DƯỜNG NHƯ BÃO CÀNG NGÀY CÀNG...TO HƠN!
Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung
Đêm nằm nghe gió rít u... u...qua khối nhà cao tầng, mình biết là ngoài trời đang có mưa to, gió lớn.
Bão!
Ngày còn ở quê nhà, cứ khi nào thấy cỏ gà trắng nhễ nhại, trên sườn đê; đàn mối già với những đôi cánh mỏng tang và yếu ớt xông ào ào từ mặt đất lên như thể đám mây bay ngược; Kiến từng đàn rủ nhau hành quân trú trên các hốc cây cao; trời đang nhiều mây bỗng xuất hiện một khoảng "mắt bão"; không gian cứ xanh ngằn ngặt ra; gió thì lặng im, cắm mặt như người đàn ông cục tính, ác dạ đang...ủ mưu; ấy là dấu hiệu của bão to đang đến!
Nhà tôi, không ai bảo ai, mỗi người một việc:
Bố cởi trần, mặc chiếc quần đùi nâu bạc thếch, mím chặt đôi môi, mắt ưu tư, chuẩn bị "khí cụ" sẵn sàng chống chọi với bão. Người vác dao ra vườn chặt mấy cây tre đực, chẻ tước làm đôi và buộc thành gióng, trên mái rạ để chống tốc mái. Rồi dùng các cột gỗ, cây bương, cây tre đực già, đã chuẩn bị sẵn, làm cột chống, "tiếp sức" cho lũ cột ngoài hiên, trong nhà vốn gầy, cũ kỹ và đôi cái có mọt.
Mẹ lấy một sợi dây chuối buộc chặt ngoài thắt lưng cho gọn, rồi cầm dao bén, xăng xái phát không thương tiếc những tàu chuối xanh mơn mởn; những cành na, cành mít; làm cái "chạc ba" chống những buồng chuối đang bắt đầu cong trái...
Bà nội lật đật dùng cái áo tơi cũ, che đậy cho đàn gà con; hái mấy sải rau; rang một trã mắm tép, chai muối vừng:
Cả làng tôi xôn xao trong ngơ ngác, thắt gan ruột mà... chờ trông!
Nhà nhà truyền tai nhau, lời phán đoán về khả năng cơn bão này, của các cụ nhiều kinh nghiệm và thông tuệ của làng.
Chừng hồi đêm, đang trong lòng bà, bỗng tôi tỉnh hẳn dậy, vì có mấy giọt nước rơi trúng mặt. Trong ánh đèn bão leo lét, thấy bố mình trần, lăm lăm con dao mác to tướng, lách cửa, lao ra ngoài.
- Bão to đấy, mình cẩn thận nha!
Lời dặn với theo của mẹ bị tiếng gió bão sấn sổ xông vào khe lách nuốt chửng. Qua khe cửa, tôi thấy bố nhoài đi trong ánh chớp.
- Bố đi đâu, bà ơi!
- Là đàn ông, đàn ang, bão gió phải ra ngoài, trông nom và chống chọi với lão giời ác quái, rồi xem xóm láng có nhà nào bị tốc, hoặc có sự gì thì còn giúp đỡ, con à.
Rúc thật sâu vào tấm mền, tôi vẫn run lên vì lo sợ cho bố, cho Chú Dần tôi, cho những người "là đàn ông, đàn ang"... đã sinh ra ở xóm nhỏ này, ở cái miền biển thật nhiều hạnh phúc và cũng thật nhiều tai ương này!
Gió càng lúc càng ầm ập thét gào. Ngôi nhà tranh cứ run lên, vật vã, như thể người ta bị phát phiền, phát não mà vặn mình, nghiến răng ken két. Gió đùng đoàng giật, mảng liếp, mái chuồng bò...không biết từ đâu, bị gió vứt oạch ngoài vườn, làm đổ gục mấy cây mận, cây na. Rồi bao nhiêu "của cải giời cho", to nhỏ không thành vấn đề," cứ bay vèo vèo thi nhau ụp xuốn, nhảy như choi choi, lăn lông lốc trên bất cứ nơi đâu, có thể. Mái nhà tội nghiệp, vốn đã yếu yếu, lại càng yếu hơn. Nó rùng mình, quằn quại, bất lực như muốn sụp đổ đến nơi! Bà tôi lẩm nhẩm đọc kinh Quan thế âm Bồ tát, cứu khổ cứu nạn.Tôi thương bố, thương mẹ, thương "Bác Nhà" của chúng tôi! Rồi tôi thầm thì: bác nhà ơi, bác không cô đơn đâu; hãy cùng bố và cả nhà, chống chọi với gió, với mưa, với cả nắng nôi nữa, bảo vệ cả nhà mình. Chờ con. Bao giờ con lớn, con sẽ cùng các em đóng gạch "ba banh" xây tường...trồng cây xoan đào rõ to, đặng thay cái cột mọt cho bác. Rồi con lợp mái ngói đỏ chót cho nhà mình, sang như nhà Ông Ba giàu có ở xóm trên, bác nhá!
Bỗng, một mảng tranh ướt nhèm, rơi phịch, trùm lên hai bà cháu, kéo cô bé là tôi, trở về thực tại. Theo đó, gió mưa cứ thế, mặc sức xối xả, tuôn xuống như thể thác nước. Mẹ kéo thốc tôi dậy, dúi tôi ngồi vào gầm bàn thờ ( nơi được coi là an toàn nhất, có thể trong nhà).
Bà vội tìm manh áo khô mặc lại cho tôi. Tôi nín thở, nhưng rồi lại sinh trò...tò mò. Cứ sểnh ra là mắt trước mắt sau, bò ra khỏi gầm bàn thờ, nhòm qua khe cửa...xem bão!
Gió mưa, tạt qua khe cửa rát rạt và lạnh buốt, như thể con thú hoang, khổng lồ, trên trời rơi xuống, ra sức...phun nước bọt thị uy cùng...đối phương!
Thật thảm thương khi nhìn cành cây vườn rạp mình, xiêu vẹo, gãy nát. Mảnh sân vốn sạch sẽ, ngập ngụa trăm thứ ngổn ngang. Con bé mê đọc sách là tôi, kinh hoàng tưởng tượng ra, gương mặt xạm đen vì giận dữ của ông giời. Ông đùng đùng sai thần mưa, thần gió, thi nhau, điên cuồng mà đập phá, mà nhào nháo, mọi vật trên mặt đất, bắt trần gian phải trở về thuở...hỗn mang, như trong chuyện thần thoại!
Chợt thấy vài ánh chớp sáng loáng ở phía đằng đông, kèm tiếng ùng oàng của sấm, bà vui mừng bảo mẹ: " Có ông sấm về, bão sắp qua"!
Khe cửa hé mở, bố đã về!
Người ướt sũng, run rẩy, một bên quần đùi rách toạc. Bố rằng: gió đã chuyển ba hướng, hướng nam thì "hiền" thôi!
Lựa lúc mẹ đang đốt một búi giẻ có bồ kết cho bố sưởi, bà dỗ em bé ngủ, tôi lén ra ngoài. Mưa vẫn xiên theo gió. Trời tang tảng sáng. Cu Dũng và mấy đứa nhóc con bạn tôi đã chờ sẵn từ bao giờ.
Cảnh vật tan hoang làm cho chúng tôi ngỡ ngàng, đầu óc trẻ con cũng thấy có gì là lạ và... thinh thích !
Chúng tôi hò nhau nhảy qua các cây đổ, các mảng tranh ngổn ngang mà nhặt bưởi non, nhặt măng gãy và khi cười nói, khi hét hò, đằm mình trong mưa gió.
Cu Dũng lôi tay tôi sang nhà nó, nó khoe tôi cái hốc to tướng ở đống rơm, giống như một cái hang tò vò, đêm qua chú nó tạo ra, cho cả nhà trú tạm, phòng khi nhà bị đổ.
