TIẾNG NGA TIẾNG VIỆT BẮC CẦU NÊN DUYÊN
Vũ
Nho
Bây giờ, người Việt Nam và người
nước ngoài thành đôi vợ chồng không còn là chuyện hiếm. Nhiều phụ nữ Việt lấy
chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Số ít hơn lấy chồng Mĩ hoặc Anh, Úc, Nhật,… Dẫu sao
thì việc người trai Việt kết hôn với người phụ nữ nước ngoài cũng hiếm gặp hơn
nhiều. Lần này đến Liên doanh dầu khí Vietsovpetro tôi có may mắn gặp một cặp đôi, chồng Việt, vợ
Nga.
Chàng trai Châu
Nhật Bằng quê Châu Thành Bến Tre là thủ khoa đầu vào một
khoa của trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ học ở trường
3 tháng, Bằng được học bổng để du học ở Volgograd, ngành Hóa dầu. Sau khi nhận
bằng tốt nghiệp, bằng Thạc sĩ, chàng trai xứ Dừa về công tác ở Phòng nghiên cứu và vận chuyển dầu thuộc Viện
nghiên cứu khoa học và thiết kế của Liên
doanh Việt-Nga Vietsovpetro ở thành phố biển Vũng Tàu.
Hôm ấy là một
buổi chiều tháng 9 năm 2011. Từ quê Bến Tre, Bằng đang trên đường trở lại Vũng
Tàu. Chắc chắn những ấn tượng về nước Nga, về các cô gái Nga thời du học vẫn còn
rất mạnh mẽ trong tâm trí. Thì trước mặt anh, một cô gái có nước da trắng hồng,
mái tóc màu hạt dẻ nhạt đặc trưng Nga đang
gọi điện thoại cho ai đó. Sau khi gọi điện xong, cô gái quay lại với cuốn sách
đang đọc dở... Thấy cô cầm trong tay quyển sách tiếng Pháp nhưng có lẽ do linh
tính nên Bằng làm quen bằng cách bật ra một câu hỏi bằng tiếng Nga “Bạn biết tiếng
Pháp phải không?” “ Có, mình có biết tiếng Pháp” cô gái trả lời rành mạch bằng
tiếng Việt. Thế là đôi bạn trẻ nói chuyện với nhau. Hóa ra cô bạn cũng làm cùng
liên doanh Vietsovpetro, nhưng ở bộ phận khác. Về sau chàng trai còn “kinh ngạc”
hơn nữa vì người bạn gái Nga mới quen từng học ở khoa Phương Đông học, trường Đại học Tổng hợp
Lô-mô-nô-sôv, và đã từng thực tập ở khoa Tiếng Việt dành cho người nước ngoài
thuộc trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội năm 2007 -2008. Cô đã thực
hiện luận án Thạc sĩ về chuyên đề kinh tế -xã hội-chính trị Việt Nam. Cô gái
Nga ấy có cái tên rất mềm mại, dễ thương
là Evgenia. Cô nói tiếng Việt cũng thành thục chẳng kém gì Nhật Bằng nói tiếng
Nga. Có thể nói là họ đã choáng ngợp vì tiếng sét của tình yêu. Làm quen nhau
ngày 4 tháng 9 năm 2011 thì đến ngày 6 tháng 4 năm 2012 họ kết hôn.
Trái qua : Châu Nhật Bằng, Evgenia, một bạn trong công ti, Bùi Việt Thắng và Phạm Ngọc Chiểu tại phòng làm việc của bộ phận phiên dịch
Chúng tôi hỏi:
-
Trước khi kết hôn, bạn Bằng có sang Moskva để ra mắt ông bà nhạc tương lai
chứ?
-
Không ạ - Evgenia trả lời - Bố mẹ em sang đây du
lịch và thăm con gái, thế là anh Bằng ra mắt các cụ.
-
Thật may
quá. Các cụ “duyệt” luôn hay còn phân vân?
-
Bố mẹ tôn trọng lựa chọn của con gái và thấy mến
anh Bằng. Bố mẹ chỉ thấy lo vì em là con duy nhất. Bố em là kĩ sư xây dựng, có
tham gia quân đội và giải ngũ năm 1997. Mẹ em làm hành chính. Bố mẹ hơi lo vì…em lấy chồng xa.
-
Thế các cụ bên nhà Nhật Bằng thì sao?
-
Lúc đầu thì các cụ nhà em cũng hơi ngại vì con dâu
là người nước ngoài- Nhật Bằng đáp- Nhưng
sau đó thì rất thương và quý mến vì cô con dâu rất ngoan hiền.
Câu chuyện cởi mở và thân mật.
Chúng tôi hỏi, bình luận và hai bạn thay nhau trả lời.
Bây giờ, hai bạn đã có một cậu
con trai mang hai dòng máu Việt-Nga. Cháu có tên là Châu Mikhail Nhật Minh. Năm
này cháu 5 tuổi và học trong trường Nga ở tiểu khu 1 (dân Vũng Tàu quen gọi là Làng
Nga). Tôi khoe thêm một chút. Hôm trước,
chúng tôi đã đến tiểu khu này, thăm các lớp học từ mẫu giáo đến lớp 11. Tôi đặc
biệt xúc động khi thầy hiệu trưởng người Nga thông báo có đến 28 học sinh mang hai dòng máu Việt-Nga học trong trường (các em ấy không học riêng một
lớp! Các em học theo tuổi, cứ 1-2 em một lớp từ lớp 1 đến lớp 11). Các em học
toàn bằng tiếng Nga như các bạn Nga. Trong số đó có 24 em được sinh ra ở Nga, và
4 em sinh ở Vũng Tàu. Gia đình có nguyện vọng gắn bó lâu dài với nước Nga nên gửi
các con em mình học ở trường này. Ở trường các em nói tiếng Nga, về nhà có nói
tiếng Việt. Trong các buổi giao lưu với học sinh ở Vũng Tàu, các em học sinh này
là những người phiên dịch hoàn hảo. Như
vậy là Châu Mikhail Nhật Minh và các bạn con của các cặp vợ chồng Việt-Nga, học ở trường Nga sẽ là những chiếc cầu nối văn
hóa tương lai vững chắc của hai đất nước,
hai dân tộc.
Evgenia kể
khi cô sinh cháu, bà ngoại và bà nội thay nhau hỗ trợ chăm sóc, trông nom cho
cô đi làm. Bây giờ cứ 1 năm một lần, ông bà ngoại lại sang Việt Nam thăm con cháu
và ông bà sui gia ở Bến Tre.
Cô kể rằng đã cùng PGS. TS. M.Syunnerberg, học giả-giảng
viên lịch sử Việt Nam và tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Moskva dịch và chú giải tiểu thuyết “Lạnh lùng” của nhà văn Nhất
Linh, mới gần đây được xuất bản ở Nga. Hiện nay, cô đang cùng ông Syunnerberg làm
dự án nghiên cứu do Nhà nước Nga tài trợ. Tên đề tài là “Vai trò phụ nữ Việt Nam trong xã
hội và lịch sử xưa và nay”. Một đề tài rất
thú vị và có ý nghĩa với cô dâu Nga giỏi tiếng Việt, yêu Việt Nam.
Quay trở lại câu chuyện tình yêu
“sét đánh”, Evgenia nói rằng đó là duyên
số, duyên phận (tiếng Nga tạm gọi
là sudba vì không tìm được từ tương đương). Câu chuyện sôi nổi thì cô xin phép
vì hiện cô đang làm trợ lí cho Phó Tổng giám đốc, bận rất nhiều việc. Cô nói chúng
tôi có thể hỏi thêm anh Nhật Bằng.
Trong buổi gặp gỡ Nhật Bằng và Evgenia có chị Hoàng Anh Phương,
Phó Tổng biên tập trường trực Bản tin Vietsovpetro.
Chị Phương cung cấp thêm thông tin về Nhật Bằng. Nhật Bằng là kĩ sư giỏi, có rất
nhiều sáng kiến và sáng chế. Anh là gương mặt đoàn viên dầu khí xuất sắc 2016. Các sáng kiến giai pháp cải tiến
kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất mà anh là đồng tác giả đã giúp tiết kiệm cho công
ti Vietsovpetro khoảng hơn 100 nghìn USD. ( về Châu Nhật Bằng, tôi có đọc một bài của
A.P. “ Những kĩ sư trẻ tài hoa” trên
Bản tin Vietsovpetro, số 66 kỉ niệm 72 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2 tháng
9. Bạn đọc có thể biết thêm những thông
tin chi tiết và thú vị về Nhật Bằng). Chị
Phương nói thêm là Evgenia cũng là người rất năng động, thông minh. Những bài báo
cho Bản tin, cô viết tiếng Nga rồi dịch sang tiếng Việt rất súc tích, gọn gàng
và rất hay.
Chia tay Nhật Bằng và trước đó đã
tạm biệt Evgenia, chúng tôi đều muốn có
thêm thời gian để trò chuyện nhiều hơn. Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu đã có đề tài kí
chân dung về cha con của chủ tịch công đoàn Nga – Evgeny và Sergei Krupenko. Nhà văn Bùi Việt Thắng đã có đề cương
viết về Văn hóa Nga trong không gian dầu khí Vũng Tàu. Còn tôi, chưa xác định đề tài, nhưng tự thấy rằng câu
chuyện của hai bạn thật thú vị. Có thể coi đây cũng là một biểu tượng của tình
hữu nghị Việt Nga. Một tình cảm có chiều
sâu đã tạo nên một gia đình, một tổ ấm Việt Nga bền chắc.
Là người dịch văn học và giáo dục từ tiếng Nga, hiểu những rào
cản ngôn ngữ, rào cản phong tục tập quán và cả những khác biệt về tôn giáo, tín
ngưỡng, văn hóa…nên tôi vô cùng khâm phục tình yêu của hai bạn. Tình yêu mãnh liệt đã tạo cho các bạn một sức mạnh, và
các bạn sẽ còn có nhiều đóng góp cho cơ quan, cho mối quan hệ
tốt đẹp của hai xứ sở cây Dừa, cây
Tre và xứ sở Bạch Dương.
Rời Vũng Tàu, trong tôi vẫn ấm áp
một ấn tượng đẹp đẽ và sâu sắc về Nhật Bằng cùng Evgenia.
Vũng Tàu,
Hà Nội 19 tháng 10 năm 2017
Bài in báo Văn Nghệ, Hội nhà văn Việt Nam số kỉ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét