Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

XUÂN ĐẦU TIÊN* của Hàn Mặc Tử



XUÂN ĐẦU TIÊN*

                                       Hàn Mặc Tử



Mai sáng mai, trời cao rộng quá!

Gió căng hơi và nhạc lên mây

Đôi lòng cũng ấm như mùa xuân ấm

Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay...

Mai này thiên địa mới tinh khôi,

Gió căng hơi và nhạc lên trời,

Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết,

Hoa lá hồ nghi sự lạ đời.



Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm,

Còn mặt trời kia tợ khối vàng...

Có người trai mới im như nguyệt

Gió căng hơi và nhạc lên ngàn...



Thủơ ấy càn khôn mới dựng nên,

Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên,

Người thơ phong vận như thơ ấy

Nào đã ra đời ngọc biết tên.



Xuân gấm đầu tiên giữa Cõi Đời

Mùi thơm ngây dại sóng con ngươi

Hãy hoan hô, lời cao như sấm:

-Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời !




*Xuân đầu tiên (Trong “Xuân như ý”-Thơ Hàn Mặc Tử,1942).



   TINH CHẤT VĨNH HẰNG CỦA “XUÂN ĐẦU TIÊN”.

                                            Trần Trung

  Khởi nguồn từ những câu thơ đầu và thủy chung-nhất quán của tình ý, của tứ thơ, thi nhân Hàn Mặc Tử tung ra con sóng đa tình, đa mang của một hồn thơ lãng mạn; Với vẻ đẹp rỡ ràng và cũng rất đỗi tinh khôi, cao khiết,Hàn Mặc Tử thổ lộ cùng “Xuân đầu tiên”.

  Bởi thế, mới có sự tương giao, tác hợp giữa tâm hồn thi nhân lãng mạn với đất trời, Tạo hóa.

  Đấy là sự mở lòng, mở hồn  về phía cao xa với cả sự ngỡ ngàng bật thốt “Cao rộng quá!” của đất trời.Mà, cũng đồng thời mở  theo hướng không gian khoáng đạt ấy, mới bắt gặp được những tiếng reo vui( tiếng reo có thể cất lên thành nhạc, thành lời. Và, cũng có thể là khả năng tự cảm trong tâm tưởng nhà thơ)! Thấm thía và tinh tế tự đáy hồn thi sĩ để nhận ra muôn chiều của Cái-Đẹp, Cái-Tình; Mới cảm nhận được “xuân ấm”; Mới nhận ra “Xuân trắng trẻo thay!”.Và, tất thảy-bao trùm lên là mối tương giao, tình tứ của đất trời và lòng Người.Tiếng nói tâm tình như tràn ùa vào những hình ảnh thơ ắp đầy cảm xúc cùng tâm trạng của Hàn Mặc Tử. Khoảnh khắc bất chợt của “Xuân đầu tiên” trong trẻo và thần tiên đến lạ! Khác hẳn với nỗi niềm đớn đau, quằn quại và nỗi ám ảnh kinh dị với “Trăng, hồn và máu” như trong những vần “Thơ điên” của chính Hàn.
                                                                      Tác giả Trần Trung


                 “Mai này thiên địa mới tinh khôi,

                   Gió căng hơi và nhạc lên trời,

                   Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết,

                    Hoa lá hồ nghi sự lạ đời.”

  Quả là, “Thi trung hữu nhạc”; “Thi trung hữu họa” và “Thi trung hữu tình”...Cùng gặp gỡ và hội tụ để thành dư ba trong những lời thơ của thi nhân-Những lời thơ chân thực ngỡ như nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay. Phải chăng, đấy mới là Chất-Siêu-Thực riêng của một hồn thơ sáng trong mà day dứt cùng nỗi niềm khát khao vươn tới Cõi Thánh thiện-Vĩnh hằng!

  Dịch chuyển tứ thơ “Xuân đầu tiên”, Hàn Mặc Tử chuyển từ lời giọng tâm tình, ngợi ca và say đắm vẻ đẹp tinh khôi đượm chất xuân, sang tiếng thơ tâm sự, bộc bạch. Đấy cũng là chất giọng chuyển hóa từ ngoại giới vào nội tâm, qua hai câu thơ rất thành thực và cũng rất đỗi tài hoa. Chân dung-Tinh thần của thi nhân, chợt thổn thức đến da diết trong lời tự bạch, tự cảm. Mà, cũng có thể hiểu đấy là những lời chiêm nghiệm, thốt ra của một hồn thơ kinh lịch;

                      “Người thơ phong vận như thơ ấy

                        Nào đã ra đời ngọc biết tên”

  Và, có lẽ chất ngọc sáng giá, cũng là chất ngọc để đời của một tâm hồn thi sĩ đích thực (đích thực mà không dễ nắm bắt!) sẽ mái là Tinh-Chất-Thơ neo đậu vĩnh hằng trong lòng độc giả yêu thơ và cũng không hề “dễ tính” với Nàng-Thơ. Xin hãy nghe để tâm giao và cộng hưởng bởi nét vẻ trẻ trung, hồn hậu, chân thành và cũng chứa chan niềm khao khát của “Xuân đầu tiên”:

                        “Xuân gấm đầu tiên giữa Cõi Đời

                          Mùi thơm ngây dại sóng con người

                          Hãy hoan hô, lời cao như sấm:

                          -Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời!”

    Hình như : muôn thuở cổ kim, thi nhân vẫn mãi là khách đa tình, bước miết mải trên lộ trình cô đơn và sáng tạo.



                                           Hà Nội, 8/2005 và 1/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét