Nguyễn
Bá Khoản - người chiến sĩ - nghệ sĩ nhiếp ảnh
tiên phong của cách mạng Việt Nam
PGS.TS.
Nguyễn Ngọc Thiện
Liên hiệp các Hội
VHNT Việt Nam
Từ nhỏ, tôi đã say mê văn chương và nghệ
thuật nhiếp ảnh, mỹ thuật.
Tình cờ, ngày tôi sinh là giữa tháng 2
năm 1947 - mãi sau này, đọc tiểu sử Nguyễn Bá Khoản tôi mới biết rằng đó cũng
là những ngày tay máy 30 tuổi của nhiếp ảnh cách mạng này đang say sưa len lỏi trong
những căn nhà, đường phố Hà Nội để chụp hàng trăm tấm ảnh bằng chiếc máy ảnh Prontor
2 quen thuộc luôn bên mình về một Hà Nội anh dũng chiến đấu suốt gần một
trăm ngày cho Tổ quốc quyết sinh, cầm cự bám giữ Thủ đô, để bảo toàn lực lượng
của ta rút lên chiến khu Việt Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ
suốt 3000 ngày cho đến ngày toàn thắng, sau thất thủ của thực dân Pháp tại Điện
Biên Phủ.
Lớn lên, trong những năm học cuối cấp III Phổ thông, do đam mê cũng là do may mắn, tôi được làm quen với những tấm ảnh lịch sử, trong đó có nhiều tấm ảnh dưới ghi người chụp là Nguyễn Bá Khoản, qua những trang sách và giờ học của môn lịch sử Việt Nam hiện đại. Những tấm ảnh đen trắng của Nguyễn Bá Khoản hồi đó in trên giấy chưa được đẹp như bây giờ (do hạn chế về kỹ thuật in ấn) nhưng đã giúp tôi hình dung rõ nét một phần nào những chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang của lịch sử dân tộc Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.
Những tấm ảnh về các sự kiện trọng đại
và con người gắn với những sự kiện đó do Nguyễn Bá Khoản chụp được công bố rộng
rãi lúc này, đã dấy lên trong tôi niềm tự hào về quân đội và nhân dân Việt Nam
anh hùng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã khai mở lịch sử Việt Nam sang những trang huy hoàng, rạng rỡ với
thế giới, với thời đại. Đồng thời những tấm ảnh đó đã nung nấu, tiếp sức cho
tôi niềm say mê đối với nghệ thuật nhiếp ảnh, để sau đó, trong điều kiện cho
phép, tôi trở thành một tay máy nghiệp dư - từ năm 1983 đến nay, trong vòng 40
năm,đã chụp hàng vạn tấm ảnh về các sự kiện trong đại gia đình và của bản thân;
để phục vụ cho việc nghiên cứu lý luận - phê bình văn học - nghệ thuật; để kỷ
niệm cùng bạn bè, người thân, đồng nghiệp, môn sinh và bạn đọc… Chụp ảnh là để
sống hết mình, để thể nghiệm tất cả những gì thuộc năng lực, thiên tư đã tiềm ẩn
trong bản thân mình, như một cấu trúc hoàn thiện của một bản thể được tạo hóa lập
trình. Qua các tấm ảnh của Nguyễn Bá Khoản, tôi hiểu rằng: nghệ sĩ nhiếp ảnh phải
luôn luôn gắn bó với đời sống xã hội và con người, phải tận tụy, tâm huyết hành
nghề một cách lương thiện, tử tế. Chiếc máy ảnh (nếu càng hiện đại, đa năng thì
càng tốt) là công cụ, là vũ khí của người cầm máy, góp phần phê phán những cái
giả dối, xấu xa, tàn ác, đê tiện, thấp hèn, đấu tranh cho sự thắng lợi của sự
thật, cái Đẹp, cái tốt, sự cao thượng trong đời sống và bồi đắp nhân cách cao đẹp
của con người.
Sau này tiếp tục học lên ở bậc Đại học
và Sau Đại học, lập nghiệp trên các lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, hoạt
động báo chí, xuất bản và tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền bằng hình ảnh
tân văn, thời sự, tư liệu…, tôi càng có dịp đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về hiệu
quả xã hội to lớn của nhiếp ảnh cùng các đặc trưng nghệ thuật độc đáo của nó so
với các loại hình nghệ thuật khác.
Qua nghiên cứu các ý kiến của các tác giả
kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, của các nhà lãnh đạo bậc thầy của cách mạng
Việt Nam đồng thời cũng là các nhà văn, nhà báo nổi tiếng, qua các công trình đặt
nền tảng về lý luận mỹ học và lý luận văn học - nghệ thuật của nhân loại cùng với
việc khảo sát các giá trị trong kho tàng nghệ thuật của Việt Nam và thế giới
(trong đó có ảnh tư liệu - nghệ thuật của Nguyễn Bá Khoản) và tự mình thực hành
nghệ thuật nhiếp ảnh không chuyên, tôi càng ngày càng thấm thía về vai trò
không thể thiếu được của nhiếp ảnh trong đời sống của con người hôm nay, những
giá trị nhận thức, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho con người mà nó mang lại là
không có gì thay thế được.
Nhiếp ảnh là nghệ thuật của thị giác, đối
với người sáng tác cũng như đối với người thưởng thức, tiếp nhận, trong đó con
mắt đóng vai trò quan trọng và tiên quyết. Chỉ bằng vào khuôn khổ không gian chật
hẹp 2 chiều của một tấm ảnh trải trên một mặt phẳng không lớn, tấm ảnh nhỏ bé
tác động cùng một lúc vào thị giác và tình cảm, tư tưởng của người xem, thông
qua những hình ảnh có đường nét và đa sắc màu của đời sống được chọn lọc và tái
hiện trên văn bản giấy, nó lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của lịch sử xã hội
và đời sống nhân quần, hướng con người vươn tới khát vọng cao đẹp về cái Thật,
cái Đẹp và cái Tốt.
Người nghệ sĩ nhiếp ảnh cách mạng không
chỉ bằng lòng dừng lại ở việc chiêm ngưỡng và ghi nhận những cái đẹp của tự
nhiên tồn tại khách quan, mà cao hơn thế, nghệ sĩ đó phải đấu tranh cho sự thắng
lợi tất yếu của cái Đẹp trong đời sống thực tiễn nơi con người. Phải nhận thức
đầy đủ, tính sắc bén, tính lợi hại của nghệ thuật nhiếp ảnh - vũ khí của cách mạng.
Mặt khác cần nhận ra rằng nghệ thuật nhiếp ảnh bắt buộc phải gắn liền với sự thật
nguyên vẹn, không cho phép hư cấu, sắp đặt tùy tiện - cái đẹp trong nghệ thuật
nhiếp ảnh phải là cái đẹp của sự thật sinh động, tự nhiên, hữu ích đối với con
người. Đây là một yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt, đòi hỏi rất cao.
Nhà thơ Tố Hữu, trong bài nói tại Đại hội
thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam 9.12.1965 đã tâm đắc ghi nhận: “Phải
thật, phải rất thật. Chỉ trong muôn ngàn sự thật đó, người nghệ sĩ biết chọn lấy
khoảnh khắc nào thật nhất, lột tả được sự thật tốt nhất. Nghệ sĩ nhiếp ảnh chỉ
có thể gây cho người ta sự khâm phục không phải ở chỗ khéo “bố trí” mà là ở tài
năng và sự nhạy bén của mình: quái lạ, trong cuộc sống sôi nổi, phong phú,
nhanh chóng như thế, anh ta đứng ở chỗ nào mà lại chụp được cảnh sắc với góc độ
như thế này, và như vậy sẽ không ai hồ nghi một chút nào về cuộc sống thực cả.
Và đó là cái đẹp trong nghệ thuật ảnh (Tố Hữu - Xây dựng một nền văn nghệ lớn,
xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta, Nxb. Văn học, H., 1973,
tr.503).
Tiếp đó, trong một dịp khác, Tố Hữu đã
phân biệt sự sao chép hiện thực thông tục và nệ thực với sự tài tình trong tái
tạo, nâng cao, sáng tạo là khác nhau về cội nguồn như thế nào:
“Người viết văn, làm nghệ thuật cũng như
bạn đọc, người thưởng thức nghệ thuật, không ai nghĩ rằng chúng ta ghi chép
theo nghĩa trần trụi của những chữ đó. Đối với chúng ta “ghi chép” là sự ghi nhận
thông qua sự nhận thức và sự xúc động bên trong của mỗi người. Cái ta thường gọi
là văn học tư liệu thì cũng là một cách gọi như đặt tên cho đứa con mình… Nghệ
thuật là sự tái tạo, nâng cao, một sự sáng tạo. Chính vì vậy mới cần người nghệ
sĩ. Nhưng nếu người nào nhân danh là nghệ sĩ, đòi hỏi sự sáng tạo không cần hiện
thực, không cần cuộc sống, thì cuối cùng chỉ tạo nên một thứ mà cuộc đời không
nhận dạng được, thì đó là sự điên rồ, đâu phải là nghệ thuật!”.
(Tố Hữu - Cuộc sống cách mạng
và văn học nghệ thuật, Nxb. Văn học, H., 1981, tr.122 - tr.123)
Nhà báo Nguyễn Bá Khoản từ năm 1936 là một
phóng viên nhiếp ảnh hiếm hoi được phân công tác nghiệp trên các báo của Đảng (Tin
tức, Thời thế, Bạn dân…). Buổi đầu đến với nhiếp ảnh ông đã cầm máy chụp được
hàng trăm tấm ảnh về các hoạt động của Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 -
1939). Tiếp đó đến thời kỳ Mặt trận Việt Minh (1941 - 1945); Tổng khởi nghĩa
cách mạng tháng 8 ở Hà Nội; Bác Hồ với các hoạt động trong những năm đầu của
nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; rồi phong trào Nam tiến đầu quân vào Nam
chia sẻ với đồng bào Nam Bộ kháng chiến bảo vệ nền độc lập vừa mới giành lại được;
toàn quốc kháng chiến và 100 ngày Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, cầm cự
giam chân địch trong từng ngõ phố, góc chiến hào, để bảo toàn lực lượng rút lên
chiến khu Việt Bắc tiếp tục công cuộc kháng chiến trường kỳ 3000 ngày đêm; và
sau đó tháng 10/1954, bộ đội Cụ Hồ trở về tiếp quản Thủ đô, lập lại hòa bình trên
miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu thuẫn cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước,
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Những sự kiện lịch sử quan trọng đó,
theo thời gian và với trình độ, tay nghề ngày một nâng cao, hoàn thiện, lão thực,
đã được ống kính của Nguyễn Bá Khoản ghi lại kịp thời, nhanh nhạy qua 50 ngàn bản
phim nhựa đen trắng gốc, được giữ gìn và bảo quản chu đáo, từ trong số đó in ra
hàng nghìn tấm ảnh đen trắng, trưng bày tại 14 lần triển lãm tại Hà Nội, 6 lần
triển lãm quốc tế tại Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Campuchia, Thái
Lan…
Suốt gần 6 thập kỷ, từ 1936 đến 1993, năm ông qua đời mới buông xuôi tay
máy, Nguyễn Bá Khoản đã bền bỉ liên tục đi và chụp không ngừng nghỉ, trong đó
ông đã chọn lọc ra hàng nghìn tấm ảnh có giá trị tư liệu lịch sử và nghệ thuật
cao để lưu trữ tại Bảo tàng cách Việt Nam (gần 2000 bức), và các bảo tàng khác:
Bảo tàng quân đội, Cục lưu trữ quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng thành phố Hồ
Chí Minh…
Mãi đến năm 1997, kỷ niệm 80 năm ngày
sinh của nghệ sĩ nhiếp ảnh tiên phong thuộc thế hệ đầu của Nhiếp ảnh cách mạng
Việt Nam, nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã chọn ra 144 tấm ảnh theo các chủ đề
khác nhau cho thấy phong cách và tài năng của nhà nhiếp ảnh bậc thầy. Đó cũng
là tập sách ảnh đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) Nguyễn Bá Khoản để lại cho đời
- cuốn Những khoảnh khắc lịch sử qua ống kính Nguyễn Bá Khoản.
Trước đó, năm 1996, ông được Nhà nước ta
truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (lĩnh vực Nhiếp ảnh)
cho bộ ảnh gồm 5 tác phẩm chụp về cuộc Nam tiến và Hà Nội kháng chiến (1945 -
1947).
*
Nhà báo, NSNA chiến sĩ cách mạng Nguyễn
Bá Khoản đi xa đã hơn 30 năm. Ông đã dành trọn cuộc đời mình, kiên trì, lăn lộn,
bám sát cuộc sống và cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh
phúc của nhân dân, để có hàng nghìn tấm ảnh đến với công chúng trong và ngoài
nước.
Ông là người chép lịch sử cách mạng Việt
Nam bằng ống kính nhiếp ảnh, để có được những tấm ảnh tư liệu lịch sử vô giá,
ghi tạc trên những trang báo, trang sách để đời.
Ông là người cầm máy ảnh đi tiên phong
thuộc hàng ngũ những người tiên khu của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng, dấn thân
dùng nghệ thuật nhiếp ảnh như một vũ khí sắc bén “phò chính, trừ tà”, góp phần
có hiệu quả tuyên truyền cho chính nghĩa, cho bản anh hùng ca của chiến tranh
nhân dân ở Việt Nam trong thế kỷ XX với thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ những chiến
công chấn động địa cầu.
Những tấm ảnh tư liệu báo chí thấm đẫm
giá trị lịch sử - nghệ thuật của Nguyễn Bá Khoản là những trang vàng của lịch sử
Việt Nam được hóa thân, kết tinh vào những hình tượng của nghệ thuật nhiếp ảnh,
lưu lại thành hồ sơ vô giá của văn khố quốc gia. Chúng thuộc kho báu vật quốc
gia để đời cho hôm nay và mai sau, cho người đương thời và các thế hệ hậu duệ
người Việt Nam chiêm ngưỡng, soi vào đấy thêm tự hào về đất nước anh hùng, dân
tộc quả cảm, không gì khuất phục được, đời đời bất diệt.
Tác phẩm của ông hiện diện suốt gần 90
năm qua trong đời sống văn hóa - nghệ thuật của đất nước và bạn bè quốc tế; tên
ông trên sách báo, trên biển các con phố ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Nha Trang, ở
nơi quê hương ông sinh thành… sẽ trường tồn cùng non sông, đất nước mà ông đã
thủy chung gắn bó, tận tụy cống hiến bằng tài cao, đức cả niềm sắt son của
mình.
Ông đã nêu tấm gương sáng đem nghệ thuật
nhiếp ảnh trở thành nghệ thuật của quần chúng, nghệ thuật của ánh sáng, của khoảnh
khắc và của trái tim đập cùng một nhịp với buồn vui của nhân dân. Ông đã góp phần
đáng quý nhất thuộc “nguyên khí quốc gia” cho sự trường tồn của dân tộc và đất
nước mình, cho công cuộc gìn giữ hòa bình an vui trên trái đất này, cho sự cao
đẹp của nhân cách Con Người viết hoa.
Hà Nội, tháng IX.2024
Hoan hô vlog vunho nb
Trả lờiXóa