Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

HỌC TRÒ XUÂN ĐỈNH Đường Văn ( Tiếp theo và hết)


HỌC TRÒ XUÂN ĐỈNH
Đường Văn
( Tiếp theo và hết)
4

Khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của HCQ Hoa Kỳ lan rộng ra cả miền Bắc thì thầy trò trường Xuân Đỉnh chúng tôi bước vào năm học 1965 – 1966, với tinh thần bừng bừng và sục sôi khí thế năm học chống Mỹ cứu nước - Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Tất cả để chiến thắng!
Biểu hiện đầu tiên là việc tiếp nhận hơn chục bạn từ các trường trong các quận nội thành sơ tán ra, vào học. Lớp 10A đón một số tên tuổi học trò sáng giá. Nguyễn Sỹ H. đẹp trai, nhỏ nhắn, rất thư sinh và học giỏi toàn diện, giọng nói khàn khàn, kính cận lấp loáng. Nguyễn Đình Ph.  Con em cán bộ miền Nam tập kết, được bầu làm bí thư chi đoàn. PH. người mỏng dẹt, áo sơ mi thùng thình bỏ ngoài quần, da đen xạm, mặt sần sùi trứng cá, giọng nói kè nhè; phổ biến công tác tuần một hồi chẳng ai hiểu gì! Mai Xuân D, học thường, nhưng là 1 cầu thủ bóng đá đáng nể. Đào Thanh H. tóc buông dài ngang lưng, mắt đen lay láy, lúng liếng lúng la, giọng nói trong veo, lại là cháu ruột nhà văn, tác giả tiểu thuyết Cái sân gạch nổi tiếng từ 2, 3 năm trước… nên với lũ trai ngoại thành chúng tôi, lũ chúng có phần hơi bị xa cách. Bên lớp 10B, còn đón những cậu ấm, cô chiêu khủng hơn: Đặng Việt B, con trai cụ Trường Ch., Vũ T. con trai ông bí thư Đoàn Vũ Q., Vũ Mạnh D. em trai ông Vũ Thư H. dịch giả Bông hồng vàng và  truyện ngắn Paotôpxki, con trai cụ Vũ Đình H., một trong những thư ký riêng của Bác Hồ, sau lại mang án xét lại và bị bắt tù… Các bạn mới về mặt mũi nhìn chung sáng sủa, giỏi giang, may mắn, con ông cháu cha tới học chung làm không khí các lớp vui vẻ, phấn chấn  hẳn lên. Được cái, lũ học trò nội thành giàu có, danh giá nhờ cha mẹ ấy cũng biết điều, không mấy đứa tỏ ra kênh kiệu, coi thường bọn học sinh ngoại thành, con em nhân dân lao động, nông dân chân đất nghèo khổ. Chúng tôi hòa đồng với nhau trong học tập và lao động, vui chơi khá nhanh. Ít ra, đó là cảm nhận bên ngoài của bọn học trò ngoại thành bản địa chúng tôi.

Về các thầy cô, thấy cũng có 1 số thay đổi.
Thầy Đoàn K. chỉ còn dạy môn Sử. Giáo viên chủ nhiệm mới năm lớp 10 (12) là thầy Triệu Nguyễn – dạy Vật lý, đảng viên, bí thư chi đoàn giáo viên, da ngăm ngăm, dáng thanh mảnh, ngót nghét tam thập. Luôn luôn lên lớp với chiếc cặp da đên tàu tàu, căng phồng. Yêu và cưới Hoàng Kim Ph. chị thằng Hoàng Thủy H, dân Đông Ngạc, học lớp tôi. Như vậy, ông Triệu, với cả lớp, còn là vai anh rể. Tính tình thầy Triệu điềm đạm, kín đáo, nói năng chắc chắn, mô phạm. Trong mắt chúng tôi, đó là 1 trong những giáo viên có kinh nghiệm làm chủ nhiệm lớp cuối cấp, lớp đi thi. Ông triển khai những tiết dạy Vật lý của mình một cách chậm rãi, chắc chắn. Biết chơi một chút ghita. Ông từng hướng dẫn tỉ mỉ cho tôi (dạo ấy đang say học cây đàn gốc Tây ban nha này như điếu đổ!), cách đệm điệu tănggô bài Hoa Chămpa như thế nào. Có lần trong giờ Sinh hoạt, ông còn thử tôi bằng cách hỏi - đố về ý nghĩa thời sự một khổ thơ Tố Hữu. Hình như trong bài Tâm sự thì phải…
Điều hành lớp chủ nhiệm, ông khác thầy K. ở chỗ, tin tưởng hơn vào đội ngũ cán bộ. Thầy chủ nhiệm chủ yếu giữ vai trò cố vấn, tham mưu, chỉ đạo đường lối và từ xa. Riêng đối với tôi, 1 HS vào loại cá biệt, có vấn đề: ông tỏ thái độ vừa xa vừa gần và như có vẻ dè chừng gì đó. Nhưng cũng không hoàn toàn xa lánh hoặc ghét bỏ. Mấy năm sau, ông chuyển trường, được đề bạt làm hiệu trưởng 1 trường cấp 3 lớn trong nội thành; rồi được cử sang nước bạn Lào làm chuyên gia giáo dục. Trở về nước, thầy Triệu Nguyễn được đề bạt Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, rồi lên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội… Nhưng thật tiếc, con đường hoạn lộ đang rất thuận lợi của ông chỉ đến đó. Chưa hết nhiệm kỳ PCTUBNDTP, nghe đâu ông mắc vào 1 vụ, 1 cái bẫy đấu đá nội bộ gì đó, bị buộc phải về hưu trước tuổi. Thầy Triệu cũng bị sốc một thời gian dài mới trở lại cuộc sống nhàn tản của một ông cựu PCT về hưu.
Dạo tôi thi ĐH đỗ xuất sắc, được Bộ cử đi nước ngoài học, ông đang làm Phó GĐ Sở GDHN. Ông rất vui. Gặp tôi ở đâu, trong cuộc hội lớp lần nào, hễ nhắc tới tôi là ông lại nói tới cái bài làm văn đạt điểm tối đa ấy. Nói quá nhiều lần, lặp đi lặp lại, đến mức làm tôi thấy khó chịu, khó xử, ngượng nghịu, cứ như là đem câu chuyện làm quà! Một lần gặp mặt cách đây vài ba năm, tôi đã buộc phải tỏ thái độ kín đáo với thầy, rằng trò không thích thầy nhắc lại mãi câu chuyện cũ mèm xửa xưa ấy! Ông thầy già có lẽ cũng nhận ra. Bèn thôi hẳn! Từ ấy, tôi cũng thấy nhẹ cả người.
Thầy Lê tiếp tục dạy toán lớp tôi. Đó là năm đầu tiên thầy dạy lớp 10 đi thi. Tuy vậy, với phong thái nhuốm màu nghệ sỹ, thầy vẫn triển khai bài giảng một cách phóng khoáng. Nhưng chúng tôi thầm mong, giá được học toán với thầy VM, một cây toán kỳ cựu của thành phố, (người đang dạy 2 lớp 10B, 10C), có kiểu chữ viết và cách trình bày bảng rất khoa học, duyên dáng, bay bướm và độc đáo,… thì có lẽ yên tâm và thích  thú hơn. Hỡi ôi! Thầy VM sớm qua đời vì bệnh hiểm nghèo cũng đã hơn 20 năm rồi!
Thầy Phan B. chỉ còn dạy văn lớp 10C của thầy chủ nhiệm. Dạy văn lớp tôi và lớp 10B là thầy Nguyễn Quang S. , một cây dạy văn cấp 3 thuộc loại gạo cội. Thầy học đại học sư phạm Hà Nội vào những khóa đầu tiên, cùng lớp với các thầy Nguyễn Đình Chú, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ…Thầy QS. chuyển về từ trường Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên. Quê thầy ở làng Sắp Mai, huyện Đông Anh, nơi tôi 3 năm sau, sẽ dạy cấp 2 vài năm cho đến khi nhập ngũ. Thầy người dong dỏng, mái tóc đen nhánh bồng bềnh, trạc ngoài 30, giọng đanh sắc, hay có thói quenn vuốt sống mũi khi nói; rất tự tin vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ sắc sảo, uyên bác của mình, nhất là kinh nghiệm luyện thi, đoán đề. Có lần thầy cười, nói đùa với chúng tôi: - Tớ có cái mũi đánh hơi đề thi tốt nghiệp giỏi lắm! Thầy tỏ ra không mấy phục các bạn đồng học học được giữ lại trường, sau này thành GS như HMD, PCD, NDC.
 - Các hắn, nhìn chung, viết nhạt nhẽo, chẳng có phát hiện gì. Chỉ thỉnh thoảng cố ý nhô ra 1 cái trên báo chí cho mọi người khỏi quên thôi!  Nhưng dù sao, trên cái thang danh vọng, thì các hắn cũng ở ngọn thang, còn mình thì ở cuối gốc!
Trong số HS học khá môn văn lớp 10 A chúng tôi, thầy quý mến và trân trọng nhất là NSH. Thầy lần lượt xếp hạng và tuyên bố:
 - SH là con ngựa Văn số 1, ngựa số 2 là tôi, số 3 mới đến NH!
Thầy khen văn SH: ý phong phú, tư duy mạch lạc, toàn diện, diễn đạt sáng rõ, mẫu mực. Chê tôi và NH: văn cầu kỳ, ý phiến diện, đặc biệt là NH với cách thể hiện rắc rối, ngang ngạnh… Chúng tôi hồi ấy nghe thì biết vậy, không dám cãi; nhưng trong thâm tâm, quả thực chưa hoàn toàn tâm phục, khẩu phục. SH chỉ được cái chữ đẹp, nhưng lời dài dòng, ý khô khan. Văn NH mới có những dấu ấn sáng tạo riêng của cá nhân, tuy còn manh nha và có phần sống sít. Văn tôi thì ở quãng giữa, chỉn chu, trung bình. Quả nhiên NH sau này thành nhà báo, nhà văn có hạng, SH thì nửa thế kỷ nay không ai trong lớp biết tin tức. Nghe đâu hắn đang ở Mỹ!? Còn tôi thì suốt đời nối nghiệp các thầy T, Phan, S… dạy Văn cho học sinh, sinh viên, từ PT đến CĐ, Đại học.
Tôi nhớ mãi buổi ngoại khóa, thầy QS. giới thiệu cuốn sách mỏng: Từ những trận chiến đấu ác liệt trở về (tiền thân của tập hồi ký dài Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, em trai Lê Đức Thọ) bằng những lời ca ngợi nồng nhiệt nhất. (Không biết gần đây, thầy QS. có đọc trên mạng: truyện tôi Đèn cù để biết được: hóa ra Trần Đĩnh, một nhà báo kỳ cựu (PV báo Nhân dân, suốt đời bị đeo tiếng xét lại,  mới là người chấp bút cuốn sách này)?
Nghe thầy QS. giảng đoạn trích trường ca Bài ca chim Chơ rao (Thu Bồn) quả thật sâu mà sắc, thoáng mà say. Lại nghe thầy tâm sự rồi đọc toàn văn 1 bài viết đầu tiên của thầy được đăng trên Tạp chí Văn học (cuối 1965, trong chuyên mục Tiếng nói giáo viên), tôi mới hiểu thầy cũng ham viết và viết cũng kỳ khu lắm, nhưng đăng báo, in sách không nhiều.
           Có lần về thăm quê Đông Anh, biết tôi đang dạy học cấp 2 ở đó, thầy ra thăm, chơi. Thầy trò lại trò chuyện quanh việc dạy văn. Thầy kể lại, lần dạy để đoàn SV TTSP ĐHSPHN do thầy PGS. NHK dẫn đầu vào dự, thầy cố tình phân tích - bình giảng chỉ 1 bài thơ tứ tuyệt (hình như trong Nhật ký trong tù) mà hết cả 1 tiết! Quá giờ một cách cố ý để cho ông Kh. và lũ sinh viên thấy sự uyên bác và tinh tế của người dạy đã thu hút HS quên thời gian đến như thế nào! Tôi đã thầm thấy tính hiếu thắng, ngang ngang của thầy. Sau này hữu duyên, thầy trò lại có dịp gặp nhau, khi chúng tôi cùng tham gia dạy ở 1 trường THPT DL, tôi có đôi dịp tình cờ được nghe hóng bài dạy của thầy. Thì ra, cụ vẫn dạy y như hồi dạy chúng tôi 30 năm trước, từ nội dung đến cách phân tích, diễn giải, giọng điệu vẫn hùng hồn và tự tin như thế! Nhưng HS THPTDL Hà Nội những năm 90 có còn giống như HS cấp 3 chúng tôi hồi những năm 60 nữa đâu! Chúng không thích giờ Văn thầy S. dạy. Chúng nói chuyện, ngủ gật. Thầy mắng, quát mãi, chúng vẫn bỏ ngoài tai… Thầy đem than phiền với tôi, thằng học trò cũ nay đã thành đồng nghiệp của thầy. Tôi chỉ biết cười buồn, cảm thông với thầy … mà thôi! Lại nhớ mãi câu nói quá nhưng đầy tự tin và không phải không có lý của thầy, hôm tình cờ gặp thầy ở Sở Giáo dục HN, (cùng đi nghe GS. Hoàng nói chuyện về đề tài: Thơ tình yêu thời chống Pháp, chống Mỹ, dòng trong và dòng đục):
-                 Như tớ bây giờ, có cho làm tổng thống cũng được, chứ đừng nói là dạy học nữa!
Thầy NQS, trong tôi, mãi mãi là một trong những người thầy dạy Văn khả kính, người khai tâm mở lối, truyền lưả cho tôi. Tôi đã học được gì từ nơi thầy? Phải chăng đó là tình yêu say chuyên môn và lòng tự tin rất cao đối với nghề dạy văn? Và tôi đã rút được kinh nghiệm gì, cũng từ nơi thầy QS? Đó là mặt trái của sự tự tin, tự tín của 1 cá nhân thái quá thành sự chủ quan, tự mãn đến mức, tự thấy không cần học ai, học gì, lạc hậu, bảo thủ, mà không hay, có khác chi chuyện ông Xiến Tóc của cụ Tô Hoài? Lần gần đây nhất, tôi gặp thầy trong buổi lễ tang thầy NĐK, phó khoa Xã hội trường CĐSPHN. Cũng đã hơn 10 năm có lẻ rồi. Thầy tất tả vào viếng rồi lại vội vàng đi ngay. Tôi chỉ kịp chào mà không kịp cùng thầy hàn huyên trò chuyện.
Năm nay, đứa học trò cũ một thời Xuân Đỉnh năm xưa, đành kính mừng, tưởng vọng thầy bát tuần đại thọ bằng những dòng hồi ức muộn màng này.
Hồi ấy, học tập kết hợp với lao động đã trở thành một nguyên lý, một phương châm giáo dục của nhà trường XHCN. Mỗi tuần 1 buổi sáng (chiều) học sinh các lớp được tham gia lao động công ích là chuyện  đương nhiên. Các thầy, cô giáo cùng thực sự làm việc với học trò chứ không phải chỉ nói miệng chỉ đạo hay làm lấy lệ, hình thức. Chúng tôi chuẩn bị bữa ăn trưa đạm bạc từ ở nhà. Thường là nắm cơm tẻ trắng tinh, dẻo xoắn dây đàn, ăn kèm với muối trắng, muối vừng, lạc rang, cà muối. Nhà nào sang thì mang ổ bánh mì kẹp chả, gói xôi lạc, hay bìa trứng rán, vài miếng thịt kho, ít ruốc bông, hai, ba con cá mắm mặn. Buổi trưa, cùng bánh đúc bày sàng, dưới bóng hồng xiêm, bóng phi lao, cùng vui đánh chén, cười đùa ầm ỹ. Những bữa trưa ăn chung ấy, thấy vui và  ngon vô cùng. Chiều, hì hục đào, đắp  giao thông hào, đào hầm phòng tránh máy bay. Hệ thống hầm hào từ cửa lớp bò ra sân trường, xuyên ra xa, nối với sân vận động, tỏa ra các hướng tận ngoài cánh đồng. Thầy trò vừa làm vừa trò chuyện, đủ chuyện vui tếu, cả chuyện văn chương, lịch sử…, chúng tôi tò mò khai thác, và thầy QS., thầy ĐK, TRH, Phan B… hào hứng kể lại, tâm sự thoải mái, vui vẻ, cởi mở với lũ học trò cuối cấp tò mò, ham hiểu biết. Nền nếp học tập và sinh hoạt của học sinh khẩn trương theo nguyên tắc thời chiến: cảnh giác, đảm bảo bí mật, an toàn. Thỉnh thoảng lại tập báo động, tập hành quân.*
                                                ***
Tôi, hồi ấy, trong mắt của các thầy và cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, bị xem là một trong những thanh niên thuộc loại chậm tiến trong lớp, mới được kết nạp vào Đoàn đợt… vét, cuối cùng. Hình như cùng đợt với PT, Phan VTR…, chỉ một, hai tuần trước khi thi tốt nghiệp. Tôi, được 2 đoàn viên giới thiệu là NH và HTH. Thâm tâm, đến lúc ấy, tôi vẫn coi chuyện vào Đoàn cũng là chuyện đương nhiên và bình thường, sớm, muộn không thành vấn đề! Chẳng lẽ bản thân mình không xứng đáng là đoàn viên sao? Ngay cả chuyện thi tốt nghiệp cũng vậy? Trước đó, tôi đã từng náo nức với dự định xin đi làm công nhân lái xe lửa và xung phong nhập ngũ đợt 30 – 4 cùng với NNH, V, N, T cùng làng… mà 2 ý định lớn đều không thành! Cho nên, tôi coi chuyện vào Đoàn và thi tốt nghiệp cũng chẳng có gì trọng đại! Thi vèo một nhát cho xong?/ Mười năm tốt nghiệp phổ thông, tạm rồi! 
Bởi vậy, dù tôi và NH. vẫn thường cặp nhóm với nhau để học ôn thi 1 cách nghiêm túc, nhưng không mấy hứng khởi. Hằng chiều, hằng tối, hai thằng vẫn đều đặn ôm sách vở ra học ngoài Gảnh Đình, Tầu Tượng, Nhà Bia…
Rồi chúng tôi cũng đã trải qua 3 ngày thi hết cấp 3 phổ thông 1 cách uể oải, lạnh lùng, với tâm thế: Thi thì thi, đỗ hay không chẳng có gì quan trọng! Nhưng lẽ nào lại có thể trượt được?! Và sự thật đã xảy ra đúng như thế. Năm 1966 ấy, lớp 10A chúng tôi, cả khối 10 chúng tôi đã  thi đỗ tốt nghiệp 100%.
Chúng tôi đã kết thúc 10 năm học phổ thông một cách êm ả, bình lặng bằng một bữa liên hoan RTC (rượu thịt chó) kinh điển, tổ chức tại nhà riêng Phạm Công, tay lớp trưởng mẫn cán, năng nổ, vào một buổi sáng mưa dầm cuối tháng sáu.  Phạm Công làm cán bộ lớp trưởng suốt 2 năm lớp 9, 10. Phải nói, hắn là tay tài hoa, tích cực, công tâm, gương mẫu và xởi lởi với các việc chung của lớp, của trường. Một cán bộ học sinh rất hăng hái, năng động, được các thầy cô yêu mến và tin cậy, nhưng đồng thời lại bị mấy đứa bạn cá biệt chúng tôi ngấm ngầm hay công khai phản đối, ghen ghét, với các việc, hầu hết bằng mặt, chẳng bằng lòng.
Phải hai tháng sau, khi không chỉ tôi, Phạm T, Văn B, Đoàn U. những HS chậm tiến, ít nhiều lý lịch gia đình hoặc bản thân có vấn đề, (dưới con mắt xét nét thiên lệch và đầy ấn tượng của mấy vị công an, đảng ủy và ủy ban xã, những cán bộ địa phương có toàn quyền ghi nhận xét vào hồ sơ lý lịch của chúng tôi) mà chính Phạm Công, chàng lớp trưởng ưu tú của chúng tôi cũng mãi mới được/bị gọi vào trường SP trung cấp 10 + 2 Hà Nội,… thì lòng ghen tức, đố kỵ nhỏ nhen của tôi mới thuyên giảm đi phần nào… Và rồi, thời gian trôi, cái tình cảm tủn mủn, tự nhiên, có phần bẩn thỉu, hèn hạ đó, mới càng ngày càng bị phai nhạt đi! để hơn 20 năm sau, chúng tôi mới nhất trí bầu hắn làm lớp trưởng lớp 10A vĩnh viễn cho tới … chết!
 Còn nhớ, trong 4 năm chiến tranh chống Mỹ (1966 – 1970), Bộ GD và bộ ĐH&THCN VN chủ trương không tổ chức thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mà xét tuyển theo thành phần, lý lịch gia đình từng học sinh. Hậu quả bất hợp lý, bất công của chính sách quá chú trọng thành phần, lý lịch này là những học sinh trung bình, yếu nhưng lý lịch cơ bản, trong sạch, con nhà bần, cố và công nhân nghèo, con cán bộ to, con quan, con víp… thì hầu hết được cử đi học nước ngoài và các học viện, đại học lớn, danh giá trong nước. Còn tất thảy con em những gia đình trung, phú nông, con nhà tư sản (đã cải tạo), địa chủ (đã xuống thành phần) đều chỉ được gọi vào các trường cao đẳng, trung cấp hoặc ở lại địa phương làm ruộng, chờ đi bộ đội!
Tôi, Phạm Công, Phạm T, Đoàn U, Văn B… rơi vào trường hợp không may, đen đủi sau.  Riêng tôi, ước mơ có bằng cử nhân đại học chính quy Nhà nước, một mơ ước rất đỗi bình thường của một thanh niên, mà phải vòng vèo, lận đận tới 20 năm sau, mới trở thành hiện thực!...
                                                  ***
Mùa hè năm ấy (1966), mùa hè cuối cùng của cuộc đời học sinh phổ thông, tạm biệt trường Xuân Đỉnh, chúng tôi tỏa về quê, mỗi đứa nghỉ hè một kiểu, tùy hoàn cảnh, điều kiện sống riêng của mình.
Ngày ngày, tôi hết vác thước đi laị dọc bờ đê hữu Hồng làm kỹ thuật viên đo đá thuê cho Công ty Thủy lợi cống Liên Mạc, lại chuyển sang làm nhân viên an ninh chợ Vẽ cũng với cụ KH. thôn Đình và cụ TH. thôn Hồng. Công việc cũng nhàn nhã, lại có thêm ít tiền chi tiêu.
Thời gian này, tôi bắt đầu thực sự say mê học đàn ghita cùng với Phan Mạnh Q. Tối tối, tôi với hắn ngồi bên cạnh anh chàng cựu thủy thủ phong trần NVB, (nhà ở ngõ Vẽ), say sưa thưởng thức và cố học mót những ngón đàn ghita nghiệp dư rất điệu nghệ của anh ta. Ngón gảy, ngón bấm, ngón vỗ, ngón đập, quạt chả, chạy gam, tiết điệu, độc tấu… đều nhất cử dạy học theo lối truyền khẩu, cầm tay, biết đâu chỉ đấy, mà càng học càng ham,… chẳng mấy chốc đã qua cả một vụ hè…
Như thế, chúng tôi vừa làm vừa chơi vừa chờ đợi cái giấy gọi vào đại học nào đó, một cách rất mơ hồ, nhưng không mấy háo hức…
Cho đến một buổi chiều âm u sau lễ Quốc khánh, chợt ông nhân viên Bưu điện xã đem lại tờ giấy gọi vào trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội (như đã nói ở đoạn trên). Lòng cơ hồ chẳng buồn, chẳng vui… Tôi thở một hơi dài, tối hôm ấy, đem giấy gọi ra so với giấy của Đoàn và Phạm:
-                 Thế nào? Chiều mai ta đi chứ? (đi tập trung học chính trị ở hội trường Sở Giáo dục HN); tôi thờ ơ hỏi 2 gã.
-                 Thì đi! Còn có cách nào hơn?! Chúng tớ đã chán sự chờ đợi rồi hơi, vô vị lắm rồi! Cả hai thằng bạn thân cùng uể oải trả lời.
…Thế là đoạn đời 3 năm học trò Xuân Đỉnh của chúng tôi đã kết thúc có vẻ tầm thường, giản đơn như vậy.
                                                ***
Từ ấy, nửa thế kỷ đã trôi qua! Lứa học trò Xuân Đỉnh chúng tôi hồi nào, giờ đây, đã vào lớp tuổi U70, U80 cả rồi! Mỗi khi ngồi buồn buồn nhớ lại một thời áo trắng ngây thơ, hăm hở, dại khờ, lắm buồn, không ít vui, được, mất cài đan, hạnh phúc rạng ngời và đắng cay, đau khổ… thảy đều gắn bó sâu nặng với ngôi trường cấp 3 (THPT) từng nổi tiếng số 1, số 2 toàn miền Bắc cùng với tên tuổi các thầy cô giáo tài hoa, hết lòng, hết sức vì học sinh, nặng nghĩa, nặng tình; càng nhớ thương bạn bè đồng môn, từ tuổi hoa niên đến lúc bạc đầu, mỗi người cuộc đời, một số phận,… tôi vẫn như được sống lại cả ngàn ngày làm học trò trường Xuân Đỉnh thương yêu, ngàn ngày một đi chẳng bao giờ trở lại, trong niềm xúc động và biết ơn viết mãi không cùng.
Ai chẳng có một tuổi thơ của riêng mình!?
Tuổi thơ của chúng tôi mãi ấm áp, mãi tự hào được lớn lên và trưởng thành từ cái Nôi êm - Mẹ hiền – Trường cấp 3 Xuân Đỉnh./.

* CHÚ  THÍCH

* Mời đọc thêm một số bài viết của Đường Văn về đề tài trường Xuân Đỉnh, như:

Tản văn – hồi ức

-                  Khúc tưởng niệm muộn màng (2004), và
-                  Nhớ thầy, trò chuyện với Trưởng tràng (2004); trong sách: Văn chơi chơi văn (cùng viết với Hoàng Dân, 2014).
-                  Xuân Đỉnh, đại vàng thương nhớ ơi! đã đăng trên các trang web: trannhuong.com, vunhoNinhBinh và nguyennguyeenbay.com, tháng 3 – 2014);

Thơ
         Hương gây nhớ một mái trường (Tuyển tập thơ ca Lá nhặt cuối chiều (2014)

           * Sơ đồ chỗ ngồi HS lớp 10A, XĐ 3, năm học 1965 – 1966,

(Lập theo trí nhớ của ĐV. Mời các bạn bổ sung, chỉnh sửa cho đầy đủ, chính xác. Cảm ơn!)




LỚP 10A


             Bảng đôi, sơn xanh lá mạ

    Bàn giáo viên

Tổ 1                            Tổ 2                           Tổ 3                           Tổ 4

Bằng            ?
PTrung        Hiền
Hiệu         Trường
Hoạch              ?
Lan          PThanh
Cầm             Dục
Mỹ              Loan
Hoa                  Các
Dậu             ?
Đức            Thắng         
Hiếu             Hà
Cư                    ?
VLuyện         ?
MQuân        Ngạch
Đường        Bích
Lương           Đàn
Quang       Uyên
VQuân            ?                
Nhân          Dung
Đỗ Hồ       Hương
Chiếu        ĐPhúc        
Vinh                ?
HHồ           Định
Cường       Danh





* Dãy phòng học - nhà cấp 4, phía tây:

  Lớp 10C (PBT)
  Lớp 10B (VXM)
  Lớp 10A (NTH)
Phòng thí nghiệm



Những ngày trung tuần tháng 9,

Trong và sau bão số 3, 19 – 9 – 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét