Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013







Bài viết của Vũ Nho trên Nghệ thuật mới số 10 năm 2012


ĐI TỚI NƠI NGẬP TRÀN ÁNH SÁNG THƠ CA
Đọc tập thơ Tiếng vọng từ bờ kia thế giới
Thơ của các nhà thơ Mỹ, nxb Hội nhà văn, 2012

Vũ Nho
Tôi ấn tượng mạnh mẽ về cuộc gặp gỡ của nhà thơ Mĩ Fred Marchan với các bạn thơ Việt Nam tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Trong suốt buổi thuyết trình và trao đổi của ông “ Tiếng vọng” là một chủ đề nhất quán. Thơ ca là tiếng vọng của tâm hồn qua không gian và qua thời gian. Thời gian từ quá khứ tới hiện tại và vọng mãi tới tương lai. Còn không gian, thơ ca vọng từ châu lục này qua châu lục khác, quốc gia này qua quốc gia khác, làm gần gũi các dân tộc. Vì lẽ đó, mà vị giáo sư, nhà thơ Mỹ tỏ ra tâm đắc với tên tập thơ “Tiếng vọng từ bờ kia thế giới” vừa mới ra lò.
Do những lí do khác nhau, chúng ta, nhất là những người sống và làm việc ở miền Bắc trước năm 1975, biết không nhiều về nền văn học Mĩ. Đối với thơ ca Mĩ thì lại càng ít. Bản thân tôi, cũng mới chỉ biết đến Uýt man từ xa xưa, và gần đây biết đến Bruce Weighl, Kevin Bowen. Lần này, nhờ nỗ lực của các dịch giả, các nhà thơ Việt, chúng ta có trong tay một tập thơ dày dặn của 11 gương mặt thơ ca Mĩ đương đại, trong đó có hơn một nửa đã từng mặc áo lính, từng tham chiến ở Đông Á và Việt Nam.
Tôi đã mang niềm phấn khích khi nghe Fred Marchan nói chuyện để chăm chú và say sưa tìm hiểu, lắng nghe “tiếng vọng” tâm hồn thơ ca Mĩ từ tập sách này. Quả thật là thú vị khi thấy cảm nhận của tôi giống với điều mà Sam Hamill đã diễn tả, hay nói khác đi, tôi đồng vọng với tác giả:
Nếu tôi tràn đầy khát khao,
đó là bởi
chúng ta giống như mưa rơi xuống,
rơi xuống những điều thầm kín nhất của ta,
rơi xuống một thế giới của những điều ta chưa biết.
Sự giằng xé của một người đang yêu - Sam Hamill

Có nhiều điều chúng ta chưa biết về thơ ca Mĩ, về tâm hồn Mĩ vọng trong những tiếng nói thơ ca. Nhưng hóa ra, ở đâu thì cũng thế thôi, dù là ở bờ kia thế giới, dù khác biệt về tiếng nói, văn hóa, phong tục, nhưng con người thì vẫn có những điểm gần gũi, tương đồng. Đúng như nữ nhà thơ Martha Collins đã nhận xét:
Ánh sáng trên sông vẫn chính là ánh sáng
Cách nửa vòng bên kia thế giới, vẫn là thế giới này
Ánh sáng mới - Martha Collins
Ở Việt Nam hay ở Mĩ, con người nghĩ về chiến tranh cũng giống nhau: Không ai ưa chiến tranh. Vì đó là chết chóc, khổ đau, là tàn phá, hủy diệt:
Chiến tranh là con ong sắt cháy đỏ
hút cạn mật đời
Tết đến - Bruce Weighl
Cuộc chiến tranh của người Mĩ gây ra ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh cần phải phản đối, phải chấm dứt vì nó chống lại trẻ em, chống lại tương lai của nhân loại. Bruce Weighl đã nói tiếng nói chính nghĩa của những người Mĩ chân chính:
Đó là cuộc chiến tranh chống lại chính chúng ta
chống lại những đứa trẻ đã biết rõ chúng ta
trước khi chúng bị nổ tan thành bụi
Cửa ngõ - Bruce Weighl
Không chỉ có chiến tranh ở Việt Nam, ở bất kì đâu, chiến tranh cũng cần ngăn chặn, cần chấm dứt bởi vì nó là nguyên nhân của chết chóc, đớn đau, đổ nát, thảm khốc:
Lặng lẽ đống hoang tàn những ngôi nhà của Chúa. Tất cả những ngôi nhà
Và gì nữa còn gì nữa? Không thức ăn, không ánh sáng, không nước
Cả những chiếc đồng hồ cũng không được buông tha
Thư gửi thành phố đang bị bao vây – Carolyn Forché
Với những người lính – nhà thơ Mĩ, họ đã tận mắt chứng kiến sự thảm khốc và tội ác của chiến tranh. Đã thấy em bé cháy bom Na-pan, đã chứng kiến đồng đội dánh cụ già răng đen bằng báng súng M16, đã thấy em bé “ chới với một tay trước chiếc đầu sưng vều, chảy máu”, thấy nhà sư Thích Quảng Đức bình tĩnh tự thiêu, thấy cảnh “ những hàng cây phát nổ thành những bông hoa phốt pho, và chiếc trực thăng giải cứu quay tít không kiểm soát lao vào tường thành cổ Quảng Trị”; và thấy những em bé quái thai từ chất độc đi-ô-xin:
Hình ảnh những cái đầu dữ tợn, thân mình gù như cá đánh thức anh mỗi đêm
Nơi nào đó chúng trôi nổi trên bầu trời chúng ta
Nơi nào đó những gì không chết đang sống trong cơn thịnh nộ lặng câm
Bài ca Đi-ô-xin - Kevin Bowen
Những lương tâm của nước Mĩ đã lên tiếng bằng thơ ca. Bây giờ, khi cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt nhiều năm, nhưng tiếng nói phản chiến khi ấy mới dũng cảm làm sao, mới đáng trân trọng làm sao. Các cựu chiến binh của Mĩ ở Việt Nam đang già đi, nhưng lại có những cựu chiến binh mới ở I rắc, ở Ápganistan. Và những câu thơ này vẫn còn nguyên giá trị khi thế giới chưa tắt lửa chiến tranh:
Hãy từ chối bắn giết. Đừng tin kẻ nào từ chối như vậy là phản bội và hãy phản đối chiến tranh ở mọi nơi mọi lúc

Hãy làm công việc của đời anh, nhưng hãy làm người lính kém cỏi nhất mà anh có thể làm được, hoặc làm thằng ngốc không biết bắn súng hoặc bị quăng xuống từ máy bay
Thông cáo ngôi sao đen – George Evans

Và những sám hối này của người lính từng tham chiến vẫn là vô cùng cần thiết:
Ở Okinawa, tôi mặc quân phục và mang vũ khí
cho đến khi mắt tôi bắt đầu mở ra,
cho đến khi tôi nghẹt thở vì niềm tự hào của thủy quân lục chiến,
cho đến khi tôi nhận ra
tôi đã ngu ngốc ngoan cố thế nào
Cặp mắt mở to - Sam Hamill
Không trực tiếp kêu gọi và thú nhận, nhưng hành động của người lính- nhà thơ Yusef Komunyakaa cũng là một tiếng nói phản chiến:
Tôi rẽ đường kia
Tôi lẫn vào bức tường tưởng nhớ
Những chiến binh chết ở Việt Nam
Tôi đến với 58.022 cái tên
Nửa số tên những người đã chết
Đợi tìm tên tôi
Đối mặt- Yusef Komunyakaa

Không cất tiếng nói phản chiến như những người lính, chị Lady Borton, người từng có mặt ở Việt Nam rất sớm, từng gặt những lượm lúa vàng trên đồng đất Bàn Long ( miền Nam) và cấy những dảnh mạ non trên ruộng bùn Khánh Phú ( miền Bắc) đã ghi lại khoảnh khắc cảm xúc của đông đảo dân chúng Mĩ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam:
Vào mùa hè năm bảy mốt
Dân Mĩ sống trong hoang dại và sợ hãi
tiếng còi chói tai những dòng xe trên xa lộ

Một nghĩa địa trải ra
Những bia đá tiếp nối bia đá màu xám xịt
Hàng nối hàng vô tận - Lady Borton
Với tất cả sự nhân hậu của trái tim phụ nữ, với sự nhạy bén và sắc sảo, chân thành, Martha Collins đã viết rất sâu sắc về BOM và những biện minh, xin lỗi, dù đó là nhầm, là ngoài dự kiến, là “có lý do chính nghĩa”. Mà bom Mĩ đâu chỉ có ném ở Việt Nam:
Họ gọi chúng tôi là thông minh nhưng bom đâu phải sinh ra để nghĩ
Chúng tôi xin lỗi vì nhầm lẫn nhưng không phải nhầm lẫn của chúng tôi
Chúng tôi chỉ biết thừa hành. Chúng tôi làm theo mệnh lệnh.
Bom - Martha Collins
Những tiếng nói thơ ca quý giá đó từ bờ bên kia giờ đã vọng tới Việt Nam. Khao khát hòa bình, khao khát chấm dứt chiến tranh là khao khát của không chỉ nhân dân Việt Nam và Mĩ, mà là của toàn nhân loại. Chúng ta có thể chứng kiến niềm vui sướng khi những người từng đối mặt trên chiến trường giờ “hạ súng”, là bạn của nhau, mang đến cho nhau những nụ cười và sự thân thiện . Đây, cái nhìn từ phía bên kia:
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là món quà để con người hạ súng
Chơi bóng rổ với Việt cộng - Kevin Bowen
Và cái nhìn từ phía Việt Nam được cảm nhận cũng từ bờ kia thế giới:
Một người từng chống chọi những chú lính Hoa Kì
giờ có vẻ hài lòng
đứng bên người Mĩ
Vừng trăng phiền toái- Lady Borton
Thật là vui mừng khi tiếng gầm của đạn bom, tiếng thét của lòng căm thù được thay bằng tiếng cười thân thiện, tiếng nói bạn bè, cảm thông, trân trọng :
Không còn trông xuống nữa, chiến hữu ơi
trông xuống nơi chỉ toàn thịt nát xương rơi
Không còn như thế nữa
Clementine I – Larry Heinemann
Các nhà thơ Mĩ đã đi tới một đất nước xa lạ nay đã thành thân quen, đi tới nơi ngập tràn ánh sáng thơ ca. Họ đã có thời gian khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước và con người chúng ta. Những con người Việt Nam vị tha, những tâm hồn Việt Nam rộng mở. Vẻ đẹp của hồ Thiền Quang, Núi Bà Đen, Đền Hùng, thành Cổ Loa, vườn thơ Sông Bé, đêm hè Hà Nội, Huế trong đêm, Chợ Hà Nội… đã in dấu lên những trang thơ nhân hậu và thẳm sâu. Những nhà thơ Việt Nam, những bạn bè Việt Nam họ đã gặp, đã trò chuyện, đã tặng thơ đông đến nỗi : “ Tôi nghĩ bóng của họ sẽ tạo nên một chiếc cầu/ Mà mỗi linh hồn nghèo nàn của chúng ta đều có thể đi qua” (Kevin Bowen). Đây không chỉ là tiếng vọng trong khoảng cách xa “từ bờ kia thế giới”, mà đã hình thành một nhịp cầu thơ ca hòa bình, hữu nghị nối hai dân tộc, hai quốc gia.

Điều thú vị nhất với tôi là qua tập thơ này, tôi thấy được tiếng vọng của thơ Mĩ rất xa, nhưng lại cũng có những điểm rất gần. Dù khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ, nhưng hóa ra cảm xúc của Sam Hamill thật gần gũi vô cùng với nhà thơ Xuân Diệu của chúng ta:
Cơn gió này để trôi đi
mọi thứ nó chạm tới
Tôi muốn được giữ nó lại
Sự giằng xé của một người đang yêu
Không thể không nhớ tới những câu:
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Vội vàng
Và đây, Kevin Bowen cảm nhận người đẹp gợi nhớ cách miêu tả, cảm nhận trong thơ mới quen thuộc:
Nàng đẹp như tiên nữ
Làm vầng trăng tối sầm
Gương mặt nàng chợt hiện
Trăng chết tràn trên vai
Dòng sông nhạc
Đây chỉ là vài ví dụ nho nhỏ thú vị. Bởi vì thơ của các nhà thơ Mĩ từ bờ kia thế giới vừa gần gũi, nhưng cũng vừa xa xôi, chứa đựng bao điều dễ hiểu nhưng cũng có bao điều bí ẩn, không dễ hiểu ngay, thách thức và mời gọi. Chính điều đó lại càng hấp dẫn chúng ta, và đem đến sự khác lạ, tươi mới cho thơ ca chúng ta. Nhà thơ, giáo sư văn chương Mĩ Fred Marchan trong bài thơ “ Muối mặn hơn” đã viết:
…thơ ca
giống như một nhúm muối từ nước ngoài
đến Boston như một điều kì diệu
Tôi cũng muốn mượn ý của nhà thơ để kết thúc bài viết này: “Tiếng vọng từ bờ kia thế giới” đến Việt Nam như một điều kì diệu.
Hà Nội, tháng 3 -5/2012





Report abuse for this article

1 nhận xét:

  1. Buồn cười nhà mạng vô cùng
    Ông chủ nhận xét... thì dừng, không đăng
    Nếu mà ông ấy Ẩn danh
    Thì cho hiển thị rất nhanh...BUỒN CƯỜI!
    Nhà mạng ới, nhà mạng ơi...

    Trả lờiXóa