Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

NHÀ KHÔNG CÓ BỐ VỚI LỜI BÌNH

 

NHÀ KHÔNG CÓ BỐ VỚI LỜI BÌNH Sửa

NHÀ KHÔNG CÓ BỐ

(Đăng tuần san Đời sống gia đình số 31 ngày 13 / 8/ 2020)

Nguyễn Thị Mai

nh_n.t.mai_1

NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI


Nhà không có bố buồn sao

Cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn

Bơm xe chẳng hiểu cái jun

Rát tay bật lửa, đá cùn, xăng khô

Không có bố, không thì giờ

Bữa ăn sớm muộn, chẳng chờ, chẳng mâm

Ngày đông gió bấc mưa dầm

Đậy che mái dột, âm thầm mẹ con

Chẳng vui tiếng điếu rít giòn

Bia không mua uống, em còn bán chai

Nước đun sôi để nguội hoài

Nhà không có bố, biết ai pha trà

Cho dù bãi mật phù sa

Mà không bên lở chẳng là dòng sông.

                                                      LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

“NHÀ KHÔNG CÓ BỐ BUỒN SAO”

Trong số nhiều bài thơ viết về tình cảm gia đình, tôi thực sự xúc động khi đọc bài “Nhà không có bố” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai và thuộc nằm lòng từ hơn hai mươi năm trước. Ở đó, tình cảm chân thực của tác giả có sức cảm hóa, làm lay động trái tim người đọc. Từ xưa, vai trò của người cha trong mỗi mái ấm đã được khẳng định qua những câu tục ngữ cô đọng: “Con có cha như nhà có nóc”.Viết về nguồn cảm hứng người cha nhưng trong bài, nhà thơ khai thác ở phương diện thiếu vắng người ấy trong cuộc sống thường ngày. Câu mở đầu và cả nhan đề của bài, tác giả nói lên suy nghĩ: “Nhà không có bố buồn sao”. “Nhà không có bố” là không có người đàn ông làm chủ gia đình. Thiếu người thường đứng mũi chịu sào, ăn to nói lớn, gia đình quạnh vắng hẳn đi “Vắng đàn ông quạnh nhà” (ngược lại “vắng đàn bà quanh bếp”). Không có bố thật buồn vì thiếu đi tình cảm, còn buồn bực hơn nữa vì trong nhà bị thiếu đủ thứ, những vật tưởng như nhỏ bé, lặt vặt nhưng rất cần thiết hàng ngày: “Cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn / Bơm xe chẳng hiểu cái jun / Rát tay bật lửa, đá cùn, xăng khô”. Ngôn từ dung dị, thể thơ lục bát dễ nhớ cùng với nghệ thuật liệt kê, tác giả đã khéo chọn lựa ra hàng loạt vật dụng mà người bố trong gia đình thường đảm trách, sửa chữa khi hỏng hóc để phục vụ sinh hoạt gia đình. Nhưng khi không có bố, mọi thứ đều thiếu, có thứ  con trẻ không hiểu là gì. Như khi bơm xe đạp - phương tiện tối quan trọng trong  giao thông vài chục năm trước - cái jun là đoạn ống cao su nhỏ xíu gắn liền chân van xe để dẫn khí vào khi bơm xe. Các dụng cụ như dao, kéo không có người mài nên bị cùn; bật lửa không có người thêm xăng và đá nên lửa khó lên. Không có bố thật là phiền. Đâu chỉ có vậy, vì “không có bố” nên sinh hoạt của gia đình thiếu hẳn đi một nề nếp thông thường. Bữa ăn của mấy mẹ con sớm muộn tuỳ ý và thiếu đi cả hình thức bày biện nên có trên mâm cơm. Cùng ý thơ này, ca dao  có câu: “Vì chàng thiếp phải dọn mâm / Cứ như thân thiếp âm thầm cũng xong”. Buồn và đáng thương hơn nữa: không có bố nên mái nhà đành để dột, khi trời mưa sự khắc phục chỉ là tạm bợ mà thôi: “Mùa đông gió bấc mưa dầm / Đậy che mái dột âm thầm mẹ con”. Không gian  mùa đông giá rét lạnh lẽo đã buồn thương lắm; nhưng hình ảnh người thiếu phụ và con nhỏ phải đội mưa trèo lên mái nhà để đậy che chỗ giột lại càng đáng thương hơn gấp bội. Những câu thơ này chứa chan niềm xót thương và đồng cảm của tác giả với những gia đình thiếu vắng hơi ấm và bàn tay chèo chống của người đàn ông, gây xúc động cho người đọc nhiều nhất. Không có bố như vậy đã là bao nhiêu thua thiệt, đặc biệt là với những đứa con. Chưa hết, không có bố còn là sự thiếu vắng những âm thanh vui tai và không khí ấm cúng của căn nhà: “Chẳng vui tiếng điếu rít giòn / Bia không mua uống em còn bán chai /  Nước đun sôi để nguội hoài / nhà không có bố biết ai pha trà”. Nhà không có bố sẽ rất ít khách, và nếu có cũng không phải là khách đàn ông nên không mấy lúc pha trà...Không có bố quả biết bao nhiêu là buồn... Nhưng vấn đề là vì sao nhà lại không có bố? Bài thơ không lí giải, và cũng không cần. Người đọc có thể suy đoán: bố đã chết chăng? Hay là bố mẹ li dị, li thân? Và có thể là người phụ nữ đơn thân nuôi con... Điều nhà thơ quan tâm là: nhà không có bố đáng thương nhất là những đứa trẻ. Dù cuộc sống giàu sang hay nghèo khó, không có bố gia đình sẽ thiếu hụt, những đứa con bị thiệt thòi nhiều nhất. Bài thơ khép lại bằng hai câu kết “Cho dù bãi mật phù sa / Mà không bên lở chẳng là dòng sông”. Gia đình giống như một dòng sông đưa nước chảy trôi không ngừng. Sông cần có cả đôi bờ chứa nước mới hài hoà cân xứng, thiếu một bên, dù bất cứ lí do gì cũng đều không tốt, nhất là với những đứa con. Vậy nên hãy làm tất cả để mỗi gia đình đều có đủ vợ và chồng, để con trẻ được lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ cùng cha và được hưởng những niềm vui trọn vẹn của tuổi thơ. Với giá trị nhân văn gần gũi với đời sống, bài nằm trong chùm thơ đoạt giải Cuộc thi sáng tác Văn học cho trẻ em do Hội Nhà văn và Uỷ ban Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam tổ chức năm 1992.s

unnamedmn

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét