Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

CÂU CHUYỆN BÌNH THƠ

 

CÂU CHUYỆN BÌNH THƠ 

               

v_nho_nguyn_kh

VŨ NHO

Tôi vốn thích đọc những bài bình thơ, những bài “dọn vườn” thơ . Mục đích chỉ là để học hỏi và suy ngẫm. Và quả thật, tự mình tôi  đã thu hoạch được khá nhiều điều bổ ích. Coi như đó là bài học quý cho mình khi  thẩm định thơ. Phương châm của tôi là  mọi chuyện người bình thơ, dù uy tín đến đâu, thì cũng cứ phải xem xét thật cẩn thận, không vội vã tin ngay. Nếu cần thì thử tìm một cách khác, tìm một phản biện.

Xin ghi lại đây như một bài học cho riêng tôi. Và bạn đọc ai quan tâm thì cùng tôi  chiêm nghiệm, có thể phản biện thì lại càng hay!

Chuyện thứ nhất

TRANH LUẬN CHUYỆN LÔNG NGHÉ VÀ CÁ VỚI KĨ SƯ CANH NÔNG NHÀ THƠ  HUY CẬN

Tôi không nhớ chính xác , nhưng chắc là năm Trường  ĐHSP Việt Bắc, và khoa Văn kỉ niệm 30 hay 35 năm thành lập ( 1996 hoặc 2001). Nhà thơ Huy Cận là khách mời của khoa. Ông còn được mời làm Chủ khảo cuộc thi thơ của sinh viên. Sau khi liên hoan với Khoa Văn, có chút hơi bia, rượu, tôi  mạnh dạn gặp nhà thơ và “có ý kiến”:

          -Thưa bác Huy Cận, bác có bài thơ “Thi nghé” rất nổi tiếng được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn Trung học cơ sở. Xin mạn phép bác để góp ý rằng bài thơ đó bác có chỗ SAI ba lần!

          -???

- Vâng, tôi xin nói ngay: bác viết : Lông nó đen là sai lần thứ nhất. Đen nháy là sai lần thứ hai. “ mẹ nó liếm, càng đen/ mặt trời làm bàn chải, từng tia nắng vuốt thêm” là sai lần thứ ba!

Nhà thơ Huy Cận ngớ ra vì có thằng cha ít tuổi mà dám bảo mình sai BA LẦN, lại trước mặt cán bộ và sinh viên khoa Văn. Ông chống chế:

  • Đây là tôi viết con nghé đã lớn, sắp thành trâu cày!
  • Trời, bác có dám đánh cược với tôi không ạ? Tôi cùng bác ra ngay chỗ ga Quán Triều để xem con trâu nhá! Xin thưa bác rằng “con trâu đen lông mượt” nó chỉ đen da thôi, chứ lông nó không hề đen. Tôi có thâm niên cưỡi trâu, tôi biết. Lông trâu khá thưa và có màu bàng bạc như hoa cỏ may đó. Còn lông nghé thì khá dày, và nó có màu vàng rơm nhàn nhạt ạ!

Đến đây thì nhà thơ, kĩ sư canh nông không dám đánh cược với cái tay có thâm niên chăn trâu, cưỡi nghé.

Nhân chuyện lông nghé,  tôi tiếp tục:

  • Thưa bác Huy Cận, bác có bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” khá hay trong sách giáo khoa THPT. Tôi nghe người ta đồn thế này không biết thực hư ra sao. Nay gặp bác, xin được hỏi cho rõ ạ!
  • ???
  • Người ta nói rằng bác là kĩ sư canh nông, vốn hiểu biết về biển cũng hạn chế thôi. Bác đi thực tế, dân Hòn Gai kể cho bác nghe các loại cá để bác viết. Mấy câu ấy là:

Cá Nhụ, cá Chim cùng cá Đé

Cá Song lấp lánh đuốc đen hồng

Cá ĐUÔI ÉN quẫy trăng vàng chóe

Bác đã viết nguyên như thế. Nhưng cô đánh máy sơ ý nên đánh máy SAI thành “ cái đuôi em”. Thế rồi mọi người đọc là “cái duôi em quẫy…”. Có thật thế không ạ?

          - Không phải,  chính tôi viết “ cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”!

          - Cám ơn bác! Tôi giải tỏa nghi vấn bấy nay. Nhưng thưa bác khi bác gọi cá bằng EM trong bài thơ này là khá dở, có thể nói rất dở!

          -???

- Bác gọi cá bằng EM, không sao! Ở chỗ khác thì được! Nhưng chả nhẽ trong bài thơ này, “Đoàn thuyền đánh cá” nghĩa là “Đoàn thuyền đánh EM” sao? Mà đánh cá về để chơi ư? Để nâng niu các em cá ư? Không! Cá đánh về đưa vào nhà máy cá hộp Hạ Long để làm thực phẩm. “Cá ơi ta xẻ cá ra, ta làm nước mắm, ta pha xì dầu”. Chả nhẽ lại đối xử với EM CÁ như vậy sao?

          -!!!

Bởi thế nên tôi không khen bác  cái câu thơ “ cái đuôi em quẫy” mà tôi còn kịch liệt chê! Bởi vì nó “sái”!

          Tôi vẫn tin rằng câu thơ này phải là “Cá đuôi én quẫy…” trong mạch thơ nói về các loại cá!

          Ai khen bác thì cứ khen, còn tôi xin phép bác được chê câu thơ này  dở, rất dở!

          Dẫu sao cũng cám ơn bác về cuộc đổi thoại thẳng thắn này!

anh_cua_trung_nguyen_11


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét