70 NĂM ĐHSP HÀ NỘI - GS NGUYỄN KHẮC PHI Sửa
THẦY CÔ SƯ PHẠM VĂN KHOA
THẦY NGUYỄN KHẮC PHI
GS.NGUYỄN KHẮC PHI
- Chu Văn Sơn –
Dân
văn Sư phạm I, thật chẳng khoá nào như cái khoá 79-83 chúng tôi! Hồi
ấy, lần đầu tiên tổ chức thi học sinh giỏi trên qui mô toàn quốc, lần
đầu tiên có chuyện đội tuyển được vào thẳng Sư phạm. Đông quá là đông.
Và toàn những tay khá cả. Mà đã khá thì thường kiêu và quậy. Tôi đoán
hồi ấy các cụ trong khoa chắc là điên đầu lắm về đám kiêu binh. Nhiều
giáo viên đã không kiên nhẫn được khi giờ dạy cứ thấy lớp trống hàng
mảng. Đến giờ của thầy chủ nhiệm lớp mình mà cũng bỏ bê không thương
tiếc, thì thật là… Ban chủ nhiệm khoa, đảng uỷ khoa, chi bộ sinh viên,
liên chi đoàn khoa đã phải vào cuộc về chuyện này. Nhiều biện pháp được
áp dụng. Nhưng hiệu quả yếu. Đã thế, hồi ấy lại có hàng loạt khẩu hiệu
tệ hại lưu hành trong giới sinh viên “không trốn tàu không phải sinh
viên”, “không bị ghẻ không phải sinh viên”, “không bỏ học không phải
sinh viên”… chúng đã từng là những “viên đá tảng” triết lí cho đám kiêu
binh ỷ vào. Cáu tiết, chủ nhiệm khoa đã đập bàn trong cuộc họp với các
giáo viên chủ nhiệm và cốt cán của khoá. Tôi nhớ, phải họp lớp, họp chi
đoàn, thậm chí, họp phòng, quán triệt liên miên, rồi những dọa nạt không
cho thi, trừ điểm, hạ hạnh kiểm. Nhưng cũng chả mấy ăn thua. Rắn không
lại. Vài kẻ sợ thôi, còn vẫn thế. Nhiều cụ dạy buồn chết đi được, ở nhà
đọc sách còn hơn. Lớp cứ trống dài dài…
Không
cán bộ tổ chức nào nhắc nhở. Không cán bộ lớp nào phải xua quân. Không
đứa nào động viên đứa nào. Cứ đến buổi là như nêm, như hội. Mà lạ. Lúc
trật tự, lặng phắc cứ như giáo đường. Lúc lại oà lên, râm ran như chợ
vỡ. Giờ nào cũng như giờ nào.
Tôi
còn nhớ giờ đầu tiên học ông là về Kinh Thi. Ông giảng như thăng đồng.
Bục giảng cứ muốn thành sân khấu. Thầy giáo bỗng chốc thành nghệ sĩ. Ông
lên xuống, ông viết, nói, vung tay, chỉ tay, xỉa tay, giọng nói mảnh
như kim nhưng sắc, sáng và say: “Lá cây ơi lá cỏ ơi, gió nó thổi mày
đấy!” Hình như ông hát chứ không phải đọc diễn cảm nữa. Ông phân tích vẻ
đẹp của Kinh Thi theo một cung cách rất độc đáo: vừa cảm, vừa luận, vừa
phê phán cách dịch chưa chuẩn, cách hiểu chưa đúng, cách tán chưa tới,
cách cắt nghĩa vu vơ, cách qui kết vô lối. Bình những chỗ tâm đắc, ông
dùng mọi ngôn ngữ có thể có: miệng nói, tay viết, mắt diễn, toàn thân
đều lên tiếng. Khi ấy, cái lưng vốn hơi còm muốn kéo ông xuống, nhưng
cảm hứng dào dạt lại muốn nhấc bổng ông lên, nên khuôn mặt ông cứ nhướng
lên, nghênh nghênh, say sưa, ngây ngất. Mỗi lần ông nhấn mạnh vào một
từ, một ý nào đó, toàn thân cứ nhoài mãi về phía đám sinh viên của mình.
Có những hôm khoái quá, tôi lên ngồi bàn đầu, thấy rõ, từ thân hình
mảnh dẻ đang muốn cất bổng lên của ông như có một nhiệt hứng nồng nàn
toả ra. Tôi nhớ, không ít lần đã phải khẽ né sang đứa bên cạnh để tránh
luồng khí ấy táp vào mình. Giảng đường cứ liên tục những đợt hết “ôi”
lại “a”.
Những buổi
giảng thơ Đường cũng thế. Sao mà thông kim bác cổ! Chỉ có một chữ “thâm”
trong câu thơ Đỗ Phủ Quốc phá sơn hà tại/ Thành xuân thảo mộc thâm mà
ông nói được dài thế. Ông so sánh với những chữ này chữ khác để khẳng
định rằng “thâm” mà dịch là “xanh”, là “tươi”, là “um”, là “âm u”, là
“thẳm”… là không thể được, không thể ra thơ và càng không ra Đỗ Phủ
được. Rằng chữ “thâm” ấy không chỉ gồm không gian mà chứa cả thời gian,
không chỉ có cảm nhận thiên nhiên mà còn cảm nhận thế sự, không chỉ có
cảm giác thời cuộc mà còn cả kí thác về thân phận, nó là trực quan, nó
cũng là triết lí. Một chữ “thâm” thế thôi mà bao nhiêu dâu bể của một
thời đại, của một đời người. Khiếp. Nếu không có căn cứ, thì chắc sẽ
thành tán. Mà tán, thì chỉ vài buổi thôi, đám kiêu binh sẽ bỏ hết. Đằng
này, cụ nói đến đâu chứng lí đến đấy. Lời dẫn thì lô gic, đầy lí lẽ,
chứng cớ, viện đến cả chục cuốn sách và từ điển, lời bình thì tinh tế,
tinh tường, giọng điệu thì cứ xoắn lấy người nghe, chẳng chịu buông.
Đúng là, buổi giảng của một chuyên gia đầu ngành có khác. Có người giỏi
cái vi mô, tiểu tiết, có người chỉ giỏi cái vĩ mô, chung chung. Thầy thì
cố gắng qua cái vi mô đế thấy cái vĩ mô. Qua một câu thơ mà thấy cả Đỗ
Phủ. Qua Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị mà thấy toàn bộ Đường thi. Qua một
con người, một giờ giảng mà như được tiếp xúc với cả một nền văn hoá.
Nghe xong mỗi giờ của cụ Phi, ai nấy đều sung sướng và mệt mỏi. Chắc
thầy cũng mệt mỏi, nói như trút lòng, dốc trí ra như thế, không mệt làm
sao được. Rời giảng đường về cứ như rời nhà hát. Hồi ấy, cái mốt xin chữ
kí chưa thịnh hành, chứ nếu như bây giờ thì…
Chính
từ những giờ giảng của thầy Phi, mà khi ấy tôi đã vỡ lẽ được hai điều
rõ rệt. Rằng, để sinh viên đến giảng đường, áp lực của kỉ luật, của
trách nhiệm, của ý thức lễ nghĩa là rất cần, nhưng vẫn không thay thế
được cái quyết định nhất: sức hấp dẫn. Sinh viên như những mạt sắt tản
mạn, sức hấp dẫn ở ông thầy là nam châm. Nam châm không đủ mạnh, thì có
ép đến thế nào, mạt sắt cũng rời ra, bong ra thôi. Và thật nực cười cho
ai, cứ thích ra uy, ra oai, cậy quyền, ỉ thế để ép người học đến nghe
mình hòng bù vào thỏi nam châm yếu của mình. Rằng, một thầy giáo dạy văn
đại học phải thế: vừa là nhà khoa học, vừa là nhà sư phạm, vừa là nhà
nghệ sĩ. Thiếu hụt một trong những yêu cầu ấy, thật khó có thể trụ lại
trên giảng đường Văn khoa. Hội đủ trong mình ba phẩm chất đó như thầy
Phi chắc không có nhiều. Về sau, được học thêm những giờ giảng của thầy
Mạnh, thầy Khung, thầy Luận, thầy Châu, thầy Sử… tôi càng nung nấu và
tin vào những vỡ lẽ ban đầu ấy. Nhất là đến khi cũng trở thành một thầy
giáo đại học ngành văn, tôi càng thấy những ấn tượng về một người thầy
trên bục giảng đại học trong buổi đầu mà thầy Phi đã gieo vào tôi có ý
nghĩa sâu sắc thế nào.
Hồi
ấy, tôi đã biết gì về gia thế nhà thầy đâu. Tôi thích ông hoàn toàn vì
đó là một thầy dạy hay, một chuyên gia đầu ngành về văn học Trung Quốc.
Còn dòng dõi nhà nho của thầy Phi bây giờ ít ai không biết. Sách báo nói
nhiều, truyền tụng trong dân gian cũng nhiều, mà thầy kể ra cũng nhiều,
càng gần đây càng nhiều hơn. Và lần nào được nghe, tôi cũng thấy ngưỡng
mộ. Thân phụ thầy là cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm mà danh tiếng về
thông minh, đỗ đạt đã đi vào cả giai thoại dân gian như một bậc kì tài
của xứ Nghệ. Nghe kể rằng khi cụ sinh ra, chim quí đến kêu trên nóc nhà,
hương lạ toả đầy cả sân vườn. Người anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn
Khắc Viện, một nhà trí thức lớn có nhiều đóng góp cho cách mạng và văn
hoá dân tộc; và người chị Nguyễn Thị Thiếu Anh từng là nữ sinh trường
Đồng Khánh, bị đuổi học vì mắng cả một thầy giáo người Tây dám xúc phạm
người An Nam, bà vốn là tác giả bài thơ “Chiếc nón bài thơ” có tiếng một
thời, gần đây lại cho xuất bản một tập truyện rất thú vị nữa. Còn cùng
cha cùng mẹ với ông là người anh Nguyễn Khắc Dương, một nhà thần học tên
tuổi thuộc kitô giáo và hai người em là Nguyễn Khắc Phê và Nguyễn Thị
Dư Khánh đều là những nhà văn, nhà giáo được nhiều người biết đến. Là
con đẻ của một gia đình như thế, hẳn thầy đã được thừa hưởng gen di
truyền và một nền nếp gia giáo ưu tú. Tất nhiên, để trở thành một chuyên
gia đầu ngành thì cái thông minh bẩm sinh và truyền thống chỉ là một
phần, sự nỗ lực bền bỉ của cá nhân vẫn phải là nhân tố rất lớn, nhất là ở
cái thời mà một lí lịch gia đình như thế là lực đẩy thì ít là lực cản
thì nhiều. Tôi biết, đằng sau mỗi bài giảng, bài viết của ông, bên dưới
mỗi chặng đời của ông có biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Có điều ông
hay kể, có chuyện chả thấy ông kể bao giờ…
•
Có
thân hình mảnh khảnh, nhưng thầy Phi lại là người giàu sức sống, ham
thể thao và rất văn nghệ. Thầy chơi bóng bàn chả chịu nhường đám trẻ.
Thầy hát cả nhạc Ta, nhạc Tàu, nhạc Tây và cả nhạc trẻ nữa. Có lần, thầy
đã thách chúng tôi hát đọ nhạc Trịnh với thầy. Mà thầy toàn chơi bài
độc cả. Ví như, về Hà Nội, chúng tôi hát “Nhớ mùa thu Hà Nội”, thầy hát
“Đoản khúc thu Hà Nội” bài rất ít người hát, chúng tôi hát “Hoa xuân
ca”, thì thầy thích chơi “Đoá hoa vô thường” khó ơi là khó. Lần nào
chiến thắng được bọn trẻ, thầy cũng có cái khoái thú rất hồn nhiên. Tôi
thì rất thích cái khả năng nắm bắt những tình huống trữ tình cũng như
trào phúng của cuộc đời, sau đó sáng tác thành thơ phú, câu đối để tặng
nhau, để giễu nhau nữa, rất nhanh ở thầy. Khả năng này xuất phát từ
chuyên môn, nhưng cũng xuất phát từ một hồn trẻ đầy tính văn nghệ của
thầy. Kể cả khi còn ở khoa hay sau này ra ngoài Bộ, làm Tổng biên tập
nhà xuất bản Giáo dục, tham gia Hội đồng Ngữ Văn, rồi làm tổng chủ biên
sách giáo khoa, bận tối mắt tối mũi, mà thầy vẫn giữ được phong cách
sống rất văn nghệ này. Có những bài thầy làm xuất thần. Nhớ hồi các cụ
được suất đi Liên Xô (cũ) để trao đổi khoa học gì đó. Mọi người mới lao
vào học tiếng Nga. Trưởng nhóm là cụ Bùi Văn Ba. Sau khi đi về, thầy Phi
đã kể chuyện xướng hoạ thơ và đọc ngay bài của thầy giễu bạn rất hóm
cho tôi nghe: “Toán trưởng Bùi Văn Ba/ Tấp tểnh học tiếng Nga/ Đếch phải
vì khoa học/ Chỉ vì… Natasa”. Viết về bạn như thế thì tài thật, quái
thật, trẻ nữa. Vì thế thầy rất hoà đồng với đám sinh viên có máu văn
nghệ. Đám kiêu binh hồi ấy bày ra đủ trò nghịch ngợm tinh quái. Người ta
vẫn nói “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”. Nhưng quỉ ma có thấy bao giờ,
nên nhất học trò thôi. Ngoài chuyện học hành nghiên cứu, chúng tôi chơi
cũng dữ, tập tọng viết lách, rồi làm hịch, làm cáo. Những buổi “nửa đêm
truyền hịch”, “rạng ngày bố cáo” cứ ầm ĩ đèn đuốc, náo loạn xô chậu dài
dài trong kí túc A7. Bấy giờ đọc cáo hịch trở thành một hiện tượng
trong đời sống Kí túc xá sư phạm. Sinh viên cả trường đều khoái và thắc
thỏm chờ đợi, vì hiếu kì cả vì ganh tị nữa. Ngại ầm ĩ, cũng có cán bộ
không thích, muốn dẹp. Có cuộc đã bị dẹp khá thô bạo. Nhưng thầy Phi bao
giờ cũng thuộc về phái “lờ” đi để đám sinh viên được dễ thở một chút.
Có nhiều bài hịch bài cáo hay đáo để, bao khoá sau hãy còn truyền tụng,
như “Cáo cử nhân đăng trường ứng thí”, “Cáo tú tài tựu trường”, “Hịch
sống vệ sinh”... Cái sinh hoạt hịch cáo rất sinh viên này về sau thất
truyền kể cũng tiếc. Hình như, thầy nào trò ấy, chúng tôi làm cả vè dựng
chân dung các thầy nữa. Tếu táo, nghịch ngợm phát khiếp lên được. Bài
vè ấy, có thầy biết thầy không. Nhưng nó đã được “bí mật lưu hành” trong
khoá tôi hồi ấy. Sau này, khi đã ở lại khoa, tôi đã đọc cho một vài vị
nghe. Có vị nghe xong không thấy nhắc gì đến mình thì nhẹ cả người. Có
vị rất khoái chí vì chúng nó dành cho mình câu rất hóm, có vị nghe nhắc
mình ở một câu không nhẹ lắm thì cáu: “bọn này láo thật”. Lại có vị,
nghe mãi không thấy mình được nhắc trong bài vè cũng buồn. Thì ra, được
đi vào bài vè của đám nhất quỉ nhì ma cũng tức là đã đi vào lòng chúng
nó. Biết đâu, nhờ thế mà có người bất tử cũng nên. Tôi vẫn còn nhớ lõm
bõm mấy đoạn.
Vừa dạy vừa hát
Là thầy Thế Cường
Vừa dạy vừa “lườm”
Là thầy Trường Phát
Vừa dạy vừa quát
Là thầy Hoàng Dung
Trống đánh lung tung
Là thầy Nghĩa Trọng
Chẳng
biết thầy Phi đã được đứa nào trong khoá ấy đọc cho nghe bao giờ chưa.
Còn tôi, thì chưa lần nào. Thực ra, ông là người rất dân chủ, ưu chuyện
tếu táo, sẵn sàng tán gẫu ngang ngửa với học trò. Nghe bài vè, hẳn phải
thú vị lắm. Bởi thầy sẽ thấy cái máu văn nghệ hài hóm đó là của các sư
phụ như thầy truyền lại cho đám học trò chứ đâu. Vả lại, chân dung thầy
cũng là những nét… đâu có tệ:
Vừa dạy vừa kể
Thầy Nguyễn Hoàng Tuyên
Vừa dạy vừa khuyên
Thầy Nguyễn Đình Chú
Vừa dạy vừa dỗ
Là thầy Thái Bình…
…Cười nhiều hơn giảng
thầy Dư họ Hoàng…
…Người bé tiếng vang
Cô Trịnh Thu Tiết
Suốt ngày Xô Viết
Thầy Nguyễn Hải Hà
Giờ giấc nhất khoa
Thầy Phùng Văn Tửu…
…Cực đoan ai bì
Thầy Nguyễn Đăng Mạnh
Nói tướng nói thánh
Thầy Trần Thanh Xuân
Duyên ngẩm duyên ngầm
Thầy Trần Hữu Tá
Chân nho túc nhã
Thầy Nguyễn Khắc Phi…
Vâng,
thầy Phi, thầy Khung và thầy Long vẫn được sinh viên các lứa bầu là
những nhân vật có dáng nho nhã nhất khoa. Nhận xét này đã từng gây tranh
cãi trong đám bạn bè vẫn tự coi là sành sỏi hồi ấy. Tôi nhất quyết, chữ
nho nhã không nói được hết thầy Phi. Với thầy Phi, chữ nho nhã phải
thêm chữ “dân dã”. Đám phản đối cho rằng, tôi chơi chữ, tôi thích tân
kì. Nhưng chúng đâu hiểu được đó vừa là quan niệm của tôi về cái đẹp và
cũng là những thực tế tôi biết về thầy Phi. Trong tâm trí tôi hồi ấy ông
luôn hiện ra trong dáng còm còm mảnh mảnh trên chiếc phượng hoàng nữ
với chiếc mũ lá khá rộng vành (hồi ấy khoa văn đội mũ lá hơi bị nhiều
thì phải?) kẽo kẹt đạp đi khắp nơi cùng với đám học trò. Cái tâm dành
cho học trò của thầy thế, chẳng chân thành và dân dã là gì. Tôi nghĩ bất
cứ sinh viên nào cũng ao ước có một thầy chủ nhiệm như thầy Phi. Nhiều
đứa lớp trước đã từng ghen tị với tụi lớp sau khi được biết chuyện ông
đã một mình nắng nôi đạp xe lên tận cầu Mai Lĩnh Hà Tây để thăm gia đình
và động viên cái Nương, khi con bé vốn có năng lực đó gặp tai bay vạ
gió trong cuộc thi tốt nghiệp cử nhân bốn năm và tiếp tục giữ lại lớp
đặc biệt năm năm. Giờ Nguyễn Thị Nương đã thành một tiến sĩ và vừa mới
được nhận về khoa Văn. Rồi chuyện thầy đạp xe lên tận Thuận Thành Hà Bắc
để dự đám cưới tay Kha. Hôm ấy, trời mưa giông còn bay cả phông màn đám
cưới. Nay thì Nguyễn Duy Kha cũng đã thành một trưởng phòng khảo thí
của Cục Khảo Thí. Rồi ngày khai trương Trung tâm luyện viết chữ đẹp của
Mai Thị Đông trên phố Trúc Khê nữa, dù rất bận thầy vẫn sắp xếp để có
mặt cổ vũ. Đông chả phải học trò lớp thầy chủ nhiệm đã đành, mà nay cũng
đâu phải là người công tác gần gũi, hoàn toàn chỉ là tình thầy nghĩa
trò vun xới từ những năm xưa. Nhiệt tình như vậy ở một thầy giáo đại học
thời nay chắc càng ngày càng vắng. Có không ít ông thầy khi học trò
thành đạt thì dè dặt khẳng định, hà tiện lời khen, thậm chí, còn tìm
cách hạ thấp xuống nữa, sợ trò kiêu cũng có mà sợ danh tiếng học trò át
mất uy danh của mình cũng có. Trong khi đó, thầy Phi đã hoan hỉ viết
những bài chào mừng thành công của học trò, như viết về các tác giả thực
sự. Tôi đã đọc những bài ông viết về Phạm Hải Anh, về Nguyễn Thị Bích
Hải, tôi nghĩ họ xứng đáng được như vậy. Về sau, đọc Tuyển tập Nguyễn
Khắc Phi, tôi thấy những bài viết ấy vẫn được ông tuyển nguyên vẹn vào
đó. Điều ấy chứng tỏ ông rất tâm đắc với những bộc lộc và đánh giá chân
thành dành cho học trò.
•
Tuy
không được ông chủ nhiệm, nhưng tôi cũng đã được ông dành cho những
tình cảm mà không phải ai cũng có được may mắn đó. Hồi năm thứ hai, khi
học phần Thơ Đường, là dịp đầu tiên tôi được gần gũi ông. Sau khi học
được những đặc trưng thi pháp thơ Đường, tôi đã viết một bài tập nhỏ,
phân tích chỉ hai câu thơ của Đỗ Phủ: “Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường
xương chất đống”. Tôi cố viết hết sức bút để xứng đáng với những gì ông
vừa truyền thụ cho mình trên lớp. Cuối cùng, điểm tuy không thật cao,
chỉ được chín thôi, nhưng tôi đã nâng niu bài viết cho đến tận bây giờ
như một kỉ niệm sâu sắc, vì ông đã chấm rất kĩ lưỡng, đã chỉ ra đâu là
sở trường, sở đoản trong lối tiếp cận văn chương của thằng sinh viên non
choẹt là tôi lúc ấy. Những bài được chấm như thế là sự soi sáng, là sự
khích lệ vô cùng quí báu, đôi khi là một cú hích quan trọng trong đường
văn chương của một con người. Rồi ông còn khuyến khích tôi nên báo cáo
trong câu lạc bộ Văn học Châu Á năm đó. Từ đấy trở đi, tôi được gần ông
hơn. Và cũng tự tin lên nhiều hơn.
Đến
khi học xong Cao học, khoa Văn giữ tôi lại ngoài này, tôi gặp rắc rối
trong việc xin chuyển. Mà nếu không được chuyển ra thì đối với tôi mọi
chuyện như là sụp đổ vậy. Vợ con tôi ở ngoài này, đại gia đình tôi ở
ngoài này, khoa Văn này là nơi tôi đã gắn bó 6, 7 năm trời, mọi dự định
về công việc và sự nghiệp nữa đều gắn với nơi này. Nếu mình không ra
được thì rồi đời mình sẽ ra sao? Bài toán cuộc đời mình chắc sẽ bế tắc,
không thể giải được mất. Nhất là hồi ấy việc thuyên chuyển khỏi đại học
Quy Nhơn là cực kì khó khăn. Ông hiệu trưởng Lê Hoài Nam lại tỏ ra quí
tôi và chỉ muốn tôi về lại trong đó làm nòng cốt lâu dài. Tôi đã vô cùng
lo lắng và nơm nớp sợ việc lớn của mình khó mà thực hiện được. Chính
thầy Phi đã viết thư vào thuyết phục ông Lê Hoài Nam cho tôi được chuyển
ra. Có lẽ áp lực tâm lí quá nặng nề, nên khi cầm thư, tuy mừng và đầy
hi vọng, nhưng chừng nào chưa được giải quyết, chưa biết kết quả, tôi
vẫn không sao trút được nỗi lo đè nặng trong lòng. Cầm thư đến gặp, mà
hồi hộp kinh khủng. May sao, ông hiệu trưởng nổi tiếng nguyên tắc ấy vốn
là bạn thầy, đọc xong thư của thầy và thư thầy Mạnh nữa, đã thuận tình
mà bàn với tổ chức giải quyết cho tôi ra. Không thể nói được cảm giác
sung sướng đến thế nào cứ dào dạt lên trong tôi lúc ấy. Tôi còn nhớ, rời
phòng hiệu trưởng, tôi đã ra bờ biển Quy Nhơn ngồi rất lâu. Một mình,
nhìn những con sóng lang thang trôi dạt trên mặt biển kia, nhìn những lá
phi lao gió thốc đi tung toả vô định, nhìn những cánh hải âu chao liệng
trên không rồi tha tha thẩn thẩn cuối những chiếc thuyền đánh cá bỏ
vắng trên bãi xa kia, mà nghĩ về may mắn của mình. Ngồi từ xế chiều, đến
khi bóng đã dài và thẫm lại mới thôi. Về sau, mỗi khi ngoái lại ngày
ấy, không lần nào tôi kìm nổi xuýt xoa: nếu không có bức thư giản dị mà
đầy nhiệt tình của thầy và thư thầy Mạnh, thì sẽ ra sao! Còn ra sao nữa,
chắc là tôi đã mắc kẹt đời mình ở Qui Nhơn, nơi không phải tôi không
yêu, nhưng không phù hợp với hoàn cảnh của mình. Vâng, có thể nói, bức
thư ấy đã tạo ra một bước ngoặt của đời tôi, dù đến nay tôi vẫn chưa làm
được gì thật đáng kể.
•
Với
bao thế hệ sinh viên, khoa Văn Sư Phạm I là một mái nhà ấm, một ngôi
đền thiêng, mà cái tâm cái tài của những bậc thầy như thế là nền tảng
nhân văn, nền móng khoa học bền vững, khiến nó vẫn giữ được vị thế trang
trọng, vinh quang đến ngày nay. Nó là niềm tự hào khi được đắp bồi, nó
là niềm lo âu khi không được chăm chút. Mỗi khi nghĩ đến sự vững bền của
nó, hay lo âu bởi chợt thấy một nguy cơ mai một nào đó, bao giờ tôi
cũng nghĩ đến thầy Phi và những bậc thầy mà mình có may mắn được học ở
chốn này.
(Hà Nội, thu Mậu Tý - CVS)
LỜI GIẢNG CỦA THẦY
Kính tặng Thầy chủ nhiệm - GS. NGƯT Nguyễn Khắc Phi nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Thầy
- Huệ Triệu –
Con mãi nhớ sáng mùa đông ấy
Giọng nói Thầy ấm quá gió Côn Sơn
Bóng tiền nhân ngút ngàn lau xám
Hóa trong veo những bậc đá thâm trầm
Những bài giảng thắp xanh miền kí ức
Những lời Thầy nghiêng xuống tuổi hoa niên
Chúng con vào đời ngơ ngác thế
Sóng sông Tương dào dạt cả hai đầu
Mây phiêu lãng nước trời xa Lý Bạch
Đỗ Phủ đau, gần quá những ngậm ngùi
Người da diết ánh đào hoa năm cũ
Người rưng buồn thấm nỗi gió đông phơi
Chúng con về đây từ những phương trời
Đón ngọn gió từ lời Thầy để mát
Đứa ở phố nồng nàn hoa sữa
Đứa xa xôi sóng biến mặn vô hồi
Đứa trôi dạt phía trời Nam nắng gắt
Ru lòng mình thoang thoáng giấc heo may
Nửa đời người vẫn chưa hết loay hoay
Áo cơm mệt nhoài giấc mơ tuổi trẻ
Viên phấn trĩu nỗi niềm nhân thế
Tiếng thơ buồn dâu bể đa đoan...
Giờ mới nói một điều đã cũ
Chúng con lớn lên - khoảng trời ấy trong ngần
Như sắc phượng thắm nồng nắng hạ
Như mùa thu vàng mơ sắc lá
Như chồi non qua giá rét xanh ngời
Giữa vô thường biếc một dòng trôi
Lời Thầy giảng dọc một triền gió thổi
Chúng con – người chở đò thao thiết đứng bên sông ...
15/4/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét