Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

GIÁO SƯ VÀ THỢ MỘC



                                       

  GIÁO SƯ VÀ THỢ MỘC

                                                                         Kim Tùng Hoa
                                                                       Vũ Công Hoan dịch

          Giáo sư sống ở đô thị lớn đã hơn bốn mươi năm, ngài vô cùng ngán ghét môi trường thành phố ngày càng xấu đi, cái mùi vị làm sặc sụa cuống phổi, cái thành phố hễ bước chân ra là nhà cao tầng, những biển quảng cáo cứ đập vào mắt… Ngài bàn với vợ, nay đã nghỉ hưu, hay ta bán quách ngôi nhà gác hai tầng  về rừng núi mà ở? Nhân tiện còn có thể làm nốt chương trình chưa làm xong. Hai ông bà bắt tay tán thành.
         
          Anh thợ mộc sống ở rùng núi đã hơn ba mươi năm, tuy chưa hề một ngày đến trường, nhưng học được một tay nghề giỏi.
         
          Thợ mộc làm việc gì cũng tinh thông. Mấy năm gần đây lại trang hoàng trang trí ở thành phố lớn, tiền vào cuộn cuộn như nước, dăm ba năm đã phất to, bỏ ra mười vạn đồng, xây một biệt thự nhỏ cạnh núi. Nhưng anh thợ mộc không thoả mãn đời sống rừng rú. Anh ớn ghét con ve sầu ra rả mùa hè, tuyết đọng lớp lớp mùa đông.Anh chán ngấy cảnh ban ngày nghe rặt tiếng trẻ chăn trâu nghêu ngao ca hát, ban đêm quăng cây gậy đánh không chạm người. Anh thợ mộc muốn ra thành phố lớn sống cho bõ cơn nghiện làm người đô thị, Sáng dậy ăn quẩy chấm sữa bò, tối đến đi hội đêm, vào siêu thị tắm hơi. Anh bảo vợ, thôi bán quách cái vi la bé xíu này, bỏ thêm hai ba chục vạn ra thành phố mua một căn hộ khép kín. Như thế vừa có lợi cho triển khai nghiệp vụ cuả mình, lại ít nhất cũng bớt ra được một khoản tiền thuê nhà. Vợ anh hoàn toàn tán thành ý kiến chồng.

        
        Vị giáo sư đăng tin mình bán nhà về ở miền núi
      
         Anh thợ mộc gặp ai cũng bắn tin mình bán nhà ra thành phố ở.
         Cai khéo là khéo ở chỗ anh thợ mộc đang trang trí cho một gia đình là bạn của bạn của bạn giáo sư. Giáo sư nghĩ bụng, đúng là muốn ăn rau muống gặp phaỉ người bán ngó sen. Bà xã giặn trước, gặp thợ mộc không được nói sống ở thành phố không ra gì. Anh thợ mộc thầm nghĩ, trên đời sao lại có chuyện khéo thế không biết, muốn vá nồi đi ra ngõ gặp ngay kẻ định thay đáy chõ. Chị vợ anh nhắc khẽ, khi gặp giáo sư chớ được nói sống ở rừng núi nhạt nhẽo buồn tẻ.
        
           Giáo sư hẹn anh thợ mộc đến xem nhà trước. Anh thợ mộc xem xong rất hài lòng, ngôi biệt thự nhỏ ở ngay trong khu trường đại học, như vậy anh sẽ được tiếng thơm “phần tử trí thức”, xem kẻ nào còn dám coi thường anh.
         
           Giáo sư giục anh thợ mộc nói giá. Anh thợ một rất tinh khôn, anh không vội nói ngay, chờ  giáo sư xem xong nhà sẽ tính. Anh thợ mộc thầm nghĩ, giá nhà ở thành phố rất đắt, thế chấp ngôi nhà nhỏ của mình, trả thêm ông ấy hai mươi vạn, không biết có thành không?
        
         Anh thợ mộc dẫn giáo sư lên miền núi. Ngôi biệt thự nhỏ của anh không chỉ tựa vào núi mà còn gần suối, mặt khác còn rộng hơn nhiểu ngôi nhà của giáo sư, lại có một sân to rộng bốn trăm mét vuông. Quan trọng hơn là ở đây đã thông điện, thông đường, thông điện thoại. Giáo sư mừng trong bụng, yêu trong lòng. Sống ở đây không những có thể hoàn thành đề tài của ông, mà còn có thể cùng người bạn đời an hưởng tuổi già. Giáo sư nhìn anh thợ mộc, thầm nghĩ, thế chấp ngôi lầu nhỏ của minh, trả thêm cho anh hai mươi vạn, chưa chắc anh đã đồng ý.
        
         Giáo sư nói, thế này nhé, tôi về thảo luận với bà xã, ngày mai chúng ta quyết định. Anh thợ mộc nói,  cũng được, tôi cũng về bàn với vợ góp ý thêm.
         
           Hôm sau, giáo sư và anh thợ mộc hẹn gặp nhau. Giáo sư nói, chàng trai trẻ, anh vẫn nên nói giá trước đi. Anh thợ mộc là một người buôn bán biết trao đổi giá cả, nghĩ bụng, đậu phụ nóng không thể sốt sột ăn ngay, anh nói, em là kẻ thô kém, ngài kiến thức nhiều, xin ngài nói giá trước.
         
          Giáo sư nghĩ đến lời giặn của bà xã trước khi đi, ông nói thực ra, ngôi lầu nhỏ của tôi bà xã luôn luôn không đồng ý để tôi bán, dù có bán đi,tôi cũng chưa hẳn mua được biệt thự ở  miền núi,  chỉ cần có hai gian nhà bình thường là đủ. Anh thợ mộc nói,việc đã đến bước này ngài cứ nói giá đi, có gì chúng ta sẽ bàn, cố gắng  đứng ở giữa.
          Giáo sư thầm nghĩ,vậy thì ta thử xem, nếu không xong nâng giá dần. Giáo sư sốt ruột nói trước, hay là chúng ta đổi cho nhau được không? Anh thợ mộc ngẩn người, sợ mình nghe lầm, hỏi lại một lượt nữa. Giáo sư nói một đổi một. Anh thợ mộc hỏi, ngài không cần tôi trả thêm sao? Giáo sư e anh thợ mộc cười mình, gật gật đầu một cách rất lo lắng. Nào ngờ, anh thợ mộc vỗ đùi đánh đét một cái, xong, vậy thì chúng ta ký hợp đồng.
       
          Giáo sư về nói với vợ, hai ông bà mừng rơn. Giáo sư nói, dôi ra được hai mươi vạn, thôi thì ta quyên góp luôn cho trường tiểu học miền núi, như anh chàng thợ mộc này không có trình độ văn hoá đi buôn bán chả trách bị thiệt. Giáo sư đồng tình với người miền núi, còn vợ ông thì cứ gật đầu lia lịa nhất trí với chồng.
        
           Anh thợ mộc về nói với vợ, hai vợ chồng sung sướng cứ há mồm cười suốt. Anh bảo, giáo sư si dại thật, để mình hời những hai mươi vạn, đúng là học đọc nhiều chẳng tích sự gì. Thế này nhé, anh bỏ ra  mười tám vạn mua cái xe con mới, còn lại hai vạn em đem mà mua  đồ trang sức. Chị vợ hí hửng liền hôn một cái đánh chụt trên trán chồng.

                                                   Vũ Công Hoan dịch ngày 3  tháng 3 năm 2012
                                          (Theo Báo buổi chiều Tân An ngày 3 tháng 10 năm 2004)

2 nhận xét:

  1. Đúng là ở chỗ này thì ao ước chỗ nọ! Truyện thật thâm thúy về một người chê người kia ngờ nghệch, người kia lại thầm chê lại là "si dại". Rốt cuộc chẳng ai dại, đều thỏa ước muốn của mình! Cám ơn dịch giả Vũ Công Hoan!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn chủ trang Vũ Nho Ninh Bình và độc giả nặc danh!

    Trả lờiXóa