Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

QUÊ HƯƠNG BIẾT MẤY THƯƠNG YÊU

 

QUÊ HƯƠNG BIẾT MẤY THƯƠNG YÊU

(Nhân đọc “QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM – Thơ Tuyển và Bình”

 của Nguyễn Thị Thiện – NXB Hội Nhà văn quý IV năm 2020)

                                                                               T.S. Nguyễn Xuân Lạc

ba_bnh_qu_hng

Đây là tập bình thơ thứ 5 của cô giáo – nhà văn Nguyễn Thị Thiện chỉ trong vòng mấy năm. Từ tập bình thơ đầu tay “Trang thơ - Trang đời” (2018); cô mở rộng Tình quê tình người - tập I (2019), Tình quê tình người - tập II ( 2019), đi sâu thêm vào chủ đề Thơ dâng Mẹ (2020) - các tập bình thơ đều do Hội Nhà văn xuất bản, và đến tập bình thơ này có độ bao quát rộng lớn hơn là quê hương với tựa đề “Quê hương Việt Nam”, lấy tên từ bài thơ của Nguyễn Đình Thi, trích trong “Bài thơ Hắc Hải” viết năm 1958.

Mỗi người đều có một quê hương. Nhưng tập bình thơ mang tựa đề “Quê hương Việt Nam” thì hàm ý của tác giả muốn gửi tới người đọc là: cùng với “quê hương nhỏ” của mỗi người, chúng ta còn có một quê hương lớn là đất nước Việt Nam, và hai quê hương này gắn bó máu thịt với nhau không thể tách rời. Nỗi nhớ “Quê hương Việt Nam” ở bài thơ này là nỗi nhớ của người thủy thủ trên Hắc Hải ở nước Nga xa xôi – Bác Tôn Đức Thắng – nhớ về đất nước mình những năm hoạt động cách mạng nửa đầu thế kỷ trước: “Việt Nam đất nước ta ơi / Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn…” Cũng như sau này, nhạc sĩ  Đỗ Nhuận ca ngợi: “Việt Nam đất nước quê hương chúng tôi./ Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời…” thì đất nước và quê hương luôn gắn bó: đất nước là quê hương và quê hương là đất nước.

Chính vì thế, tác giả đã chọn bài “Quê hương Việt Nam” để mở đầu cho tập bình thơ này. Một bức tranh khái quát mà đầy đủ, với những nét tiêu biểu cho quê hương Việt Nam: đất nước tươi đẹp nhưng con người còn nghèo khó – đó là những con người anh hùng, tình nghĩa, thủy chung, lại khéo tay, có tâm hồn nghệ sĩ đã vùng đứng lên để làm lại cuộc đời. Sau đó là những ký ức đẹp về một vùng quê thiêng liêng – đất Tổ Hùng Vương – với “Nhịp chày thoảng đâu đây… thậm thình” (Qua Thậm Thình – Nguyễn Bùi Vợi), với hình ảnh công chúa ngồi chải tóc bên Giếng Ngọc “Cười với gương xanh má điểm hồng” (Thăm Giếng Ngọc đền Hùng – Bàng Sĩ Nguyên). Tiếp đến là những vùng quê tiêu biểu cho cả nước, cho quê hương Việt Nam: một quê hương Kinh Bắc thơ mộng và trữ tình,“Quan họ sân đình lại ra trông vào ngóng / để tàn chiều khúc giã bạn chơi vơi” (Giêng – Lê Hoàng), một cố đô Huế trầm mặc, mộng mơ “Giọng hò mái đẩy vờn mây núi / Man mác sông Hương lướt đỉnh đèo” (Nhớ Huế quê tôi – Thanh Tịnh), một quê hương đồng khởi Bến Tre anh dũng, kiên cường “Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy / Súng trên vai cũng đẹp như em” (Trở về quê nội – Lê Anh Xuân) . Quê hương còn được hiện lên qua nhiều thi ảnh mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc: một giọt đàn bầu thon thả của Tạ Hữu Yên, một mùi nồng mặn ở làng chài của Tế Hanh, một đêm rằm táng tám của Anh Thơ, một đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, một giếng làng – mạch nguồn đất mẹ của Nguyễn Thị Thu Hà,  một hội làng của Nguyễn Xuân Điềm,  một dòng sông mặc áo của Nguyễn Trọng Tạo, một cây lúa của Nguyễn Sĩ Đại, để rồi bung nở đẹp đẽ thành một chùm liên tưởng – biểu tượng về quê hương trong “Bài học đầu cho con” của Đỗ Trung Quân (quê hương là chùm khế ngọt, là con diều biếc, là cầu tre nhỏ / mẹ về nón lá nghiêng che , là đêm trăng tỏ / hoa cau rụng trắng ngoài thềm, …) Nhưng điểm nhấn của tập bình thơ lại là một vùng quê đặc biệt mà mỗi người chúng ta đều yêu mến, tự hào, thương nhớ như quê hương chung của mình: Đất Kinh Kỳ Thăng Long ngàn năm văn hiến, giờ đây là Hà Nội – Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Thành phố vì Hòa bình của thế giới.

Đã có bao nhiêu thi sĩ, nhạc sĩ viết về vùng quê đặc biệt - mảnh đất Rồng bay này? Có câu thơ da diết lòng ta mãi vì một nỗi nhớ quặn lòng của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long". Lại có những câu hát náo nức lòng ta khi hồn thiêng dân tộc đã kết tụ vào mảnh đất này:"Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây / Đây lắng hôn núi sông ngàn năm/  Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội / Hà Nội mến yêu..." (Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi). Trong tập bình thơ, tác giả đã chọn được nhiều bài thơ hay về Hà Nội, tập trung vào hai chủ điểm: cái thời khắc lịch sử Hà Nội được giải phóng và cái không gian trữ tình riêng biệt của Hà Nội khi mùa thu về. Thủ đô giải phóng đã gợi cảm hứng cho thi nhân. Nếu Tố Hữu nghĩ về hồn Nước trong trong ngày lịch sử ấy (Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ / thiên thu hồn nước mong chờ bấy nay / Bây giờ đây lại là đây / Quốc kỳ đỉnh tháp sao bay mặt hồ..." - Lại về) thì Nguyễn Đình Thi lại nhắc đến nhiệm vụ của người chiến thắng trong “Ngày về”: "Từ khắp bốn phương trời lửa đạn / Đàn con về sau những năm xa / Cởi súng gạt mồ hôi trên trán / Ta lại xây Hà Nội của ta". Còn Tạ Hữu Yên trào lên một niềm vui  rạo rực, xốn xang: "Một sớm thu trong đất thắm sao vàng / Năm cửa ô năm cánh rộng / Đoàn quân về nhấp nhô như sóng / Những ngôi nhà dường muốn cao thêm" (Cảm xúc tháng Mười). Mùa thu nơi nào cũng đẹp, nhưng mùa thu Hà Nội lại có nét đẹp riêng chỉ Hà Nội mới có. Đó là hương hoa sữa nồng nàn trong đêm gọi mùa thu đến, gọi tình yêu về... khiến "lòng đã thương thầm "hoa sữa"...như là đang nhớ mong ai" (Hà Nội đêm hoa sữa - Phan Thu Hà). Đó còn là cốm làng Vòng, hương sen Hồ Tây - đặc sản nổi tiếng làm lên hương vị thu Hà Nội. Mạc Phương đã chọn hai đặc sản này để mở ra và khép lại, tạo không khí cho bài thơ tình "Mùa thu về Hà Nội": buổi đầu gặp gỡ "em thẫn thờ mở búp sen / thơm mùi cốm cô hàng rong rao bán", khi đã cách xa "em gửi anh hương sen tím làm quà / bao nhung nhớ của ngày tháng đã qua / em gói ghém trong mùa thu Hà Nội".Tập bình thơ còn chọn được  một bài thơ tình chỉ  mười câu lục bát của Tế Hanh - một bài thơ tình về Hà Nội thật dí dỏm, đáng yêu và độc đáo: "Hà Nội vắng em".Bức tranh về Hà Nội lại được điểm xuyết thêm những vẻ đẹp đặc sắc, ngộ nghĩnh của  "thần đồng" Trần Đăng Khoa khi mới 11 tuổi, lần đầu tiên về Thủ đô đã kịp ghi lại một Hà Nội thật đẹp qua lăng kính hồn nhiên của trẻ thơ; và khi Thủ đô được mở rộng về  phía Tây thì cái không gian thơ Xứ Đoài đem đến cho Thơ Hà Nội những thi phẩm  mới đã lọt vào "mắt xanh" của người tuyển chọn và bình thơ: "Đôi mắt người Sơn Tây" – bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng và "Ta của Xứ Đoài"- một bà thơ rất có bản ngã của Nguyễn Việt Chiến. Tập bình thơ khép lại bằng hai bài thơ đầy xúc cảm của hai người con xa xứ nhớ về quê hương mình. Làm việc ở Liên bang Nga, Tiến sĩ văn học Nguyễn Huy Hoàng "chẳng làm sao ngủ được" vì hương bạch dương trong đêm "phảng phất"  khiến ông chạnh nhớ mùi hoa bưởi ở quê nhà (Nỗi nhớ tháng ba). Còn Thu Trang, Việt kiều tại Pháp, vào thời khắc đón xuân sang, giữa kinh thành Pa ri hoa lệ vẫn  đau đáu nhớ về quê hương Việt Nam đang gian khổ chống Mỹ và hy vọng một mùa  xuân Thống nhất cho quê hương đất nước: "Hồn tôi ở phương trời ấy / Tôi đợi mùa  xuân Việt Nam!". Bài thơ "Nói sao cho vợi" của bà viết năm 1969 đã được chọn vào "100 bài thơ hay thế kỷ XX" - NXB Giáo dục 2007. Như vậy, tập bình thơ đã chọn được những bài thơ khá tiêu biểu, bao quát được nhiều mặt về quê hương Việt Nam với điểm nhấn là quê hương Thăng  Long - Hà Nội. Và những nội dung trên đây tác giả đã chuyển tải tới người đọc bằng một giọng bình đằm thằm của một người yêu quê hương và yêu thơ. Đây đó trong một số bài, lời bình đã có sự phát hiện mới mẻ về nội dung và nghệ thuật thơ. Ở tập bình thơ thứ 5 này, cách bình của chị đã ổn định và  bắt đầu hé lộ những nét riêng của một cây bút giàu nữ tính. Mặc dầu vậy, người đọc vẫn mong muốn ở chị những bài bình thơ sắc sảo, nhiều màu vẻ, luôn thay đổi trong từng bài thơ. Đòi hỏi như vậy với chị có quá không? Không đâu. Bởi ở chị ngoài nghị lực còn có lòng yêu thơ và yêu cuộc sống, những nhân tố không thể thiếu của một người bình thơ./.

                                                           Hà Nội - 9. 2020

(ĐC: Nguyễn Xuân Lạc  ĐT: 033 684 1485

Ngõ 1 Trần Thánh Tông – Hai Bà Trưng – Hà Nội)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét