Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Hát mãi về ANH về ĐẢO


Hát mãi về ANH về ĐẢO
Đọc tập thơ “ Trường Sa! Ơi Trường Sa!” của Lưu Thị Bạch Liễu
Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, 2014

                                  Vũ Nho

Bao đời nay, Người Việt coi biển đảo là một phần máu thịt của quê hương. Biết bao ca khúc, bài thơ của các văn nghệ sĩ đã nói về Hoàng Sa, Trường Sa, những phần đất thiêng liêng mà cha ông ta đã đổ bao máu xương đời đời gìn giữ.  Nhà thơ Lưu Thị Bạch Liễu, người con gái của núi rừng Thái Nguyên đã vượt muôn trùng sóng gió để đến với những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Chị đến với đảo, với các chiến sĩ “ không chỉ… đón gió biển mặn mòi, vục nước biển mênh mông vào tâm hồn mình, để cát Trường Sa hôn bàn chân, để đá Trường Sa kể chuyện ngàn năm bi tráng mà còn để nước mắt chảy xuống thấm vào và ở lại cùng với quần đảo thiêng liêng này”. ( Lời giới thiệu của nhà xuất bản).  Chị ra đảo với tư cách một nhà báo, một nhà thơ, một người em gái hậu phương, một công dân yêu nước. Và rồi sau đó về quê hương, chị luôn cảm thấy “ Biển vẫn thường vỗ sóng ở trong tôi”. Và tình cảm với đảo, với các chiến sĩ đã đơm hoa kết trái thành 20 bài thơ Hát về đảo và 15 bài thơ Viết trên sóng. Ba mươi lăm bài thơ là một món quà, một ấn phẩm giàu ý nghĩa khi cả nước đang hướng về biển đảo trong những tháng ngày qua.

          Trường Sa không xa…Trường Sa hay Hoàng Sa luôn gẫn gũi trong trái tim mỗi người. Người lính đảo thường khiêm nhường, trong thơ của chị  nói những lời giản dị :
          Chẳng có nhiều điều để kể về Trường Sa
          Chỉ có cát, có mây trời có biển
          Có san hô chẳng có người để tặng
          Có bông hoa bàng cùng thức trong đêm
          Biết kể gì về Trường Sa hỡi em
                             Vụng về lính biển
Nhưng người đến đảo với trái tim rộng mở, với lòng khâm phục và xúc động vô bờ thì thấy có biết bao điều có thể “hát” mãi về biển, về anh, về đảo.
Một bông hoa bàng vuông sao mà đẹp lạ lùng :
          Hoa bàng vuông
          Lung linh
          Mở những lồng đèn nhỏ
          Trắng sáng
          Dịu thơm
          Những con sóng thèm mùi hương
          Xô về quanh đảo.

          Lớp học của trẻ em ở đâu cũng có. Nhưng lớp học trên đảo thật khác thường rất đẹp rất thơ :
          Lớp học như con tàu
          Đâu cũng nhìn ra biển
          Bốn bên là sóng trắng
          Bốn bề là biển xanh
                   Lớp học trên đảo  
Một tiếng chim hót cũng “dễ thương” vì gợi nhớ quê hương:
          Chợt vang tiếng hót sơn ca
          Hót say sưa hót thật là dễ thương
          Ầm ào sóng gió đại dương
          Nghe chim hót
          Ngỡ quê hương thật gần
                             Đảo Sơn Ca chợt nghe tiếng hót
Con cún nhỏ hiền lành ở đảo bỗng cũng thấy khác bình thường, bởi vì nó được nhìn bằng ảnh mắt của trái tim thương mến, trái tim muốn hát ca, trái tim của người  yêu quý, ngưỡng mộ biển đảo “ Ước làm một vỏ ốc/ Nằm trong lòng biển khơi/ Ước làm một hạt cát/ Trong tay biển ngàn đời” ( Ra khơi) :
          Lon ton vờn bóng bông hoa bàng vuông đang bung nở như chùm pháo hoa […]
          Xinh xắn và sạch như vừa mua ra từ tiệm đồ chơi
          Thơm ngon như ghép bằng những múi bưởi
                                      Chú chó nhỏ ở đảo Song Tử Tây

Hoa ở đảo  đẹp khác thường vì nó nở trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt “ lửa cháy của nắng thiêu, sóng thét gào, gió thổi… đến mây trời cũng mặn”.  Hoa mỏng manh cùng đảo bất khuất “ Bất chấp bão giông. Bất chấp nắng nung. Bất chấp gió thét biển gào bào mòn da thịt”  ( Hoa cúc trên đảo Sơn Ca). Ngay cả những cây rau  cũng  như mang tình quê hương “Không đơn giản là ngọn rau/ Cả một màu xanh quê nhà nơi biển cả”  ( Những khay rau ở đảo Đá Nam) .  Rau, như mọi loại cây,  thấm bao mồ hôi, công sức của người lính, kiên cường như người lính:
          Chắt chiu từng hạt đất
          Chắt chiu từng giọt nước
          Ngấm đẫm mồ hôi người lính
          Cây nhọc nhằn bám cát
          Rụt rè xòe những bàn tay xanh
                   Gửi lại một tán xanh
Hầu hết những bài thơ là để hát về đảo, và hát về Anh – Những người chiến sĩ trên đảo :
          Những chàng trai không tiếc máu xương
          Như cây phong ba không bao giờ khuất phục
          Như vĩnh hằng màu xanh cây bão táp
          Để đất nước mãi bình yên
                             Trên vai là Tổ quốc
Canh giữ biển trời Tổ quốc, tình yêu đất liền, yêu người con gái hậu phương người chiến sĩ gửi vào “ Những bông hồng vỏ ốc” “Mang dạt dào tình biển/ Từ sóng gió đại dương”. Họ gác đêm “ Chỉ  tiếng sóng và bóng cây làm bạn”. Và các anh thường gửi tình cảm trong những giấc mơ:
          Giấc mơ nào cũng về góc vườn nhà
          Vẫn thèm gặp ngủ trên lá xanh
          Một màu nắng cũ
                   Sớm nay hoa nở
Đẹp biết bao là những người lính trẻ :
          Chiến sĩ nâng hoa trên tay, sôi nổi hồn nhiên giữa biển trời. Mắt sáng tươi và làn da đen sạm. Sôi nổi nói, sôi nổi tin rằng cây sẽ mọc. Sẽ kiên cường giữa sóng gió đại dương. Dù đảo không có lớp đất lành, không có cả dòng nước nguồn dịu mát, chiến sĩ sẽ lấy tình yêu thay đất, ủ mầm xinh nuôi cây lớn yên lành.
                                           Hoa cúc trên đảo Sơn Ca
  Mấy chục năm về trước, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” với những hình ảnh độc đáo :
          Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên cát
          Giãy giụa tơi bời trên cát
          Như con cá rô rạch nước đón mưa rào
          Úp miệng vào tay chúng tôi sẽ cùng gào
          Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo
Bây giờ ta lại gặp “niềm vui” ấy trong thơ Bạch Liễu:
          Về niềm vui đón cơn mưa đến muộn
          Lính ùa ra như một bầy ếch cốm
           Nhưng mưa hững hờ rơi tận mãi mép xanh
                                        Vụng về lính đảo
Những chàng lính đảo trong  liên tưởng so sánh của nhà thơ, chính là những cây “phong ba chắn bão” cho đất nước bình yên:
          Cây nối tiếp hàng cây
          Như đồng đội ở bên đồng đội
          Cây nối tiếp hàng cây
           Như đội ngũ đã sẵn sàng trận đánh mới
                             Gửi lại một tán xanh

          Sau chuyến đi thực tế trở về, Lưu Thị Bạch Liễu đã chứng kiến những vẻ đẹp bình dị,  kì vĩ của biển đảo. Đặc biệt là những vẻ đẹp hiên ngang, cường tráng của những chiến sĩ trên các đảo của quần đảo Trường Sa. Chị thổ lộ :
          Còn đẫm biển
          Trên mắt
          Trên môi
           Cả những đầu ngón tay
           Chạm vào nhau vẫn mặn
                      Nhớ biển 2
Chính tình cảm sâu đằm, những ấn tượng mạnh mẽ, những xúc động sâu sắc đã làm cho hồn thơ của chị thăng hoa. Tôi muốn dùng những lời giới thiệu trân trọng của nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên để kết cho bài viết này :
Tập thơ “ Trường Sa! Ơi Trường Sa!” của chị là một trong số ít những tập thơ trên cả nước tập trung chỉ viết về đề tài Biển Đảo quê hương. Đắm đuối và tài hoa, dịu dàng và dữ dội là những đặc điểm nổi bật của hồn thơ này. Qua thơ chị, chúng ta thêm yêu quý, tự hào về những người lính  đảo đang ngày đêm canh giữ  biển trời Tổ quốc, từ đó suy nghĩ sâu sắc hơn về trách nhiệm của mỗi người về chủ quyền biển đảo, về sự hi sinh  của bao thế hệ để bảo vệ, giữ gìn một phần “xương thịt” của Tổ quốc”.     
                                                            Hà Nội, 9/10/2014


         Đăng báo Quân đội nhân dân cuối tuần số 982 năm 2014 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét