Nhà giáo, nhà thơ Hoàng Dân
Tự hát
Xuân Quỳnh
Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khát khao những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại
ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Lời bình của Hoàng Dân
Xưa nay, đông tây kim cổ, trong tình yêu người
ta thường thích đại ngôn. Kẻ đang cưa cẩm thì “nịnh đầm” bằng những ngôn từ réo
rắt du dương như chuông vàng khánh bạc. Mà thực ra, đó chỉ là thứ ngôn từ rẻ
tiền, chỉ cần cóp nhặt trong sách vở hoặc nghe lỏm ở đâu đó là có thể đủ vốn
liếng để dùng, miễn phí! Còn kẻ đang được cưa cẩm thì thoạt đầu cũng thấy hay
hay, rồi dần dần say, thích và nghiện cái thứ ngôn từ hàng mã ấy! Thế cho nên,
người ta chẳng tiếc gì mà không vinh thăng cho trái tim “Là máu thịt, đời
thường ai chẳng có” ấy là vàng ròng, là kim cương (vì Kim cương bất hoại
mà!).
Nhưng, với Xuân Quỳnh thì khác, bởi ngay ở khổ
đầu bài thơ, nữ thi sĩ đã thẳng thừng cự tuyệt: Chẳng dại gì em ước nó bằng
vàng
Vàng là biểu tượng cho giá trị vật chất tối
cao, nó có thể ngự trị và sai khiến không ít kẻ “duy vật chất”, nhưng với người
“coi thường của cải” như anh thì “Nên nếu cần anh bán nó đi ngay”.
Vẫn là lời cự tuyệt mọi sự “vinh thăng”, nhưng
sang khổ thơ thứ hai, tư duy tình yêu mới có một sự đột biến khác lạ so với
thói thường. Ai chẳng đinh ninh rằng thiên nhiên nói chung, mặt trời nói riêng
là vĩnh cửu? Nhưng qui luật của tình yêu đâu có giống qui luật của thiên nhiên?
Nếu em là “mặt trời” thì khi nó “tắt” sẽ có một “đêm dài câm lặng” đầy những
hiểm hoạ khó lường. Biết đâu trong cái “đêm dài” ấy anh sẽ thay lòng đổi dạ:
“Mà lòng anh xa cách với lòng em”?
Điệp khúc “Em trở về đúng nghĩa trái tim”
khẳng định:
- Tình yêu của em có thể làm tái sinh sự sống,
nếu cái chết xảy ra với anh:
Biết làm sống những hồng
cầu đã chết
- Em không chỉ là người yêu, mà còn là người
tri kỉ của anh:
Biết khát khao những điều
anh mơ ước
- Tình yêu của em dành cho anh là một tình yêu
tuyệt đối, nó có thể hoá thân vào cõi bất tử, ngay cả khi thân xác em không còn
hiện hữu trước mắt anh:
Nhưng biết yêu anh cả khi
chết đi rồi
Từ một trái tim “đời thường ai chẳng có” giản
dị và gần gũi đến một tình yêu “cả khi chết đi rồi” nghe có vẻ phi lí, không
tưởng; nhưng ngẫm kĩ mới thấy một triết lí: Biết yêu anh và biết được anh yêu!
Thì ra, vàng không là gì đối với kẻ coi khinh
của cải, ngay sau lưng mặt trời còn có bóng đêm…, tức là chúng chưa đủ “thẩm
quyền” để quyết định ý nghĩa của cuộc sống nói chung, của tình yêu nói riêng.
Điều kiện duy nhất để có hạnh phúc trong tình
yêu là “Biết yêu anh và biết được anh yêu”! Thẩm quyền quyết định hạnh phúc
trong tình yêu, chính là tình yêu, ngoài ra tất cả đều vô nghĩa! Nói về đức hi
sinh và lòng chung thuỷ trong tình yêu như Xuân Quỳnh đã nói trong bài thơ này
thì quả là chí lí và sâu sắc.
18.1.2014
Cảm ơn anh Hoàng Dân có lời bình rất hay. Đúng là trong cuộc sống, nhiều khi những việc tưởng bình thường nhưng lại vô cùng ý nghĩa.
Trả lờiXóaCám ơn bạn Nguyễn Xuân Lai đã ghé trang và chia sẻ với Hoàng Dân!
Xóa