Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

ẤN TƯỢNG TỬU SẮC TRONG THƠ TRẦN HUYỀN TRÂN

 


ẤN TƯỢNG TỬU SẮC TRONG THƠ TRẦN HUYỀN TRÂN
                             

                                         Vũ Nho

Khép lại cuốn “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng của mình, Hoài Thanh, Hoài Chân đã viết những dòng thú vị:
“ Viết đến đây tôi đã định khép cửa lại, dầu có thiên tài đến gõ cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa: Trần Huyền Trân. Trần Huyền Trân, con người có tên lạ ấy, không phải là một thiên tài. Nhưng tôi ưa những vần thơ hiền lành và ít nói yêu đương”.
(Thi nhân Việt Nam, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, Hội nghiên cứu giảng dạy Văn Học thành phố Hồ Chí Minh, 1988, trang 342).
Rõ ràng, Trần Huyền Trân không chỉ có cái tên lạ (Thật ra đâu có lạ. Lạ vì là phái nam mà mang tên nữ của công chúa nhà Trần trong lịch sử chăng?). Dù không là thiên tài, nhưng thơ của người được nhà phê bình “ưa”. Phải thấy rằng nhà phê bình Hoài Thanh và Hoài Chân lúc đó đã xài hàng ngàn bài thơ đủ các giọng điệu để chọn vào tuyển tập 45 thi nhân với gần 170 bài thơ, cũng đã mệt mỏi. Ấy vậy mà phải nhượng bộ mở cửa đưa Trần Huyền Trân vào thành người thứ 46. Và dành cho thi nhân hai trang với nhận định thẳng thắn: “Thơ Trần Huyền Trân không xuất sắc lắm. Nhưng sau khi đọc hoài những câu rặt anh anh em em, tôi đã tìm thấy ở đây cái thú của người đi đổi gió” (sách đã dẫn, trang 343).
Toàn bộ thơ ca của Trần Huyền Trân không xuất sắc lắm. Nhưng chắc là có yếu tố xuất sắc. Tôi thì thấy tiếc rằng Hoài Thanh, Hoài Chân đã bỏ sót một bài thơ xuất sắc của Trần Huyền Trân, một bài thơ rượu nhưng đầy tình cảm tốt đẹp giữa hai thế hệ nhà thơ và có sự bi phẫn rất đáng trân trọng của nhà thơ trẻ. Theo tài liệu tin cậy thì bài thơ này có tên chung là Với Tản Đà. Bài I có tên Uống rượu. Bài II có tên Nhớ nhau. Nhà phê bình chỉ trích một số câu trong bài II vào bài viết của mình. Tôi nghĩ cần phải đọc lại và nhấn mạnh giá trị độc đáo của bài thơ Uống rượu.
VỚI TẢN ĐÀ
I. UỐNG RƯỢU
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này
Tôi say? Thưa, trẻ chưa đầy
Cái đau nhân thế thì say nỗi gì?
Đường xa ư cụ?
Quản chi
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường
Tôi là nắng – Cụ là sương
Tôi bừng dậy sớm- cụ nương nắng chiều
Gió mưa tóc cụ đã nhiều
Lòng còn gánh nặng bao nhiêu khối tình
Huống tôi mái tóc còn xanh
Vâng, tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
Với đời một thoáng say mê
Còn hơn đi chán về chê suông đời
Rót đi rót rót đi thôi
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình

Ngã Tư Sở, 1938

Trước hết cần khẳng định tình cảm của nhà thơ trẻ Trần Huyền Trân khi đó mới 25 tuổi với nhà thơ già Tản Đà, khi đó 47 tuổi. Cái chênh lệch tuổi tác ấy, bây giờ có thể gọi là anh, xưng em; hoặc là bác hay chú, xưng tôi hoặc cháu (Các nhà thơ không muốn người ta coi mình là già thể hiện trong xưng hô). Ấy thế mà nhà thơ trẻ gọi Tản Đà là cụ với tất cả sự thành kính, ngưỡng mộ.

                                                                             Vũ Nho
 


Trong bài thơ này, không rõ hai người đã uống mấy be, đã ngồi bao lâu, nhưng chắc có lẽ không phải là be thứ nhất. Nhà thơ trẻ tửu nhập, ngôn xuất. Suốt bữa rượu chỉ một mình anh nói. Đầu tiên là giục hâm rượu. Rồi thì bày tỏ việc rót rượu, uống rượu là “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này”. Nỗi đau lòng của hai người, hai nhà thơ khác nhau về tuổi tác ấy là gì? Chắc không phải là nỗi đau tầm thường, nhỏ hẹp về cảnh nghèo và đời tư khốn khó. Đó là nỗi đau của người dân nô lệ. Tản Đà từng mơ ước bồi lại “bức dư đồ rách”, từng đau xót thực trạng của đất nước trong câu cảm khái “ Dân hai nhăm triệu ai người lớn?/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” ( Gửi người tri âm), từng lo lắng bất an “Lo vì phong hóa mỗi ngày suy/ Thánh giáo không ai kẻ hộ trì” và “Lo vì thế cục nát như tương” (Hủ nho lo việc đời). Vậy nên uống rượu chỉ là cái cớ, cái cơ hội để rót niềm đau thế sự.
Nhà thơ già chỉ lặng im nghe. Chừng sợ người đối ẩm hiểu lầm, nhà thơ trẻ tự hỏi rồi tự trả lời:
Tôi say?
Thưa, trẻ chưa đầy
Cái đau nhân thế thì say nỗi gì.
Đến đây thì cái đau lòng ấy rõ hơn, đó là cái đau nhân thế, nỗi đau đời người trước thời cuộc.
Và nhà thơ trẻ bộc bạch ý chí và khát vọng của mình với bậc tiền bối:
Đường xa ư cụ?
Quản chi
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường.
Tản Đà, trên một số bìa sách có hình người gánh nặng với câu thơ Hai vai gánh nặng con đường thời xa. Nhà thơ trẻ không ngại đường xa, cũng không ngại gánh nặng. Tất nhiên là có hơi men cũng bốc, nhưng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự thành thật này:
Vâng, tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
Với đời một thoáng say mê
Còn hơn đi chán về chê suông đời
Có cái khí phách, khát vọng của Xuân Diệu trong “Giục giã” : “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Có cái bi phẫn của Thâm Tâm trong “Tống biệt hành” : “Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ/ Chí nhớn chưa về bàn tay không”.
Đoạn thơ cuối có tiếng giục giã thật thú vị, bốn từ “rót” hối hả, gấp gáp trong hai câu thơ:
Rót đi rót rót đi thôi
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu

Nhà thơ trẻ muốn chia sẻ cả cái tuổi tác, cả những nỗi đau đời, những khối tình mà thi sĩ thế hệ trước đang mang. Rót rượu cho nhau là rót tâm sự, rót niềm đau, rót nguồn đau từ người này qua người khác. Và thật đẹp là cái câu kết:
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình.
Nếu chỉ là say suông, ấy là những lời nói bị mất kiểm soát, thêm chữ sưa vào để giảm độ say, để chứng thực sự chân tình của người nói.
Có thể kết luận rằng đây là một trong các bài thơ TỬU (RƯỢU) hay nhất trong thơ ca nước Việt. Đặc biệt, qua bài thơ đó, chúng ta hiểu tâm trạng, niềm trăn trở của một lớp thanh niên yêu nước, bi phẫn, chưa tìm được con đường lí tưởng. Đồng thời nó ghi dấu tình bạn cao đẹp của hai thế hệ nhà thơ.

TỬU là vậy. Người xưa thường nhắc cặp từ TỬU SẮC. Về SẮC, tức là về phái đẹp, về tình yêu. Đúng là Trần Huyền Trân ít nói yêu đương. Thật tiếc là tôi không có nguyên cả bài thơ của Trần Huyền Trân. Nhưng không rõ từ nguồn nào, tôi chép bốn câu này của tác giả vào sổ tay:
Xa nhau, gió ít, lạnh nhiều
Lửa khuya tàn chậm mưa chiều đổ nhanh
Bóng đơn đi giữa Kinh thành
Nhìn duyên thiên hạ, nghe tình người ta

Bây giờ xem lại thì hai câu trên được trích trong “Thi nhân Việt Nam”. Còn hai câu dưới không rõ từ đâu. Nhưng tôi rất cảm khái với hai câu dưới của thi nhân. Nó có vẻ cô đơn, xa lạ của người ở cố đô mà nhớ cố đô, ở kinh thành mà xa lạ với kinh thành. Vì ở đó, thi nhân chỉ thấy duyên của thiên hạ, chỉ nghe tình của người ta. Khác với nỗi niềm của nhà thơ Nguyễn Bính từ chân quê lên dan díu với kinh thành.
Và tôi, trong những năm tháng vạ vật ở kinh thành để đi thi nghiên cứu sinh, rồi khi đã đỗ tiến sĩ, chuyển về Hà Nội lại vạ vật ở kinh thành vì chưa xin cho vợ con được nhập khẩu, tôi thường ngâm nga và thấm thía cái cảnh mà thi nhân đã như viết cả cho mình.
Bóng đơn đi giữa Kinh thành
Nhìn duyên thiên hạ, nghe tình người ta
Xin cảm tạ nhà thơ Trần Huyền Trân, dù viết không nhiều thơ, đã để lại cho mọi người những vần thơ độc đáo về TỬU SẮC!

                                                                         Kinh thành Hà Nội, 19/8/2013

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét