Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

GIỌT XUÂN của Đường Văn với lời bình






GIỌT XUÂN
                  Đường Văn

Giọt xuân rấm rứt giọt buồn
kéo kẹo giọt móc, đêm luồn nồng nênh
khao khao gió thở, trở mình,
tưởng người tri kỷ gửi tình tri âm!...

(Rút từ tuyển tập thơ ca ĐV: Lá nhặt cuối chiều (2014)

* KN (KB) & HN (QM) bình thoại:

            Giọt xuân của Đường Văn xứng là một áng trữ tình thế sự - tâm tư hay!
            Đó là giọt mưa phùn mùa xuân, trong đêm xuân tí ta tí tách buông như từng chùm hoa rụng, hay giọt mồ hôi rịn ra trong đêm tháng hai nồng ấm, hay giọt tâm hồn người thơ khắc khoải lắng đọng nỗi buồn miên man nỗi niềm cô đơn khó nói, mà chỉ có thể phần nào sẻ chia bởi tấm lòng tri kỷ tri âm, đồng điệu?!

            Hỡi ôi! Trên cõi dương đầy bụi bặm này, những tấm lòng trân quý ấy ngày càng hiếm thay!... Chính vì vậy, càng hay chỉ thấy trong những giấc mơ khuya, mơ muộn, bồi hồi và ngậm ngùi, sau cái trở mình cùng tiếng thở dài khó nhọc “khao khao” (hay “khào khào” – tiếng thở ngắn, hơi rít của người già) của gió xuân hôi hổi, như có cái gì bức bối, bực bội vô cớ! Ấy là não trạng một lão nhân trằn trọc, mệt mỏi dài dài...
            Nếu chữ “kéo kẹo” đậm hương vị dân gian (Bánh đúc kẹo với tương Bần/ Một trăm bó mạ kẹo dần con trâu (Ca dao) gắn liền 3 – 4 hiện tượng, sự vật và tâm trạng khác nhau, hô ứng nhau, nâng nổi nhau: giọt xuân – giọt mưa – giọt móc (sương) – giọt buồn… thì từ láy “khao khao” (tượng thanh) khá mới mẻ và hiện đại, thể hiện cái tâm thế, tâm lý muốn hòa trộn, đan khít giữa thiên nhiên và con người.
            Theo tôi, bài thơ lục bát 4 câu  cô đọng này, xem ra có thể nối gót tuyệt bút Sông Lấp của Cụ Trần Tế Xương – thành Nam, Người đã xa cách chúng ta hơn một thế kỷ (1870 – 1907).
            Liệu tôi có khen anh bạn “trẻ” (so với KN tôi) hơi bị quá lời?! Bởi một anh bạn “trẻ” khác – HN (QM) đọc qua đoạn lời bình trên của tôi, tưng tửng mà rằng:
            - Thế bác không thấy tứ thơ này đã cũ, già tới cả ngàn năm tuổi đó sao? Này nhé: Đêm mưa xuân, thao thức trong tịch mịch, ai hoài mà nhớ, mà ngóng người tri âm vời vợi…! Thi đề ấy, Lý – Đỗ đã viết tuyệt vời từ đời nhà Đường bên trung Hoa. Bởi thế, theo đệ, cái mới, sự hấp dẫn của ĐV ở 4 câu này chính là nỗ lực tìm tòi 1 cách thể hiện mới của riêng mình về 1 thi hứng cổ truyền.
            Tôi giật mình, đành gượng cãi:
            - Thì cũng cứ nghĩ sao viết vậy để thoả cái hứng đồng cảm, đồng tình  của mình… mà thôi! Nhưng chú có nhớ lời cụ Lep Tônxtôi từng khuyên những cây viết trẻ, đại khái:
            “Văn chương khó không phải ở chỗ viết về cái gì (đề tài, chủ đề, nội dung), mà ở chỗ viết như thế nào, bằng cách nào (hình thức nghệ thuật). Đặc biệt là người viết phải để lại cho được, cho rõ được một ít máu thịt của mình trên đầu ngọn bút” (chủ quan, cá tính, phong cách; Máu chảy ở đầu ngọn bút (Mộng Liên Đường Chủ nhân)… Cho nên, tôi vẫn chưa thể rút ý kiến của mình về bài Giọt xuân đâu!
             – Chịu cụ! Đã viện đến cụ Chắc tôn ông*, thì đệ phải tâm phục, khẩu phục rồi! Bởi cụ Sư tử Nga này chính là một trong những Đại Sư phụ về nghề viết của đệ đó.  
            HN khẽ vuốt vuốt nhánh ria nâu vàng cho vểnh thêm, cười xòa…

* Giai thoại chơi chữ, đối vui, bắt đầu từ nhà thơ CLV: Chắc tôn ông (thì) lép tônxtôi.

2011 – 2012 – 2013 – 12/10/2016. ĐV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét