Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Trích " Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều - so sánh và bình luận" của Vũ Nho.

Từ hôm nay, tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số đoạn trích trong sách " Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều - so sánh và bình luận". Các bạn quan tâm có thể đọc và cop về. Trân trọng cám ơn! vunhonb




Lời nói đầu

Cùng bạn đọc yêu quý!
Chưa bao giờ tôi nghĩ có thể viết một cuốn sách về Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du!
Nhưng những ngày thế giới kỉ niệm 250 năm sinh và vinh danh Người, tôi đã bất ngờ viết được cuốn sách này!
Hóa ra, tôi có nhiều duyên nợ với nhà thơ họ Nguyễn Tiên Điền.
Khi học cấp 3, duy nhất một lần tôi được điểm 5 môn Văn là bài viết về Truyện Kiều mà tôi cóp lại ý tưởng của ông Hoài Thanh!
Năm 1973, sau hiệp định Pa-ri, tổ bộ môn của khoa Văn Đại học Sư phạm Việt Bắc gồm thầy Phạm Luận, thầy Vi Hồng (sau được giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật), tôi và TS Bàn Tiến Tân (lúc đó chưa sang Nga làm TS) có chuyến đi thực tế vào quê Nguyễn Du, quê Phan Bội Châu, tới làng Sen quê Bác rồi tiếp theo vượt qua sông Bến Hải, tới Đông Hà, lúc đó là thủ phủ của chính phủ lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Tôi đã tần ngần trước ngôi mộ nhỏ bé, giản dị của Nguyễn Du ở nghĩa địa của làng. Ngôi mộ cũng “sè sè nấm đất” như các ngôi mộ xung quanh. Chỉ có khác là được viền bởi những viên gạch nung thủ công. Tôi còn nhớ mảnh đá nhỏ, mỏng là bia của ngôi mộ có mấy chữ Hán “Nguyễn Tiên Điền tiên sinh thổ mộ”. Đúng là mộ đất! Cả khu nghĩa địa nằm liền kề các mảnh ruộng. Duy nhất có một cây bạch đàn lá liễu đứng chơ vơ. Tôi đã nhặt một chiếc lá liễu rơi trên mộ Người và mang về đính vào trang đầu của cuốn “Truyện Kiều”.
Khi sang Nga làm nghiên cứu sinh, năm 1983 tôi có được giáo sư hướng dẫn M.G. Kachurin cho tham dự và đọc một báo cáo trước Hội nghị đọc diễn cảm toàn Liên bang Xô viết tổ chức ở Mát-xcơ-va. Tôi nói  rằng Việt Nam có truyền thống đọc thơ, ngâm thơ, lẩy thơ, hát thơ. Một vài đại biểu đã viết vào mảnh giấy đề nghị tôi “trình diễn”. Thật tình là khi đó tôi quá bất ngờ, bỗng nhiên không nhớ nổi bất kì một câu ca dao hay một câu thơ nào. May quá, Nguyễn Du đã cứu tôi. Tôi bình tĩnh đọc, ngâm, lẩy Kiều và hát ru mấy câu mở đầu Truyện Kiều (bằng tiếng Việt, vì các bạn Nga chỉ muốn nghe âm điệu khác nhau. Tất nhiên tôi nói bằng tiếng Nga để các bạn rõ rằng đó là thơ trong Truyện Kiều của nhà thơ Việt Nam vĩ đại Nguyễn Du):
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Giọng tôi không hay lắm, nhưng khá chuẩn nên tôi được mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Tôi sung sướng nghĩ là Nguyễn Du được vỗ tay hoan nghênh vì đó là thể thơ lục bát truyền thống của chúng ta trong Truyện Kiều!
Tôi có viết một số bài về Truyện Kiều do yêu cầu của công tác chỉ đạo chuyên môn.
Đến bây giờ thì nhìn lại, hóa ra tôi đã viết và công bố 10 bài về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
 Và ý tưởng viết một cuốn sách hình thành khi tôi thấy trong cuốn “Truyện Kiều đối chiếu”, tác giả Phạm Đan Quế chỉ đối chiếu thôi. Vấn đề quan trọng là phải so sánh và hơn nữa, phải bình luận. Cả cuốn sách này tôi chỉ làm một việc là so sánh Kim Vân Kiều với Truyện Kiều và bình luận để thấy sự sáng tạo to lớn của Nguyễn Du. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du đặt tên tác phẩm bằng chữ Hán “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu đứt ruột mới). Làm mới, nên Nguyễn Du đã làm thay đổi rất nhiều về kết cấu, các đoạn, các nhân vật và mới cả nội dung tư tưởng.
Một điều cũng cần nói rõ. Từ trước đến nay, chúng ta quen với tên truyện là “Kim Vân Kiều truyện” và tên tác giả của truyện là Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng khi thực hiện công việc so sánh và bình luận, chúng tôi dùng sách của tác giả Phạm Đan Quế “Truyện Kiều đối chiếu”. Trong sách này, tác giả Phạm Đan Quế dùng bản dịch Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Tử của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm và bản phiên Truyện Kiều - Nguyễn Du của Đào Duy Anh. Chúng tôi theo sách này để gọi tên cho thống nhất.
Khả năng có hạn, kiến văn không dồi dào. Nhưng bằng tấm lòng và sự kính trọng Nguyễn Du, tôi nghĩ rằng mình cũng đã có đóng góp nho nhỏ vào việc tìm hiểu và nghiên cứu Truyện Kiều, một công việc chưa bao giờ có hồi kết.
Hà Nội, ngày 22/ 12/ 2015
Tác giả


4 nhận xét:

  1. cảm ơn vunhonb!

    Trả lờiXóa
  2. cảm ơn vunhonb!

    Trả lờiXóa
  3. thưa chú, cháu muốn mua cuốn sách này làm tư liệu dạy học thì mua ở nhà sách nào ạ?

    Trả lờiXóa