MIÊN VÀ HỢP
Quá nửa đêm, con tàu uể oải, rồi cũng vào được ga
Đò Lèn. Đã vậy, lại còn hú hét lên mấy hồi còi não nuột, khô khốc, khiến màn
đêm giật mình, dài ra.
Tôi đi ngược về phía đoàn tàu, đến toa gửi đồ, lấy
được chiếc xe đạp, người tướt toát mồ hôi. Nếu ngồi chờ trước cửa ga tới sáng, để
về nhà cũng phải mất vài tiếng đồng hồ nữa chứ chả ít. Thôi, cố về sớm để tránh
nắng. Đang đêm, mà nóng quá thể, chắc ban ngày còn nóng hơn?
Dựng chiếc xe đạp vào đống rơm phía trong ngõ, chạy
đến giếng, vục dăm gầu nước. Thật lạ, dội nước vào thấy mát, nhưng vừa mặc
chiếc quần đùi xong, đã muốn cởi ra ngay. Quần với áo gì mà cứng queo, mới chạm
vào da đã thấy nóng giẫy lên.
Trong nhà, mấy chiếc giường bỏ không. Mẹ con, bà cháu trải chiếu nằm ngủ dưới nền gạch. Có lẽ, đêm nóng quá, nên cả nhà “xuống chiếu” ngủ tập trung, quen như hồi ngủ ở sân đình, hay sân kho hợp tác xã. Định ghé lưng một chút, vì hai mắt cay sè, nhưng khi rọi chiếc đèn pin khắp lượt, không còn muốn ngủ nữa. Có lẽ, đêm tối chạng vạng, không sợ ai nhìn thấy, nên bà cháu ngủ ngáy tự do, chẳng cần giữ ý tứ gì nữa. Ở góc nhà, mẹ rúc đầu vào chân giường, hai ống quần xắn lên tận bẹn, chiếc quạt mo úp lên che mặt. Con Liên nằm rất khó coi, áo vén lên tận mặt, để lòi ra một bên vú. Xem ra, con bé đã lớn, mười sáu mười bảy tuổi rồi còn gì. Còn con Hoan, cởi tuột hàng cúc, để lộ cái xu chiêng nhỏ xíu. Ngực đã có gì đâu, mà con bé thích làm dáng người lớn? Còn hai đứa con gái Vui, Vẻ, quần cộc, không áo sống gì rốt, nằm co ro như hai chú chó con mới sinh chưa mở mắt. Chúng nằm ở phía trên cùng. Trẻ mỏ thế đấy, sau này có vươn lên được hay không, nào ai biết trước, nhưng bây giờ còn bé, khi ngủ đứa nào cũng muốn nhoai lên trên, không biết vì sao?
Miên hai chân giang rộng, hai tay vượt qua đầu tạo
thành chữ X. Nếu dựng đứng lên tựa như đang ở tư thế tập thể dục, động tác tay
- chân kết hợp, đầu ngoẹo sang một bên, trông thật tội. Trong ánh sáng đèn pin
lờ mờ thiếu điện, tôi nhận ra khuôn mặt vợ mình có vẻ già nua. Nếu mẹ chồng,
nàng dâu ngồi với nhau, người ngoài nhìn vào tưởng hai chị em gái liền kề…
Thời ấy, Miên cũng trạc tuổi con Liên bây giờ, đã
phải về nhà chồng. Không phải vì nhà mình khá giả, giàu có gì đâu, mà người ta
hám. Nhà có gen di truyền độc đinh từ cụ nội, ông nội rồi đến bố, đến tôi, nên
ai cũng phải lấy vợ sớm. Mới chớm 14 tuổi, bố đã sốt sắng tìm vợ cho tôi. Bố
bảo:
- Không phải tảo hôn, mà muốn con tôi có vợ sớm.
Trước sau rồi cũng phải lấy, thà lấy sớm còn hơn lấy muộn.
Ông trí trá
nói với chòm xóm, và ông trưởng thôn như vậy. Thực ra trong thâm tâm, bố muốn
biết, nhà mình có phải “độc đinh” như lời nguyền các cụ xưa truyền lại hay
không? Chính vì vậy ông muốn tôi có vợ sớm, tất nhiên có con sớm, càng nhiều
con càng tốt.
Nhưng thật cay đắng, khi tôi vừa chớm tuổi trưởng
thành, vợ có mang con Liên bây giờ, bố đột ngột qua đời cùng với lời nguyền
chưa giải được. Miên như người mất phương hướng. Lấy chồng, chồng còn bé, chỉ
biết dựa vào gia đình nhà chồng. Bố chồng trụ cột gia đình, ông mất đi, ngôi
nhà gần như sụp đổ. Còn mẹ chồng, tuy tuổi chưa già, nhưng quanh năm ốm yếu. Bà
suốt ngày tưởng nhớ đến ước nguyện của chồng, mà phát sinh bệnh tật.
Còn tôi lấy Miên làm vợ, vẫn là người chồng ít
tuổi, ham chơi nhiều hơn ham làm, khiến Miên trở thành người trụ cột trong gia
đình lúc nào không hay. Hết công việc đồng áng, rồi chạy chợ, buôn thúng bán
mẹt, kiếm đồng rau, đồng dưa. Hết chăm con thơ, chăm mẹ già rồi đến chăm… tôi.
Miên tất bật từ sáng đến tối. Không chỉ vậy, bà mẹ chồng lúc nào cũng thẽ thọt
đay nghiến:
- Sao chị không đẻ lấy một thằng cu để có người thờ
cúng?
Miên bấm bụng chịu đựng. Miên không thể phân biệt
rạch ròi, đâu là nước mắt, đâu là mồ hôi của mình đổ xuống cho gia đình nhà
chồng.
- Tại sao mọi việc mình làm được, một mụn con trai
lại không đẻ được?
Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, Miên như người phát điên,
phát rồ. Miên khao khát đứa con trai, còn hơn gia đình nhà chồng. Cho nên,
trong sinh hoạt vợ chồng, Miên là người chủ động hoàn toàn. Không thể hiểu được,
một người đàn bà hiền lành, nhu mì là thế, nhưng đêm về trên giường ngủ, cô
biến thành con mãnh hổ, đói ăn, khát uống! Một chàng trai mười tám tuổi mạnh mẽ
như tôi cũng không thể làm thỏa cơn khát của người vợ trẻ. Có lẽ Miên cần nhiều
hơn thế. Ước nguyện đứa con trai khiến cô mê mẩn, hiến dâng, và tham lam chiếm
đoạt. Với cô, ân ái bao nhiêu vẫn chưa đủ.
Vào thời bom đạn khốc liệt nhất, trai tráng lên
đường nhập ngũ, làng “vét” hết đám con trai vào bộ đội. Chỉ còn lại một nhúm
người, không bệnh nọ, cũng tật kia. Bọn con gái đi Thanh niên xung phong. Nếu
không vào tuyến trong, cũng loanh quanh trong tỉnh. Tôi mấy lần làm đơn tình
nguyện đi bộ đội, nhưng địa phương không chấp nhận, vì chính sách con một.
Không chỉ có thế, mẹ khóc lóc van xin tôi suy nghĩ lại, không được đi, ít nhất
vào lúc này.
Còn Miên ư?! Có lẽ không người vợ nào muốn xa
chồng. Nhưng nói ra, ngăn cản chồng thì xấu mặt. Vả lại, cô là đoàn viên thanh
niên, làm thế không coi được. Thế là, bằng cách riêng của mình, đêm đêm cô ôm
chặt lấy chồng, không muốn rời xa. Cô chỉ sợ trong giấc ngủ lơi là buông ra,
không chừng tôi bay đi mất.
Nhưng rồi tôi cũng nới được vòng tay của Miên. Vào
lúc sáng sớm, khi Miên đi làm đồng, bà nội bế con Liên đi chơi loanh quanh
trong xóm. Tôi viết cho Miên mấy chữ, nói đi thăm ông bạn vài hôm rồi về. Đó là
cuộc chạy trốn đầu tiên trong đời, tôi ra Sơn Tây. Anh họ làm trợ lý quân lực,
trường Sĩ quan ở đó. Ở chơi mấy ngày, anh cho mượn bộ quần áo bộ đội để thay đồ
đi đường. Diện vào, không ai bảo tôi, không phải bộ đội. Không chừng lại còn
đẹp trai nữa ấy chứ. Dần dà đi tập thể dục, với bộ đội trong cơ quan. Lần mò xuống
nhà bếp, nhặt rau, gánh nước, giúp anh nuôi. Tối, ông anh dẫn đi chơi các phòng
ban giới thiệu. Tôi thấy thích, ngỏ ý muốn ở lại đơn vị.
Có phải “một người làm quan, cả họ được nhờ” hay
không? Chỉ sau có mấy ngày, thủ trưởng cơ quan chấp nhận, tôi được tuyển thẳng
tân binh, không qua tuyển trạch ở địa phương. Thế mới biết, ông anh mới chỉ là
trợ lý thôi, mà quyền hành to ra phết. Tôi viết thư về nhà, trần tình sự việc,
xin lỗi mẹ, vợ con. Nhận được thư, Miên tức tốc lên đường.
Đang thời chiến, mấy ngày tàu xe, rồi đi bộ, nhưng
với Miên không là gì, nếu được gặp chồng. Hỏi thăm đến đơn vị, thấy tôi cắm cúi
gánh nước vào nhà bếp, Miên quăng hết tay nải, rồi đứng như trời trồng, òa
khóc, khóc rất to. Người ta, nếu khóc lâu, khóc hết nước mắt, đến lúc cũng phải
nín, nhưng với Miên, cơn khóc không muốn dừng lại, mặc dù tôi can ngăn, dỗ dành
hết mức. Tôi thoáng nghĩ, không biết Miên giận hờn, vui mừng hay cố tình làm
vậy? Nhưng đêm về trong căn phòng nhỏ hẹp “chiêu đãi sở” của trường, cô vồ vập,
cuống quýt như người nhịn đói lâu ngày. Tôi mới nhận ra Miên yêu chồng thật sự.
Thế rồi Miên ở thăm một tuần, hai tuần. Hết cơ quan
đến ông anh họ khéo léo, nhắc nhở, nhưng Miên cứ lờ đi. Đến cuối tuần thứ ba,
gần sang tuần thứ tư, Miên lên gặp thủ trưởng cơ quan. Cô nói dối vợ chồng mới
cưới, nên có sự quyến luyến, không muốn xa nhau, mong thủ trưởng thông cảm. Cô
còn nói mạnh lên rằng:
- Nếu em và nhà em có làm ảnh hưởng đến đơn vị, thủ
trưởng cho nhà em “ra quân”… Tối về, tôi trách Miên:
- Sao em liều thế? Anh về thế nào được, có mà mặt
mo. Anh bị đuổi về địa phương, là họ cắt hết hộ khẩu, cắt tiêu chuẩn lương
thực… lấy gì mà sống?
- Em sẽ nuôi anh, được chưa? Rồi cô lại vờn tôi như
mèo vờn chuột…
Sang tuần thứ năm, Miên gói ghém tay nải rồi lên
phòng thủ trưởng, mặt tươi như hoa:
- Báo cáo thủ trưởng, em có được như ngày hôm nay
là nhờ ơn thủ trưởng lắm. Mọi khuyết điểm là do em. Thủ trưởng đừng kỷ luật nhà
em mà tội. Chào thủ trưởng, em xin phép về quê ạ.
Tôi bảo Miên:
- Hôm nay về quê, sao vui lắm vậy?
- Sao lại không vui?
- Xa chồng mà vui được à?
Đương nhiên là em vui.
Nhưng em bảo thật này: “Anh làm chồng kiểu gì vậy, em có thai rồi mà anh không
biết gì à?”
- Em đi tìm chồng hay tìm con?
- Em tìm cả hai.
- Trời ạ.
Lần ấy, Miên có thai, được con Hoan bây giờ. Nhưng
nàng không muốn dừng lại. Khao khát đứa con trai làm cho Miên mỗi ngày một chai
lỳ trong quan hệ vợ chồng. Rồi tôi được cử học sỹ quan tại nơi tôi nhập ngũ.
Mấy năm ra trường, chuyển về đơn vị H49. Hễ nghe tôi đóng quân ở đâu, là nàng
mò mẫm tới đó, bất chấp tảo hôn hay cưới sớm như lời bố tôi lươn lẹo nói với
chòm xóm. Cô ra vào đơn vị, thản nhiên như ở nhà mình, đến nỗi đường đi lối
lại, tên tuổi thủ trưởng, các ban bệ, cứ vanh vách kể, y như người trong cuộc.
Nhưng trời thật không công bằng. Miên khao khát con
trai bao nhiêu, thì tạo hóa lại trớ trêu bấy nhiêu. Hai đứa con gái Vui, Vẻ lần
lượt ra đời trong sự ngỡ ngàng không chỉ Miên mà cả dòng tộc. Đến nước này,
Miên hoàn toàn suy sụp, bốn đứa con gái lần lượt ra đời, cô không còn ham muốn
gì nữa. Nằm bên chồng, cô dửng dưng như người xa lạ, khô như ngói tháng năm gặp
tiết gió lào. Nếu phải chiều chồng cô cũng chỉ miễn cưỡng, chiếu lệ. Tôi đã
nhiều lần động viên Miên:
- Em không có lỗi gì hết. Dòng giống, con cái đều
do tôi mà ra. Tôi không có phước với tổ tiên, ông bà, nên mới xảy ra cơ sự này.
Nhưng thôi, con nào cũng đều vậy thôi à. Con gái bây giờ quí lắm. Em còn nhớ
các cụ dạy “tứ nữ bất bần” đó sao? Rồi chúng mình sẽ giàu, sẽ hạnh phúc.
Nhìn em cười
méo mó, tình thương trong tôi lại trào lên. Tôi muốn nhỏ nhẹ, chăm sóc, muốn ân
cần từ miếng ăn, giấc ngủ nhiều hơn, nhưng hình như điều đó lại càng làm cho
Miên tổn thương nặng nề hơn. Miên hoàn toàn thất bại…
- Anh về hồi nào mà em không biết?
Tôi đang mải nghĩ về Miên, về gia cảnh hiện tại,
chợt Miên đứng đằng sau tôi lúc nào không hay, làm tôi giật mình.
- Sao anh không vào ngủ với mẹ con em?
- Anh vừa về, trời cũng sắp sáng rồi.
Tôi vào nhà, con Liên vừa ngáp vừa cài cúc áo,
không chào bố, chẳng biết ai móc miệng nói ngay:
- Nhà ta chỉ mình bố là con
trai!
May tôi ngồi ngoài sân hơn
tiếng đồng hồ, da thịt còn mát, chứ không, con Liên bị một bạt tai. Hơn nữa
không muốn làm to chuyện, vì sợ Miên ở ngoài sân nghe thấy. Nhưng nghĩ cho
cùng, con nói đúng. Tôi giả vờ như không nghe thấy gì cả.
Trưa hôm ấy, Miên nấu một nồi
canh riêu cua đồng rất ngon, cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Bỗng con Hoan
trở đũa chỉ vào ống quần đùi rộng thùng thình của bố, gõ liền mấy cái xuống mâm
đồng, miệng không ngớt kêu lên:
- Bố tề! Bố tề!
Tôi nhìn theo tay con, hiểu
được điều con Hoan chỉ trỏ. Có cái gì đó bốc lên đầu, hai má giật giật đỏ bừng.
Tôi ném bát cơm đang cầm trên tay vào giữa mâm, mặc quần áo rồi lên xe đạp, lao
ra khỏi cổng. Vừa tức, vừa bực, vừa xấu hổ, tôi chửi toáng lên:
- Đ… mẹ bọn quân trang chúng
bay, may vá quần áo kiểu gì thế không biết!
Chửi đến mỏi mồm, rồi tự an ủi
mình: “Tai nạn ở nhà còn chấp nhận được, nhưng việc xảy ra ở đâu đó, chui xuống
đất cũng không tránh hết tủi hổ”. Quả thật, nhỡ chửi rồi là cái lỗi phàm phu
của mình, nhưng với họ cũng không oan đâu. Trang phục mùa đông, mùa hè quần áo có số má hẳn hoi. Tướng, tá còn may
đo nữa là. Riêng khoản quần đùi, tướng tá, binh sĩ toàn quân được “bình đẳng”
cả hay sao ấy? Bao năm ở quân đội, tôi chỉ được cấp một loại quần đùi màu sắc,
dài rộng như nhau. Vẫn chiếc giải rút bằng vải may sẵn lồng vào cạp quần, toàn
quân “thắt mở” đều giống nhau. Thế mới biết quân đội ta “quần đùi hóa” tài
thật!
Đang lan man nghĩ tới chuyện không đầu, không cuối
mà mặt trời đã lên cao, nóng rát. Bỗng thấy một cô gái đi bộ, cùng hướng với
mình. Vượt qua cầu Báo Văn, liếc xéo sang, thấy cô gái khá xinh. Ấn tượng đầu
tiên về cô gái là bộ ngực nhô cao. Trần tục như tôi, liền nghĩ ngay tới chuyện,
cô này đang khiêu khích cánh mày râu, bằng thứ vũ khí tự có của mình. Người tôi
bắt đầu thấy rạo rực, với một cảm giác rất lạ. Phải làm quen với cô gái này,
nhưng bằng cách nào?
Tôi bắt đầu giở trò. Lùi lại
phía sau một chút, chờ cô gái bước qua mấy ổ gà, tôi cho xe lao tới. Hất chiếc
xe đạp đổ nghiêng sang bên, tôi nhanh tay ôm ngang hông cô gái, cả hai cùng ngã
lăn ra đường. Vì chủ động, tôi ngã trước, cô gái ngã theo nằm trên. Gỡ được tay tôi, cô ngồi dậy quát tướng
lên:
- Đi đứng kiểu gì vậy? Mắt mũi
để đâu, mà lao vào người ta?
Cô gái thấy tôi nằm im giữa
đường, tưởng đầu đập xuống đất, ngất đi. Cô hốt hoảng gọi rối rít:
- Anh gì ơi, có làm sao không?
Tôi nhắm mắt nằm im. Cô bắt
đầu sờ đầu, chân, tay… xem có làm sao không. Dù trời nắng chang chang, nhưng
tay cô đưa đến đâu, tôi thấy mát lịm đến đó, kèm theo da gà nổi lên… Đến nỗi
không chịu được, tôi cười phá lên. Biết bị lừa, cô đánh nhẹ vào tay tôi, miệng
không ngớt:
- Cái anh này! Cái anh này!
Tôi giúp cô gái phủi bụi, lúc
đó mới phát hiện chân cô rớm máu. Đi được vài bước cô khuỵu xuống, nhăn mặt.
- Xin lỗi, vì cái ổ gà… để xảy
ra nông nỗi này, tôi xin đưa cô đến bệnh viện huyện nhé?
- Không, em ở Xuân Tiến gần
đây. Anh đưa em về nhà, bóp tí dầu hỏa là khỏi ngay thôi à.
Từ con lộ 217 rẽ vào vài trăm
mét là đến nhà cô. Đó là ngôi nhà cũ kỹ ba gian tường xây, lợp ngói, liền kề
với hai gian bếp nhỏ. Trong nhà thoáng mát, sạch sẽ. Giường chiếu gọn ghẽ đến
mức có thể đoán lâu nay chủ nhân lơi là chuyện giường chiếu. Cô lấy bình tích
đang ủ trong dành, rót cho tôi cốc nước chè xanh vàng óng.
- Tên em là Hợp, anh uống nước
đi.
Tôi đỡ cốc nước, nhìn quanh.
Cô phân trần:
- Nhà đơn sơ quá phải không
anh? Em làm may bên Làng Thượng, ban ngày ít ở nhà, nên không mua sắm gì nhiều.
Hơn nữa, mỗi mình em nên thế nào cũng được. Nói rồi cô lấy chiếc đèn hoa kỳ,
thấm chút dầu hỏa vào mảnh vải xô xoa bóp vết chầy xước đang đỏ dần lên.
Tôi đắn đo rồi nhỏ nhẹ:
- Anh và các cháu đi đâu cả
rồi?
- Cháu trai sang bên nhà ông
bà nội, còn nhà em… Tôi nhìn theo ánh mắt của Hợp lên ban thờ, thấy ảnh một
quân nhân đã ngả màu vàng, ám khói hương. Tôi lại gần, bàng hoàng nhận ra người
trong ảnh:
- Ôi! Lê Như Hòa, Hòa quê Xuân
Tiến đây mà!
- Sao anh biết nhà em?
- Tôi với Hòa tình cờ gặp nhau
khi cùng dự hội nghị mừng công Đoàn 559 ở xã Hiền Minh, Quảng Bình.
Hợp lặng im nhìn tôi từ đầu
xuống chân, như muốn kiểm chứng sự thật bất ngờ này. Cũng có thể, qua tôi để
tìm xem bóng dáng người chồng hàng chục năm nay đang hiện hữu trước mặt cô.
- Thực ra anh với Hòa (tôi
thay đổi cách xưng hô) hai người hai đơn vị khác nhau. Trong hội nghị nghe
giọng xứ Thanh, hai đứa nhận ra đồng hương cùng huyện, thậm chí nhà ở gần nhau.
Anh ở Ban tham mưu cầu đường binh trạm, Hòa ở đơn vị pháo cao xạ 37 thuộc Sư
đoàn Phòng không 367. Đơn vị Hòa được bố trí bảo vệ liên hoàn trọng điểm từ phà
Xuân Sơn đến ngầm Bùng.
- Anh Hòa nhà em hy sinh, anh
có biết không?
- Thời gian đó anh được điều
về Tổng cục Tiền phương, Hòa vẫn chốt trực trận địa. Sau này vào lại đơn vị cũ
được nghe dân kể lại, đó là một trận đánh kỳ lạ chưa từng xảy ra bao giờ. Tôi
nói trong hơi thở và xúc động:
- Trận địa pháo 57 ly của nữ
thanh niên xung phong chốt ở ngã ba Chó Rọ kết hợp nữ dân quân địa phương bắn
chi viện cho đoàn xe chở đầy hàng đang cất giấu, bị lộ. Máy bay địch phát hiện
trận địa pháo 57, lập tức đánh phá hết sức dữ dội. Các nữ pháo thủ thương vong
gần hết.
Trước tình hình nguy cấp ấy,
cấp trên lệnh cho trận địa pháo của Hòa bên kia sông bắn chi viện để cứu thương
binh. Đây là cụm pháo 37 ly được ngụy trang kỹ, lúc cần bắn máy bay tầm thấp,
nếu địch bay dọc theo sông Son. Trận địa được ngụy trang giống như khu vực dân
cư, không làm đường kéo pháo vào trận địa. Họ dùng phà đưa pháo sang sông. Do
ngụy trang tốt, lâu nay địch khó phát hiện. Nhưng lần này, máy bay bay tầm thấp
hung hãn đánh phá, máy bay tầm cao tìm kiếm các mục tiêu khác. Phát hiện trận địa
pháo của Hòa lập tức toàn bộ máy bay chuyển sang đánh trận địa pháo 37 ly. Chỉ
trong chốc lát trận địa pháo bị phá hủy hoàn toàn, bộ đội thương vong rất lớn.
Họ được lệnh rút. Nhưng hai đầu trận địa dọc sông Son và đường rút vào núi bị
địch đánh chặn quyết liệt, không cho ta chạy về hướng đó. Việc bơi qua sông Son,
để thoát nạn là cách duy nhất. Lúc bộ đội và thương binh nhẹ bơi ra đến giữa
sông, cũng là lúc máy bay đến đánh, nhấn chìm toàn bộ những người đang bơi
xuống dòng sông Son. Hòa hy sinh trong trường hợp ấy.
Vốn dĩ sông Son, là tên dòng
sông đỏ. Nhưng thực ra nước sông xanh ngắt, trong veo có thể nhìn xuống tận
đáy, quanh năm hiền hòa. Điều kỳ lạ nhất do người dân kể lại: máu bộ đội ta hy
sinh hòa vào nước sông Son, trở thành khúc sông đỏ. Không tan đi, không trôi
ngược về động Phong Nha, cũng không trôi xuôi về mạn sông Gianh. Mấy ngày đêm
nó đứng im một chỗ. Đến khi dân làng vớt hết thi hài các chiến sĩ tại nơi diễn
ra trận đánh. Lúc ấy khúc sông máu mới tan đi, trôi ngược về động Phong Nha. Họ
nói rằng vong linh người lính bám sông, bám trận địa đến cùng, mới có sự kỳ
điệu như vậy.
Tôi quay lại nhìn Hợp thấy hai
mắt em đỏ hoe, chiếc khăn tay ướt đẫm.
- Em có sao không?
- Em không sao, đây là lần đầu
tiên được nghe anh kể giây phút cuối cùng của nhà em.
- Hài cốt của Hòa đã đưa về
chưa?
- Rồi anh ạ. Cơ quan chính
sách đưa về một số di vật, em chôn thành ngôi mộ nhỏ, tại góc vườn cùng bố mẹ
để mẹ con em tiện hương khói. Mãi sau này gia đình vào trong ấy mới đưa được
hài cốt anh ấy về nghĩa trang liệt sĩ xã.
Trời đã ngả sang chiều, lấy lý
do muộn, tôi nói
cần về.
- Anh ở lại đi, em nấu cơm cho
anh ăn.
- Không, anh ăn rồi mà.
Trong nhà chỉ có hai người,
nhưng Hợp nói rất nhỏ như sợ có người ngoài nghe thấy:
- Anh có quay lại với em
không?
Người tôi run lên, miệng lắp
bắp: “Có, có”.
Từ trưa tới giờ, tôi ra khỏi
nhà khiến mọi người lo lắng. Thấy tôi trở về, mẹ nói nhanh:
- Bố hoe* này. Mẹ nó không đẻ
nữa, cố kiếm lấy một mụn con trai để nối dõi, kẻo không mắc tội với tổ tiên,
ông bà. Ý mẹ hoe cũng thiết tha như ý mẹ. Nếu con đồng ý, mẹ sẽ đi tìm…
- Vâng, mẹ dạy con nghe.
Thực ra việc này, mẹ và vợ đánh tiếng từ lâu, nhưng
tôi chối đây đẩy, lờ đi. Bây giờ, họ không thể im lặng mãi được. Nhưng, một khi
tôi đến với người phụ nữ khác, tình cảm vợ chồng bị chia sẻ, điều ấy Miên sẽ
chịu đựng ra sao? Còn nữa chuyện tôi có thêm vị “hôn phu” mới, đơn vị có để tôi
yên. Ra quân là mức kỷ luật nhẹ nhất rồi. Lắm lúc nghĩ đến tổ tiên, tông đường,
gia đình, tôi tặc lưỡi: “Ra quân thì ra, sợ gì cơ chứ, quan nhất thời, dân vạn
đại mà”.
Trưa hôm sau, tôi đến nhà Hợp, mang cho em một ít
cao dán. Từ dưới bếp đi lên nhà trên, vừa hay tôi vào đầu ngõ, Hợp reo lên:
- Anh đã về!
Không lẽ mới
biết nhau từ trưa qua, Hợp đã coi tôi như người thân? Vào trong nhà, thấy ban
thờ hương khói nghi ngút, sáng đèn. Một mâm cỗ đơn sơ được bầy trên đó. Hợp nói
ngay:
- Hôm nay em thắp hương, mời anh Hòa về nhà để hai
anh em gặp nhau.
Tôi thắp ba nén nhang, khấn thầm. Có lẽ chỉ mình
Hòa mới nghe thấy. Sau này “con ong đã tỏ, đường đi lối về” mới hay lời khẩn
cầu của tôi hôm ấy trở nên linh nghiệm biết nhường nào? Hợp sắp mâm cơm đã cúng
đặt ngay trên giường ngủ. Hai người ngồi đối diện nhau. Hợp chọn miếng thịt gà
ngon nhất đặt vào bát tôi rồi ngồi nhìn. Còn bát của mình chỉ nâng lên rồi đặt xuống.
- Thế này anh ăn làm sao được, em không ăn, ngồi
nhìn, ai nuốt nổi?
- Bao năm rồi, mới có một người đàn ông ngồi ăn cơm
thế này, em cứ tưởng…
- Em tưởng thế nào cơ?
Hợp không
trả lời, nhưng cười rất tươi. Bây giờ tôi mới có dịp ngắm em: Khuôn mặt dễ coi,
nhìn vào là thấy mê. Cổ cao, tóc búi ngược. Làn da trắng, hợp với áo sơ mi
trắng bó chẽn lấy eo, làm tôn thêm khuôn ngực nảy nở. Cổ áo nhiều nếp gấp đổ
xuống khoang ngực, thoáng nhìn không phân biệt được màu da với màu áo. Quần lụa
đen mềm mại, ống rộng vừa thông thoáng, vừa kín đáo. Với cách ăn mặc thời trang
của người làm nghề may, khó đoán chính xác tuổi của Hợp là bao nhiêu? Thực ra,
việc mô tả về em là lúc trên đường về, nhớ lại thôi. Thật tình, đối diện với
Hợp, hồn phách tôi lạc đi đâu mất. Có lúc Hợp nửa đùa, nửa thật:
- Anh nhìn đi đâu đấy, em xấu lắm hay sao mà không
dám nhìn?
- Đâu có, anh nhìn hàng cây chưa tỉa ngoài vườn kia
kìa.
- À, thế thì em xin lỗi.
Cô dọn nhanh mâm bát xuống bếp, rồi kéo tay
tôi ra cuối vườn.
- Đây là mộ bố mẹ em. Ông bà
bị bom lúc đi làm đồng. Bà con, họ hàng nhặt được chút ít thi thể. Em an táng
trong vườn gia đình. Gần đây em cho xây mộ để ông bà vĩnh viễn được ở trên mảnh
đất tổ tiên. Còn ngôi mộ này là sinh phần của anh trai em. Anh ấy mất ở chiến
trường B5, trong mộ chỉ là di vật, còn hài cốt chưa tìm thấy.
Vặt ít cây cỏ quanh mộ xong,
bước vào nhà đã thấy tấm vải màn ngăn cách gian thờ với gian giường ngủ, được
kéo ra. Hợp vùi mặt vào chiếc gối, vai rung rung theo từng tiếng nấc.Tôi khẽ
khàng đặt tay lên vai Hợp:
- Có sao không em?
- Anh có biết không, em khổ
lắm!
Nói rồi, Hợp xoay người lại.
Tôi sững sờ, vì Hợp không mặc đồ lót. Sau làn vải mỏng lồ lộ cặp vú rất đẹp,
hai núm nhỏ nhô trên quầng vú hồng hồng, tạo thành một tháp nhỏ, trên một tháp lớn. Hợp gối đầu lên đùi, trong
khi tôi ngồi ghé bên giường. Không thể cưỡng lại được tôi đặt hai tay lên tòa
tháp ngọc ngà ấy. Giật mình, và lập tức buông tay, ngờ vực về tạo hóa thiên
nhiên ấy. Tại sao một người đàn bà đã trên ba mươi, có con rồi mà đôi vú vẫn
còn săn chắc? Một người phụ nữ trẻ đẹp, gợi cảm đến thế, không bị thời gian và
ham muốn bào mòn? Em là thiên thần hay đội lốt?
Hợp thấy tâm trạng tôi thay đổi, liền ngồi lên
lau nước mắt. Hợp nói rành rẽ, tự tin:
- Thực ra anh chưa hiểu gì về
em cả. Em sẽ kể anh nghe
sau. Còn anh, cái ngã giả vờ trưa hôm qua, chứng tỏ anh là người đàn ông thông
minh, dám làm một việc nhiều người khác muốn, nhưng không dám làm. Đó là ý chí
mạnh mẽ, điều ấy làm em thích. Đã bao năm, mới có vòng tay một người đàn ông
quả cảm, ôm vào cơ thể mình. Sao em lại không muốn, trong khi mình đang khao
khát? Em lấy chồng năm 23 tuổi, cái tuổi tình yêu, tình dục rất mạnh mẽ, bị
chiến tranh làm thui chột. Sau 3 tháng cưới, anh ấy vào chiến trường cùng với
trung đoàn pháo cao xạ 31 thuộc BTL Đoàn 559. Anh bị thương, về hậu phương an
dưỡng rồi trở lại Sư đoàn 367 cho đến ngày hy sinh. Thời gian đó, em mang thai
cháu trai, phải đón nhận bốn tang lớn trong gia đình. Một tai họa khủng khiếp
đổ ập lên gia đình mỏng manh, tưởng không ngóc đầu lên được. Nhưng rồi cũng phải
sinh, phải dưỡng, phải sống. Và mẹ con em đã sống được đến ngày hôm nay.
Nhưng nào ngờ, gia đình bên chồng kiên quyết bắt
cháu về bên ấy để ông bà nuôi, nối dõi tông đường. Người em trai anh Hòa đi bộ
đội nhiễm chất độc da cam, vợ sinh nở mấy lần chẳng ra hình hài, không nuôi
được. Gia đình bên chồng, rơi vào hoàn cảnh bế tắc. Họ cũng thiết tha muốn em
về bên ấy, gánh vác việc nhà chồng. Nếu thuận theo, bố mẹ, anh trai và chồng em
nằm đây, lấy ai chăm sóc? Hơn nữa còn nhà cửa, đất đai ông bà để lại, không thể
giao cho ai được. Em đành phải xa con, cam phận cô đơn. Nhưng, cuộc sống của em
phía trước còn dài. Cũng có đôi người muốn đến với em, nhưng xem ra, người này
gia đình ngăn cản, người kia thiếu ý chí. Đơn giản, em chưa gặp được người mà
mình mong muốn.
- Anh biết không? - Hôn nhân cũng là điều tốt,
nhưng với em không quá quan trọng. Con em về ở với ông bà nội, em đành lòng. Dù
sao, nó còn có trách nhiệm thờ tự tổ tiên, nối dõi tông đường. Cái mà em mong
muốn, là quyền làm mẹ một lần nữa. Em khao khát đến cháy bỏng, nhưng hạnh phúc
chưa đến với em. - Rồi Hợp dừng lại như để thăm dò: “Những đòi hỏi của em có
quá đáng lắm không anh?”
Bây giờ, Hợp đã ngồi lọt trong vòng tay của tôi,
mùi hương ngây ngất từ búi tóc vừa sổ xuống bờ vai, khiến tôi như nghẹt thở.
- Sao anh không nói với em một lời? Có phải em
nhiều chuyện? Nhưng thôi, em hỏi anh một câu, anh phải trả lời thật lòng:
- Anh có thích em không?
Người run lên, tôi ôm em thật chặt như một câu trả
lời. Thú thật, nếu kéo dài sự lãng mạn này, thêm một chút nữa thôi, không biết
điều gì sẽ xảy ra khi “mù già hóa mưa”, tôi đành khất em ngày mai gặp lại. Nàng
nhìn tôi tiếc nuối.
Hôm sau, nói với Miên sang làng bên có chút việc,
tôi vào nhà Hợp như lời hẹn hôm qua. Nhà khóa cửa. Tôi đợi. Càng đợi càng sốt
ruột. Buộc lòng đạp xe sang làng Thượng. Các cô thợ may bên ấy, nói cô bị ngã
đang điều trị tại nhà, mấy hôm nay không thấy đến. Vậy Hợp đi đâu? Hay nàng
giận hờn, vì sự im lặng của tôi?
Tôi đạp xe về nhà, trong nỗi thất vọng.
Cánh cổng đóng im ỉm. Đang bực mình, nhưng lại thấy
Miên đon đả từ trong nhà chạy ra mở cửa với nét mặt tươi rói, sự ưu tư trong
tôi biến mất. Mẹ đang đứng ngoài sân, tủm tỉm cười rồi đi thẳng xuống bếp,
trong khi tôi ngơ ngác, thấy hai người đàn bà hôm nay có điều gì vui, khác lạ?
Rồi Miên nhẹ nhàng gọi với vào trong nhà:
- Em ra chào anh đi!
Đằng sau cánh cửa, một phụ nữ trẻ trung, bưng chậu
nước rửa mặt bước ra, đon đả:
- Anh đã về rồi ạ!
Không thể
tin vào mắt mình, đúng là Hợp, đúng là Hợp rồi. Tôi buột mồm kêu lên:
- Sao em lại ở đây?
Hà Nội 30/4/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét