Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

THƠ VĂN CỦA NGƯỜI SAY MÊ LÀM KHUYẾN HỌC

 


THƠ VĂN CỦA NGƯỜI  SAY MÊ LÀM KHUYẾN HỌC

                   Đọc “Tri ân và Kỉ niệm” của Nguyễn Thị Kim Thành, Nxb Hội nhà văn, 2020.

                                         PGS. TS. Vũ Nho

TS. Nguyễn Thị Kim Thành là thành viên của một gia đình nhiều thế hệ làm khuyến học của phường Dịch Vọng Hậu. Bà là người trực tiếp tham gia  các đoàn thể và tổ chức ở khu dân cư. Đã đảm nhận các công việc Chi hội phó chi hội người cao tuổi, tham gia cấp ủy Đảng hai nhiệm kì, đặc biệt là rất tích cực tham gia phong trào khuyến học của phường. Bà làm Chị hội phó, Chi hội trưởng, rồi ủy viên Ban chấp hành Chi hội khuyến học ở khu dân cư hơn 10 năm. Bộc bạch về việc làm thơ, viết văn của mình, bà viết :

          Phường Dịch Vọng Hậu và Hội khuyến học của  phường nơi tôi ở, hàng năm đều phát động phong trào viết về người tốt, việc tốt để động viên nhân dân hoàn thành nhiệm vụ của mình…

          Chính vì những lý do trên, tôi đã làm thơ và viết văn nhiều hơn”. ( Lời nói đầu)

         Như vậy là đã rõ, Tiến sĩ, nhà giáo nghỉ hưu Nguyễn Thị Kim Thành cầm bút viết văn thơ là do nhu cầu động viên nhân dân trong phường hoàn thành nhiệm vụ của mình. Là nhà khoa học về môn Sinh học, nhưng tác giả vốn yêu văn chương từ nhỏ, đồng thời đã khiêm tốn tham dự lớp học của Trung tâm bồi dưỡng kĩ năng sáng tác văn học Nghệ thuật Đất Việt, tham gia các câu lạc bộ thơ của phường Dịch Vọng Hậu, câu lạc bộ thơ Lục bát quận Cầu Giấy, câu lạc bộ Thơ – Văn quận Cầu Giấy. Chính nhờ tham gia các câu lạc bộ, giao lưu và học hỏi, tác giả đã viết được một số bài thơ, bài văn công bố  trong các tập thơ văn in chung : Lục bát Việt Nam, Lục bát Hà Nội, Khúc tâm tình, Nhịp cầu thơ, Thơ văn Cầu Giấy, Thơ 1000 năm Thăng Long Hà Nội và kỉ niệm 5 năm thành lập phường Dịch Vọng Hậu, Xuân Đất nước, Hoa Khuyến học.

          Thật là một cố gắng phi thường của một người phụ nữ mà cầm bút sáng tác thơ văn là một việc mới mẻ, xa lạ  khi đã nghỉ hưu mới bắt đầu làm quen.

          Tác giả  tự chia thơ đã viết, đã in thành 4 mục tương ứng với 4 chủ đề là Về những người thân; Về những danh nhân, liệt sĩ và bạn bè; Du ngoạn trong và ngoài nước;  Cảm nghĩ và thế sự. Đối với phần Văn, tác giả có hai chủ đề lớn là : Những kỉ niệm không quênGương sáng khuyến học, xây dựng phường.

Có thể nói tuy chia 4 phần thơ như vậy cũng chỉ là  phân định có ý nghĩa tương đối mà thôi. Ví dụ như “Họp khóa tiểu học” có thể xếp vào mục “Về những danh nhân, liệt sĩ và bạn bè”, hoặc bài “Đưa con vào lớp một” có thể xếp vào “Về những người thân”. Tác giả là người tham gia Câu lạc bộ thơ Lục bát Cầu Giấy, có phải vì thế chăng mà phần lớn các bài thơ trong tập này là những bài lục bát. Không có những bài nổi trội xuất sắc, nhưng cũng không có bài nào quá non lép. Tác giả triển khai mạch thơ và gieo vần khá thuần thục. Trong số những bài lục bát đó, có những bài, những câu thành công, gây được sự cảm mến của người đọc. Đặc biệt là phần viết về  những người thân. Tác giả cho thấy sự quan tâm, yêu mến và kính trọng mẹ cha, yêu thương những người thân thích, ruột rà,…

          Với người chị  mình tác giả không chỉ ca ngợi  sự cố gắng công tác, mà còn ca ngợi gia đình chị trong ấm ngoài êm. Và thật hồn nhiên, chân  thành  khi viết câu thơ kết:

          Thật gần gương sáng đây rồi

          Chúng em học tập suốt đời noi theo

                      ( Chị tôi)

Với người cháu đỗ cao, nối tiếp nghiệp nghề sư phạm của gia đình, bà viết những câu thắm đượm nghĩa tình:

          Ông bà mừng cháu gái ngoan

           Cả nhà phấn khởi hân hoan nào tày

           Cháu yêu khôn lớn từng ngày

           Như ông, bà, mẹ, nghiệp thầy cháu theo

                      ( Cháu tôi nhận bằng)

Một điều thú vị là bà Kim Thành viết phê bình tập thơ của các bạn viết trong câu lạc bộ cũng bằng thơ lục bát. Đó là ba bài “ Cảm nhận tập thơ Đường đời của Thanh Nhã, “ Đọc thơ “ Ngày về” của bạn”, và  “ Đọc thơ Những điều đáng nhớ của Vũ Hùng”.

          Việc đi kiểm tra góc học tập của chi hội khuyến học cũng thành thơ để động viên, cổ vũ phong trào. Có thể nói thơ bà  phản ánh cuộc sống sôi nổi, thắm đượm tình cảm gia đình, anh em, bè bạn của một người hăng say  công tác, nhất là việc khuyến học, khuyến tài. Đúng như mấy câu thơ giản dị bà tự bạch:

          Vẫn còn công việc vui thay

          Viết gương người tốt  ở ngay khu mình

          Việc đoàn, việc hội nhiệt tình

          Dưỡng sinh tập luyện cho mình dẻo dai

          Động viên con cháu kịp  thời

          Sống vui sống khỏe như lời Bác khuyên

                    ( Luôn luôn vui vẻ)

         Phần văn cũng khá thành công với bài viết cảm động “Kỉ niệm hai người mẹ”. Viết về mẹ đẻ, mẹ chồng như thế chỉ có thể từ tấm lòng của một người gái thảo, dâu hiền.  Một thời làm công tác khuyến học” là một tổng kết tâm huyết của người chi hội trưởng. Bài đã đoạt Giải nhất văn xuôi viết về đề tài khuyến học của phường Dịch Vọng Hậu. Bài “Chuyến du lịch về Đất Mũi Cà Mau” là một bút kí ghi  lại sáu ngày tham quan của các thành viên Hội cựu giáo chức trường ĐHSP Hà Nội khá thú vị. Đặc biệt có hai bài viết công phu, tâm huyết là  bài  Người phu chữ làm khuyến học” và “ Nguyễn Vân Trang thành công bước đầu nghiên cứu vắc xin”. Cả hai bài đã được giải thưởng viết về đề tài khuyến học, trong đó bài “ Người phu chữ làm khuyến học” đã được Giải đặc biệt của quận Cầu Giấy.

         Có thể thấy bà Nguyễn Thị Kim Thành là người viết nhiều về phong trào khuyến học của địa phương. Phần phụ lục trang 109 cho biết tác giả còn viết 10 bài về những tấm gương khuyến học, làm công tác hòa giải của phường, hơn một nửa đã  được giải thưởng của Phường  Dịch Vọng Hậu và của Quận Cầu Giấy.

          Chủ tịch Hội khuyến học phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Tý và Tổ trưởng tổ dân phố số 15 Vũ Thị Liên đã  viết bài về bà Nguyễn Thị Kim Thành như là một tấm gương tích cực làm khuyến học.

          Tập sách còn có gần 30 trang ảnh gia đình nội ngoại, các cháu  con và những thời điểm đáng ghi nhớ của gia đình và bà Nguyễn Thị Kim Thành.

          Có thể nói việc in tập sách “ Tri ân và Kỉ niệm” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thành là một việc làm rất đáng khích lệ, ghi nhận dấu ấn của một người nhiệt tình, trách nhiệm với phong trào khuyến học phường Dịch Vọng Hậu. Đọc tập sách, bạn đọc sẽ hiểu hơn  về một cán bộ khuyến học, hiểu thêm vì sao Hội khuyến học phường Dịch Vọng Hậu  là đơn vị xuất sắc không chỉ của quận Cầu Giấy, không chỉ của thành phố Hà Nội, mà còn của cả đất nước Việt Nam.

                                                 Hà Nội, 9 tháng 1 năm 2021

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét