CÁI ROI NGÀY ẤY
Gia Hoang ( Tan_262)
Gia Hoang ( Tan_262)
Buổi chiều ồn ào dịu xuống. Đang phân vân nên đi chợ hay ra tiệm cơm cho khỏe xác thì nhận được điện thoại mời đi ăn cơm với cá kho tộ. Rõ là buồn ngủ gặp chiếu manh . Mà lại là Quán ăn gia đình Dìn Ký vốn nổi tiếng Sài gòn nằm vùng ngoại ô , cửa ngõ vào Bình dương. Nói là quán ăn gia đình , nhưng nó là một tổ hợp phục vụ du lịch gia đình cuối tuần , rộng mấy héc ta , có bể bơi , Karaoke , khách sạn , du thuyền ...
Cá kho tộ Dìn Ký là món đặc sản Nam bộ, rất khó quên. Cá rô mề kho rặc nước trong nồi đất , vừa thơm , vừa béo ăn với cơm niêu , không gì ngon hơn , ăn không biết no .
Dìn Ký bây giờ khác xa so với bảy tám năm trước tôi từng ghé .Thằng bạn cùng quê ra tận bãi giữ xe dẫn tôi vào. Hắn giới thiệu tôi với người bạn là tài xế nó. Tôi vừa bắt tay vừa hỏi nó :
- Mày vừa cướp được tiệm vàng hay sao mà hôm nay sang trọng thế hả Linh?
Nó cười , gãi đầu :
- Vừa đi Tân Uyên về. Xong việc anh em ghé vào đây để gặp bác luôn . Chỗ này gần bác nên em gọi , xa quá thì bỏ qua rồi. Bác thích ăn gì cứ gọi.
Hai năm trước , nó được đề bạt làm trưởng văn phòng đại diện của một công ty kim loại màu Hàn quốc ở Q. Phú Nhuận . Lâu lâu có tiệc tùng gì ở Thủ đức nó vẫn gọi tôi với lý do -" Vợ con chả có , chó mèo thì không , bác ra đây ăn với em cho vui , khỏi phải nấu nướng "
Khi mọi thứ đã bày lên bàn thơm nức , nó nói.
- Em vẫn biết bác thích ăn hơn uống , nên em gọi cá kho tộ , canh măng nấu cá đồng , cơm niêu cho bác.
Ngày xưa ở quê , những món này là thông dụng , giờ trở thành đặc sản của nhà hàng . Khi nồi măng nấu chua với cá mang lên cũng là lúc chai rượu đã vơi đi một phần. Chuyện ngày xưa chợt ùa về , tôi lấy đũa gõ vào cái nồi đất hỏi nó :
- Mày còn nhớ " trách nhút măng "này không Linh ?
Nó phá lên cười , phì cả ngụm rượu uống dở. Tay tài xế chẳng hiểu gì cũng phụ họa cười theo vì chúng tôi nói tiếng Nghệ . Tiếng Nghệ gọi cái nồi đất là " trách bù ". Nồi đất xưa , tức là "trách bù "- mỏng chứ không dày , cho nên luôn phải nhẹ tay. " Trách nhút măng "tức là " Nồi nhút măng ".
Vùng nông thôn xứ Nghệ , hầu như nhà nào cũng có một vại nhút ăn quanh năm. (Vại tức là cái khạp , cái lu để đựng nhút ). Măng được muối vào vại thành nhút . Nhút măng nấu với cá đồng , mùa gạo mới ăn ngon khôn tả.
Anh thằng Linh là Lý - là bạn học của tôi . Hồi ấy khoảng chừng nghỉ hè lớp 5. Một buổi chiều Lý và Linh bụng đói mà nhà chẳng có gì ăn. Tìm mãi loanh quanh , hai anh em bèn hạ nồi nhút măng mẹ nó để dành cho bữa chiều xuống nền nhà . Ban đầu thì ăn chút chút cho đỡ thèm . Nhưng càng ăn bụng càng đói. Món nhút vốn mặn dùng để ăn cơm cũng như cà muối vậy. Nhưng hôm trước chúng nó tát một hố bom ở rìa đường , bắt được mớ cá lồng tông và chạch nên mẹ nó cho tất vào nồi nhút , thành ra nồi nhút rất ngọt . Cái đói lấn át cái mặn . Hai anh em Lý, Linh cứ thế hì hà gắp và đánh hết nồi nhút lúc nào không hay. Đến đoạn vét nồi , hai anh em giành giật nhau và cái nồi đất vỡ thành mấy mảnh. Bây giờ mặt mày hai đứa xanh mét , lo sợ. Thằng Lý quáng quàng thu dọn chiến trường và thay vì phải ra vườn đào sắn , nấu cơm chiều thì nó giao việc coi nhà cho thằng Linh , chạy đi chơi để trốn .
Sẩm tối bố mẹ nó về , vẫn thấy bếp vắng tanh, nên lại tất tả ra vườn đào sắn , nổi lửa nấu cơm. Người dân quê tôi nghèo khó , ngày mùa vẫn nấu cơm độn sắn hoặc khoai . Nhà nông bữa cơm chiều thường muộn, khi đã lên đèn. Nấu xong cơm , mẹ nó tìm mãi không thấy nồi nhút đâu, cả nhà soi đèn tìm kiếm. Thật vô lý là nồi nhút - thức ăn duy nhất bữa cơm biến mất thật khó tin ,chưa từng thấy bao giờ. Bố thằng Linh quát tháo um sùm làm nó co ro , run rẩy soi đèn đi tìm cùng mẹ. Cuối cùng thì mấy mảnh nồi đất còn dính nhút được dúi vào góc sau nhà cũng được tìm thấy. Bố nó quát " Mày đi tìm thằng Lý về đây " rồi ra đứng ngay góc sân gọi rõ to mấy lần : " Lý ơi".
Tối ấy bố nó ra vườn chặt hai cái roi. Hai anh em nó được khóc một bữa vang trời , bên kia đồi cũng nghe thấy. Nhút thì đã nằm yên trong bụng , chỉ còn những vệt roi in hằn trên lưng và đùi. Thằng Lý to đầu nên bị đánh nhiều hơn. Cứ một nhát roi , bố nó lại hỏi : " Còn trốn nữa hay thôi ?".
Đêm ấy cả hai rên rỉ và lục sục uống nước muốn cạn cả giếng.
...Tôi hỏi thằng Linh :
- Nhút mặn thế, anh em mày oánh thế nào mà hết nửa trách nhút ?.
Đang vui cười , mặt nó chùng xuống.
- Thời ấy đói bác ạ . Lại vừa nhảy hồ tắm cả buổi chiều nên hai anh em đều đói. Nhút mặn , nhưng muốn nhạt bớt cho vừa ăn thì xả qua nước trước khi nấu . Cũng tại tụi Mỹ ném bom tạo thành những cái hố , cái ao để có cá mà nấu nhút. Bây giờ nghĩ cũng thương ông ấy ...
Nó bỏ lửng câu nói như muốn nuốt vào lòng những cảm xúc khó quên. Chiến tranh với những khó khăn khắc nghiệt , những hố bom và cả những ngôi nhà tuềnh toàng...
Năm đang học lớp mười , tôi và Lý đều được gọi nhập ngũ . Mùa đông rét mướt hai đứa dồn vào một giường vẫn co ro với 2 cái chăn chiên mỏng như tờ báo chồng lên nhau. Sáng ra chạy thể dục 1 ...2... mà run lập cập. Được chừng dăm hôm , tôi được trả về để học tiếp lớp mười lấy bằng tốt nghiệp , còn nó theo đoàn quân đi huấn luyện ở Hà tĩnh. Đầu óc non trẻ , chúng tôi cũng không hiểu vì sao cùng học với nhau mà một số quay về học tiếp, còn một số lại lên đường ra mặt trận. Tuổi trẻ hồi ấy hừng hực khí thế cầm súng xông ra chiến trường với nỗi căm hờn ngút tận trời cao...
Thằng Lý được về phép một lần sau hai năm quân ngũ . Lần nó về thì tôi lại đang đi học ngoài bắc nên không gặp nhau . Những lá thư ít ỏi qua lại thăm nhau cũng chỉ dừng lại hẹn ngày tái ngộ, Rồi nó hy sinh ở mặt trận biên giới tây nam năm 1979 . Mộ nó vẫn là liệt sĩ vô danh vì thằng Linh nhiều lần xuôi ngược miệt Tây ninh , Bình phước vẫn chưa tìm thấy . Chiến tranh đã lùi xa , đâu đó nó vẫn nằm yên nghỉ một nơi xa lạ , không ấm êm hơi đất quê hương mình... Ngày xã tổ chức lễ truy điệu tại nhà , mẹ nó nằm liệt giường . Sau khi mọi người ra về , còn lại những người thân thích , bố nó đã kể lại câu chuyện" trách nhút " năm xưa làm nhiều người xốn xang rớm lệ. Chính ông cũng thẫn thờ ray rứt trong ngôn ngữ kể...
CÁI ROI NGÀY ẤY
Ngày nào con nghịch, con chơi
Bỏ nhà đi hết một hơi tối ngày
Làn roi rơi xuống thân gầy
Làm đau tay mẹ làm cay mắt bà
Bây giờ con ở đâu xa
Nắm xương không cửa không nhà mãi đi
Trường Sơn một dải xanh rì
Đất đen, đất đỏ, đất gì chôn con.
Chân run, quờ chiếc gậy mòn
Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây.
Đinh Phạm Thái
p/s: Đinh Phạm Thái là nhà giáo , ông là
giảng viên trường Đai học Bách khoa Hà nội. Quê quán : Hà Tĩnh. Ông xuất bản
một vài tập thơ , nhưng bài thơ trên đây thì thật khó quên. Xin trân trọng giới
thiệu cùng bạn đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét