Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

NGÀY TẾT NÓI VỀ RƯỢU và UỐNG RƯỢU

 


        NGÀY TẾT NÓI VỀ  RƯỢU và UỐNG RƯỢU

                         Vũ Nho       

           Theo báo mạng thì Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều bia rượu nhất thế giới. Thành tích này chẳng có gì đáng tự hào, mà là một  điều cần suy nghĩ. Uống nhiều, tốn tiền, hại sức khỏe và nhiều cuộc ẩu đả, nhiều tai nạn giao thông khi các vị ma men liêng biêng lên xe và cầm lái. Gần đây nghị định 100 về phạt người uống rượu bia được cả nước đồng tình, hoan nghênh. Vì  giúp giữ  cho việc uống trong ăn nhậu ở mức chừng mực.

          Chúng ta có loại rượu chưng cất và loại không chưng cất.  Riêng loại rượu chưng cất cũng có nhiều địa phương có rượu ngon nổi tiếng cả nước như:

Rượu làng Vân (ở Bắc Ninh, còn gọi là "Vân hương mĩ tửu"), rượu Kim Sơn ( Ninh Bình), rượu Bầu Đá (Bình Định), Rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Rượu San Lùng, Rượu Thanh Kim làm từ mầm thóc nếp (Lào Cai), Rượu ngô Bắc Hà, Rượu Xuân Đài, Rượu Xuân Thạch (Trà Vinh), Rượu Hồng Đào (Quảng Nam), Rượu Gò Đen (Long An),...

Cũng có những câu ca ngợi rượu cùng với thức nhắm ngon:

          Rượu tăm thịt chó nướng vàng

          Mời đi đánh chén cách làng cũng đi

Rượu ngon với thịt chó là  món khoái khẩu của những người thích nhậu. Chả thế mà có công thức viết tắt  RTC tức là Rượu thịt chó.

Rượu không uống một mình, phải “Trà tam, rượu tứ”, và quan trọng là uống với bạn tốt, bạn quý:

-         Rượu ngon không có bạn hiền

          Không mua không phải không tiền không mua

Có những lời cảnh báo về chuyện rượu:

-         Thế gian ba sự khó chừa

Rượu nồng, dê béo, gái vừa đang tơ

Không nên ép rượu – “rượu bất khả ép”, không nên  uống quá nhiều:

-          Rượu nhạt uống mãi cũng say

                Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm

Tửu nhập, ngôn xuất . Rượu vào lời ra. Trước còn thuận hòa, sau hóa đánh nhau.

Rượu chè nơi quán xá cũng dễ làm hư hỏng con người, quên tình quên nghĩa:

-         Tay cầm bầu rượu nắm nem

          Mảng vui quên hết lời em dặn dò

 


 

 

Hoặc nữa :

-         Mang bầu đến quán rượu dâu

          Say hoa đắm nguyệt quên câu ân tình

Nặng nề hơn là lời phê phán rượu chè, trai gái:

-         Rượu men tẩn mẩn tê mê

          Mảng theo con đĩ bỏ bê việc nhà

Phê phán tệ say rượu nói dài, nói dai, nói dại:

-         Ở đời chả biết sợ ai

Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày

Người ta đã cảnh báo về việc uống rượu nhiều bằng một tổng kết:

-         Một li nhâm nhi tình bạn

          Hai li uống cạn lòng sầu

          Ba li mũi chảy tới râu

          Bốn li ngồi đâu gục đó

          Năm li cho chó ăn chè.

Người Việt đã tổng kết và chia người uống rượu thành “tiên tửu” và “tục tửu”. Tiên tửu là uống rượu có văn hóa, uống để vui, để lai láng cảm hứng yêu đời. Tục tửu là uống say, uống nói lảm nhảm, linh tinh, uống bí tỉ,…

          Bây giờ trong các quán nhậu, vẫn gặp cảnh “ Dô! Dô! Dô!” “trăm phần trăm!”. Đó là cách uống tục tửu mà người ta cứ tưởng là hay, là “khí thế”!

          Chuyện ẩm thực  là câu chuyện dài. Ăn uống lịch sự là biểu hiện của văn hóa.  Uống rượu, uống trà cũng là biểu hiện của văn hóa. Văn hóa ẩm thực hình thành trên điều kiện kinh tế, xã hội, thói quen và cả tín ngưỡng . Cùng với văn hóa thời trang, văn hóa đời sống, văn hóa giao tiếp và văn hóa vật thể làm nên nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

          Ngày tết chắc chắn là phải có chuyện uống rượu, bia. Uống như thế nào để vừa đảm bảo vui, vừa đảm bảo sức khỏe, tránh va chạm, cãi vã, tránh tai nạn giao thông  và thể hiện văn hóa  ẩm thực là điều rất nên thực hiện.

                                                        Hà Nội, mùa chống dịch Covid 2020

         

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét