Nhà thơ Vũ Quần Phương
Đợi
Vũ Quần Phương
Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy
ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn
chảy
Nước chảy bên lòng, anh
đợi em
Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên
này
Đợi em. Em đến? Em không
đến?
Nắng tắt, còn anh đứng
mãi đây!
Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ
thành quen
Đứng một đời em* quen
thành lạ
Nước chảy… kìa em, anh
đợi em
Lời bình của Hoàng Dân
Bài thơ như một bức tranh gồm hai hệ thống
hình tượng tĩnh và động. Tĩnh là cây cầu và người con trai. Động là dòng sông,
là ánh nắng và bóng của cây cầu in hình dưới nước. Hai hệ thống hình tượng này
có chung một không gian tĩnh và có chung một yếu tố vừa tĩnh vừa động: hình ảnh
cây cầu và người con trai in bóng xuống dòng sông. Có thể nói, những liên tưởng
thơ thú vị được khởi phát từ cái yếu tố chung vừa tĩnh vừa động này.
Anh đứng trên cầu đợi em là một hình ảnh tĩnh. Anh đứng từ bao giờ? Không thể biết! Nhưng hẳn
là lâu lắm rồi. Ngay dưới chân anh là hình ảnh động:
Dưới chân cầu nước chảy
ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn
chảy
Cái dòng chảy vô thuỷ vô chung kia chính là
thời gian đã được vật chất hoá, có thể tri giác được. Nó là dòng chảy của qui
luật tự nhiên, là khách quan, ở bên ngoài mọi tâm trạng của con người. Nhưng do
thời gian chờ đợi quá lâu, lâu đến mức, cái dòng chảy ở bên ngoài kia đã trở
thành một dòng chảy ở bên trong, ngay trong lòng anh. Nó đang xói vào lòng anh,
bào mòn cả sự kiên nhẫn lẫn niềm tin của anh khiến anh phải thảng thốt kêu lên:
Nước chảy bên lòng, anh đợi em. Như vậy, anh đứng trên cầu cũng
tức là đứng giữa dòng chảy lạnh lùng, tàn nhẫn của thời gian. Anh đứng để chịu
đựng một hình phạt ghê gớm, đó là nỗi cô đơn và sự hoài nghi đang giày vò ngày
càng dữ dội. Anh đang bị dòng chảy tra tấn từ từ, đều đều, nhàm chán và đơn
điệu đến phát sợ!
Anh đứng trên cầu nắng hạ cũng là một hình ảnh tĩnh. Nhưng tại sao lại là nắng hạ chứ không phải
nắng xuân, nắng thu? Phải chăng việc kiên gan đứng dưới nắng hạ được coi là một
thử thách không kém phần đáng sợ? Có điều, nắng có quyền soi bên ấy lại bên
này cũng như có quyền dội lửa và thôi không dội lửa. Chỉ có người con trai
là phải chịu trận: còn anh đứng mãi đây! Anh đứng mãi (tĩnh và
thụ động tới mức vô tri), đứng ở đây (bất di bất dịch tới mức vô hồn) để phấp
phỏng: Em đến? Em không đến? Nó có vẻ giống với trò chơi vặt cánh hoa
một cách may rủi: Yêu? Không yêu?/Yêu? Không yêu… Nếu em đúng hẹn thì
anh đã chẳng phải chờ. Chỉ còn lại một thực tế phũ phàng là Em không đến,
nghĩa là em đã lỡ hẹn.
Câu đầu tiên của khổ thơ cuối cùng vẫn là một
hình ảnh tĩnh: Anh đứng trên cầu đợi em. Thoạt nhìn, hình ảnh này
giống hệt hình ảnh mở đầu bài thơ, và nếu như vậy thì người con trai đã hoá đá.
Nhưng ngẫm kĩ thì không phải. Sự vận động vô cảm của cái bên ngoài như nước
chảy, nắng tắt đã gây nên những chấn động dữ dội trong lòng người con trai.
Người con trai không thể chờ đợi một cách vô vọng, cho dù là người con gái lỡ
hẹn vì không thể đến chứ không phải là không muốn đến.
Có một nỗi đau âm thầm đang giằng xé trong
lòng người con trai:
Đứng một ngày đất lạ
thành quen
Đứng một đời em quen
thành lạ
Ở đây có sự đối lập giữa một ngày với một
đời, có sự hoán đổi giữa lạ và quen. Chỉ cần một đơn vị thời
gian nhỏ thì cái lạ sẽ thành quen, đây là qui luật về sự gần gũi theo kiểu “lửa
gần rơm…” hoặc “nhất cự li, nhì cường độ”. Nhưng với một đơn vị thời gian quá
lớn thì cái quen sẽ thành lạ, đây là qui luật về sự chia li theo kiểu “xa mặt
cách lòng”. Người con trai không thể chờ đợi chỉ vì chính anh ta cũng không
chống lại nổi qui luật khách quan của dòng chảy thời gian. Và, tiếng kêu cuối
cùng của người con trai khiến ta không khỏi nao lòng:
Nước chảy… kìa em, anh
đợi em
Hỡi em yêu! Anh đã đợi em và có thời gian làm
chứng – nhưng bây giờ thì anh không thể… bởi vì Em không đến, vì thế em
trở nên xa lạ với anh. Biết làm sao được, kìa em!
Đợi của Vũ Quần Phương đã
gợi lên được mối đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc. Chúng ta từng biết đến
một hòn Vọng Phu với truyền thuyết về một người vợ chờ chồng vô điều kiện, chờ
đến hoá đá. Đó là sự chung thuỷ tuyệt đối và được coi như một chuẩn mực đạo
đức, ít ra là ở thời tao loạn. Chúng ta chưa nghe ai nói đến một hòn Vọng Phụ,
nhưng có lẽ việc người con trai phải chung thuỷ tuyệt đối với một người con gái
cũng mặc nhiên được coi là một chuẩn mực đạo đức trong tình yêu. Không thể phủ
nhận giá trị của đạo đức, nhưng cũng không thể chống lại qui luật khách quan –
Đây chính là chỗ thử thách của nghệ thuật. Vũ Quần Phương đã xử lí tình huống
gay cấn này bằng nghệ thuật thật tài tình và đầy tính nhân văn. Cũng cần phải
nói thêm rằng, nếu ai đó phải chờ đợi một người yêu ra trận đến nỗi không thể
chờ được nữa thì nỗi đau của sự buộc phải thay lòng đổi dạ sẽ thấm thía đến
chừng nào?!
* Hầu hết các bản trong các tuyển thơ đều chép
là “em”, riêng bản trong cuốn “Thơ tình tuổi đang yêu” (Lữ Huy Nguyên tuyển
chọn, giới thiệu. NXB Văn học, 1994) chép là “đất” (Đứng một đời đất quen thành
lạ). Chúng tôi theo các bản chép là “em”.
Núi Bò-Hà Nội, 16.10.1994
Nhà thơ nhà giáo Hoàng Dân
Cần nói thêm : từ xưa đến nay, khái niệm "đợi" và "chờ đợi" có nội hàm khá khác nhau. Đợi, là trang thái tâm lý của một người nào đó đối với một đối tượng cụ thể nào đó ( đối tượng của đợi có thể là người , vật, mà cũng có thể là một vật vô tri ( con đò, con tầu, con sóng...) ). Người ta thường có tâm lý mặc định trong việc trai gái đợi nhau thì người đợi phải là người con gái. Nhưng ở đây VQP đã "chuyển vế" cho hai người : người đợi là người con trai và đối tượng của đợi lại là người con gái . Sự "chuyển vế" này làm thay đổi tư duy mặc định, nên ý nghĩa xã hội của khái niệm cũng thay đổi theo. Tưởng đâu là đã tạo được một tư duy mới. Nhưng sức ì của quán tính tư duy rất mạnh khiến tác giả không thành công. Vì thế một nhạc sĩ đã "chuyển vế " lại như tư duy cũ, lại được âm nhạc chấp cánh , nên bài thơ gây hiệu quả lớn gấp lên nhiều lần bài thơ gốc . ( nên nhớ nhạc sĩ chỉ đổi vị trí có một vài từ trong câu thơ ở khổ thơ cuối . ) Khi nghe ca sĩ Anh Thơ hát bài này, người nghe rất xúc động thấy lòng mình cứ rưng rưng muốn khóc thương cho người con gái nọ .
Trả lờiXóa