Chúng tôi cùng chui vào đó và nghe mùi âm ấm, mông mốc của rạ rơm. Dũng thì thào nói vào tai tôi:
- Bao giờ lớn, tớ sẽ làm cho... đằng ấy và cả nhà cái hốc rơm như này, tránh bão nhé!
Ôi, Dũng ơi! Anh chưa kịp làm được cái hốc tránh bão trời cho em, như đã hẹn, thì cơn bão chiến tranh đã cướp anh đi về tận phương nào! Bao năm rồi, trong mơ, em vẫn ngửi thấy cái mùi nồng nàn, ấm áp từ cái hốc rơm tránh bão, ngày xưa!
Cơn bão đã tan hẳn!
Cảnh tiêu điều xơ xác của làng tôi hiện ra như những thước phim sau chiến tranh, mà mấy hôm trước tôi được xem ở "rạp chớp bóng" nơi sân đình. Trời quang đãng hơn. Đã bắt đầu có tia nắng vàng ong ỏng, như làn da của người mắc chứng "ngã nước", vừa sau một trận ốm chí tử.
Rồi mây.
Rồi mưa rong bão.
Bà tôi bảo, mấy đời nay, bão nhỏ to cũng nhiều, nhưng người làng Rãng ta, không có ai bị thiệt mạng bao giờ, ấy là do các bậc thần linh được làng thờ tự, chở che...
Cánh đồng làng, lúa và màu xanh như mực, giờ trắng băng sóng nước lạnh lùng!
Vài cánh cò mất tổ sau bão, bay chơi vơi trong chiều muộn mà chẳng biết về đâu!
Trong nhà kho hợp tác xã xóm tôi, vài hôm nay đã ấm áp cảnh um sùm khói bếp, của những hộ gia đình bị đổ nhà, được các cô chú nhóm dân quân đưa về nương tạm.
Và nơi sân kho còn ướt nhèm, ngổn ngang rác và lá cây, dăm cậu bạn quần cụt, áo vá, có đứa cởi trần, lấy quả bưởi rụng làm bóng, reo hò đá chơi. Vài ba đứa con gái trạc tuổi tôi, vào vai khán giả, nghiêng ngả đấm vai nhau... cười như là chẳng hề thấy bão gió, tai ương nào sất!
Thương lắm tuổi thơ tôi!
Nhìn mẹ xám ngắt, mắt trũng, quầng thâm, bố nén tiếng thở dài, giọng buồn buồn, bàn với mẹ:
- Sau khi lợp dặm nhà cửa xong xuôi cho mẹ con, anh em tôi lại ngược Tuyên Quang làm vài bè tre nứa!
Mẹ không nói gì, đôi mắt vốn buồn của người cụp xuống. Hình như mẹ đang muốn giấu kín một nỗi tâm tư...
Đêm nay, tôi lại nhớ nhà mình; nhớ tuổi thơ của một thời khốn khó; nhớ cha tôi một đời lận đận gió giông; nhớ mẹ tôi với ánh buồn thăm thẳm, tảo tần, nhu mì, chịu đựng; nhớ lời hứa với "Bác Nhà" cũ của cha mẹ năm xưa.
Cha ơi, bây giờ nhà mình có nhà cao rồi, trong bão gió không ai phải liều mình, xiêu vẹo lao đi trong gió giật, mưa táp rát mặt, không mở được mắt nữa, cha à! Hôm nay bão giông này, cha ở đâu!
Và, bao năm nay, tôi vẫn không quên lời bà tôi thường bảo:
-Bão là do ông trời nổi giận. Bởi thiên hạ vẫn còn nhiều trái ngang!
Tôi trộm nghĩ: có lẽ vì thế mà nhân gian này chẳng bao giờ hết bão!
Và thời nay, dường như bão lại càng ngày càng... to hơn!
Ngày bão gió
TD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét