Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

BẤT HẠNH

 


BẤT HẠNH

 

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thoa

 

Vợ chồng cưới nhau được hai ba năm mà chưa có tin vui thì đã rất sốt ruột. Đằng này vợ chồng Xiêm – Đỗ cưới nhau được hơn chục năm mới có tin vui, hẳn là mừng hết chỗ nói. Hôm nay Đỗ đưa Xiêm đến bệnh viện khám. Đỗ muốn Xiêm được siêu âm xem thai nhi là con trai hay con gái. Ông Nghiêm, bố đẻ Đỗ thấy vậy bảo con:

- Vẽ chuyện, siêu âm với chả siêu dương, trời cho con nào chả quý. Miễn sao mẹ khỏe con khỏe là tốt rồi. Cần gì phải biết là con trai hay con gái.

Nói vậy, nhưng thực tâm ông vẫn thầm mong cháu ông sẽ là con trai.

Đỗ thì lại nghĩ khác:

- Tội gì, bây giờ có khoa học tiên tiến, máy móc hiện đại mình phải được thừa hưởng, phải được biết trước. Mới lại việc khám thai là rất cần. Anh chào bố!

Ông Nghiêm nói theo:

- Thôi, anh chị đi đi kẻo muộn.

Vợ chồng Đỗ đi rồi ông Nghiêm vào nhà ngồi trên trường kỷ uống nước, suy nghĩ. Ông nhớ lại lúc con ông cưới vợ được hơn ba năm mà vẫn chưa có gì. Ông thấy cũng lo lo. Ông bàn với vợ bảo chúng đi khám xem lỗi ở đứa nào để còn có hướng tìm cách chữa chạy. Nhưng các con ông đi khám đã mấy lần hết bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh, thậm trí lên cả bệnh viện trung ương. Kết quả cho thấy cả Đỗ và Xiêm đều không làm sao. Thế mới lạ! Có lẽ số chúng nó muộn mằn. Phải chấp nhận thôi, biết làm sao được. Vậy là ông bà chỉ biết chờ đợi… chờ đợi và hy vọng vào sự ưu ái của số phận. Đến giờ, sự kiên nhẫn của cả nhà đã được đền đáp. Cuối năm ông bà sẽ có cháu nội đầu tiên.

Đỗ hai tư tuổi mới lấy vợ. Bây giờ anh đã gần ba nhăm rồi. Vợ Đỗ kém Đỗ hai tuổi. Có con lúc này là rất hợp lý. Vợ chồng lấy nhau mà chậm có con kể cũng hơi buồn nhưng bù lại họ có thời gian tích lũy tiền bạc và các khoản vật chất khác. Đến giờ kinh tế của anh chị đã đầy đủ dư sức để chăm sóc con rồi. Năm nay sinh đứa đầu, hai ba năm sau sinh tiếp đứa thứ hai. Thế là yên tâm. Không như một số bạn cùng lứa của Đỗ chúng cưới nhau chưa đầy năm mẹ đã đầy tháng con, mà lại sòn sòn hai ba đứa nên kinh tế vô cùng ngặt nghèo, khó khăn thiếu thốn. Chúng phải đầu tắt mặt tối suốt ngày lo lao động kiếm tiền. Con cái thì hết nhờ ông bà nội chăm nom lại đến ông bà ngoại chăm sóc. Thời buổi người khôn của khó kiếm được đồng tiền bát gạo đâu có dễ. Thế nên bằng tuổi Đỗ bây giờ chúng nó trông cứ như cụ non cả, nhất là với nữ giới. Người quắt queo, da đen sạm, đầu tóc bù xù, ăn mặc lôi thôi luộm thuộm vì chúng đâu có thì giờ để chăm sóc bản thân. Tất cả vì con cái, vì tương lai con em chúng ta! Bù lại, bây giờ đứa con út của các bạn Đỗ chúng đã năm, bẩy tuổi, vài năm nữa chúng lớn giúp được bố mẹ lại chẳng sung sướng, nhàn nhã ư. Luật  bù trừ của đời người là thế, ai mà sống khác được.

Trên đường đèo vợ tới bệnh viện Đỗ hỏi:

- Em biết tin vui này được bao lâu rồi?

- Có lẽ mới được ba tuần. Em mừng quá báo tin ngay cho anh và bố mẹ.

- Chắc không?

- Chắc một trăm phần trăm.

- Thế thì yên tâm rồi. Từ nay em không được hoạt động mạnh. Bất cứ việc gì nặng nhọc phải bảo anh, không được tự ý làm đâu nhé.

Xiêm đấm thùm thụp vào lưng chồng, nói:

- Gớm. Cẩn thận thế… Như vậy là mọi việc lớn nhỏ anh sẽ làm cho em tất chứ. Em chỉ cần nghỉ ngơi chờ đến ngày nằm ổ thôi.

- Được. Anh sẽ đảm nhiệm tất vì đứa con của chúng ta.

 

Đến viện làm siêu âm xong bác sĩ xem kết quả bảo:

- Chúc mừng anh chị, chị đã có thai.

Vợ chồng Đỗ - Xiêm mừng rối rít cảm ơn và hỏi:

- Thưa bác sĩ, nó là con trai hay con gái ạ?

- Mới có gần ba tuần tuổi nên chưa biết chính xác là con trai hay con gái được. Sau hai tháng nữa anh chị đến khám lại mới có kết quả chuẩn xác.

Đồng thời, ông bác sĩ kê một toa thuốc cho Xiêm dặn chị uống để dưỡng thai. Bác sĩ còn tư vấn dặn dò Xiêm cách ăn uống sao cho đầy đủ chất dinh dưỡng để thai phát triển một cách tốt nhất. Ở nhà, ông Nghiêm cũng rất sốt ruột, mong chờ vợ chồng Đỗ - Xiêm về. Thấy vợ chồng Đỗ vừa vào đến sân ông hỏi luôn:

- Thế nào?

- Dạ. Bác sĩ chẩn đoán nhà con có thai thật rồi bố ạ.

Ông Nghiêm mừng ra mặt, nở nụ cười tươi rói. Đỗ lại nói:

- Bác sĩ bảo hai tháng nữa đến viện khám, siêu âm lại mới biết chính xác là con trai hay con gái.

- Vẽ chuyện. Đã biết rồi lại còn biết nữa làm gì. Thế là chính xác rồi. Hôm xưa bố được cụ nội anh báo mộng cho bố là có cháu nội rồi. Một thằng đích tôn, nên khỏi phải khám xét làm gì nữa.

Ông Nghiêm lấy làm hãnh diện. Ông thủ một chai rượu nhỏ trong túi rồi thủng thẳng đi ra quán nước bà lang Cụt ở dưới tán cây bàng đầu xóm. Ở đó đã có sẵn hai ông là ông Bương và ông Sắn. Đó là tên húy dân làng đặt cho các ông bà ấy. Bà lang Cụt có ngón tay út bên trái bị cụt một đốt vì lúc tuổi còn trẻ bà đã ăn cắp cái mâm đồng thau của làng. Bị dân làng phát hiện, lý trưởng thực hiện điều luật trong Hương ước làng ra lệnh chặt một đốt ngón tay của bà để răn đe. Bà là vợ ông lang Tuất nên gọi theo chồng là bà lang Cụt. Ông Bương và ông Sắn là người buôn bán. Một người ở ven sông, một người lại bám đồi cao. Ông Bương cùng bố buôn bán tranh, tre, nứa, lá, bương, vầu ở bến sông Hồng. Khi mới hòa bình lập lại làm được gian nhà bằng thứ vật liệu này là quá sang nên bố con ông cũng kiếm được. Còn ông Sắn, ngoài việc đồng ruộng ông còn theo mẹ lên vùng đồi mua sắn, khoai về bán cho dân làng những vụ giáp hạt hay khi mùa màng thất bát. Phi thương bất phú. Gia đình các ông cũng được xếp vào hàng có của ăn của để trong làng trong xã. Chính vì có của ăn của để mà gia đình hai ông cũng bị vướng thành phần bóc lột trong cải cách ruộng đất. Anh em các ông không được học hành hay học nghề gì tử tế nên lần lượt họ theo bố mẹ kế nghiệp. Đến giờ các con họ đã chuyển hướng làm ăn. Con cháu ông Bương buôn bán vật liệu xây dựng, mua xe công nông và thành lập công ty cung ứng “Xigacađaso” (Xi măng, gạch, cát, đá, sỏi). Con ông Sắn thành lập Xí nghiệp “Chanugavilo” (Chăn nuôi gà, vịt, lợn). Nhìn chung họ rất chịu khó biết cách làm ăn lại thức thời nên kinh tế ngày càng khá giả. Ông Bương còn mua được cả ô tô tải loại vừa để chuyên chở vật liệu đến tận chân các công trình, hưởng lãi từ gốc đến ngọn. Họ xây được nhà tầng, mua được xe máy, trong nhà có đầy đủ các thiết bị nghe nhìn loại sang, đồ dùng gia đình cũng toàn đồ cao cấp… Hai ông rất tự hào về kinh tế gia đình mình, chẳng thua kém bất cứ ai, mà còn hơn cả các gia đình bị qui là địa chủ ngày trước. Riêng ông Bương, do có hiểu biết chút ít về vi tính nên con ông mua biếu chiếc điện thoại Ai phôn. Sử dụng nhiều nên giờ ông khá thạo các chức năng của Ai phôn. Ông thường tìm hiểu đọc tin tức on lai trên mạng. Ngồi bất cứ chỗ nào ông cũng moi điện thoại ở túi ra di di ngón tay trên màn hình nửa như khoe, nửa như tìm kiếm tin tức gì đó. Ông Nghiêm bước vào quán hồ hởi:

Chào các sếp.

- Sếp sếp cái con khỉ. Ông định chơi chúng tôi hả? Ông Bương đáp lại mà không ngẩng đầu lên.

- Đâu có. Các vị đều là giám đốc công ty cả đó thôi. Đâu bạch đinh như tôi.

- Giám đốc giám điếc cái con mẹ gì. Tôi từ chức rồi. – Ông Bương nói.

- Tôi cũng đã bàn giao tất tần tật. Các cháu vững vàng rồi thì mình cũng nên lui về phía sau. Ôm làm gì cho mệt xác lại mang tiếng tham quyền cố vị.

- Đúng thế. Chứ không như cái bọn tham nhũng chúng chẳng biết thế nào là “Văn hóa từ chức”. - Ông Bương bổ sungThêm.

Ông Nghiêm hưởng ứng:

- Thế là quá hay rồi. Nghỉ chơi cho khỏe. Như tôi đây, đâu sánh bằng các ông. Con cháu đề huề, nhà cửa khang trang…

- Thì ông đã có chức Chủ tịch Hội cựu chiến binh.

- Tôi nhập ngũ rồi đi chiến đấu ở miền Nam mấy năm. Cho tới sau giải phóng 30/ 4 thì về phục viên là sĩ quan cấp úy, được kết nạp làm xã viên Hợp tác xã nông nghiệp quê nhà. Vướng phải thời bao cấp xếp hàng cả ngày, đời sống vất vả khốn khó, sống được đến bây giờ cũng là may. Tôi thiệt thòi hơn các ông là lấy vợ muộn lại có mỗi thằng Đỗ. Thằng Đỗ lấy vợ hơn chục năm rồi…

- Chưa có tin gì hả? Ông nên xem lại cái “cần tăng dân số” của nó có vấn đề gì không? - Ông Sắn vui vẻ hỏi:

- Không có chuyện gì cả.

Ông Bương tỏ ra hiểu biết:

- Thế thì có thể là muộn màng chút thôi. Chứ nó mà hỏng cái cần ấy thì cũng đáng lo lắm. Bây giờ khoa học công nghệ hiện đại có thể nhờ đẻ thuê, hay thụ tinh nhân tạo, ngành Y học nước mình bây giờ cũng giỏi lắm.

- Chỉ vì giòng giống nhà tôi mang số độc đinh các ông ạ. Tôi ngẫm kỹ rồi. Cụ nội tôi chỉ có mỗi ông tôi là trai còn lại những năm bà cô. Ông tôi cũng có mình bố tôi, tôi cũng là con một. Giờ tôi cũng chỉ có mỗi thằng Đỗ. Tôi đảm bảo với các ông là tôi sẽ có nhiều cháu.

- Ông lấy gì đảm bảo?

Bây giờ ông Nghiêm mới moi trong túi quần ra chai rượu, tươi cười nói:

- Nào. Mời các ông chia vui cùng tôi.

- Chia vui cái gì chứ? Con dâu ông có tin mừng rồi hả?

Mấy ông giơ tay bắt tay nhau. Ông Nghiêm rót rượu ra ba cái chén và nói rất hãnh diện:

- Cuối năm nay tôi được lên chức ông nội, vì tôi sẽ có thằng “đít tôn” chính hiệu.

Nói rồi ông cười sảng khoái cùng chạm chén với hai ông bạn và uống cạn. Bà lang Cụt góp chuyện:

- Thế thì mừng quá rồi. Các ông nhắm với món gì để tôi lo.

- Bà cho đĩa lạc luộc là đủ. - Ông Nghiêm trả lời. - Các ông uống đi. Tôi khao.

Ông Bương rót rượu tiếp tục uống, ông Sắn sau tiếng “khà” quen thuộc liền cất giọng ca xẩm dáng vẻ ngất nga ngất ngưởng:

Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng

Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì 

Còn ta uống rượu tì tì

Chết xuống âm phủ có kém gì vua Ngô

Tì ti ti tí tì ti…

Ông Sắn và ông Nghiêm vỗ tay họa theo: Tì ti ti tí tì ti…

 

Đã hơn sáu tuần trôi qua. Xiêm quá sốt ruột muốn biết sự phát triển của thai nhi như thế nào và cô còn muốn biết đích thực con mình là trai hay gái. Xiêm đã tự đi xe máy một mình đến viện. Khi Xiêm đi cả nhà không ai biết. Đỗ đang làm việc ở công trình xây dựng huyện. Bố mẹ anh thì về bên ngoại ăn giỗ. Đến trưa Đỗ phi xe máy về nhà muốn cùng vợ ăn cơm rồi anh lại trở ra công trường, vẫn kịp. Về đến nhà Đỗ vô cùng ngạc nhiên không thấy Xiêm đâu. Nhà vắng ngắt, bếp lạnh tanh. Anh lấy điện thoại, bấm số gọi cho Xiêm nhưng chỉ có tiếng tú…tu…tút… mấy lần cùng tiếng trả lời giọng quen thuộc: “Số máy không thể liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Anh nghĩ, có lẽ Xiêm đi cùng bố mẹ về bên ngoại ăn giỗ. Anh liền phi ngay đến nhà bác trưởng Dỗi anh trai của mẹ. Cũng không thấy Xiêm đâu. Ngồi ăn cỗ nhưng đầu óc Đỗ thì cứ đặt ra bao nhiêu câu hỏi: Xiêm đang ở đâu? Cô ấy có vấn đề gì không? Có việc gì gấp mà cô ấy lại không báo cho mình? Nhất là cái thai trong bụng. Anh bồn chồn, lo lắng vô cùng. Ăn vội ăn vàng bát cơm rồi lại gọi điện thoại. May quá, đã nối được liên lạc với vợ, anh hỏi giọng lo lắng xen chút bực bội:

- Em đang ở đâu?

- Em đang trên đường về nhà.

- Em đi đâu mà đang về?

- Em đi lên bệnh viện huyện.

- Sao em phải lên bệnh viện?

Im lặng…

Đỗ hỏi dồn dập:

- Em làm sao phải lên gấp thế?

- Không đợi anh về được à?

Im lặng…

Đỗ muốn gào lên:

- Anh đã bảo em không được đi xe máy em không nghe à?

Im lặng.

Đỗ nói một mình:

- Thôi chết rồi. Chắc là có vấn đề nghiêm trọng.

Anh bấm điện thoại gọi cho tổ trưởng tổ điện nước báo xin nghỉ việc buổi chiều rồi anh phi thẳng xe lên bệnh viện huyện cách nhà hơn chục cây số. Đỗ đi từ nhà bác trưởng Dỗi đến bệnh viện còn Xiêm lại từ bệnh viện về nhà. Về đến nhà Xiêm tỏ ra mệt mỏi, dáng vẻ phờ phạc, thất thần. Cô vừa quăng mình xuống giường thì có tiếng chuông điện thoại, Xiêm mở máy thấy Đỗ gọi. Xiêm hờ hững đặt máy lên tai nghe mà không đáp lại phía máy bên kia. Im lặng khá lâu cô mới đáp lại bằng một giọng trầm buồn thiếu hào hứng:

- Em nghe đây… Em đang ở nhà.

- Có vấn đề gì không em?

Im lặng…

Có gì làm em khó nói thế?

- Em đợi anh về sẽ nói vì chuyện khá dài.

Sau chừng hai mươi phút Đỗ đã có mặt ở nhà. Gặp vợ anh hỏi ngay:

- Có chuyện gì phức tạp phải không em?

- Hôm nay em đến bệnh viện siêu âm…

- Sao em lại đi một mình?

- Em nóng lòng muốn biết thai nhi ra sao…

Anh cũng sốt ruột như em nhưng cái gì cũng phải có thời gian chứ em.

- Bác sĩ bảo em sẽ sinh đôi hai con trai.

Đỗ nhẩy cẫng lên như trẻ con, anh ôm lấy vợ hôn tới tấp vào má cô:

- Tuyệt vời! Thật tuyệt vờì! Chỉ sinh một lần mà được hai hoàng tử thì trời đất quá ưu tiên cho chúng ta. Anh sẽ đặt tên cho các con là Đại Phúc và Đại Lộc.

Nghe chồng nói Xiêm không mấy vui mừng, cô có vẻ trầm ngâm, suy tư:

- Đừng vội mừng anh! Bác sĩ hẹn với em là ngày này tuần sau cả anh và em đến viện khám lại bác sĩ sẽ có ý kiến.

- Thế thì tốt quá. Em thấy không, ngành y của ta thật tốt. Họ quan tâm đến hạnh phúc của từng gia đình. Hôm ấy anh sẽ đưa em đi để cùng được nghe chuyên môn tư vấn. Nhưng từ nay em phải biết là em đang nuôi hai thai nhi nên ăn uống phải tăng cường hơn. Người ta ăn một thì em phải ăn hai hoặc một rưỡi mới đảm bảo.

Cái điều làm Xiêm không mấy vui đã hiện rõ qua ánh mắt của Xiêm nét ưu tư, trầm lắng thậm chí còn có gì như lo lắng, hoảng sợ mà cô chưa thể nói ngay với chồng. Đó là sau khi khám thai bằng phương pháp khoa học mới qua siêu âm bốn chiều, bác sĩ đã phát hiện ra cô sẽ sinh đôi. Song cô nhận thấy từng cử chỉ của bác sĩ như mách bảo cô là thai nhi có vấn đề. Cô mạnh dạn hỏi:

- Thưa bác sĩ, cái thai của em có vấn đề gì không ạ?

- Không… không có gì đâu nhưng… Cô bác sĩ ngập ngừng, im lặng nhìn Xiêm giây lát thể hiện một chút đồng cảm rồi chuyển sang chuyện khác:

- Chồng cô, anh ấy làm nghề gì?

- Dạ, nhà em làm công nhân xây dựng chuyên lắp điện nước.

- Anh ấy bao nhiêu tuổi?

- Dạ, anh ấy ba nhăm ạ.

- Anh ấy có nghiện hút gì không?

- Không.

Tiền sử bệnh tật của cô và anh ấy có biểu hiện gì không?

- Chúng em chả ai có bệnh gì nghiêm trọng cả. Chỉ có mỗi bệnh chậm sinh con thôi.

Bác sĩ mỉm cười:

- Chậm có con đâu phải là bệnh. Chậm lại còn tốt nữa là khác.

- Vâng, em cũng nghĩ thế. Nhưng chậm quá cũng sốt ruột, chúng em đã cưới nhau hơn mười năm rồi chị ạ.

- Chị làm nghề gì?

- Em làm ruộng ở quê, những ngày nông nhàn thì làm thêm mây - tre - đan.

- Chị có uống trà, cà phê, bia rượu gì không?

- Không.

- Anh ấy mới ba nhăm chắc là không tham gia chiến đấu trong quân đội?

- Vâng. Chỉ có bố chồng em là bộ đội, ông có một thời chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên - Huế. Sau khi thống nhất đất nước ông về phục viên hiện đang làm chủ tịch hội Cựu chiến binh của xã.

- Bố chồng chị có bị thương tích gì không?

- Rất may chị ạ, ông trở về lành lặn không có vết thương nào, chỉ thỉnh thoảng bị sốt rét qua loa thôi.

- Bây giờ chị về đi. Không phải uống thuốc gì đâu. Tôi cho chị cái giấy giới thiệu, tuần sau chị mời anh cùng đến bệnh viện phụ sản trung ương khám lại, họ sẽ tư vấn chính xác cụ thể để sau này việc sinh đẻ của chị không bị trục trặc.

Biết tin con dâu sẽ sinh đôi công tử, ông Nghiêm hết sức phấn khởi. Ông cứ đi đi lại lại trong nhà, vẻ chờ đợi một ngày nào đó con dâu ông sẽ đẻ cho ông hai thằng cháu đích tôn. Ông lại thủ một chai lavi rượu tung tăng ra quán bà lang Cụt. Ông Bương đã có ở đó. Tay di di trên màn hình điện thoại miệng luôn bật lưỡi: “chậc, chậc… chậc…” thán phục một điều gì đó mà ông vừa đọc được qua “Gu gồ”. Ông Nghiêm đến gần đưa tay định bắt tay ông  Bương. Ông Bương mải đọc tin nên không chú ý chỉ đưa tay lên cầm tay ông bạn láng giềng một cách miễn cưỡng. Ông Nghiêm hỏi:

- Ông có tin gì hay mà chăm chú thế?

Ông Bương vẫn giọng của người hiểu biết.

- Gu gồ là anh nào mà giỏi thế không biết. Muốn tìm hiểu cái gì chỉ cần chạm nhẹ vào anh ta là có tất cả mọi chuyện nào: Đàm thiên thuyết địa luận nhân, tin tức nóng bỏng, ca nhạc cải lương, mua bán hàng… Chỉ riêng ngành Y thôi anh ta đã cho người đọc bao nhiêu thông tin mới mẻ, kì diệu. Nào ghép thận, ghép tim, ghép gan, thay máu, ghép tủy sống, cấy tế bào vào óc rồi sinh sản vô tính… Nghĩa là sản xuất ra con người họ cũng làm được. Đây này, ông giơ điện thoại lên tận mặt ông Nghiêm.

- Các bác sĩ Anh quốc vừa thành công việc tách rời hai thân thể của trẻ mới sinh…

Ông Nghiêm sửng sốt hỏi:

- Sao lại phải tách?

- Hai đứa dính vào nhau ngay từ khi sinh ra.

- Ông Bương đọc chậm rãi trên màn hình.

- Chúng dính vào nhau vì trong bụng mẹ nó không đủ nước ối nuôi thai nên chúng phải dính vào nhau để cùng sống. Nhưng đây là trường hợp mỗi cơ thể đều có các bộ phận nội tạng đầy đủ, có não riêng, cột sống riêng, chân tay, thân thể riêng…

Ông Nghiêm nói chen vào:

- Thôi, khoa học phát triển là trên cả tuyệt vời. Ở nước ta cũng đã làm được việc đó rồi.

Định bụng khoe với ông Bương rằng mình sẽ có hai thằng cháu sinh liền một lúc. Nghe chuyện ông Bương đọc trên điện thoại ông Nghiêm lại thôi, ông lấy chai rượu ra và nói:

- Hôm nay tôi lại khao.

Bà lang Cụt bưng ra đĩa lạc luộc để trên bàn, bà hỏi:

- Có chuyện gì vui hơn sắp có cháu đích tôn hả ông?

Ông Nghiêm rót rượu ra đưa cho ông Bương một chén. Hai ông uống. Ông Nghiêm không trả lời câu hỏi của bà Lang Cụt, mà nói:

- Khoa học công nghệ thế giới ngày một tiến bộ đáng nể thật.

- Đặc biệt là Y học.

Ông Bương bổ sung:

 - Con người chúng mình sẽ được thừa hưởng nền công nghệ bốn chấm không. Tuổi thọ sẽ được kéo dài khi con người có thể trạng tốt, ít bệnh tật, ăn uống hợp lý, chất dinh dưỡng đảm bảo an toàn. Tôi nghĩ ông sẽ thọ tới hai năm mươi, ông ạ.

- Tôi nghĩ là hai năm mốt, năm hai ấy chứ. Vì tôi đã từng sống khổ sở, thiếu thốn đủ thứ những năm chiến đấu mà tôi vẫn trở về nguyên vẹn. Bây giờ sống quá đầy đủ nên không việc gì mà phải chết sớm. Ngừng một chút rồi ông  nói:

- Sống lâu ai chả muốn nhưng trời có cho không mới là vấn đề.

- Trời không cho thì đã có khoa học công nghệ cho ta, ông ạ. Quan trọng là chất lượng dân số. Cái anh Nhật Bản, anh Canada, anh Mỹ họ biết cách tăng chất lượng dân số qua việc sàng lọc thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Đây này… Ông lại chỉ tay vào màn hình nói như giảng giải. Họ có kỹ thuật siêu âm rất hiện đại, nếu thấy bào thai không được khỏe mạnh hoặc có khiếm khuyết mà cho rằng khi sinh ra đứa bé ấy sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội, là nỗi ám ảnh tinh thần lớn cho cộng đồng và mọi người xung quanh. Họ đã vận động bố mẹ nên bỏ cái thai ấy đi rồi tìm cách làm lại… Vì thế dân tộc Nhật bây giờ cao lớn, khỏe đẹp như tranh vẽ lại là dân tộc có nhiều người già sống lâu nhất.  Con gái ta mê trai Nhật lắm, ông ạ.

Ông Nghiêm bâng quơ:

- Phải, bây giờ không ai dám gọi người Nhật là giặc lùn, kiếm cong như mấy mươi năm trước nữa.

- Dân ta cũng đang mong muốn được như người Nhật đấy. Những gì không có lợi cho dân tộc nên dứt khoát phá bỏ đi từ trong trứng mới được. Việc này thực sự là khoa học, là văn minh, là nhân đạo. Tôi rất đồng tình chứ cứ nghĩ cổ lỗ, ủy mị như ta là không hiểu gì về khoa học sinh sản, ông ạ.

                                                    * * *

Để mặc ông Bương giảng giải, phân tích, ông Nghiêm chợt nghĩ tới những ngày ở chiến trường Tây - Nam Thừa Thiên. Ông nhớ, dọc đường hành quân vào trận đánh ngoài tư trang, súng đạn, lương khô, nước uống mỗi người còn được quân y phát thêm cho một gói bột màu vàng và dặn: Nếu lấy nước suối ở vùng này thì trước khi uống các đồng chí phải pha một chút bột này vào để lắng mười lăm phút hãy uống. Có người hỏi thì đồng chí y tá giải thích đơn giản: Bột này có tác dụng chống sốt rét và chất độc dioxin. Sốt rét thì mọi người biết nhưng dioxin là gì thì chả ai biết. Không biết thì chẳng sợ gì hết. Điếc không sợ súng mà! Bột của quân y cho cũng chỉ dùng được chưa đầy một tháng. Lúc khát chẳng ai bảo ai tất cả cứ thấy suối nước là vục uống. Sống chết đã có số rồi. Không chết vì bom đạn thì chết vì chất nọ chất kia cũng thế cả. Tất thẩy đều là liệt sĩ! Lúc ấy ở rừng ai nấy đều lấy làm thú vị vì rừng chỉ toàn thân cây khẳng khiu, không còn cái lá nào. Tất cả lá đã rụng xuống trải dày trên mặt đất. Lính ta dùng lá làm ổ, làm giường tuyệt lắm. Nằm ngửa trên thảm lá vàng nhìn bầu trời đầy sao, trăng sáng vằng vặc nó tuyệt làm sao. Họ cho rằng lá rụng là chuyển mùa chứ đâu biết lá rụng là do bọn Mỹ nó phun thuốc hủy diệt cây cối để rừng không còn là tấm màn che mắt chúng. Nhờ vậy, bọn  thám báo mới dễ phát hiện quân ta ở bất cứ chỗ nào để thông tin cho máy bay đến bắn phá. Quân ta bị thiệt hại nặng.

Chiến tranh kết thúc may mà mình còn sống nguyên vẹn trở về.

Đầu những năm chín mươi nhà nước cho các chiến binh khai thương tích, nhiễm chất độc da cam/dioxin để làm chế độ chính sách. Nhiều người đến phòng Thương binh – Xã hội xuất trình các loại giấy tờ để minh chứng mình thuộc đối tượng được hưởng chế độ. Mình cũng khai là chiến đấu ở Thừa Thiên từ mùa khô năm 1968 đến mùa mưa năm 1970 thì chuyển vào phía trong. Cơ quan chính sách cho mình đi kiểm tra toàn diện. Mình rất vui thấy không có hiện tượng gì. Không có thương tật gì là niềm mong ước lớn nhất của bất cứ người lính nào từ mặt trận trở về.

Trong đám bạn chiến đấu của mình có thằng Tuấn, thằng Ngũ là thân nhất, vì chúng nó vừa là đồng ngũ vừa là đồng hương. Tuấn được xác định là có nhiễm chất độc da cam. Thể hiện qua xét nghiệm máu và cụ thể hơn là nó lấy vợ sinh con. Một cô con gái. Lúc mới hai tuổi cô con gái nó trông đẹp tuyệt, ai cũng nghĩ nó sẽ là hoa hậu sau này khiến vợ chồng Tuấn vui mừng khôn xiết. Nhưng sang đến năm thứ ba, con nó bỗng nhiên biến dạng một cách không tưởng, mặt nổi đầy u thịt, chậm lớn và ngu ngơ như bị tâm thần. Bốn tuổi mà không biết nói năng gì cứ u ơ u a, nó chẳng chịu ăn uống nên thân thể teo đi thê thảm, đi không nổi, đứng cũng không vững. Vợ chồng Tuấn phải nhốt riêng nó trong một cái cũi với sự đau lòng khôn tả…

 Lại cậu Ngũ ở làng bên trước khi vào bộ đội đã có một đứa con trai, xuất ngũ cùng mình về đẻ đứa thứ hai cũng là con trai nhưng khi ra đời cháu không có hậu môn các bác sĩ phải làm tiểu phẫu cho cháu đẩy chất thải ra, đợi cháu được hai hay ba tuổi sẽ phẫu thuật cho cháu. Chăm sóc cháu vô cùng vất vả, trật vật mà cũng không giữ nổi. Được hơn một năm cháu ra đi. Ngũ nghĩ đẻ đứa thứ ba chắc sẽ không sao, vì lúc ấy Ngũ đâu có biết là mình đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.  Thế là lại một thằng con nữa ra đời. Từ khi ra đời cháu đã mắc phải cái bệnh nhũn não. Do vậy mà đến nay nó đã ngoài ba mươi tuổi vẫn chỉ nằm trên giường không biết nói chẳng biết đi. Hai vợ chồng Ngũ cứ phải vừa cật lực lao động kiếm sống, vừa chăm sóc con thật là trăm đường khổ ải.

Còn cô giao liên ở binh trạm T4 sát với đơn vị mình nữa. Hiện giờ đầu trọc lốc, không còn một sợi tóc. Cô ấy may mắn cũng lấy được chồng nhưng khi có bầu và đẻ ra một đứa trẻ bị vẹt bên đầu, có mỗi một chân còn tay thì chỉ có hai mẩu khuỷu ngắn ngủn. Nuôi thì quá khó mà ai có thể đang tâm giết con mình? May mà… mình… mình Thêm một lần mừng thầm. Cùng năm Tuấn sinh con gái, mình sinh thằng Đỗ. Đỗ hoàn thiện mọi mặt lại đẹp trai, cao ráo, học hành thông minh lanh lợi, nói năng lưu loát, làm việc nhanh nhẹn, tháo vát. Sắp tới vợ nó lại sinh ra cho mình hai thằng cháu “đít tôn” thì thật là nhà mình có phúc lớn…

Năm 1996, khi Đỗ đã được mười bẩy tuổi thì có một thanh niên tìm đến nhà mình, tự giới thiệu là cán bộ của phòng Chính sách tỉnh đến nhà để kiểm tra về con mình. Mình tiếp đón trân trọng. Sau tuần trà người thanh niên ấy nói:

- Em biết anh cùng chiến đấu với anh Tuấn, anh Ngũ người cùng xã. Anh Tuấn và anh Ngũ đều bị nhiễm chất độc da cam nặng, anh lại không. Lạ thật.

- Tớ cũng không biết tại sao như vậy. Nhưng tớ đã kiểm tra rồi, không có gì, mình cũng rất ngạc nhiên. Hay khả năng miễn dịch của mình quá cao.

Anh chàng này nói là nhiễm chất độc da cam sẽ biểu hiện qua hai yếu tố. Một là nhiễm trực tiếp vào chính người bị tiếp xúc với chất độc. Hai là gián tiếp thể hiện qua con cái.

Mình gọi thằng Đỗ ra giới thiệu với giọng tự hào:

- Thằng con tớ đây. Cậu xem đi nó có biểu hiện gì không?

Chàng thanh niên ngắm nhìn thằng Đỗ một lúc lâu rồi nói:

- Thế này thì yên tâm rồi. Anh không nhiễm gì là đúng. Nhưng… Anh ta ngập ngừng rồi hỏi:

- Thế anh có muốn làm chế độ để được hưởng trợ cấp nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam không?

- Thế là thế nào? - Mình hỏi.

- Nhà nước có nguồn tài chính từ chính phủ Mỹ và các tổ chức nhân đạo quốc tế dành cho nạn nhân chất độc da cam. Ai đủ điều kiện thì được hưởng, cả các con họ cũng được chế độ.

Điều này thì Tuấn đã kể cho mình nghe rồi. Kể ra cũng chả nhiều nhặn gì song cũng là một chút quan tâm của Đảng và nhà nước đối với chiến binh trong vùng có chất độc. Song đối với mình thật khó. Nếu được nhận chút xíu chế độ mà khi lớn lên con mình sẽ gặp khó trong việc lập gia đình. Biết nó bị ảnh hưởng chất độc da cam thì đứa nào dám lấy nó nữa. Nghĩ đoạn mình nói:

- Liệu cậu có làm được không?

- Làm được chứ. Em là đệ tử ruột của thủ trưởng em. Anh cứ đưa hết giấy tờ đây em giúp cho.

Mình thấy hơi ngài ngại:

Giấy tờ tớ nộp hết cho phòng Thương binh – Xã hội rồi. Không sao thì giữ làm gì cho chật tủ.

- Anh nộp ở huyện thì yên tâm, em sẽ làm cho. Chỉ vài tháng sau là anh có giấy chứng nhận nạn nhân và được lĩnh trợ cấp.

- Thế tớ có phải đóng góp gì không?

- Có chứ. Anh chuẩn bị cho năm triệu đồng tiền dịch vụ.

Mình lờ mờ nghĩ đây là “cò”. Biết hồ sơ của mình có thể làm được thì hắn mới mò đến tận nhà gợi ý và nhận làm dịch vụ. Thì ra tỉnh cũng có “cò”. Ngành nào cũng có “cò”. Mình lại hỏi:

- Thế người không có hồ sơ như của tớ muốn làm để hưởng chế độ có làm được không?

- Làm được. Nhưng tiền dịch vụ phải cao gấp nhiều lần vì bọn em phải mất thêm công xin phép các sếp lớn hợp thức hóa hồ sơ.

Nhìn thẳng vào mặt hắn mình nói:

- Thôi, tớ chẳng làm đâu. Mình không đủ tiêu chuẩn thì làm làm gì. Cậu về đi. Sau này khi nào cần tớ sẽ nhờ cậu.

* * *

Tại phòng siêu âm của bệnh viện Phụ sản thành phố. Trên chiếc giường trải ga trắng Xiêm nằm theo tư thế mà bác sĩ yêu cầu. Quần của Xiêm được tụt xuống dưới đùi. Một cô bác sĩ cầm cái đầu dò di di khắp trên bụng Xiêm, nhất là vùng bụng dưới. Cô bác sĩ khác gọi Đỗ ra ngồi cạnh mình trước màn hình siêu âm bốn chiều to cỡ bốn hai in. Tất cả những gì trong bụng Xiêm đều hiện lên, rõ nhất là cái thai. Đỗ nhìn cái thai có hiện tượng sinh đôi vì có hai cái đầu mờ mờ nhưng chỉ có một thân thể rõ, thân kia cũng mờ, nhất là cột sống. Đặc biệt phần nội tạng bộ phận nào cũng chung, tim cũng chỉ có một quả, chân tay cũng thiếu, mỗi thai chỉ còn một tay, một chân, hai cái chim nhỏ tí… Một quả tim hầu như chỉ chuyển động rất yếu ớt.

Đỗ sợ quá run lên, toát cả mồ hôi.

Cô bác sĩ ngồi cạnh Đỗ nói cho cả Xiêm cùng nghe:

- Anh chị nhìn và hiểu rồi chứ. Muốn có con và nuôi được thì không nên giữ thai nhi này…

Đỗ cướp lời:

- Tại sao ạ? Có thể lúc này thai nhi còn chưa hoàn chỉnh nên bác sĩ mới nhận định như thế.

- Thông thường bào thai sau hai tháng là đã định hình rất rõ rồi. Thai của chị nhà bộc lộ thật rõ là thai không có khả năng hoàn thiện. Nếu ra đời chúng sẽ khó có thể tồn tại được. Lúc đó sẽ khổ cho anh chị và gia đình với những người xung quanh khi nhìn thấy chúng là quái thai.

- Chị có thể cho tôi biết nguyên nhân nào dẫn đến hậu quả này?

- Do những nguyên nhân sau. Do người mẹ, có bệnh giang mai, người chồng hoặc vợ nhiễm HIV hoặc là…

Đỗ lại cướp lời:

- Không thể… Chúng tôi không có những bệnh ấy.

- Hoặc là anh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

- Chuyện lạ. Tôi có là bộ đội chiến đấu đâu… mà.

- Thôi, không biết là nguyên nhân gì, nhưng hậu quả đã xảy ra rồi. Theo chúng tôi anh chị nên phá cái thai này đi. Anh chị vẫn còn đủ thời gian để làm lại.

- Tôi được biết bệnh viện ta đã tách thành công các cháu sinh đôi dính nhau cơ mà.

- Đúng. Khoa học có thể làm được nhiều điều phi thường. Trường hợp này rất khó thực hiện vì thai nhi không hoàn thiện cho bất cứ một cơ thể nào nên tách ghép là điều không thể.

Xiêm đã ngồi dậy, tay cầm khăn lau dung dịch còn dính trên bụng tai vẫn lắng nghe bác sĩ nói với Đỗ.

- Vì trách nhiệm đối với chất lượng dân số nước nhà, tôi thực lòng khuyên anh chị nên bỏ cái thai này đi, càng sớm càng tốt để khỏi phải nhìn thấy con mà đau lòng. Lúc đó lại than vãn: Bỏ thì thương vương thì tội. Không nuôi được chúng đâu! Tôi nói thật đấy… Để nói với anh chị điều này, bệnh viện chúng tôi đã phải nghiên cứu và hội chẩn rất nghiêm túc.

Đỗ và Xiêm khẽ chào các bác sĩ. Đỗ đèo vợ về nhà, thuật lại toàn bộ sự việc mắt thấy tai nghe cho bố. Ông Nghiêm như chết đứng tại chỗ. Chén nước đang cầm trên tay rơi xuống nền nhà vỡ tan, nước bắn tung tóe ra sàn. Mãi sau định thần được ông mới nói:

- Cứ đẻ ra đã. Có thế nào sẽ có sự can thiệp của khoa học, ngành Y nước mình bây giờ giỏi lắm. Chuyện tách ghép là chuyện bình thường.

Đỗ nhìn bố đầy vẻ đau đớn nhưng anh cố nén:

- Không, bố ơi. Bác sĩ nói là thai nhi không hoàn thiện thì có tách ghép được cũng vô ích.

- Anh có nhìn thấy rõ cái thai đó không hay là…

- Con nhìn rõ mồn một trên màn hình màu bốn hai in. Đúng là thai nhi có vấn đề lớn. Anh đưa tờ giấy in kết quả siêu âm cho ông Nghiêm.

Không biết có nhìn rõ các chi tiết trên bản in không mà ông Nghiêm cụt hứng, lặng yên suy nghĩ có vẻ khó chịu và bất lực. Lúc lâu ông nói:

- Thế thì thôi… Còn gì để nói nữa… Cứ theo như các bác sĩ tư vấn hướng dẫn mà làm.

 

Sau một tuần ai đến bệnh viện Phụ sản này đều nhìn thấy một bình thủy tinh to chứa đầy dung dịch phooc môn. Trong đó có thai nhi hai đầu hình dạng quái dị để ngay trên chiếc bàn lớn ở phòng khám. Bên cạnh có biển đề: “Ý thức được vấn đề chất lượng sinh sản cặp vợ chồng anh Đ và chị X đã quyết định phá bỏ thai nhi này. Khi được các bác sĩ chuyên khoa phát hiện là thai nhi không hoàn chỉnh”.

Còn ông Nghiêm, sau khi cán bộ của phòng Thương binh  – Xã hội xem đơn và kết quả siêu âm của con dâu, ông đã được phòng xác nhận là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Trích trong tập truyện Bình minh ngày mới.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét