Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

THƠ HAI-KƯ-NGẪM VỀ HƯỚNG TIẾP NHẬN



       

THƠ HAI-KƯ-NGẪM VỀ HƯỚNG TIẾP NHẬN
                              
                                             Trần Trung
1/Dường như đã thành qui luật của sự sáng tạo nghệ thật-nói chung và Nghệ-Thuật-Thơ nói riêng,ấy là sự kiệm lời; Kiệm lời để khi câu chữ của một thi phẩm khép lại, vẫn dư ba, ngân nga (ngỡ như khôn dứt!) trong lòng người đọc. Và, cả người bình Thơ nữa.
  Nhân loại từng tự hào, từng kiêu hãnh về một thời đại Thơ Đường- với độ nén của câu chữ với những thể: Thất ngôn bát cú; Tứ tuyệt (ngũ ngôn, thất ngôn)...Nhưng, cũng chính độ nén của Thơ Đường lại đi liền với độ “ bó” của câu chữ, rồi niêm, rồi luật.
  Thơ Hai-Kư của Nhật, nếu xết về lịch sử ra đời, thì có lẽ cũng “ngang ngửa” với Thơ Đường-Theo cảm tính-tương đối của Tôi. Nhưng, thứ thơ ra đời từ rất sớm này lại mang những đặc điểm (cũng là phẩm chất!) rất riêng.Rất Hai-Kư-Nhật.
  Tiền thân của Hai-kư chỉ gồm 17 âm tiết (tiếng Nhật vốn đa âm), lại được sắp xếp theo 3 dòng (có người còn cho là 3 câu), với trình tự : 5/7/5. Song, điều kì diệu là từ những câu chữ rất khiêm nhường ấy lại mở ra ngỡ đến khôn cùng, mênh mang... trong lòng độc giả về cuộc sống, sự sống cùng muôn vàn cảm suy trong thế giới tâm tư của con người.
2/ Thơ Hai-Kư cũng không nằm ngoài qui luật của sự sáng tạo nghệ thuật-Thơ của mọi quốc gia, mọi dân tộc. Nghĩa là, Thiên nhiên luôn là nguồn đề tài; luôn vẫy gọi cảm hứng của Thi nhân. Với thơ hai-Kư, khái niệm Quí-Ngữ (Ngôn từ, hình ảnh thơ thường “chạm” tới bốn mùa của Nhật Bản và Phương Đông-trực tiếp hoặc gián tiếp).

2/1.Quí-Ngữ trong thơ Nhật, không chỉ dừng lại “mục sở thị” (nhìn bởi mắt). Mà, hình ảnh thiên nhiên còn nhanh chóng “ lặn” sâu vào xúc cảm-tâm trí  của nhà thơ; Để rồi, tạo nên chất tĩnh lặng thanh tao mà thâm trầm.Tạo nên chất Thiền kì lạ và mở ra trường liên tưởng-Như không có điểm dừng. Có lẽ, theo Tôi cũng bởi thế, khi đọc Hai-Kư, từ chuyển nghĩa của lời thơ Nhật sang thơ Việt, có thể thêm hoặc bớt lời-Miễn là vẫn giữ được tinh thần thơ, hồn thơ nguyên tác. Xin phép được trích dẫn ra đây một vài ví dụ trong cuốn “Thơ cho bốn mùa” do Hội hữu nghị Việt Nhật ấn hành( Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin-Năm 2008) mà Tôi là một trong hai tác giả chính được tham gia.
-Một bài thơ của nhà thơ Sai tô Mochiki-Bản dịch nghĩa:
        “Tỉnh dậy từ giấc ngủ mùa đông
          Những con ếch nhảy nhót
          Trên lớp tuyết mỏng cuối cùng
          Và,
             Trải rộng thân chúng”
  Khi chuyển sang thơ Việt, Tôi mạnh dạn thêm một hình ảnh-một lớp nghĩa nữa, và Tôi dịch là:
               “Bừng dậy sau giấc ngủ đông
                Ếch mải hồn nhiên nhảy nhót
                Trên lớp tuyết mỏng tan dần
                 Sàn nhảy rung lên lần chót”
  Từ lời dịch chuyển thành thơ ấy lại tiếp là lời bình của Tôi :
  “Ếch đang hân hoan nhảy nhót trong vũ điệu đón xuân, thì cũng là thời khắc “Lớp tuyết mỏng tan dần”.Giản đơn thôi:băng tuyết trên sông, sau ngày đông lại được trở về với dòng chảy hiền hòa, ấm áp. Và, như thế “trên lớp tuyết mỏng...”, cũng sắp chấm dứt vũ điệu trên tuyết băng của những chú ếch hồn nhiên. Lời dịch thơ ở câu cuối có sự dịch chuyển từ “lớp tuyết mỏng cuối cùng” thành một không gian mới, cũng có thể gọi là một không gian-bản lề-khép mở-buồn vui:
                “Trên lớp tuyết mỏng tan dần
                  Sàn nhảy rung lên lần chót”
                      (Thơ cho bốn mùa-Trang 84-85).
2/2.Cũng chính bởi độ nén của câu chữ, cho nên cần cảm nhận về sự vận dụng “quí ngữ” trong thơ Hai-Kư để diễn tả trực tiếp hoặc gián tiếp cảnh sắc thiên nhiên theo qui luật của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Thì, khi chuyển dịch sang thơ Việt, chuyện thêm hoặc có thể bớt là tùy thuộc vào “độ mở” trong cách cảm nhận của người dịch chuyển. Miễn là, như đã nói ở trên vẫn giữ được tinh thần thơ, hồn thơ nguyên tác. Xin được đưa ví dụ từ bài Hai-Kư về chủ điểm mùa xuân của Hoàng tử Shi ki (?- 716) với phần dịch nghĩa:
                “Dòng thác đổ dồn gấp gáp
                  Xuống những tảng đá và xung quanh
                   Những cây dương xỉ nhỏ đã trổ những chồi non
                   Mùa xuân đến.”
   Bài thơ trên đã được dịch thành thơ và kèm với lời bình giải (một phần trong nội dung) như sau :
                  “ Thác cao đổ tràn sinh lực
                   Nước choàng đá tảng...vây quanh
                   Dương xỉ trổ đầy chồi nõn
                   Xuân xanh !”
   “Bài thơ kết lại trong hình ảnh với những tiếng “mùa xuân đến”. Lời dịch thơ được “co” lại trong hai tiếng “xuân xanh!” như muốn diễn tả cái nhanh, cái mạnh, cái sung mãn tràn đầy trong vẻ hoang sơ, tinh khôi của mùa xuân-sự sống.” (Thơ cho bốn mùa-Trang 29-30).
2/3.Các thi sĩ Nhật làm thơ Hai-Kư, khi hướng tới thiên nhiên trong vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của tạo hóa-tất nhiên không dừng ở vẻ ngoài của mà tả. Quan trọng là sự lan tỏa của sức gợi... Mà, đã là gợi ắt phải ra tinh chất riêng của thơ Phương Đông và nhất là phải gợi ra điệu cảm, điệu Hồn-Nhật. Tôi muốn nói tới ý niệm tinh tế mà thâm trầm trong thơ Hai-Kư-ý niệm gắn với thế giới từ thiên nhiên và đồng thời, đồng hiện với thế giới mang sắc vẻ tâm linh gợi ra từ những bài thơ Hai-Kư.Thế giới của thiên nhiên in đậm mầu sắc tâm linh ấy trong thơ Nhật vắt theo thời gian, theo lịch sử Cổ-Kim của loại thơ này.Thế nên, bức tranh-tâm cảnh của Hai-Kư cũng rộng mở nhiều chiều trong tiếp nhận, trong giải mã và liên tưởng cho người đọc và cả người bình nữa.
  Khi góp lời thẩm bàn về vẻ đẹp riêng trong ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôi từng nhận định: ca từ trong những nhạc khúc của Trịnh rất đỗi mông lung và vô cùng thân phận. Từ cảm thức ấy, đọc để cảm nhận về thơ Hai-Kư, Tôi cũng nhận ra rằng: Thiên nhiên trong thơ Hai-Kư nếu mang sắc mầu tâm linh thành kính hay huyền hồ hư thực cũng không tách rời với cảm quan về Cõi-Đời-Người, về thân phận con người. Xin được gửi trao một cảm nhận về bài thơ Hai-Kư của nữ sĩ I zu mi Shi ki bu trước những con đom đóm chập chờn trên sông:
-Dịch nghĩa:
                 “Trong những con đom đóm trên sông
                  Tôi dường như thấy linh hồn mình, ướt đẫm nỗi buồn,
                   Trào dâng niềm khát khao từ thân thể”
-Dịch thơ:
                  “Đom đóm chập chờn trên sông
                   Chúng mang linh hồn tôi đó
                    Linh hồn đẫm ướt sầu vương
                    Tận cùng khát khao mờ tỏ”
-Và lời bình:
  “...Trong trạng thái mê tỉnh, với nỗi bi ai cực điểm, bà (Shi ki bu) như chơi vơi bởi cảm giác thoát xác-Linh hồn của kẻ đang đớn đau, tan nát như nhập vào những con đom đóm ẩn hiện trên sông. Thứ ánh sáng chờn vờn ẩn hiện ấy, như một tiếng tâm sự riêng day dứt và cũng thổn thức lạ lùng. Lời thơ của Shi ki bu như cũng chập chờn vọng về từ đường biên mong manh của hai cõi Âm-Dương: Nữ sĩ như đang thầm thì với lòng mình hay đang gửi tâm tình chơi vơi tới một nơi nào xa xăm lắm:
                   “Đom đóm chập chờn trên sông
                    Chúng mang linh hồn tôi đó”
  Lời thơ thoảng nhẹ như hơi của gió đêm mà sao như cũng tỏa lan sang ta cảm giác rợn buồn thấm thía.
  Một điều thật kì lạ, huyền bí là sự lên tiếng của linh hồn ngợp đầy buồn đau và cô đơn kia, còn tiếp tục khai mở rất thành thực một trạng thái thiên lương, tốt lành mà chỉ thấy có được của những con người yêu thương cuộc sống-Đấy là niềm khao khát. Ở cả hai cực cảm xúc : đau đớn, buồn bã cùng khát khao tha thiết, được nhà thơ tự bộc bạch một cách thành thực nhất. Và, hình như cũng gấp gáp và khẩn thiết nhất, gửi lại cho người, cho đời :
                   “Linh hồn đẫm ướt sầu vương
                     Tận cùng khát khao mờ tỏ”. ( Thơ cho bốn mùa-Trang 206-207).
3/Thơ Hai-Kư-sự tiếp nhận từ phong tục tập quán gắn với lễ hội truyền thống có tự xa xưa.
  Đời sống văn hóa của mỗi dân tộc trong sự hình thành và phát triển, thường song tồn với các phong tục, với các lễ hội truyền thống của họ.Với Nhật bản, lễ hội cổ xưa của họ cũng thật sinh động và phong phú. Một trong số những lễ hội gần gũi, giản dị mà cũng rất thịnh hành, rất thiêng liêng của Nhật, phải kể đến đó là Lễ Hội-Búp Bê (Ngày mồng 3 tháng 3-Theo lịch Nhật).Những con búp bê được những người thợ thủ công làm bằng giấy hay bằng vải, một mặt được đặt thành kính trong các buổi cầu nguyện của Đạo Shin tô-nguyện cầu cho sự tinh khiết trong lành, an lạc cho con người trong cuộc sống. Một mặt khác nữa: từ hình ảnh, hình hài của những con búp bê xinh đẹp, dễ thương...từ xa xưa, người Nhật còn muốn gửi gắm một thông điệp tâm tình-đó là niềm tin yêu và hi vọng tốt lành, cao quí tới những em bé gái; tới những người phụ nữ Nhật bản; tới những bà mẹ-họ sẽ mãi mãi xưa sau là những người đẹp đẽ và cao sang. Cũng bởi thế, hình ảnh những con búp bê xinh đẹp bằng vải, bằng giấy kia đã thực sự “vào đời” để trở thành biểu tượng của Cái-Đẹp-Vĩnh-Hằng. Bài thơ Hai-Kư của Ma sao ka Shi ki về “Những con búp bê giấy” mang vẻ đẹp giản dị mà sâu xa,  chứa đựng ý tưởng và ý nghĩa nhân văn thấm thía như đã gợi ra trên:
-Dịch nghĩa:
                  “Những búp bê giấy
                    Nhìn giống như thể
                    Chúng muốn được yêu”
                            (Ma sao ka Shi ki, 1867-1902).
-Dịch thơ:
                   “Búp bê bằng giấy
                    Nhìn xem
                         Chúng khát thèm yêu như thật”.
-Lời bình:
  “Hình ảnh những con búp bê, vào thời Trung cổ ở Nhật gắn với tập tục, với lễ hội  được định ra hàng năm( ngày3/3).Búp bê giấy được dùng trong các buổi cầu nguyện của đạo Shin to và các buổi tẩy uế.Sau đấy, búp bê được thả xuống sông. Như vậy, búp bê gắn với đời sống tinh thần, gắn với thế giới tâm linh, gắn với ước nguyện đẹp đẽ, trong sáng của người xưa.
  Bài thơ này của Shi ki được đánh giá như một sự táo bạo khác thường. Sự khác thường và táo bạo có lẽ là ở chỗ: Nhà thơ không tâm linh hóa và cũng không ngưỡng vọng hình ảnh này như một kí thác, trao gửi...
  Búp bê giấy được nhà thơ kéo trả về với đời sống nhân sinh. Cái cách cảm nhận những “búp bê bằng giấy”thật gần như chính hơi thở của đời người, như chính cảm giác khát thèm được sống, được yêu thực sự. Trong con mắt đầy ưu ái và nhân văn của người nghệ sĩ, chẳng còn có búp bê giấy nào cả. Chỉ thực sự sống động hình ảnh những búp bê bằng da, bằng thịt-con người với nỗi khát thèm yêu đương thành thực. Và, nhà thơ nhắc chúng ta hãy đến và rung động với một điểm nhìn thật gần :
                 “Nhìn xem
                             Chúng khát thèm yêu
                                                       Như thật!”
                                     (Thơ cho bốn mùa-Trang 64-65).
4/Vẻ đẹp trong độ mở và sức gợi của Tinh chất-lưỡng tính trong thơ Hai-Kư.
Đề cập tới ý niệm Tinh chất-Lưỡng tính trong thơ Hai-Kư, Tôi muốn nói tới trạng thái thuộc về cảm xúc của các thi nhân khi diễn tả những mặt vừa trái chiều lại vừa đồng nhất, đột hiện trong những khoảnh khắc tâm tư của mình. Chính điều đó tạo nên vẻ đẹp riêng trong sáng tạo nghệ thuật; cũng đồng thời đem đến cho thơ Hai-Kư sắc diện của sự giản dị, chân thật mà cũng đầy vẻ huyền ảo...đến độ ám ảnh lòng người-trước hết là từ trái tim đa cảm, đa suy của Thi sĩ. Xin được trích điểm ra đây hai bài thơ của hai nhà thơ mà Tôi tâm đắc bởi Tinh chất-Lưỡng tính:
*Bài một của Ki ka ku (1661-1707)
-Dịch nghĩa :
                   “Người phụ nữ này
                     Người đã thắp sáng đêm mùa xuân
                     Con gái của tôi !(?)”
-Dịch thơ:
                   “Đêm xuân...Trở mình...Đêm sáng
                     Trước nàng thiếu nữ kiêu sa
                     Người ấy...Là con gái Ta !(?)”
-Lời bình :
        “ Bài thơ như bất chợt bùng ra trong cảm giác chập chờn say tỉnh, khi nhà thơ rạo rực mà nhận ra một đêm huyền diệu đang kề cận bên mình-kề cận ấm áp, sáng láng như cố nhân vậy.Ấy là khi “Đêm xuân...trở mình...đêm sáng”.
  Bài thơ chuyển từ cảm giác sang thức ngộ và ngỡ ngàng, thoáng chút sững sờ trước hình ảnh thanh tân của một thiếu nữ hiện hữu giữa đêm xuân. Hẳn trong xúc cảm trào dâng của nhà thơ, “đêm xuân... trở mình” như đang quyện hòa, rạo rực cùng đêm xuân-Thiếu nữ.
  Tương truyền rằng bài thơ này ra đời trong một chuyến Ki ka ku du xuân cùng với cô con gái ông, đang độ tuổi hoa niên. Ông đã say túy lúy và về nhà cùng cô con gái mình trên một chiếc kiệu...
  Nhà thơ ngỡ ngàng khi nhận ra những nét đẹp đầy nữ tính của chính con gái mình.. Để rồi,thi nhân bật thốt lên tiếng lòng mình trong trạng thái kiêu hãnh, mơ màng và chập chờn say tỉnh: “Người ấy...Là con gái ta! (?)”.
  Bài thơ của Ki ka ku là những lời gợi tình xuân, gợi niềm rạo rực tình ái đan hòa với những xúc cảm phức điệu tự tâm hồn Người cha-Thi sĩ.”
* Bài thứ hai của Yagi Zukichi (1898-1927).
-Dịch nghĩa:
                   “Tôi mò mẫm nỗi buồn như vuốt vú
                     Và nếu tôi rời khỏi nỗi buồn
                      Tôi sẽ chết chăng?”
-Dịch thơ:
                   “Đê mê mò mẫm nỗi buồn
                     Tôi như ve vuốt nõn nường tuyết lê
                      Nỗi buồn ấy nếu rời đi
                      Hỏi rằng tôi sống làm chi trên đời.”
-Lời bình(trích):
 ... “Người chuyển dịch sang thơ muốn cho cái thật đi liền với cái nhã. Và, cái cụ thể mộc mạc chuyển sang cách giãi bày gián tiếp thanh cao, nên chuyển hóa thành một cặp lục bát. Có thể vì thế mà làm giảm đi vẻ thô ráp, chân mộc từ lời nguyên tác: “Đê mê mò mẫm nỗi buồn/Tôi như ve vuốt nõn nường tuyết lê”.
  Nỗi buồn là một trạng thái thuộc về cảm xúc tâm tình của con người, khi con người phải gặp và sống trong hiện trạng không bình an. Điều ấy, vốn là lẽ thường tình muôn thuở trong sự sống của con người. Cái sự lạ lùng trong lời tâm tình này là ở chỗ, trước hết đây là lời bộc bạch rất thành thực của nhân vật trữ tình qua lời xưng “tôi”.Mà sao nỗi niềm buồn vốn tự có trong tâm, lại phải “mò mẫm”...
  ...Sự bất ngờ, thú vị đến sững sờ, ấy là khi nhà thơ đem ra cái vế dùng để so sánh-rất gọn, rất thật, chỉ trong ba tiếng: “Như vuốt vú”...Tìm kiếm, mò mẫm nỗi buồn hóa ra là được sống đúng với con người thật của mình với những cảm giác đê mê ngọt ngào tuyệt đích...Thế nên, ta mới càng hiểu một cách sâu sắc và thấm thía như lời tuyên ngôn của nhà thơ trong câu thơ cuối:
                         “Nỗi buồn ấy nếu rời đi
                            Hỏi rằng tôi sống làm chi trên đời.”
  Có lẽ đây là một cách khám phá và định nghĩa về con người cùng nỗi buồn độc đáo, ấn tượng đến lạ lùng, nếu chưa muốn nói là “Độc nhất vô nhị” trong thơ ca !(?).
                                         ***
  Đứng trước những vần thơ Hai-Kư của Nhật Bản tự cổ chí kim từ bao nhiêu thế hệ nhà thơ, Tôi tự thấy mình thật nhỏ bé như đứng trước biển lớn không tận với lớp lớp sóng xô và trải rộng mênh mang... Bởi, loại thơ được xếp vào loại ngắn nhất thế giới này lại mang tầm cỡ, vóc dáng của một chàng khổng lồ, giầu nội lực...
  Với một chút ngẫm ngợi để tự tìm ra cho mình chiều hướng tiếp nhận thể thơ đặc biệt và đặc sắc này, tôi chỉ dám khơi mở bằng khả năng trực cảm (nếu có) mang sắc màu cùng diện mạo cá nhân mà thôi.
  Một số thi liệu được vận dụng trong bài viết này cũng còn hết sức sơ giản. Chắc hẳn và chưa thể bao quát được lượng bài Hai-Kư vô cùng dồi dào, phong phú từ xưa đến nay của chính xứ sở hoa anh đào này; Mặt khác cũng chưa có khả năng và điều kiện bàn tới, bàn sâu về vẻ đẹp của Hai-Kư qua các sáng tạo nghệ thuật của các thi sĩ-các cây đại thụ của thơ ca Nhật nói chung và thơ Hai-Kư nói riêng như Mat su Ba sho, Yosa Bu son, rồi Ma sao ka Shi ki, Yosano A kito, Sai to Mokichi...vân vân.
   Bài viết nhỏ gọn này của tôi cũng mong muốn được đón nhận và chỉ giáo của các bậc thâm hậu về văn hóa, về văn chương Nhật Bản cùng các bạn hiểu biết, yêu quí thơ Nhật-Đặc biệt là thơ Hai-Kư. Xin trân trọng cảm ơn!

                                            HÀ NỘI, 26/9/2016.
 
                
                 
                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét