Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

MỘT CHÚT TÂM TƯ NGUYỄN TRÃI





MỘT CHÚT TÂM TƯ NGUYỄN TRÃI

(QUA BÀI THƠ MẠN THUẬT SỐ 10)

                                                VŨ BÌNH LỤC


Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo,
Chí cũ công danh vuỗn lỡ keo.
Viện có hoa tàn chăng quét đất,
Nước còn nguyệt hiện xá thôi chèo!
Lòng người tựa mặt ai ai khác
Sự thế bằng cờ bước bước nghèo
Không hết kể chi tay trí thuật
Để đòi khi ngã, thắt khi eo.

Đây là bài thơ “Thuật” cái tâm sự của tác giả, trong tình thế bất như ý của cuộc đời. Nhàn quan, nên đôi khi ngồi suy ngẫm sự đời, không thể nói là không buồn. Và nghĩ ngợi:
Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo
Chí cũ công danh vuỗn lỡ keo

Mở đầu, đã thấy nói đến thân phận, một cách khái quát. Cái tấm thân “bèo dạt mây trôi” của tác giả, cuối cùng tưởng cũng chỉ là hư ảo. Vì là hư ảo, nên nó mới nổi như bèo, nổi bằng bèo. Mẹ mất sớm, khi ông còn quá trẻ, phải nhờ vả ông ngoại là quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Khi trưởng thành, làm quan cho nhà Hồ thì chẳng bao lâu nhà Hồ mất, phải lẽo đẽo theo cha lên ải Bắc, rồi theo lời cha, quay về nuôi chí báo thù cho cha, rửa nhục cho nước. Rồi thì bị giặc Minh quản thúc, có khi phải lẩn trốn đây đó hàng chục năm trời. Trong kháng chiến thì nay đây mai đó, rong ruổi khắp các chiến trường. Chiến tranh kết thúc, Nguyễn Trãi ví mình như con ngựa già còn kham rong ruổi (Biểu trần tình với vua Lê Thái Tông), còn muốn đem tài lương đống của mình ra giúp nước, nhưng không được toại nguyện. Nhìn lại quãng đường đời khó nhọc đã qua, Tiên sinh đau lòng mà cảm thán. Tâm sự này, cũng được Nguyễn Trãi thể hiện trong thơ chữ Hán, bài Quy Côn Sơn chu trung tác: “Thập niên phiêu chuyển thán bình bồng”  (Mười năm phiêu dạt, than ôi thân phận mình như cỏ bồng cánh bèo).
Vậy mà Chí cũ công danh vuỗn lỡ keo. Tác giả thừa nhận, rằng cũng đã để cả cuộc đời vào bút nghiên, vào văn chương mà cầu lấy công danh, theo lý tưởng đại dụng của Nho gia. Nhưng, sự gắn bó đó, có lẽ là một sự lầm lỡ chăng? Bây giờ thì Viện có hoa tàn chăng quét đất, nghĩa là ngoài sân hoa rụng đầy, mà cũng không muốn quét nó đi, bởi thương hoa tiếc hoa, nên không muốn quét, mặc dù đó là những cánh hoa đã tàn rồi. Vì yêu cuộc sống mà tiếc hoa, thương hoa, kể cả khi hoa đã rụng, đã tàn. Lại như Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo, là khi mặt nước còn hiện bóng trăng, sao lại thôi chèo? Còn bóng trăng, tức còn trăng để thưởng lãm, thì còn tiếp tục chèo thuyền chơi. Đó là nghĩa hiển minh. Có thể Nguyễn Trãi vẫn còn hy vọng vào một sự đổi thay nào đó, còn tự động viên mình hãy tiếp tục hy vọng và chiến đấu, mặc dù thời thế đã đổi thay, mặc cho ở đời Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều! Triều đình nhung nhúc những Lương Đăng với Lê Sát. Cho nên:
Lòng người tựa mặt ai ai khác
Sự thế bằng cờ bước bước nghèo.
Vì thời thế nhiễu nhương, gian thần tác oai tác quái, còn biết tin vào ai nữa đây? Ngay cả vua bây giờ cũng thiển cận, vì quyền lợi dòng họ mà nghe lời gian thần, giết hại trung  thần, thì còn biết tin vào đâu? Nhìn ai cũng chả đáng tin, vì lòng người nông sâu hiểm ác biết đâu mà dò, tựa mặt ai ai khác. Vẫn là những bạn những bè cùng nhau gian khổ trong chiến tranh, bây giờ nhìn thấy họ như là chẳng phải là họ nữa. Cái mặt cái mũi thì vẫn như thế, nhưng cái lòng thì đã đổi thay rồi. Cho nên, đành phải than thở một mình: Sự thế bằng cờ bước bước nghèo, nghĩa là sự thế như bàn cờ hóc hiểm, mỗi bước đi là mỗi bước một khó khăn, ngặt nghèo, biết tính sao đây?
          Chưa hết! Trong triều còn nhung nhúc những Tay trí thuật, những kẻ gian nịnh hiểm hóc, chỉ mưu toan hãm hại người trung nghĩa. Họ có tài đấy, nhưng chỉ là cái tài xiểm nịnh của bọn tiểu nhân với mưu sâu kế hiểm, bất lương và tàn nhẫn, Để đòi khi ngã, thắt khi eo! Nghĩa là chúng chỉ biết nhẫn tâm đối xử tàn độc, cố tình đuổi theo khi người ta đã ngã, lại thắt buộc thêm khi người ta đang ở khúc đường cùng. Thật là một lũ mặt người dạ thú, nhan nhản khắp đó đây trong cái “triều đình hèn hạ và ngu muội” (Trần Huy Liệu), chỉ biết mưu lợi cá nhân mà hãm hại trung thần. Nguyễn Trãi đã tận mắt chứng kiến cái chết của những người đồng chí, những đại công thần khai quốc lần lượt phải ra đi trong uất hận, sao không thể không buồn?
          Mạn thuật-Bài 10 là bài thơ chứa nhiều tâm sự thầm kín của Ức Trai. Trong cái tổng phổ trữ tình thơ Nôm và cả thơ chữ Hán, mấy trăm bài còn lại, thì chùm thơ  Mạn thuật là những bài thơ mang nhiều ẩn ức, như những gam trầm sâu lắng. Chỉ tiếc rằng thơ Nôm Nguyễn Trãi viết cách nay đã gần sáu trăm năm, nên nhiều chữ đến nay ít người biết, ít người dùng, nên hạn chế đến tính phổ cập. Tất nhiên là vậy, nên không thể so sánh với Truyện Kiều của Nguyễn Du hậu duệ của Nguyễn Trãi, sau đó gần bốn trăm năm về sự nhuần nhuyễn, khi mà tiếng Việt đã phát triển đến mức khá hoàn thiện rồi. Nhưng Nguyễn Trãi vẫn là đại thi hào, số một, xưa nay chưa từng thấy bao giờ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét