Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

TÂM SỰ VỀ CẢM HỨNG LÀM BÀI HÁT “HÀ NỘI, NGÀY TRỞ VỀ 2”





Triệu Lam Châu



KỶ NIỆM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ 10/10,

TÂM SỰ VỀ CẢM HỨNG LÀM BÀI HÁT

“HÀ NỘI, NGÀY TRỞ VỀ 2”



http://youtu.be/y5UCvOxuRqQ   (Hà nội, ngày trở về  - Video nhạc Triệu Lam Châu)


Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày giải phóng (10/10/1954 – 10/10/2016) Thủ đô Hà Nội yêu quý và thiêng liêng của chúng ta, bỗng nhiên tôi lại muốn tâm sự về niềm cảm hứng của riêng mình khi làm bài nhạc phổ thơ Thanh Tùng “Hà Nội, ngày trở về 2”.



Lâu nay tôi vẫn luôn tâm niệm lời dạy của các cụ từ ngàn xưa trong công việc sáng tạo văn học nghệ thuật. Muốn làm được tác phẩm có giá trị chân chính, người nghệ sĩ phải:



Một là: Phải có vốn sống về đối tượng mà mình phản ánh. Nghĩa là người sáng tác phải có những trải nghiệm máu thịt về hiện thực ấy, phải sống hết mình với nó. Một cuộc sống nội tâm sâu sắc đằm trong hiện thực ấy. Tất cả những kỷ niệm vui buồn của ta cũng nằm trong từ trường văn hoá của hiện thực ấy.



Hai là: Người sáng tác phải có tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm. Nhờ vậy những nét tinh tế của tình người, của văn hoá, của cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, của những phong tục tập quán đặc thù các vùng đất… mới có cơ hội thấm đẫm vào hồn ta… từ đó gợi niềm cảm hứng để có tác phẩm mới.



Ba là: Người sáng tác phải có năng khiếu biểu hiện được những lớp sóng dâng trào trong tâm hồn mình bằng ngôn từ (Văn xuôi, thi ca…), bằng giai điệu âm thanh (Âm nhạc), bằng đường nét, màu sắc (Hội hoạ)….



Bốn là: Một yếu tố nữa, tưởng chừng như tầm phào, nhưng rất quan trọng. Đó là cảm hứng xuất thần. Có thể nói cảm hứng như một nàng tiên chợt đến chợt đi lúc nào không hay! Đỏng đảnh và kiêu kỳ lắm cơ! Ta không hề biết được rằng khi nào thì cảm hứng đến với ta. Không thể lên kế hoạch gặp nó, không thể thể cầu xin hay kêu gọi nó đến được đâu.

Giới sáng tác vẫn thường tâm sự với nhau: Đó là giờ phút xuất thần!

Nhiều khi chỉ là một cơn gió nhẹ thoảng qua, một lời hỏi thăm, một nụ cười, một cái bắt tay, một thoáng run rẩy của chiếc lá trên cành, một làn sương bồng bềnh, một ánh nhớ vụt đến từ ký ức xa xăm…cũng có thể làm cho ta bừng lên cảm xúc…



Nếu người nghệ sĩ nào hội đủ những điều kiện trên – thì sẽ có cơ hội có tác phẩm khả dĩ được công chúng chấp nhận.
                                                                              Tác giả Triệu Lam Châu




Hà Nội là Thủ đô thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam. Có rất nhiều tác phẩm hay thuộc nhiều thể loại viết về Hà Nội. Về thơ, tôi rất chuộng bài Hà Nội, ngày trở về của nhà thơ Thanh Tùng. Từ những năm chín mươi thế kỷ 20 nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc thành công bài thơ này thành bài hát và phổ biến rộng rãi trong công chúng.



Tôi nung nấu ý muốn sáng tác về Hà Nội từ lâu. Song vốn sống của tôi về Hà nội còn mỏng quá. Có lẽ do vậy chăng mà niềm cảm hứng về Thủ đô, chưa đến với tôi?

Thế rồi đêm 9/11/2012 bên biển sóng Tuy Hoà, Phú Yên, miền Nam Trung Bộ xa xôi, tình cờ tôi giở cuốn Gia phả dòng họ Triệu Quang bản Nà Pẳng, Đức Long, Hoà An, Cao Bằng – có trang nói về cha tôi, Triệu Thế Kiệt (Bí danh Võ Hùng) đã từng giữ các cương vị công tác trong kháng chiến chống Pháp:



- Chính uỷ Trung đoàn 121 ở Đa Phúc, Vĩnh Yên.



- Bí thư Đảng uỷ Liên Trung đoàn Cao – Bắc – Lạng, kiêm Chủ nhiệm chính trị Bình đoàn Cao – Bắc – Lạng, trực tiếp đánh trận Đông Khê và giải phóng biên giới Cao – Lạng, năm 1950.



Bất thần dòng chữ bình dị… “Ở Đa Phúc, Vĩnh Yên…” như một tia chớp bỗng loé lên trong lòng Triệu Lam Châu tôi lúc ấy. Vậy là cha tôi cùng đồng đội hồi xưa đóng quân ở Vĩnh Yên, khi nhìn về Hà Nội còn bị giặc tạm chiếm….thể nào cũng mơ sẽ đến ngày trở về thủ đô…

Tôi ngước nhìn lên ánh sao đêm lung linh trên đỉnh núi Chóp Chài và thầm gọi: Cha ơi (Cha đã mất năm 1994 rồi)… Rồi nước mắt bỗng trào tuôn như suối núi… Niềm cảm hứng như thể được cha tôi thả xuống từ trên trời cao mà choàng lấy tâm hồn Triệu Lam Châu lúc ấy. Và tôi đã hăm hở phổ nhạc cho bài thơ của Thanh Tùng, một mạch hai giờ liền thì xong bài ca.

Một mình lặng giữa đêm khuya, nhìn bản thảo những nốt nhạc ngả nghiêng, tôi lại ngậm ngùi nhớ cha mình, mà nước mắt chảy ròng ròng. Phải rồi, chính bàn tay nhỏ nhắn của con đây, hồi năm 1959 – 1960, mới học lớp vỡ lòng nơi bản núi Cao Bằng biên cương mờ sương – cha đã từng cầm tay con tập viết những con chữ đầu tiên của đời con. Và giờ đây năm 2012, hơn sáu mươi năm sau, hồn cha từ Mường Trời lại thả miềm cảm hứng thần tiên xuồng cho con ở miền biển Tuy Hoà, để con làm bài nhạc Hà Nội, ngày trở về thấm đậm tình người!

Cảm động quá bạn bè ơi!

Trân trọng mời Quý vị và bạn bè cùng nghe bài hát Hà Nội, ngày trở về 2 theo các đường dẫn sau đây:



http://youtu.be/y5UCvOxuRqQ (Hà nội, ngày trở về - Video nhạc Triệu Lam Châu)


https://www.youtube.com/watch?v=y5UCvOxuRqQ
 (Hà nội, ngày trở về - Video nhạc Triệu Lam Châu)

Tuy Hoà, sáng 7/10/2016

Triệu Lam Châu










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét