Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

CẢM NHẬN TẬP TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THỊ THOA

 


CẢM NHẬN TẬP TRUYỆN NGẮN  CỦA NGUYỄN THỊ THOA

                                   Vũ Nho

Nhà giáo Nguyễn Thị Thoa bước vào địa hạt văn chương với hai tập thơ “ Mưa cuối mùa” (2014), “Khúc tự tình mùa thu” (2016). Từng được giải thưởng thơ về đề tài Thủ đô của chi hội nhà văn công nhân nhân dịp kỉ niệm 60 giải phóng thủ đô. Bất ngờ, năm 2017, chị xuất bản tập truyện ngắn “Vị ngọt muộn màng” gần 300 trang với 18 truyện. Và bây giờ lại  trình làng tập truyện ngắn mới gồm 14 truyện.  Một sự chuyển hướng khá đột ngột,  nhưng hợp lí. Có lẽ  người cựu giáo chức Hà Nội, dù đã khá muộn màng, nhưng bỗng phát hiện ra một khả năng khác của mình, khả năng làm việc trên cánh đồng văn xuôi - truyện ngắn.

Tập truyện trước có thể còn có chỗ  non lép, chưa  nhuần nhị trong thủ pháp dựng chuyện, miêu tả tâm lí nhân vật và xử lí tình huống kết thúc. Ở tập truyện mới này  cũng vẫn còn những dấu vết đó, nhưng có thể nói người viết đã tự vượt lên chính mình rất nhiều. Đề tài mở rộng hơn, các nhân vật cũng đa dạng hơn và tính cách cũng phức tạp hơn. Đặc biệt là người viết đã thành thục hơn khi xử lí các tình huống truyện. Một  vài truyện đã đạt độ gọn gàng, trong sáng  như truyện của các cây bút chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm.

Có một điều khiến người đọc ngạc nhiên là tuy xuất thân nhà giáo và trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhưng hầu như tác giả không mấy khi dụng bút về đề tài nhà trường mà mình thông thuộc. Phải chăng do môi trường giáo dục mô phạm, do e ngại đụng chạm đồng nghiệp, hoặc ngại mếch lòng cấp trên? Trong tập này duy nhất có một truyện  liên quan đến nhà trường, ấy là truyện “Suốt đêm”. Và cũng ngạc nhiên là cái môi trường và con người tưởng chừng vô cùng thông thuộc, nhưng tác giả lại dựng nên một truyện ngắn   khá non  tay trong tập. Hiệu trưởng  Điệp vốn là thạc sĩ được kì vọng, nhưng sang năm thứ tư, thành tích học tập của học sinh vẫn không khá lên được. Một mặt cô muốn báo cáo trung thực với Đoàn thanh tra bằng bản báo cáo dành cho phụ huynh, mặt khác cô lại muốn báo cáo với “số liệu đẹp” theo gợi ý của ông Quang, Phó trưởng phòng. Cuộc “đấu tranh nội tâm” khiến suốt đêm cô Điệp không ngủ. Và vì không ngủ, cô lại nhớ đêm mất ngủ khi chia tay người yêu. Rồi lại lan man sang việc người yêu hi sinh, cô  nhớ cái đêm tân hôn mất ngủ với Khoa… Đến khi báo cáo thì cô Điệp do thức “suốt đêm” nhầm lẫn giữa báo cáo thực và báo cáo “ làm đẹp số liệu”. Cái sự nhầm lẫn khó mà xảy ra, ngoại trừ sự cố ý của người viết truyện. Kết quả là bất ngờ, cô Điệp lại được Giám đốc khen ngợi và chuyển cô về làm Phó trưởng ban thanh tra  của sở!

Với truyện ngắn “ Bình minh ngày mới”, tác giả để cho nhân vật nữ là một phụ nữa trẻ từng trải qua tù đầy về tội đề đóm. Trong trại, cô được học nhiều nghề, kể cả “móc túi” và “làm tiền”. Móc túi là móc (đan) túi cước thành vật dụng, làm tiền là làm tiền âm phủ dành cho cửa hàng vàng mã. Ra tù, cô dùng nhan sắc để quyến rũ, “làm tiền” những anh chàng háo của ngọt. Bất ngờ Lệ gặp lại Sĩ, cái anh bạn sống thử mà Lệ đã lừa có thai để lấy tiền tiêu. Thế là họ nối lại tình xưa, Lệ quyết lên Sơn La với Sĩ. Câu chuyện vắn tắt như vậy, nhưng tác giả vẫn để lọt hạt “sạn” nho nhỏ. Đó là  trước đó tác giả viết “Lệ chẳng bao giờ muốn lao động chân tay vì từ khi lớn cô đã thể hiện “năng khiếu” của tiếp viên rồi”. Nhưng cách hơn chục trang thì Lệ lại là người chỉ đẹp mà không có năng khiếu gì cả. “Nhưng cô học mãi không thành chỉ vì cô đâu có khiếu năng ấy. Chỉ có vẻ đẹp trời cho. Nhưng giá như Lệ ngồi trong tủ kính để cho mọi người ngắm nhìn thì có lẽ là hợp nhất”.

Những truyện ngắn trong tập hoặc là trực tiếp, hoặc là gián tiếp đều phản ảnh một thực trạng phức tạp của xã hội. Nhân vật gồm nhiều loại người, nhiều nghề nghiệp, nhiều tầng lớp. Cặp vợ chồng hiếm muộn Xiêm - Đỗ bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố (Bất hạnh). Cô hiệu trưởng nhà trường phân vân giữa nói thực hay làm mầu chạy theo thành tích ( Suốt đêm). Một nữ phạm nhân xinh đẹp từng bị đi tù về đề đóm (Bình minh ngày mới). Một chàng trai trẻ, đẹp có học nhưng mắc nghiện, nhận hết tội lỗi cho đàn chị rồi đi tù. Ra tù bế tắc đã tự kết liễu đời mình ( Cây đa ba mốt). Một Risa Nhung làm vũ nữ ở miền Nam quen biết  trung úy bác sĩ người Mĩ (Chuyện bất ngờ ở Sa Pa). Một Vũ Hoàng, thất lạc, thành ra lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa (Đứa con lạc mẹ). Nhiều thành phần nhất có lẽ là các nhân vật trong truyện ngắn có xu hướng thành truyện vừa “Quanh chuyện quán nước”. Một anh Giáp “nhà thơ” xã, một cô Thúy Đản chủ quán nước,  chị Hạnh bán phở,  ông tổ trưởng dân phố, ông bí thư chi bộ;  rồi Bà Chanh,  ông Đạo,  anh Tám, ông Thân, ông Tân…Mỗi người buôn một chuyện về người sướng, người khổ, người trúng quả, kẻ đánh bạc trên mạng, người làm to nhất danh giá nhất xây nhà “ như cung vua phủ chúa ngày xưa”,… Đủ thứ chuyện thời sự được trình bày:  đánh quả, trộm cắp, đánh tráo con, đẻ thuê, “ăn ốc đổ vỏ” xét nghiệm AND, dẹp chợ cóc, gắn chip vào cây xăng, ngáo đá,... Có khi đương chuyện nọ lại “xọ” sang chuyện kia khiến cả tác giả cũng không kiểm soát nổi!

Có một số truyện gần như không có cốt truyện, nhưng do sự liên kết khéo léo của tác giả nên vẫn để lại những ấn tượng tốt nơi bạn đọc. Cách xử lí nhân vật và tình huống nhuần nhuyễn.

Nhìn chung, tác giả đã tự mình vượt lên, đã tiến bộ rõ rệt. Cách dẫn chuyện chủ yếu vẫn là lể lại, nhưng cách kể đã được tiết chế, bớt rườm rà nhờ tăng cường đối thoại xen lẫn phân tích tâm lí. Những chỗ viết về tình dục cũng giảm phần “tự nhiên”, tuy vậy vẫn có chỗ không cần thiết hoặc đưa vào gượng gạo (Đơn cử như trong truyện “ Suốt đêm”). Người viết đã biết khai thác những tình huống truyện và xử lí tình huống một cách khá chắc tay.

Có thể nói  tập truyện mới này đánh dấu một cố gắng vượt bậc, một sự  trưởng thành của ngòi bút tác giả. Người đọc có thể hy vọng về một cây bút truyện ngắn  Nguyễn Thị Thoa!

                                Hà Nội, tháng 4 năm 2019

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét