Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Tôi đi... nhập trường Đại học



Nhận Giấy mời của ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên dự kỉ niệm 50 năm thành lập khoa, lòng bồi hồi khó tả. Tôi thấy thời gian sao nhanh vô cùng. Mới ngày nào là thanh niên, nay đã là người cao tuổi. Nhân 45 năm kỉ niệm, tôi có viết bài này. Năm nay kỉ niệm 50 năm, xin đưa lại.


Tôi đi…nhập trường Đại học



Nhân 45 năm thành lập khoa Ngữ văn và Trường ĐHSP Việt Bắc

                            

                                      Vũ Nho




Năm 1966 sau khi thi tốt nghiệp và làm các loại hồ sơ, chúng tôi về nhà chờ đợi. Những người bạn tôi hết đứa này đến đưa khác được gọi đi Đại học Giao thông, Ngoại ngữ, Y khoa Hà Nội,…Còn tôi thì vẫn chờ để được gọi đi học nước ngoài. Vậy là cứ yên tâm chờ dài cổ. Chờ mãi thì cái giấy gọi cũng đến. Nhưng thay cho đi nước ngoài là đi…Trường Đại Học Sư phạm Việt Bắc vừa mới mở, đóng bản doanh ở Đại Từ, Thái Nguyên.

          Bố mẹ an ủi: Thôi, trường nào cũng là trường học. Con cố mà đi học cho có một cái nghề.

          Hành trang cho chú học sinh lớp 10 ở nhà quê để đi Đại học khi ấy gồm mấy bộ quần áo dài, quần áo lót. Một chiếc ba lô  vuông của bộ đội do bác Chính, ông bác họ phục viên, cho.

          Ngày ấy Mĩ bắn phá miền Bắc khá ác liệt. Một số bến xe của các địa phương đã sơ tán địa điểm khác. Hàng quán hầu như không có bán cơm phở. Chỉ có cửa hàng ăn quốc doanh bán cơm theo tem gạo. Gia đình chuẩn bị gói 10 chiếc bánh chưng nho nhỏ để làm lương thực ăn đường.


          Tôi chỉ biết là muốn lên Thái Nguyên thì phải ra Hà Nội, từ đó đi tàu hỏa lên. Rồi phải đi ô tô từ Thái Nguyên vào Đại Từ. Ngày ấy nơi xa nhất mà một học sinh lớp 10 như tôi được biết là Thị xã Ninh Bình, khi phải xuống đó để chụp ảnh và nộp hồ sơ cho Ban tuyển sinh.

          Để đi Hà Nội, gia đình đã gửi tôi cho bác Cẩm, người cùng làng đang làm cán bộ cho nhà máy thuốc lá Thăng Long.

          Hai bác cháu đi bộ  quãng 10km lên xã Xích Thổ, nơi bến xe Nho Quan đi Hà Nội sơ tán về. Quá nhiều người muốn đi xe, trong khi xe thì chỉ có một cái. Hai bác cháu không thể nào chen mua nổi vé. Thế là bác Cẩm quyết định đi bộ ra Hà Nội qua địa phận Hòa Bình. Nhiều người cũng đi bộ như thế. Đến tối khuya, hai bác cháu tạt vào một nhà dân ở ven đường xin ngủ nhờ.  Đó là một gia đình công nhân của nông trường. Ăn uống thì đã có bánh chưng và cơm nếp mang theo.

          Sáng hôm sau, hai bác cháu lại tiếp tục cuốc bộ  và vẫy được một ô tô cho đi nhờ về Hà Nội, chỗ bác Cẩm làm ở Nhà máy Thuốc lá Thăng Long.

          Đến đây, tôi được bác báo cho ăn một bữa cơm bếp tập thể. Ngay tối hôm đó, bác  nhờ người đưa tôi ra ga Hàng Cỏ để mua vé tàu lên Thái Nguyên.

           Chia tay bác Cẩm. Lần đầu tiên tôi đi tàu hỏa. Không biết giời xui đất khiến thế nào, tôi lại ngồi cạnh thầy giáo Tích người Phú Thọ, dạy  Văn ở cấp 3 Đại Từ. Chàng thanh niên nhà quê không giấu gì thầy giáo, khoe rằng em nhận giấy gọi vào trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Rồi thầy Tích lại giới thiệu một anh chàng khác cũng đang lên nhập trường. Hai anh chàng làm quen với nhau. Anh chàng đó tên là Đào Hữu Lượng, mới ở Thái Bình lên.

          Tàu đến ga Thái Nguyên quãng nửa đêm. Chúng tôi chia tay thầy Tích. Hai chàng dắt díu nhau vào Trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến lúc này đã sơ tán và dùng làm nhà nghỉ trọ. Ngủ một nửa đêm, sáng ra mua vé ô tô vào Đại Từ. Đến Đại Từ, còn phải đi bộ vào Hiệu bộ đóng ở xã Vinh Quang. Hai chàng trai vừa đi vừa trò chuyện nên  con đường cũng đỡ dài.

          Lượng cũng là học sinh chờ đi học nước ngoài như tôi. Khi  chúng tôi được gọi nhập học thì nhà trường đã tập trung được hơn một tháng. Sinh viên đã làm nhà, đào hầm hào tương đối ổn. Các Khoa đều đã hoạt động vào nề nếp.

          Hai chàng  tân sinh viên bước vào Phòng tổ chức, tôi nhớ rõ người cán bộ tiếp  chúng tôi là anh Nguyễn Tọa ( Sau này khi về Hà Nội, tôi có vài lần gặp anh ở Hội Văn nghệ Hà Nội). Chúng tôi đưa giấy gọi ra. Anh Tọa hỏi các em muốn xin vào học khoa nào để vào sổ? Đào Hữu Lượng nhanh nhảu nói “Em muốn vào khoa Toán”. Anh Tọa giở học bạ của Lượng ra. Toán năm lớp 10 chỉ tổng kết 4. Anh Tọa bảo: “Khoa Toán hiện đã có hơn 100 sinh viên, đông lắm rồi. Em có thể chọn khoa khác”. Tất nhiên là Lượng xin vào khoa Văn. Anh Tọa đồng ý viết giấy. Đến lượt tôi, tôi không xin vào khoa nào cả. Anh Tọa giở học bạ của tôi: Toán 3 năm đều tổng kết 5, còn Văn thì lớp 8 tổng kết 3+, lớp 9 và 10 được tổng kết 4. Anh Tọa liền nói: Nho vào khoa Toán. Rồi anh viết giấy cho.

          Có giấy nhập khoa, tôi và Lượng ra gốc đa. Trong ba lô tôi vẫn còn 2 chiếc bánh chưng con. Tôi chia cho Lượng một chiếc. Hai chàng ăn xong bánh thì chia tay.

          Tôi vào khoa Toán, gặp Trần Trung, Đỗ Duy Tam là bạn học cấp 3 Nho Quan A với tôi đã ở đó. Chúng tôi tiếp tục đào hầm, làm nhà và bắt đầu lên lớp những buổi đầu tiên.

          Một buổi, chúng tôi lên lớp nghe giảng về Giải tích. Thầy giáo nói rất say sưa. Rốt cuộc hơn một trăm sinh viên cả nam lẫn nữ sau buổi ấy đều cùng một kết quả: - Chả hiểu quái gì cả!

          Có lẽ tôi phải cám ơn cái giờ giảng ấy của ông thầy mà tôi không kịp nhớ tên. Bởi vì từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ học mà lại chẳng hiểu một tí gì như vậy. Lại nữa, ở phổ thông chúng tôi học Trung văn, vào khoa Toán thì học Nga văn. Chúng bạn liến thoắng  chào hỏi, nói nọ, nói kia, trong khi chúng tôi lò dò đánh vần “đa”, “đôm”, “khơ-ra -sô”…

          Một hôm tôi thấy Nguyễn Hữu Hùng  ( người Thái Bình) cầm ba lô và nói: “ Chào chúng mày nhé! Tao chuyển vào khoa Văn đây!”. Chắc là Hùng cũng chán cái kiểu học “ chả hiểu quái gì cả”.

          Thế là theo bước Hùng, tôi cũng lên khoa Toán gặp thầy Chủ nhiệm khoa Phạm Gia Đức để xin chuyển vào khoa Văn. Thầy Đức rất hiền hậu. Ông không hỏi vì sao tôi chuyển đi. Mà viết giấy đồng ý chuyển và chúc tôi học tốt.

          Cả đời học cấp 3 của tôi Văn chỉ làng nhàng, hơi kha khá. Nhưng tôi chuyển vào khoa Văn vì : tôi thích đọc truyện, tôi có thể tiếp tục học Trung văn ( đã có vốn ở phổ thông), và tôi không phải học những giờ “chả hiểu quái gì cả”.

          Vào khoa Văn, tôi gặp Quách Công Chấp, Đinh Văn Thuận, Hà Văn Hòa cùng trường cấp 3 và tất nhiên gặp lại Lượng và Hùng. Tôi còn gặp Đặng Tương Như, người đoạt giải nhì Văn học sinh giỏi toàn miền Bắc, gặp những cao thủ tổng kết Văn 5, đi thi học sinh giỏi tỉnh, giỏi  toàn miền Bắc. Nhưng tôi không có con đường lui. Tôi sẽ phải “ chiến đấu” với các cao thủ này. Và đúng là có quyết tâm cũng có khác.( Và cũng cần nói là học Văn ở Đại học cũng rất khác ở phổ thông). Tôi học Văn rất được, là sinh viên tiên tiến xuất sắc, được giữ lại trường, được sang Nga làm luận án…Và tôi cũng là người sinh viên đầu tiên của trường ĐHSP Việt Bắc được phong học hàm Phó giáo sư năm 1991.

          Nhân ngày kỉ niệm 45 năm thành lập Trường và Khoa, tôi ghi lại kỉ niệm ngày mình nhập trường. Đến bây giờ tôi vẫn không hết ngạc nhiên cho quyết định rất liều nhưng lại rất đúng của tôi khi chuyển từ khoa Toán sang khoa Văn và gắn liền với cái bí số : T103 K1 ( T103 là Trường Đại học sư phạm Việt Bắc, K1 là Khoa Văn).

                                                          Hà nội, 25/10/2011



3 nhận xét:

  1. Đúng là kỷ niệm khó quên và là bước ngoặt bác Vũ Nho nhỉ. Những chuyện đi lại ngày xưa bây giờ nghĩ lại như kỳ tích . Em có người cậu làm ở Nhà máy Điện NB , những năm chiến tranh ác liệt về thăm gia đình bằng xe đạp. Vì tránh mày bay nên không đi theo Quốc lộ được mà theo đường miệt trên . Lòng vòng nghe nói gần 300km. ( Theo Qlộ 1a hay đường mòn bây giờ thì tầm 210 - 220km).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác tan_262 đã ghé trang và cho nhận xét. Đi lại thời xưa khổ vô cùng. Chúng tôi ngồi xe than, thậm chí có khi đi nhờ xe bò. Tôi và các bạn thường phải cuốc bộ trăm cây. Nhưng bấy giờ trẻ, không thấy sợ hãi gì, không biết ngại ngùng gì.

      Xóa