Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

CHỌN TRƯỜNG NÀO ĐÂY?

CHỌN TRƯỜNG NÀO ĐÂY?
Vũ Nho trên sóng JoyFM trực tiếp 22 h ngày 15 tháng 11 năm 2017

Nhận lời đến phòng thu trực tiếp, Vũ Nho đã trả lời 10 câu hỏi của MC Thủy Nguyên. Đây là bản chuẩn bị, khi thu trực tiếp có những chỗ thay đổi. Ghi lại đây như kỉ niệm và để bạn nào quan tâm, không nghe thì ...đọc!




                                                                   MC Thủy Nguyên trong phòng thu
TRỰC TUYẾN JOYFM

1.     Thưa ông, nhiều năm là giảng viên, đã bao giờ ông nhận được câu hỏi “có nên cho con học trường công không”? Khi đó, ông nghĩ gì và đã trả lời ra sao?

Tôi vốn dạy ở khoa Văn ĐHSP Việt Bắc, sau chuyển về VỤ GD trung học làm chuyên viên hơn 20 năm, có 5 năm làm ở Viện Khoa học GD Việt Nam, nhưng chưa hề nhận một câu hỏi của vị phụ huynh nào về chuyện “trường công và trường tư ( trường dân lập)” cả. Một lí do quan trọng là kiểu trường  tư thục  hay thường gọi dân lập chỉ  mới xuất hiện gần đây, khi  trường công không đáp ứng được nhu cầu học tập của con em chúng ta. Khi đó có trường  bán công  xuất hiện đã. Trường bán công là trường công, thu nhận các học sinh điểm thấp hơn, không vào được trường công. Mức thu học phí cao hơn, vì các thầy cô giáo đã hoàn thành định mức giảng dạy, nay dạy thêm, nên cần trả thù lao cao hơn để bồi dưỡng sức lao động vượt mức . Rồi sau này chúng ta xóa bỏ mô hình bán công, mới xuất hiện trường dân lập. ( T ôi theo dõi bảng thống kê các trường THPT ở tp Hồ Chí Minh thì vẫn thấy phân biệt công lập, công lập chuyên,  bán công, tư thục và tư thục quốc tế) Việc chọn lựa trường công  (công lập) hay trường dân lập, tư thục (ngoài công lp)  thực tế chỉ mới xuất hiện khoảng hơn chục năm nay. Tôi còn nhớ một chủ trương của  UBND v à Sở GD ĐT Hà Nội là: Các cháu học sinh theo bố hoặc mẹ về Hà Nội mà chưa nhập hộ khẩu được thì sẽ chỉ được học trường dân lập. Thật may là khi đó (1995) tôi đã chuyển công tác cho nhà tôi và chúng tôi đã nhập hộ khẩu cho các cháu vào Hà Nội, nên các con tôi đều học trường công. Chủ trương này khi đó để khuyến khích trường dân lập. Năm  học 2016-2017 ở Hà Nội, học sinh vào công lập THPT là 53.000. Trong khi đó số vào ngoài công lập là 14.500 em. Trường ngoài công lập chiểm  21%.

2.     Nhiều người lo lắng rằng nếu học trường công, trẻ có nguy cơ không được hưởng một tuổi thơ đúng nghĩa, phải nhồi nhét quá nhiều lý thuyết và chạy theo thành tích, thiếu hụt những hoạt động bổ trợ nhằm khơi nguồn đam mê sáng tạo và hình thành kỹ năng sống... Ông nghĩ sao về điều này?


Thật ra, gần đây mới có sự cạnh tranh và so sánh trường dân lập với trường công. Đặc biệt là khi xuất hiện trường quốc tế hay có yếu tố quốc tế ở Việt Nam. Các vị có nhiều tiền sẵn sàng cho con học ở trường quốc tế với đóng góp cao gấp 3, 4 lần trường công nên mới lo lắng thế. Nhiều người này chỉ là số nhiều trong số ít ỏi các nhà giàu mới lo lắng thôi. Làm gì có chuyện trường CÔNG nhồi nhét quá nhiều kiến thức lí thuyết và chạy theo thành tích, thiếu hụt các hoạt động bổ trợ? Thật là OAN cho trường công quá!

Tôi nghĩ rằng trường công, vẫn là lực lượng nòng cốt trong hệ thống trường học của ta. Có thể có trường thế này, thế kia. Có thể có trường không sánh được với trường quốc tế, hay trường dân lập có chất lượng. Nhưng không nên vì thế mà đổ oan cho  toàn bộ hệ thống trường công.

3.    Những hạn chế đang tồn tại của trường công hiện nay là gì, và nguyên nhân đến từ đâu?

Trường công không phải mọi thứ đều lí tưởng. Nhưng phải thừa nhận, trường công là mơ ước của phần lớn các gia đình điều kiện kinh tế bình thường. Hạn chế của trường công ư? Nếu có thì là số lượng học sinh đông nên giáo viên không thể quan tâm đầy đủ. Một lớp học sinh dân lập khoảng 30  - 35 học sinh chắc chắn học sinh sẽ được quan tâm nhiều hơn so với một lớp 40-50 em. Mặt khác, nếu so với  một số trường dân lập  chất lượng mới xây dựng,  ta thấy hệ thống lớp học, khuôn viên đẹp hơn, phương tiện học tập cũng tốt hơn trường công đã xây dưng nhiều năm trước, cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp…

Nguyên nhân của hạn chế này chính là sự đầu tư cho giáo dục có hạn,  cơ sở vật chất không  tăng, nhưng nhu cầu học trường công vẫn rất lớn. Và vì có những trường dân lập  tốt cạnh tranh làm rõ khoảng cách.

4.    Thực tế, trường công vẫn có sức hút đặc biệt với nhiều gia đình, đặc biệt là khi “tài chính” là tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn trường học. Ngoài ra, những ưu điểm khác của trường công lập phải kể đến là gì?

Đúng như vậy. Phải nói rằng đại đa số những gia đình có mức thu nhập trung bình hay thu nhập thấp thì trường công vẫn là lí tưởng. Dù mỗi nhà chỉ có hai con, nhưng cả hai con đều học trường dân lập với mức đóng góp 6 triệu đồng tháng thì đã đi đứt 12 triệu rồi. Lại còn tiền ăn, tiền đóng góp các hoạt động khác. Tôi biết mức lương công nhân khoảng 6, 7 triệu đồng tháng. Những gia đình 2 vợ chồng công nhân, hoặc công nhân, công chức thu nhập 15 triệu đồng tháng sẽ không dám mơ đến trường dân lập tốt, chứ chưa nói đến trường quốc tế. Trường công thu học phí thấp. Đó là tiêu chí hàng đầu để các vị phụ huynh lựa chọn. Ngoài ra, trường công  cấp tiểu học hoặc THCS thuộc địa bàn dân cư, gần gũi, đi lại dễ dàng, các cháu tự đi, hay có đưa đón cũng dễ ( Nhất là khi thành phố hay bị tắc đường). Những trường công xây dựng từ trước có khuôn viên đẹp, khang trang. Trong khi đ ó một số trường ngoài công lập phải đi thuê địa điểm, không đủ các phòng chức năng, sân chơi, bãi tập.

5.    Tại sao trong mùa tuyển sinh nhiều năm liền, chúng ta vẫn chứng kiến cảnh phụ huynh xếp hàng dài ở các trường nổi tiếng từ sớm tinh mơ để chờ nộp hồ sơ xin học cho con, thậm chí còn cảnh chen lấn, xô đẩy đến “đổ cả cổng trường” nữa?

Trường nổi tiếng về chất lượng là điều mà bậc cha mẹ nào cũng mong muốn cho con em được học. Chuyện thức xếp hàng từ khuya, đạp đổ cả tường rào thì chỉ có ở trường Thực nghiệm thuộc Viện KHGD Việt Nam, mà chỉ là trường tiểu học thôi. Vì cơ sở  vật chất của trường tốt. Học sinh không quá đông. Các cháu được học theo phương pháp mới. Tôi  biết là có phụ huynh còn chuyển hộ khẩu cho con về nhà người thân trên địa bàn gần trường, để các cháu được vào học không trái tuyến. Tuy nhiên, tôi cho rằng tâm lí ganh đua, có cả phần “sĩ diện” của phụ huynh đã gây nên cảnh “chen lấn”  đó. Sự thực thì chất lượng của GV của các trường có chênh lệch, nhưng không quá nhiều. Đặc biệt là giữa các trường cùng nội đô thành phố, giữa các trường  ngoại thành. Các vị phụ huynh nhìn vào tỉ lệ trúng tuyển vào trường chuyên, trường THPT để chọn trường THCS. Rồi lại nhìn vào trường THPT có nhiều học sinh trúng tuyển Đại học để chọn. Nhưng nếu các cháu học trung bình hay học yếu mà cố vào trường chuyên, lớp chọn thì chỉ khổ cho con em mình thôi!

6.    Nếu như trước đây, trường công là lựa chọn số 1 không phải bàn cãi, thì hiện nay, khách quan mà nói, phụ huynh có nhiều lựa chọn hơn và đã bớt mặn mà với giáo dục ở các trường công lập. Cụ thể, đối với nhóm trường tư, bao gồm là trường dân lập và trường quốc tế hiện nay, ông thấy có những điểm tích cực và hạn chế gì? (Cùng trao đổi sâu để làm sáng rõ những nội dung này)

Thật ra, có nhiều lựa chọn cho các vị phụ huynh là một điều đáng mừng! Có thể nói, một số vị siêu giàu thì ngay cả trường dân lập hay quốc tế cũng không thỏa mãn. Họ gửi con đi học THCS hay THPT ở các nước phát triển như Úc, Mĩ, Đức, Anh. Có nhiều loại hình trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh là một điểm tốt. Chỉ có điều phụ huynh cần tỉnh táo, cần cân nhắc khả năng kinh tế để chọn trường cho phù hợp. Đưa con ra nước ngoài học sớm quá, chưa chắc đã tốt. Chỉ tổ tốn kém. Ấy là chưa kể, cậu ấm, cô chiêu không có sự quản lí giám sát chặt chẽ của cha mẹ, lại cậy có tiền, ham chơi bời, đua đòi có khi chỉ học được toàn cái dở.

7.    Các cháu của PGS Vũ Nho hiện đang theo học hệ thống trường công hay tư, và lý do lựa chọn của ông và gia đình là gì ạ?

Các con tôi đều học ở trường công. Không phải là trường quá nổi tiếng ở Hà Nội, ví dụ :  Tiểu học và THCS Phương Liệt, THPT Lí Thường Kiệt,  THPT Lê Quý Đôn. Nhưng các con đều trưởng thành. Một là Tiến sĩ ở Úc, hai có bằng Thạc sĩ của Mĩ và của Việt Nam.

Các cháu ngoại của tôi thì học cả hai hệ thống trường công và trường dân lập. Trường công tiểu học thì học trái tuyến, đến THCS thì học đúng tuyến. Cháu con cô thứ hai thì học tiểu học ở trường dân lập Lí Thái Tổ, THCS cũng của trường này. Vấn đề của gia đình các cháu là sự thuận tiện trong việc học hành. Cũng có cân nhắc điều kiện cơ sở vật chất tốt và cái chính là khả năng tài chính của gia đình.

8.    Đây là nguyện vọng của gia đình, còn bản thân các bạn nhỏ có bao giờ nêu ý kiến về việc thích học ở đâu hơn chưa? Có sự đối thoại, trao đổi giữa các thế hệ để tìm được điểm chung, lựa chọn của phụ huynh nhưng cũng là điều mà các bạn nhỏ muốn?

Thật ra, ngay cả việc chọn trường Đại học, nhiều người cũng nhờ cha mẹ quyết định hộ. Bởi vì với lứa tuổi 17-19 học sinh lớp 12 cũng chỉ chọn trường theo cảm tính. Hơn nữa, lại còn tính toán đến tỉ lệ “chọi”, tính đến khả năng đỗ ngay nguyện vọng một, tính đến khả năng có công ăn việc làm sau khi ra trường.,.

Bởi vậy, chọn trường Tiểu học, THCS, THPT chủ yếu là cha mẹ chọn và quyết định. Vả lại, các em còn quá nhỏ, lại không có điều kiện so sánh thì làm sao mà bày tỏ THÍCH trường nào?  Tôi cho rằng sự đối thoại giữa cha mẹ, con cái chỉ là nói về lí thuyết mà thôi. Thực tế thì cha mẹ chọn hộ là chính. Không có gì là quá dở trong việc LỰA CHỌN THAY ở đây cả!

9.    Từ nãy đến giờ, chúng ta trao đổi dưới góc nhìn của phụ huynh và học sinh. Thế còn đối với các giáo viên, thưa ông, trường công và trường tư, đâu là bến đỗ tốt hơn đối với các thầy cô giáo? (Cùng trao đổi, phân tích sâu để làm rõ ý này)

Theo tôi, giáo viên  không có nhiều cơ hội lựa chọn công lập và  dân lập. Dĩ nhiên, trường dân lập thường trả lương cao hơn trường công vì họ tự chủ về tài chính; mặt khác đó cũng là một cách giữ chân người thầy gắn bó lâu dài với trường. Tôi được biết nhiều GV giỏi của trường công các địa phương về Hà Nội học thạc sĩ, tiến sĩ. Sau khi có bằng họ thường tìm một trường dân lập để làm “bến đỗ”. Dân lập cũng bình đẳng với công lập, nếu GV tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Tôi cũng biết một số trường dân lập đã tuyển sinh viên giỏi và khá của các địa phương về trường; lại còn đào tạo tiếp thành Thạc sĩ để nâng cao trình độ và tạo điều kiện gắn bó lâu dài.

Tôi nghĩ GV giỏi chuyên môn, yêu nghề thì ở đâu cũng được nhà trường, phụ huynh và học sinh quý trọng.

10.                       Niềm vui, nỗi buồn, sự trăn trở của thầy cô giáo trường công và trường tư có khác nhau nhiều không, đặc biệt trong những ngày đặc biệt như dịp 20/11 này?

Thực ra thì ở các địa phương khác nhau, do hoàn cảnh kinh tế mà thu nhập của GV cũng rất khác nhau và chênh lệch lớn. Năm nào chúng ta cũng biết là thưởng TẾT của GV là thấp loại nhất trong các ngành nghề. Nhưng GV của trưởng chuyên, trường trọng điểm của các thành phố lớn cũng nhận mức lương, mức thưởng và quà mừng cao hơn so với GV vùng sâu vùng xa.  Trường công lập và dân lập cũng không phải đồng một loại, mà tùy trường, tùy nơi. Vì vậy trăn trở của các thầy cô theo tôi biết là không  khác nhau nhiều. Các thầy cô trăn trở là với chất lượng dạy học, với sự yêu mến của phụ huynh và nhất là các em học sinh.Những người thầy, cô cắm bản, những người thầy ở vùng sâu, vùng xa vẫn tận tụy với công việc. Họ không vì lương thấp hay quà mọn mà suy bì hay  lơ là  trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng nhân dân cần  ghi ơn và biết ơn sự hi sinh , cống hiến thầm lặng của những người thầy. Trước khi tới đây, tôi có đọc một bài thơ trên mạng đại ý : Sắp đến ngày 20 tháng 11, các thầy cô ở trường thành phố hay khu công nghiệp sẽ đón nhận những bó hoa tươi thắm, những tấm thiệp đẹp và cả phong bì dày nữa. Còn chúng em ở vùng sâu vùng xa, chỉ có những bông hoa rừng và tấm lòng kính trọng. Chúng em sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi để tỏ lòng biết ơn các thầy. Lại nhớ khi tôi làm giám khảo cuộc thi nghiệp vụ sư phạm ở Đại học Quy Nhơn. Tình huống là học sinh ( kể cả học sinh đã thành đạt về thăm) tặng hoa và phong bì nhân ngày nhà giáo. Bạn xử trí như thế nào trong tình huống này? Nhiều bạn  sinh viên dự thi của các trường đã đưa phương án chỉ nhận hoa, còn phong bì gửi lại các em. Với tư cách Trưởng ban giám khảo, tôi đã không đánh giá cao cách xử lí cứng nhắc đó. Tại sao thầy lại không nhận phong bì tự nguyện của học sinh? Thầy cô không yêu cầu, nhưng nếu học sinh tự nguyện thì nên nhận. Biết đâu trong phong bì chỉ là số tiền ít ỏi các em tiết kiệm hay xin cha mẹ? Nếu không nhận, các em sẽ tủi thân. Và có thể nghĩ hay thầy cô chê ít? Những học sinh ra trường, thành đạt, tặng thầy cô  một hai triệu thì tại sao không nhận? Nhất là khi nhà thầy cô đang có khó khăn? Tôi cho rằng cứ nhận, rồi  tùy hoàn cảnh và điều kiện. Nếu thầy cô không cần dùng thì tặng quỹ lớp, hoặc làm việc giúp các em học sinh nghèo.
Chuyên mục: TÁM CÙNG JOYFM - số 67
Chủ đề: Trường công hay trường tư – Đâu là lựa chọn tốt?
Khách mời: PGS, TS Vũ Nho

Phương thức thể hiện: Trực tiếp
·        Nơi thực hiện: Phòng bá âm – Tầng 10, số 9 Duy Tân, Cầu Giấy, HN.
·        Phát sóng: 21h thứ 4 ngày 15/11
·        Các phần chính:
-         Gợi mở chủ đề bằng chùm PV ý kiến người dân
-         PS giới thiệu về khách mời
-         Tám về chủ đề
-         Lắng nghe, chia sẻ và tư vấn hóa giải mọi băn khoăn của thính giả 1 cách vui vẻ
-         Tâm sự của thính giả gợi mở chủ đề tuần sau




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét