Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Người suốt đời nặng lòng với vẻ đẹp văn chương *



                     Nguyễn Thị Lan, Trưởng ban Lí luận phê bình, Hội VHNT Hải Dương

Người suốt đời nặng lòng với vẻ đẹp văn chương *

Việt Nga



Tôi biết nhà giáo – nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Lan từ khi  chị còn là giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, dạy bộ môn Văn học nước ngoài ở khoa Xã hội và chưa trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh. Ấn tượng ban đầu về chị là sự dịu dàng, nữ tính. Ấn tượng sâu đậm tiếp theo là một con người nghiêm túc với nghề, yêu văn chương bằng cả tâm hồn , khối óc và trái tim mình. Lên lớp, chưa khi nào chị chậm một phút. Cứ trống vừa điểm là chị có mặt ở cửa lớp rồi. Giờ ra chơi, có thể mọi người còn đang ồn ào trò chuyện say sưa ở Văn phòng khoa, thì chị đã lặng lẽ nhìn đồng hồ, lặng lẽ cầm cặp sách để lên lớp, sao cho mình đến cửa lớp là vừa kịp trống báo hết giờ chơi. Chưa bao giờ chị chờ trống điểm rồi mới đi từ Văn phòng khoa lên lớp. Trong soạn bài, đọc tài liệu, chị cũng cẩn trọng vô cùng. Cái cẩn trọng của người tôn thờ văn chương, tôn thờ công việc cao quý mình đang làm. Những trang giáo án viết tay của chị đều tăm tắp, mục nào mục nấy rõ ràng, kẻ gạch chân đề mục đầy đủ, điều mà cánh giảng viên trẻ hấp tấp như chúng tôi không mấy ai làm được.


          Cũng hiếm thấy ai say nghề như Nguyễn Thị Lan. Đứng trên bục giảng, chị rút ruột mà nói với học trò về vẻ đẹp lấp lánh của văn chương. Ngoài giờ lên lớp, chị say sưa đi tìm tài liệu, say sưa đọc và nghiền ngẫm. Ngay cả những lúc muôn nhà quắt quay vì cơm áo nhất, thì chị cũng vẫn hồn nhiên níu bạn bè, đồng nghiệp để chia sẻ một bài thơ hay, một cuốn sách bổ ích. Đứng trước một áng văn hay, tôi cứ có cảm giác chị như một tín đồ ngoan đạo đứng trước sách kinh.

          Không chỉ truyền dạy cho lớp lớp sinh viên những kiến thức văn học, lòng yêu vẻ đẹp của văn chương, mà chị còn chăm chỉ viết bài bình giảng thơ văn gửi cho các báo. Những bài viết đầu tiên được đăng, chị âm thầm vui mừng. Không phải nỗi vui của người được “nổi  tiếng”, mà là niềm vui của người bước thêm được những bước sâu hơn vào thế giới ảo diệu của văn chương. Nhất là từ khi được trở thành hội viên Hội VHNT, chị càng có điều kiện để tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, với tác phẩm của họ. Điều nhận thấy rõ nhất là chị luôn luôn trân trọng văn chương, trân trọng những con người tạo nên các tác phẩm văn chương.  Được tặng sách, chị luôn vui mừng và dành thời gian đọc thật kỹ. Tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, chị luôn lắng nghe những chia sẻ của họ về tác phẩm, về nghề. Bởi thế, cách tiếp cận với tác phẩm của chị thật kỹ lưỡng và sâu sắc. Viết về tác  giả nào, tác phẩm nào, Nguyễn Thị Lan cũng nâng niu và cố gắng tìm cho được những khác biệt, những vẻ đẹp riêng, cho dù hiếm hoi hay còn mỏng manh, còn khuất lấp để trân trọng và chia sẻ cùng bạn đọc. Những nhọc nhằn của việc viết phê bình văn học đã làm biết bao người nản chí, bởi phải đầu tư thời gian nhiều, đọc kỹ, nhưng phần nhuận bút quá đỗi ít ỏi, thậm chí “đất” dành cho chuyên mục này rất hiếm hoi trên các báo, tạp chí chuyên ngành (các báo, tạp chí không chuyên ngành có thể có thơ và có truyện, có nhiếp ảnh, chứ tuyệt nhiên không có phần cho lý luận phê bình văn học). Những nỗi lo “va chạm” với chính  người cầm bút cũng là một lý do để nhiều người dẫu có năng lực nhưng cũng không mặn mà gì với việc viết phê bình… Nhưng tất cả đều không là lực cản đối với Nguyễn Thị Lan. Chị vẫn yêu văn chương bằng một tình yêu vô điều kiện, và vẫn viết phê bình văn học như một sự sẻ chia vô tư nhất về tình yêu ấy của mình với muôn bạn đọc. Đặc biệt là với các tác giả Hải Dương. Chị luôn dành cho những “đồng nghiệp” ấy của mình những cảm tình đáng trân trọng. Sách của hội viên Hội VHNT Hải Dương được xuất bản, nếu không được tác giả tặng, thì chị cũng bằng cách này hay cách khác tìm đọc. Và rất nhiều cuốn như thế đã được chị viết bài bình. Hầu hết các tác giả được chị viết bài đều rất hài lòng. Không phải vì chị toàn khen hay tâng bốc họ. Người có lòng tự trọng cao, khi được khen không đúng họ sẽ rất xấu hổ, thậm chí là khó chịu. Nhiều bài viết của Nguyễn Thị Lan đã chỉ đúng cái “tạng” của mỗi tác giả mà chị nghiên cứu, có cả những ưu điểm, nhưng cũng có cả những hạn chế. Các tác giả hài lòng, vui mừng là bởi chị - với tư cách là một bạn đọc, một người phê bình văn học đã hiểu được họ như sự đồng cảm của những kẻ tri âm.

          Nguyễn Thị Lan là con người thật thà như đếm, thật thà đến trong veo, đến cả tin. Cho nên trong phê bình văn học chị cũng không có lối khen lấy lòng hay cách nói lòng vòng rào trước đón sau. Chị hay đi thẳng vào vấn đề. Mọi khen chê của chị đều hết sức thật thà. Viết thế nào, nghĩa là chị cảm thấy như thế, nghĩ như thế, cảm nhận như thế chứ không có bất cứ tác động nào. Đó là phẩm chất cần thiết nhất của người làm phê bình văn học. Không phải bất cứ cảm nhận nào của người phê bình cũng chính xác, nhưng sự  trung thực trong cảm nhận đã là một giá trị đáng trọng.

Cuốn sách “Văn học nước ngoài trong nhà trường” là cuốn sách đầu tiên in riêng của chị tập hợp những tác giả văn học nước ngoài nổi tiếng mà chị đã nghiên cứu trong suốt cả đời dạy học của mình đã được trao giải B giải thưởng Văn học Nghệ thuật Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần thứ VI (giai đoạn 2006 – 2010). Cuốn thứ hai chị xuất bản năm 2015 là cuốn “Văn chương Hải Dương đương đại” lại giành được giải B giải thưởng hàng năm của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Trong tình hình còn tương đối “ảm đạm” của chuyên ngành Lý luận phê bình văn học nghệ thuật của nước nhà nói chung và của Hải Dương nói riêng thì đây là một tín hiệu đáng mừng. Tình yêu âm thầm, bền bỉ mà mãnh liệt với văn chương của Nguyễn Thị Lan đã được đền đáp xứng đáng. Vẫn biết giải thưởng không phải là tất cả, nhưng ít nhất cũng là sự ghi nhận, đánh giá đối với chất lượng tác phẩm, công trình và sự cống hiến của tác giả.



*Bài đã được in trên Tạp chí Văn nghệ Hải Dương số Xuân Bính Thân (2/2016)

1 nhận xét:

  1. Chúc mừng tác giả Nguyễn Thị Lan với những thành công trong nghề viết phê bình!

    Trả lờiXóa