HAI CHỊ EM
Vương Trọng
- Nín đi em,
bố mẹ bận ra tòa!
Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.
Bố mẹ đi từ
sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?
Biết lấy gì dỗ
cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.
Mẹ bế em
âu yếm, vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng vào ra tíu tít
Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra!
Nó biết đâu bố
mẹ nó ra tòa
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.
Nó biết đâu bố
mẹ nó ra tòa
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn mẹ thì thôi không còn bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau…
- Nín đi em!
Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!
Lời bình của Nguyễn Thị Thiện
HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH
NHỮNG CẶP VỢ CHỒNG LY TÁN
Trong vườn hoa thơ viết về chủ đề gia đình, bài “Hai chị em” của nhà thơ Vương Trọng đã chạm đến trái tim của không ít bạn đọc. Bài thơ tái hiện cảnh tượng bi kịch của một gia đình tan vỡ chỉ vì bố mẹ ly hôn, thể hiện sự quan tâm và niềm thương cảm vô cùng sâu sắc đối với con trẻ.
Bài gồm bảy
khổ thơ, ngôn từ dung dị, giàu hình ảnh. Với lối thơ tự sự phù hợp, tác giả đã
hóa thân vào nhân vật trữ tình, diễn tả thật tự nhiên lời nói và tâm trạng của
đứa bé trong hoàn cảnh bố mẹ đưa nhau ra tòa. Tác giả hẳn phải kìm nén cảm xúc
nhiều lắm khi viết những dòng thơ thoại mở đầu rất khác thường: “- Nín đi em,
bố mẹ bận ra tòa! / Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi / Thằng bé khóc, bụng chưa
quen chịu đói / Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm”. Khổ thơ như lớp kịch ngắn có
đứa bé trai ba tuổi khóc, chị nó mới bảy tuổi, cố dỗ mà em không chịu nín.
Tiếng khóc nhói lòng của con trẻ giữa lúc “bố mẹ bận ra tòa”! thật thương tâm
làm sao! Đau xót hơn, với tình cảm hồn nhiên trẻ thơ, chúng ngỡ việc “ra tòa” của bố mẹ cũng giống chuyện “ra
đồng” hay “ra bãi” thường ngày “Sớm muộn chi bố mẹ cũng về”. Nào ngờ cuối buổi
mà không thấy bố mẹ, đến bữa lại chẳng được ăn uống. Người lớn đói đã khó chịu
lắm. Trẻ thơ bị đói lâu sao mà chịu, mà nín được? Tiếng khóc các con như bám
riết bước chân lạnh lùng “chẳng chung đường” của bố mẹ chúng. Cho dù chị nó dỗ
nhưng “thằng bé khóc gào”; “khản giọng” nên chị nó cũng “đầm đìa nước mắt”...
Những dòng nước mắt khác thường ấy cứ ám ảnh mãi tâm trí bạn đọc. Trong bài có
đoạn đứa chị hồi tưởng lại cảnh gia đình khi còn đoàn tụ, sum vầy:“Mẹ bế em âu
yếm, vuốt ve / Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp / Nó sung sướng vào ra tíu tít
/ Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra!”. Đoạn thơ ngắn được tác giả sử dụng liên
tiếp năm từ láy âu yếm, vuốt ve, sung sướng, tíu tít, quây quần đã là nói lên
niềm hạnh phúc thực sự khi gia đình còn là một tổ ấm trong quá khứ. Nhưng hôm
nay: “Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm / Không nấu nướng và không hề trò chuyện
/Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm…”. Những hình ảnh đối lập nói về bố và mẹ với
“hai bóng nhỏ” và câu hỏi tu từ “Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?” đã
xoáy sâu vào tận đáy tâm can. Tác giả không lý giải vì sao, do đâu bố mẹ
ra tòa mà để đứa trẻ không biết mới là hợp lý,
mới là sự cao tay trong nghệ thuật của
người viết: “Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa / Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý /
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký / Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa./ Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa / Là cầm cưa xẻ ngang
tình đoàn tụ”. Những điệp ngữ “Nó biết đâu” đặt ở đầu hai khổ thơ càng nhấn
mạnh sự ngây thơ, vô tư của con trẻ. Những điệp từ phủ định “chẳng phải” và
“đối mặt” đã nói lên sự thật chia cắt,
ly tán phũ phàng đang hiển hiện “Đứa còn mẹ thì thôi không còn bố/ Hai chị em
rồi sẽ mất nhau…”. Còn gì thương tâm hơn sự chia lìa giữa tay chân của cùng một
cơ thể? Còn gì đau xót hơn sự tan đàn xẻ nghé? Chưa hết, bài thơ khép lại bằng
khổ thơ cuối day dứt hơn nữa: “- Nín đi em! Em khản giọng khóc gào/ Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt / Những bố mẹ bên
bờ chia cắt / Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!”. Bài thơ như hồi chuông
gióng lên hối hả, cảnh tỉnh sâu sắc những cặp vợ chồng vì thiếu sự thấu hiểu và
nhẫn nhịn nhau, chỉ vì tự ái ích kỷ, vì cái TÔI cá nhân quá lớn mà ra tòa ly
hôn, để lại bao đau thương và bi kịch cho mọi người, nhất là những đứa con thơ.
NGUYỄN THỊ THIỆN – ĐT: 0915 224011
ĐC: Số 2 ngõ 19/20 Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa Đống Đa, Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét