơ/ Đêm về bện lại bâng quơ buộc mình”. Nhưng


cũng nhiều câu thơ như lời ăn tiếng nói hàng ngày: “Chẳng
còn chum nước cầu ao/ Thì còn ánh mắt bên rào ngày xưa”. Sự
dung dị làm nên vẻ đẹp của thi ca nhiều khi bắt nguồn từ
ngôn ngữ khoáng đạt của chốn làng quê.
Phong cách lục bát Đoàn Văn Thanh nghiêng về truyền
thống, nhìn chung là mực thước, điềm đạm như chính con
người anh. Nhưng đôi lúc, cũng có những câu thơ thoát ra
ngoài từ trường ấy: “Đàn bà nước mắt trời pha/ Vắn dài vài giọt
vỡ òa đàn ông”. Tôi thích cặp 6/8 này bởi lối nói tự nhiên tươi
mới, tung tăng mà nói được những điều tinh tế.
Tuy vậy, trong lục bát của thôn hương cánh đồng, thi ảnh
quen thuộc của một thời vẫn hiện lên đâu đây: Thân cò, cuộc
bể dâu, tơ hồng, vọng phu hóa đá... Đó có phải là hồi quang
còn sót lại trong thơ anh.
Bên cạnh dòng trữ tình đồng quê ấy, trong thơ Đoàn
Thanh còn có “mạch nguồn” của dòng thơ thế sự. Từ thanh
nhã, tâm tình, thơ anh đã trở nên ưu tư trăn trở và mang
tính đối thoại. Bên cạnh duy tình, chữ nghĩa đã thêm màu
duy lý. Từ vần điệu lục bát đến với tự do của thể loại. Ở
đây, anh có nhiều câu thơ đứng về “phe nước mắt”. Có lúc
như là câu hỏi đau đáu hiện lên giữa vùng sáng tối: “Cây
thuốc cứu người thì vàng vọt/ Mà sao cỏ dại nhởn nhơ xanh”.
Hòa mình vào cát bụi cuộc đời để quan sát và đồng cảm.
“Nói ở Đọi Tam” là một bài thơ như thế. Con trâu, đối tượng
được trực tiếp nói đến, vẫn là con vật thân quen trong thi ca,
nhưng cách nhìn đã thay đổi. Phải chăng nghề truyền thống
làm trống ở quê hương đã mang đến cho tác giả một điểm
nhìn khác lạ: “Thân trâu mưa nắng kéo cày/ Ăn giả làm thật tối
ngày chưa tha/ Một mai sức kiệt lực già/ Xả thân lột lại mảnh da
dâng đời/ Sống cúi đầu chẳng nhìn trời/ Chết lên mặt trống muôn
nơi nghe mình”. Đó là âm vang của sự trớ trêu thân phận, là


nỗi đau đời, hay là dâng hiến, hay là câu thơ của sự truy
vấn hiện thực... Đó là những câu thơ được viết mở, mang
đến dư ba trong suy tưởng. Bài thơ “Chim cu gáy” cũng thể
hiện cách nhìn khác với một đề tài quen thuộc (Chim và
lồng): “Này chim cu gáy/ Đừng buồn/ Ta ở ngoài lồng/ Mà không
gáy được”. Có bầu trời tự do đấy, nhưng nhà thơ như tự hỏi
mình trước “pháp trường trắng” (Chữ dùng của nhà văn
Nguyễn Tuân). Và người viết chúng ta nghĩ gì khi chiếc bút
vẫn cài bên ngực trái. Khi hiện thực được phản ánh ở nhiều
chiều khác nhau, thơ sẽ trở nên đa dạng và dân chủ.
Trên con đường thơ Đoàn Thanh, trong dòng thế sự,
nghiệm sinh và triết luận ngày càng hiện rõ. Ở đây, lối nói
đã thay đổi, cảm xúc nhường đường cho lý trí, cấu trúc
thơ trở nên chặt chẽ, ngôn từ ý tứ sắc và ám ảnh: “Lịch
sử/ Những nấc thang máu/ Khô trên mặt thời gian”, “Văn
rộng/ Đường văn hẹp/ Phía trước là ngôi đền/ Thánh thần/ Và/
Ma quỷ”. Những hình thức biểu đạt mới xuất hiện trong
thơ. “Giọt Tây Nguyên” và “Những khoảnh khắc thu” như là
những thể nghiệm về thơ tối giản: “Chắt Tây Nguyên/ Giọt
em/ Đắng/ Mềm môi/ Thức/ Ngọt đời”, “Tháp cao/ Giọt chuông/
Buông.../ Sen hồ/ Chú nhái ngồi thiền”. Ở cái tuổi “xưa nay
hiếm” mà nhà thơ vẫn tự hỏi: Mình là ai?: “Nhiều lần định
nghĩa mình/ Vẫn không ra lời giải/ Tóc cứ trắng vô tình/ Chỉ cỏ
xanh mãi mãi”. “Tự vấn” bản thể là một xu hướng của thơ
hậu chiến. Chất suy tưởng ngày càng được coi trọng trong
lập ý và cấu tứ. Điều đó cho thấy trong chuyển động của
thơ Đoàn Thanh có sự song hành, có cuộc đối thoại giữa
truyền thống và hiện đại. Vì thế, thơ anh không dừng lại,
luôn tìm tòi sáng tạo và mở rộng vùng phủ sóng.
Lấy con người làm tứ, thơ anh không đi xa cuộc đời, dẫu
đó là “những đám mây đáy hồ” vẫn mang lại cho người đọc


nhiều nghĩ suy và chiêm nghiệm: “Có đám mây sắc đỏ/ Uống
cạn cả bình minh/ Có đám mây màu xanh/ Tạc hồn vào thăm
thẳm/ Có đám mây dáng vàng/ Cưỡi trên ngọn gió say/ Có đám
mây màu xám/ Phù sũng một vách trời/ Có vạt mây thành muối/
Ướp vào em và tôi/ Dẫu có là ngũ sắc/ Cũng chẳng thể thành trời/
Có một ngày ngừng trôi/ Mây về soi đáy nước”. Chữ nghĩa luôn
tạo sinh, đó là những áng mây của suy tưởng.
Có thể nói, khi nhắc đến sự đổi mới trong thơ Đoàn Thanh,
không thể không nói tới “Vũng nước”: “Không chọn được con
đường/ Con đường chọn tôi làm vũng nước/ Mỗi lần xe trằn qua/
Tôi thót bụng/ Hằn thêm số phận/ Biết làm sao/ Bởi những bánh
xe kia/ Cũng lận đận suốt cuộc đời.../ Một hôm/ Có người đàn bà/
Chân trần lội vào tôi/ Bỗng lung linh/ Lưu giữ/ Ngày đẹp trời/ Tôi
ngửa mặt/ Đỉnh núi cười vào tôi/ Đám mây cười vào tôi/ Trời cứ
cao vòi vọi.../ Một ngày cạn/ Tôi hóa thành đám mây/ Mang theo
hình người đàn bà/ Bay lên đỉnh núi...!”. Bài thơ như là dẫn dụ
của giấc mơ, của khát vọng từ cuộc đời, từ số phận bay lên.
Vẻ đẹp của tưởng tượng, của sự sống và tình yêu vượt qua
mọi lô gic. Vừa hiện thực vừa siêu thực, có cái gì như huyền
thoại, như giả cổ tích nhưng không xa lạ với con người. Tôi
tin rằng sẽ có cơn mưa mát lành từ đám mây linh ứng ấy.
Đây cũng là bài thơ hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ trong
biểu đạt. Những tác phẩm như thế đã mang đến sức sống
mới, vẻ đẹp mới cho thơ Đoàn Thanh. Điều đó còn khẳng
định, sự đổi mới căn cốt trong thơ không chỉ dừng lại ở hình
thức, mà phải từ trong tư tưởng, từ trong cách cảm, cách
nghĩ và cách tiếp cận.
Từ cánh đồng đến “khúc ru xanh”, từ “cõi mình” đến với
cõi người, ta nhận ra “Mạch nguồn” và “vùng phủ sóng” của
thơ Đoàn Văn Thanh. Không tuyên ngôn, nhưng thơ anh
vẫn mang đến cho người đọc nhiều nghĩ ngợi về thơ, về


con đường của thi ca, về tâm thế và tấm lòng của nhà thơ
trước cuộc đời, trước con người. Tình người, tình quê, cảm
xúc chân thành hướng thiện, bao dung, sự thao thức trước
những chộn rộn của đời sống, thời cuộc, khát vọng và sự
rung động của một tâm hồn nhạy cảm, vừa tinh tế lịch lãm
vừa dấn thân nhập cuộc, thơ anh đã và sẽ đến với bạn đọc
trong niềm giao cảm, trong sự đồng điệu và tin cậy.

Tháng 1/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét