Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

"Văn chương Nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận" - tập Tiểu luận - Phê bình VHNT mới của Nguyễn Ngọc Thiện




"Văn chương Nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận" -  tập Tiểu luận - Phê bình VHNT mới của Nguyễn Ngọc Thiện
         Nguyễn Tự Lập
 Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh


Tác giả ( bìa trái) và PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện


Văn chương nghệ thuật & thẩm mỹ tiếp nhận là đứa con tinh thần thứ 6 về lý luận - phê bình văn học ([1]) mà PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam vừa cho ra đời. Vậy là sau 40 năm gắn bó với nghiệp văn chương, hơn 20 năm tác phẩm đầu tiên xuất hiện trước công chúng, ông đã có những đóng góp đáng kể cho nền VHNT nước nhà. Ngoài 6 tác phẩm in riêng với hàng nghìn trang, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ biên và xuất bản 25 đầu sách  với số lượng đồ sộ hàng vạn trang, phục vụ kịp thời yêu cầu bạn đọc và công tác nghiên cứu. Từ những con số nêu trên cũng đủ cho thấy niềm đam mê, trách nhiệm với nghề nghiệp - sự nghiệp VHNT của ông đến nhường nào... Thật đáng trân trọng!


Tác phẩm Văn chương nghệ thuật & thẩm mỹ tiếp nhận có độ dày 424 trang (khổ sách 14,5 x 20,5 cm) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành cuối năm 2015, được cấu trúc gồm ba phần. Phần I: Tiểu luận, phê bình văn chương nghệ thuật Việt Nam hiện đại; Phần II: Ma Văn Kháng - Đời văn và tác phẩm; Phần III: Về báo chí văn nghệ. Đây là tác phẩm tổng hợp về lý luận - phê bình văn học, với nội dung phong phú, đa dạng, tiếp cận ở nhiều góc độ: Nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận - phê bình, người quản lý, nhà báo... với không gian rộng, ở những giai đoạn, thời kỳ phát triển của VHNT Việt Nam khác nhau từ đầu thế kỷ XX đến nay... Nên tác phẩm không những giúp người đọc có thêm kiến thức về nghiệp vụ mà còn tự nhìn nhận, đánh giá về quá trình hoạt động VHNT của cả nước nói chung, của từng cá nhân nói riêng, từ đó rút ra những bài học thực tiễn đối với công việc ngày một tốt hơn. Do vậy, tác phẩm hết sức thiết thực, bổ ích, mang tính phổ cập cao trong giới chuyên  môn, nghiệp vụ. 
1. Phần một, bao gồm 17 bài tiểu luận - phê bình xoay quanh các chủ đề thực trạng lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến nay; về các tác gia, tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại nhìn dưới góc độ của sự đọc chuyên nghiệp và thẩm mỹ tiếp nhận. Mở đầu là Đề cương về văn hóa Việt Nam và vấn đề dân tộc hóa tiếng nói và chữ viết. Theo tác giả: Ngôn ngữ dân tộc thể hiện qua tiếng nói và chữ viết của dân tộc ấy, là thước đo minh chứng về sự tồn tại và bền vững của dân tộc, quốc gia. Điều này cũng hoàn toàn dựa trên quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước như Trường Chinh, Phạm văn Đồng... Ngay sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công, trong những ngày kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê bình thói ba hoa của cán bộ trong khi nói và viết, bệnh sính dùng chữ nước ngoài, bệnh nói và viết dài dòng văn tự. Sau này cũng như cho đến hiện nay, trong bối cảnh đổi mới và cơ chế thị trường chi phối, chúng ta  có phần chưa chú ý đúng mức, xem nhẹ việc giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc. Bởi vậy, tình trạng viết ẩu, nói ẩu, viết tắt đến mức không ai hiểu được, viết và nói lệch chuẩn chính tả, ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm... lại tái phát, nhất là trong giới trẻ, ngay cả học đường... Chính từ thực tiễn đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về "Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" bằng những chương trình, nội dung hành động cụ thể, trong đó có nội dung xác định cần chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong ngôn ngữ tiếng Việt, làm cho tiếng Việt trong sáng, giàu và đẹp hơn nữa, luôn dồi dào sức sống, trường tồn cùng lịch sử dân tộc là hoàn toàn cấp thiết.
Trên cơ sở nhìn nhận Đề cương về văn hóa Việt Nam và vấn đề dân tộc hóa tiếng nói và chữ viết như chìa khóa mở đầu cho sự nghiệp hoạt động văn hóa, văn nghệ nước nhà, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục làm rõ Chiến lược phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật phát triển, làm rạng danh đất nước. Trong Dự thảo Cương lĩnh, Báo cáo Chính trị, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề cập đến yêu cầu cấp bách "nâng cao chất lượng sáng tạo VHNT" phấn đấu vươn tới "nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật", "có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc...".  Đó là những định hướng đúng đắn và xác thực. Song để thực hiện được chiến lược trên cần phải có một đội ngũ văn nghệ sĩ giàu tài năng, trong đó đột khởi những văn nghệ sĩ xuất chúng, có tầm cỡ khu vực và thế giới. Được sự quan tâm, chăm lo phát hiện, giáo dục và bồi dưỡng của Chủ tịch nước, đến đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng thế kỷ XX đã có một "thế hệ vàng" nghệ sĩ thuộc các loại hình VHNT. Họ đã có những tác phẩm để đời, kết tinh của tài năng siêu việt và công phu lao động đáng nể, thể hiện tâm huyết nghề nghiệp đáng khâm phục.
Đi sâu về đánh giá Thực trạng phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Được sự quan tâm chỉ đạo từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự phát huy vai trò của tổ chức Hội VHNT ở Trung ương, các tỉnh, thành phố, hoạt động phê bình VHNT được diễn ra sâu rộng trên các khu vực: Từ trong nước ra đến ngoài nước; từ Trung ương xuống các địa phương... Các khuynh hướng phê bình  VHNT ở tất cả 10 chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Múa, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian, Văn nghệ các dân tộc thiểu số, đã được PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá rất sâu sắc, cụ thể. Ngoài việc  khẳng định những tác giả đã đem tài năng và tâm huyết vào sáng tạo tác phẩm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh của xã hội... công tác phê bình VHNT cũng chú trọng phê phán những tác phẩm xa rời hiện thực quần chúng, lệch lạc về tư tưởng chính trị và tư tưởng nghệ thuật, có hại cho sự ổn định xã hội, sự cố kết nhân tâm trong bối cảnh quốc tế phức tạp. Từ thực tiễn trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa ra kết luận và kiến nghị các giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực. Trong đó nhấn mạnh, phê bình VHNT cần có kiến văn phong phú, uyên bác. Họ cần được đào tạo chu đáo, có tài năng và phẩm chất của chuyên ngành. Đồng thời họ cần có một năng lực diễn đạt bằng năng lực viết, nói... có sức hấp dẫn, có tính văn học, có khả năng lôi cuốn người đọc. "Nói cách khác, họ cần phải là nhà văn cầm bút viết phê bình về VHNT" (tr.164).
Trong phần I của tác phẩm, tác giả còn giới thiệu với bạn đọc chân dung của một số nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học Mác xít, hàn lâm, những người thầy uyên bác ở Việt nam về phê bình VHNT giai đoạn đầu và giữa thế kỷ XX như: Nguyên Hồng, Hải Triều, Hoàng Trinh, Hoàng Xuân Nhị, Đinh Gia Khánh... mà ông rất quý trọng cùng 4 cây bút viết lý luận, phê bình văn học trẻ hiện nay là: Trần Thị Việt Trung, Cao Hồng, Đỗ Phương Thảo và Lê Thị Bích Hồng với tràn trề triển vọng. Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện lên tiếng phê phán gay gắt, quyết liệt những quan điểm, nhận thức về VHNT sai trái, đi lệch hướng với quan điểm, tư tưởng VHNT chân chính, cách mạng của Đảng, của Bác Hồ, trong đó có Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên). Theo quan điểm của tác giả thực chất đây là "một luận văn sai lạc", thể hiện "một góc nhìn phản văn hóa và phi chính trị" khi luận văn này nhằm vào đối tượng nghiên cứu thơ của nhóm Mở miệng, mà thực chất là một thứ "thơ dơ", "thơ rác", "thơ nghĩa địa"... "nhằm chống đối lại thể chế và trật tự xã hội, bêu riếu những điều cao cả, thiêng liêng với toàn dân tộc" (tr.100).
2. Phần hai, tập hợp các bài phỏng vấn, nghiên cứu, phê bình từ trước tới nay về tác giả văn xuôi Ma Văn Kháng qua một số truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký, bút ký - tiểu luận của ông. Với một tác phẩm tiểu luận, phê bình có độ dầy hơn 400 trang mà PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã dành hơn 100 trang giới thiệu về Ma Văn Kháng, mới biết rằng ông tâm huyết với nhà văn tài hoa người Hà Nội Đinh Trọng Đoàn (bút danh Ma Văn Kháng) đến mức nào. Như tác giả đánh giá " Ma Văn Kháng - Tác gia văn học lực lưỡng", "Một cây bút văn xuôi sung sức, một đời văn sáng tạo" có tên tuổi của văn học Việt Nam hiện đại từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay. "Đọc Ma Văn Kháng ta thấy ông là cây bút gây ấn tượng sâu sắc, bởi mỗi tác phẩm của ông là những chí thú về tượng trưng, ẩn dụ nghệ thuật, những luận đề quan thiết đến cuộc sống và con người cõi trần thế, mà nếu thiếu đi, cuộc sống sẽ nghèo nàn, vô nghĩa, con người sẽ trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, thô kệch biết bao!" (tr.350). Thực tiễn cho thấy, việc mến mộ với Ma Văn Kháng là hoàn toàn có cơ sở và không hề tô vẽ, mang dụng ý cá nhân. Với hơn 50 năm cầm bút, trưởng thành từ một nhà giáo, trợ lý - thư ký của Bí thư Tỉnh ủy, nhà báo và sau này là nhà quản lý trong cơ quan xuất bản... rồi nghỉ hưu, đến nay Ma Văn Kháng đã thành danh bằng một sự nghiệp văn chương đáng nể: hơn 200 truyện ngắn, 18 tiểu thuyết, 1 hồi ký - tự truyện... gần hàng vạn trang sách. Ma Văn Kháng đã vinh dự được tặng Giải thưởng Văn học Nhà nước (2001), Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (1998), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2012). Và phần kết luận, Ma Văn Kháng đã được PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện ghi nhận: "... là một gạch nối, tiếp sau Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao"... "nhà văn tài danh, thân thiết, được bao người mến mộ, tâm phục, khẩu phục." (tr.352).
3. Phần ba, Những phát biểu xung quanh việc nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả của báo chí văn nghệ Việt Nam đương đại nói chung, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam nói riêng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện luôn luôn tự hào " Là diễn đàn chung của văn nghệ sĩ cả nước...", đã "phản ánh kịp thời các hoạt động chủ yếu của địa phương, của chuyên ngành, tuyên truyền thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước... góp phần xây đắp nền tảng tinh thần, đạo đức, nếp sống văn hóa lành mạnh của con người mới, văn minh, phê phán các biểu hiện sai trái, lệch lạc trong quan điểm nghệ thuật và sáng tác..." (tr.376). Song, tác giả cũng đề cập một cách thẳng thắn về nhược điểm lớn nhất của báo chí văn nghệ hiện nay là tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa thật hay, đẹp, hấp dẫn, thuộc loại "con nhà nghèo"; "Tình hình sa sút của báo chí văn nghệ đã đến mức báo động khẩn cấp, không thể lùi, tụt dốc hơn được nữa; cần phải dừng lại chấn chỉnh, vực xốc báo chí văn nghệ vươn lên" (tr.392). Những giải pháp cơ bản, tác giả tập trung đề xuất: Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý có hiệu lực của cơ quan chủ quản đối với hoạt động báo chí về mọi mặt; coi trọng công tác cán bộ (sắp xếp, điều chuyển hợp lý vị trí cán bộ chủ chốt và chuyên môn); tăng mức hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất hiện đại, bảo đảm cho báo chí tác nghiệp có hiệu quả và chất lượng cao; chủ động xây dựng đội ngũ cộng tác viên có chất lượng và uy tín; phát động các cuộc thi sáng tác để thu hút nhiều bài vở hay; mở rộng mạng lưới phát hành... Đặc biệt, là Tiến sĩ Ngữ văn, được đào tạo bài bản ở nước ngoài và gần như cả cuộc đời gắn bó với văn chương, lại có 10 năm phụ trách Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam - một tờ báo văn nghệ lớn, có uy tín của Liên hiệp và cả nước nên ông có vốn từ vựng phong phú, có phong cách làm việc khoa học, cụ thể, tỷ mỉ, sâu sát. Chính vì vậy PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện thường mong mỏi báo chí, văn nghệ ở các cấp, các ngành trong toàn quốc luôn "Hay- đẹp và nhanh" như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh. Trong các cuộc hội thảo hay ngay cả trong những giờ lên lớp với học viên Lớp lý luận - phê bình VHNT (khóa I và II) do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức năm 2014 và 2015, ông khen ngợi, động viên kịp thời các tờ báo, tạp chí của những tỉnh, thành đã thực hiện khá tốt về hình thức, chất lượng... Song cũng phê bình nhắc nhở một cách nghiêm túc, gay gắt những tờ báo còn non nớt, tắc trách trong khâu trình bày, kiểm tra soát xét nội dung...
Mặc dù đã chuẩn bị bước sang tuổi 70, nhưng với PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện vẫn không một ngày nghỉ ngơi, ông khao khát tiếp tục được cống hiến cho sự nghiệp VHNT nước nhà. Tác phẩm Văn chương nghệ thuật & thẩm mỹ tiếp nhận vừa qua đã được Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương trao thưởng năm 2015. Chúng ta hy vọng tiếp tục được đón nhận những đứa con tinh thần mới của ông với chất lượng ngày càng cao và chúc mừng PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện có thêm những thành tựu xuất sắc, để đời!                                                                                            
                                                                               Tháng 3 năm 2016       
                                                                                                                                                                                                           



 ([1]) Trước đó, Nguyễn ngọc Thiện đã có những tác phẩm in riêng là: Văn chương và tác giả, 1995; Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ, 2000; Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, 2004; Phong cách và đời văn, 2005; Lý luận phê bình và đời sống văn chương, 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét