Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Về di sản khoa học của GS Phan Trọng Luận



                                                       GS Phan Trọng Luận


Về  di sản khoa học của GS Phan Trọng Luận



                                           PGS TS Vũ Nho



          1. GS Phan Trọng Luận, người đặt nền móng cho khoa học phương pháp dạy học văn của Việt Nam đã ra đi ở tuổi 87. Một đời GS gắn bó với việc nghiên cứu phương pháp dạy học văn. Những công trình khoa học chủ yếu của GS tập trung thể hiện trong các cuốn sách :

- Văn học- Giáo dục thế kỉ XXI, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002;

- Văn chương – Bạn đọc sáng tạo, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003;

- Giáo trình chuẩn Phương pháp dạy học môn Văn, nxb Giáo dục, 2003;

- Tuyển tập Phan Trọng Luận, nxb Giáo dục, 2005;

Văn học nhà trường- Nhận diện – Tiếp cận- Đổi mới, nxb Đại học sư phạm, 2007.



 Năm công trình của GS Phan Trọng Luận có giá trị khoa học xuất sắc. Trước hết các công trình này có ảnh hưởng to lớn đến nhận thức về vai trò của Văn học, giáo dục thế kỉ XXI.

Những luận điểm khoa học đã khẳng định tư tưởng chiến lược trong việc xây dựng nhà trường đáp ứng nhu cầu mới của thời kì hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, đáp ứng việc đào tạo những công dân có phẩm chất năng động, sáng tạo phục vụ  thời kì phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới xây dựng nền kinh tế tri thức.

Các luận điểm khoa học đã được vận dụng vào việc xây dựng mục tiêu giáo dục trong thời kì mới của đất nước; xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới tập trung vào việc phân hóa trong giáo dục, chuyển mạnh từ việc chỉ chú trọng đến người dạy, sang chú trọng đến người học và kết hợp hài hòa tương tác, tương hỗ giữa người dạy và người học.

Tác giả đã khẳng định sức mạnh của Văn học trong nhà trường không đồng nhất với văn học trong xã hội. Văn học trong nhà trường có những nét đặc thù và sức mạnh giáo dục to lớn được định hướng. Văn học trong nhà trường cần được xem xét trong một cơ chế động và mở trong mối quan hệ tương tác giữa Xã hội – Nhà trường và Học sinh.

Là một GS đầu ngành về phương pháp dạy học Văn, tư tưởng khoa học thể hiện trong các công trình trên đã được tác giả cụ thể hóa trong hoạt động biên soạn sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên, đào tạo các thạc sĩ, tiến sĩ cho  các địa phương, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu trong cả nước.

Bộ sách giáo khoa Ngữ văn trung học phổ thông do GS  Phan Trọng Luận làm tổng chủ biên được sử dụng trong các trường Trung học phổ thông trên cả nước và được hàng triệu học sinh và giáo viên  dùng làm tài liệu dạy học trong những năm qua ( bắt đầu sử dụng đại trà ở lớp 10 từ năm học 2006-2007) và được dư luận xã hội đánh giá cao.



                                                                  Tác giả Vũ Nho
2. Các công trình của GS Phan Trọng Luận có ảnh hưởng không chỉ đối với ngành khoa học phương pháp dạy học Văn mà còn có ảnh hưởng  sâu rộng  đến ngành giáo dục và xã hội nói chung.


          Giá trị khoa học của  các công trình rất cao vì tác giả là người bền bỉ, gắn bó sâu sắc với thực tiễn nhà trường Việt Nam suốt hơn nửa thế kỉ, đồng thời luôn luôn tiếp thu các thành tựu lí thuyết và thực tiễn của khoa học sư phạm các nước Âu – Mĩ, trăn trở với thực trạng nhà trường, luôn tìm cách đổi mới, sáng tạo.

          Vấn đề đổi mới tư duy, thay đổi mô hình nhà trường, chuyển trung tâm chú ý vào người học – bạn đọc sáng tạo được nhấn mạnh cùng với nhiều biện pháp nhằm phát huy năng lực tự học và học sáng tạo cho sinh viên và học sinh đều đã được tác giả nghiên cứu thấu đáo và có những tư tưởng, chủ kiến  thích hợp, được các cơ quan quản lí giáo dục cao nhất chấp nhận, vận dụng, triển khai trong đời sống nhà trường.

          Bản thân tác giả các công trình không chỉ là người nghiên cứu thuần túy lí thuyết. Những quan điểm, tư tưởng khoa học tiên tiến đã được tác giả  viết thành giáo trình, vận dụng để đào tạo sinh viên, thạc sĩ, tiến sỹ. Đồng thời vận dụng để xây dựng bộ sách giáo khoa cho học sinh Trung học phổ thông.

          Giá trị tư tưởng khoa học của công trình rất cao xét cả hai phương diện lí thuyết và thực tiễn.



3. GS Phan Trọng Luận là nhà khoa học không chỉ gắn bó với ngành hẹp phương pháp dạy học Văn. Đó còn là một nhà giáo dục giàu kinh nghiệm, một nhà văn hóa có bề dày tích lũy. Những công trình, tài liệu của Giáo sư được các nhà khoa học trong nước trân trọng, đánh giá cao. Đồng thời được trích dẫn trong nhiều luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ. GS còn đào tạo nghiên cứu sinh nước ngoài là Lào và Campuchia. Các tư tưởng khoa học của giáo sư được những học trò hai nước bạn ( nắm giữ những chức vụ quan trọng trong trường Đại học) truyền bá.

Những luận văn Tiến sĩ do GS hướng dẫn đã góp phần tôn vinh những nhà văn hóa, giáo dục của nước ta như Phạm Văn Đồng, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh.

          Nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử ngành phương pháp dạy học văn, các quan điểm và phương pháp tiếp cận mới nhằm nâng cao hiệu quả của dạy học, giáo dục bằng Văn học đã được triển khai dưới sự hướng dẫn khoa học của giáo sư. 18 luận văn Tiến sĩ và hàng trăm luận văn Thạc sĩ do giáo sư hướng dẫn bảo vệ thành công là một minh chứng.

          Có thể nói, không một công trình khoa học phương pháp nào ở Việt Nam lại không trích dẫn một vài khía cạnh mà GS Phan Trọng Luận đã từng đề cập trong các công trình của mình. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, có một số luận điểm, quan niệm của GS công bố nửa thế kỉ trước, nay không còn mấy tính thời sự, nên cũng đã có những trích dẫn để  trao đổi lại, phê phán, phủ định. Và ngay trong những công trình đề nghị xét thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh, cũng có những luận điểm, những chỗ được trích dẫn để thảo luận, tranh luận. Chẳng hạn như lí thuyết đáp ứng ở Mĩ (Response Theory), cần được dịch là vang ứng mới chính xác. Vì response có nghĩa là sự đáp lại, sự hưởng ứng, nhưng nếu là đáp ứng thì tiếng Việt lại có nghĩa là : Đáp lại đúng với đòi hỏi. Như vậy gây ra sự hiểu lầm là đáp lại đòi hỏi của người học.

          Nêu ra những điều này, chúng tôi vẫn khẳng định là uy tín khoa học của GS Phan Trọng Luận không vì thế mà giảm sút. Những điều như thế là lẽ đương nhiên trong khoa học trong một thời gian dài.



          4. Các công trình  của GS Phan Trọng Luận có giá trị thực tiễn cao. Thể hiện:

-                     Những tư tưởng lớn, quan trọng được  sử dụng trong việc chỉ đạo xây dựng mô hình nhà trường, biên soạn chương trình và sách giáo khoa phục vụ cho yêu cầu đổi mới của đất nước trong thời gian vừa qua.

-                     Tư tưởng khoa học được thể hiện trong các giáo trình, chuyên luận dùng làm tài liệu dạy học trong các khoa Ngữ văn của các Trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước.

-                     Các công trình nghiên cứu của các Tiến sĩ, Thạc sĩ đã cụ thể hóa các quan điểm khoa học trên thành những biện pháp cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trường.

-                     Ảnh hưởng của các công trình của GS Phan Trọng Luận là to lớn và lâu dài trong việc đào tạo nhân lực của đất nước trong thời kì hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.



5.Các công trình nghiên cứu của G S Phan Trọng Luận đã có những tác động khoa học to lớn. Trước hết là tác động vào quá trình xây dựng nhà trường, xây dựng chương trình và sách giáo khoa . Đối với khoa học phương pháp, các công trình góp phần xác lập khoa học phương pháp trong nhà trường Đại học sư phạm của Việt Nam.  Đồng thời định hướng nghiên cứu về khoa học phương pháp bộ môn. Các tài liệu học tập của học sinh phổ thông, sinh viên Đại học, cao đẳng ngành sư phạm Ngữ văn, thạc sỹ, Tiến sĩ chuyên ngành đều  là kết quả trực tiếp hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu của tác giả.

          Tác giả đã  đóng góp rất quan trọng vao sự phát triển và tiến bộ của việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, sách hướng dẫn dạy học của bộ môn Ngữ văn và đặc biệt với ngành khoa học phương pháp của Việt Nam.

                                                                       

                                                     Hà Nội, tháng 10 năm 2011

                                                                  tháng 10 năm 2013

                                                                                       VN


     In trên tạp chí Giáo chức Việt Nam, số  113 tháng 9/2016

                                                                               

                                     











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét