Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

NGÀY TÊT NÓI VỀ CÁI ĂN TRONG QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI VIỆT

 


NGÀY TÊT NÓI VỀ CÁI ĂN TRONG QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI VIỆT

                                       Vũ Nho

                         Con người muốn sống  thì phải cần đến ăn uống. Cái ăn là tối cần thiết trong cuộc  sống hàng ngày. Quan tâm đến cái ăn là chuyện của nhân loại, của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi gia đình và mỗi con người.

Việt Nam là một nước nông nghiệp lúa nước. Cái ăn chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp lúa gạo, ngô khoai, các loại rau, các loại cá tôm, thịt gia cầm, gia súc. Người Việt  quan niệm, nói về cái ăn như thế nào?

          Dĩ thực vi tiên (Coi ăn làm đầu); Dĩ thực vi thiên (Coi ăn bằng trời). Có thực mới vực được đạo – Có ăn thì mới làm được chuyện đạo. Cái ăn của người Việt chủ yếu là cơm, cơm gạo tẻ.

-         Đói thì thèm thịt thèm xôi

          Đã no cơm tẻ thì thôi mọi đằng

-         Cơm tẻ mẹ ruột.

-         Cơm tẻ no xôi vò chẳng thiết

Mơ ước của con người là được ăn cơm no với cá:

-         Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy bát cơm đầy

Lấy khúc cá to

          (Đồng dao)

Để đánh lừa khói, nói cho khói về hướng khác trẻ em hát:

-         Khói về đằng kia ăn cơm với cá

Khói về đằng này liếm lá, gặm xương

                       (Đồng dao)

Thế nhưng mọi người sẵn sàng chịu đói, sẵn sàng ăn những thứ  quả khác để thực hiện lòng hiếu thảo, hay thực hiện  hình thức hôn nhân một vợ một chồng:

-         Đói lòng ăn hạt chà là

          Dành cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

-         Đói lòng ăn trái cây sung

Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng

Điều đáng trân trọng là con người không thể “đói ăn vụng, túng làm liều”. Người ta cố gắng là sao để “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

 


Trong hoàn cảnh lương thực thiếu thốn thì  muốn no chỉ có cách ăn cơm tấm, muốn ấm, chỉ có cách nằm  ổ rơm:

-         No cơm tấm, ấm ổ rơm

Người ta cũng thấy rất rõ rằng cái ăn có thể làm mất thể diện, thành   xấu xa, chịu ràng buộc:

“Miếng ăn là miếng nhục”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”, “Cơm ăn vào dạ là vạ vào thân”.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến từng đỗ đầu ba kì thi (Tam nguyên), đã từng làm chức Tổng đốc Sơn Tây, nhưng khi về  già cảm xúc trước người hàng xóm cho thịt, đã làm bài thơ chữ Hán  là “Tặng nhục”. Thịt chữ Hán  là nhục. Cho thịt tức là cho nhục. Mấy câu thật cảm khái:

          Không ăn thì sẽ đói

          Ăn vào thì lại nhục

          Không ăn , người sẽ gầy

          Ăn vào người hóa tục

( Nguồn: Thơ văn Nguyễn Khuyến, Nxb Văn Học,1971, trang 18)

Thi sĩ Xuân Diệu sau cũng từng viết:

          Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt

          Cơm áo không đùa với khách thơ

Các nhà thơ Việt Nam hiện đại sau này cũng đều vất vả vì cái ăn, vì thơ ca:

          Thơ ơi ta bảo thơ này

          Để ta đi cấy đi cày nuôi thơ

                                (Nguyễn Duy)

          Phạc phờ chạy gạo từng lon

          Nuôi thơ, nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình

                             (Trần Ngọc Tuấn)

Ăn tuy không nhiều mỗi ngày, nhưng ăn mà không làm, chỉ ăn thì  của cải có như núi cũng không đủ:

-         Miệng ăn núi lở

-          Của như non, ăn mòn cũng hết

(Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn sau này viết : Tam Đảo thấp dần sau mỗi bữa ta ăn  là dựa vào ý này chăng)

Hầu như cuộc sống đói khổ triền miên đã làm cho con người ao ước có một lần được no đủ trong đời:

-          Đừng có chết mất thì thôi

Sống cũng có lúc no xôi chán chè

Người ta ao ước đời sống no đủ cũng chỉ ước đến mức “Cơm gà cá gỏi”, “Cơm bưng nước rót”.

Trong thực đơn bữa ăn của  người xưa, thành phần chất xơ quan trọng là rau. Có quá nhiều các loại rau -  rau muống, rau cải, rau dền, rau bí, rau lang, rau đay; có rau hỗn hợp cả ba bốn loại rau  tập tàng. Có quá nhiều các loại quả làm rau: bầu, bí, cà, su su, mướp, …

-         Cơm không rau như đau không thuốc

-         Cơm không rau như nhà giàu  chết không kèn trống

Ngoài việc ăn thức ăn chính là cơm, ăn thành bữa. Người xưa cũng chú ý đến những món ăn phụ đó là quà. Quà có thể là bánh đa, bánh đúc, bún, bỏng ngô, khoai, sắn, các loại chè đỗ đen, chè bười, chè hạt sen.

-         Đánh chết cái nết không chừa

Đi chợ vẫn cứ cùi dừa bánh đa

Món quà giản dị mà ngon.

Do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên người ta chê phụ nữ hay ăn quà:

          Con cò là con cò kì

          Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô

          Đêm nằm thì ngáy o o

          Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà

 Khi  cuộc sống khá hơn, người không nghĩ đến chuyện ăn no mặc ấm nữa mà nghĩ đến chuyện “ăn ngon, mặc đẹp”.  Thực phẩm  hải sản, thủy sản,  nông sản sẵn. Các loại gia vị nhiều. Những bàn tay vàng về chế biến, nấu nướng không hiếm. Người Việt Nam đã tạo ra các món ăn ngon nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới. Nem rán, Phở, Bánh mì  kẹp thịt  không chỉ được du khách nước ngoài ưa chuộng, mà còn nổi tiếng ở Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Pháp,…

Nhà văn Vũ Bằng viết cả một cuốn sách về “Miếng ngon Hà Nội”. Thạch Lam viết các thức quà trong “Hà Nội băm sáu phố phường”. Nguyễn Tuân cũng viết về phở, chả quế,…

Nhà văn Vũ Bằng đã thốt lên đầy cám khái : “Hà Nội… ngon… quá xá! Hà Nội ngon không chỉ vì những miếng ngon đặc biệt, nhưng ngon từ cách ăn uống ngon đi, ngon từ cách ngon rao hàng quà ngon xuống, ngon từ cách ngon trình bày ngon tới, ngon từ cách thái miếng thịt, chia miếng bánh ngon lui” (Nguồn : Vũ Bằng – Miếng ngon Hà Nội, Nxb Văn Học, 1990, trang 142).

      Giáo sư Phan Ngọc, trong công trình “Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới” đã viết: “Món ăn Bắc là vua chúa hóa món ăn Tày; món ăn Huế là đế vương hóa món ăn Mường. Có một sự sành ăn Việt Nam cần giới thiệu với cả thế giới” ( Nguồn : đã dẫn, trang 134).

          Người Việt đối xử với cái ăn, cũng là đối xử theo cách văn hóa, cả về  thức ăn lẫn cách ăn. Đó chẳng phải là điều đáng tự hào hay sao!

                                          Hà Nội, ngày 27 tháng Tư năm 2020

Trích trong sách VĂN HÓA DÂN TỘC THỜI HỘI NHẬP, Nxb Thanh Niên, 2020

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét