MỘT CÁCH TÌM VỀ…
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Trần
Đức Cường đặt tên cho tập thơ thứ ba của mình là “Nơi ấy ta về”. Vâng, cái tên này cũng gần gũi, chị em với tên những xuất bản phẩm của Câu lạc bộ Thơ – Nhạc Việt mà tác giả là
Chủ tịch: “Nơi ta tìm về”. Nơi ấy, nơi ta tìm về là đâu? Là nơi nào? Chắc chắn không
phải là một miền đất mới! Về, và tìm về thì có nghĩa rằng trước đó đã có một cuộc
ra đi! Nơi ta về, nơi ta tìm về là nơi
đã ra đi ! Nơi ấy, chính là cố hương, là làng quê cũ.
Trong tâm thức của
người phương Đông, cố hương, quê cũ thật
thiêng liêng, quý giá.
Chả thế mà Hạ
Tri Chương của Trung Quốc nổi tiếng với bài thơ “ Hồi hương ngẫu thư” ( Ngẫu hứng
viết ngày về quê):
Thiếu tiểu li gia lão đại hồi
( Ngày trẻ rời
nhà đi, già thì quay về quê)
Nguyễn Trung Ngạn
của Việt Nam cũng nổi tiếng với bài “Quy hứng” ( Hứng trở về):
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như quy.
Nghe
nói ở nhà, dẫu nghèo vẫn tốt,
Đất Giang Nam tuy vui cũng chẳng bằng về nhà.
Trần Đức Cường
tìm về cũng chính là một cách học tiền nhân, tiếp nối cái mạch yêu quê hương bản
quán nơi sinh ra mình.
Thế nhưng thế thời
đã đổi thay! Ngày nay đâu có phải ngày xưa? Đâu có phải hễ có ý định là ngay lập
tức có thể thực hiện? Có rất nhiều nguyên nhân ràng rịt, níu giữ, thắt buộc với
người đã xa quê nhiều năm “Bước chân khắp
mọi nẻo đường/ Qua bao gian khó phong sương dãi dầu” (Thơ và tôi). Vì vậy
mà “về quê” được thực hiện bẳng hoài niệm, được thực hiện bằng giấc mơ, được thực
hiện bằng những chuyến thăm quê, được thực hiện bằng việc tập hợp những người
quê ở Hà Nội (xã Nga Thanh) “Đồng hương gắn
bó chung tình sẻ san” cũng gìn giữ hồn
quê:
Xa
xôi lòng vẫn khát khao tìm về
Bao la
đồng cói triền đê
Nắng
mưa một thuở đi về có nhau
(Hồn quê)
Những vần thơ
mang hương cói quê nhà, tác giả đã viết rất thành công trong tập thơ đầu tay:
-
Bâng khuâng trở lại quê nhà
Cỏ non
biêng biếc mượt mà cói xanh
` - Bồng bềnh mây trắng chơi vơi
Cói lên
xanh tốt bời bời sắc xuân
Nhà nghiên cứu
phê bình văn học PGS.TS. Phạm Thành Hưng đã nhận xét rất sâu sắc và khái quát:
”Sóng cói, đồng cói ngập tràn mãi trong thơ
anh. Điều này không thể khác. Trong chừng mực nhất định, có thể coi thơ Trần Đức
Cường như một kiểu thơ du lịch, mà trước hết là mời gọi đến vùng đất Nga Sơn
huyền thoại. Gần như bài thơ nào của anh cũng có dấu ấn quê hương Nga Sơn”
(Phạm Thành Hưng – Những vần thơ mang hương cói quê nhà).
Trong tập
thơ mới này Nga Sơn đất cói được thể hiện
ở địa danh ghi dưới những bài thơ như : Chiều đông, Thương cánh chim bằng, Tản mạn ven đê, Bến xưa, Về nơi tĩnh lặng, Heo
may, Đồng chiều, Lời thì thầm hoa cỏ,…
Cói không được
nhắc đến nhiều, nhưng vẫn thấp thoáng đó đây:
Thu về cúc chan màu nắng
Cói lên xanh ngát chân trời
o
(Lời
thì thầm hoa cỏ)
Giữa trời mây nước giao hòa
Cói lên xanh biếc cỏ hoa
muôn màu
(Chớm
thu)
Và cói lẫn trong kỉ niệm ấu thơ, của những năm tháng nhọc nhằn, năm tháng mến
thương:
Vẫn còn đây nơi kí ức xa mờ
Con nước ròng lội mò cua bắt
cá
Rét đầu đông cắt cói về mệt
lả
Áo nâu non chân đất vội đến
trường
(Bến
xưa)
Dĩ nhiên, đề tài
thơ của tác giả mở rộng không chỉ gắn với quê hương Nga Sơn. Tác giả vô Huế
giao lưu thơ ca. Rồi lên Mộc Châu đắm mình trong thiên nhiên mĩ lệ, vãn cảnh
Đèo Ba Dội của xứ Thanh (Một
vùng danh thắng miền quê/ Thiên nhiên lộng lẫy tràn trề sắc xuân), thăm biển
vô cực Thái Bình, học lớp viết Văn ở bảo tàng văn học Việt Nam,… Thăm lại Điện
Biên nhân 70 năm chiến thắng.
Tác giả là người
ham đi, ham vui, ham giao lưu, ham học hỏi. Không ngạc nhiên khi bắt gặp nhiều
từ ngữ “bâng khuâng”, “mê say”, “ngẩn ngơ”, “khao khát”, “xốn xang”, “ ngây ngất”,…
Rất nhiều từ “lạc” và “mơ”. Nhà văn Bùi Việt Thắng lí giải “chẳng phải vì tác giả là người quá mộng mơ đến mức lúc nào cũng mơ
màng. Mà vì, tôi nghĩ, đó là một cách làm cho thơ mình bay lên” ( Bùi Việt
Thắng – Trần Cường thơ từ 1 đến 2 quê hương người thơ). Tôi thì cho rằng đó phải
chăng là những dấu hiệu cần có, rất cần có của người viết thơ, làm nhạc?Tất cả đều phản
ánh những cung bậc tình cảm của một người lãng mạn, yêu đời, yêu thơ, yêu nhạc, đã bươn chải trong
trường đời nhiều vất vả gian nan, nhưng cũng không ít niềm vui.
Tôi tâm đắc với quan niệm viết lách của
Trần Đức Cường : “Không theo vết cũ lối
mòn” (Viết gì). Nhưng viết được đến
đâu thì lại còn tùy duyên, tùy năng lực thơ ca trời phú. Dẫu thế nào thì được sống,
được viết là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì thế mà sống “an nhiên” ( Cố hương,
Ước mơ, Vu vơ chiều).
An nhiên tự tại để say hết mình
An nhiên là thái
độ sống vui, sống lạc quan, sống thuận theo tự nhiên, buông bỏ những gì gò bó,
ràng buộc.Vì say đắm hết mình cho nên
làm thơ, viết nhạc. Làm thơ trước hết để cho mình, cho bạn bè, cho quê hương.
Tôi tin lời bộc bạch chân thành của tác giả:
Văn
chương như có phép màu
Không
như nước chảy qua cầu nổi trôi
Vần thơ
sưởi ấm đời tôi
(Thơ và tôi)
Chúc cho tác giả
giữ mãi được niềm say mê cuộc sống, say mê sáng tác! Chúc cho trên bầu trời thi
ca rộng mở, hồn thơ đầy sức sống của một
người thơ ra đi từ đồng cói quê hương, người bác sĩ, người lính luôn được bay lên:
Thênh
thang gió lộng cánh diều
Hồn thơ
người lính phiêu diêu tháng ngày
(Tản mạn ven đê)
Hà Nội,
14 tháng 6 năm 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét