Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

CHIỀU HỒ TÂY MÙA DỊCH

 


CHIỀU HỒ TÂY MÙA DỊCH

                  

                                 Tản văn của Phạm Tâm Dung

tm_dung_1

          TÁC GIẢ PHẠM TÂM DUNG

        Chiều buồn, lên sân thượng, ngắm cảnh Hồ Tây. Con đường vắng vẻ lạ thường làm cho tôi nhớ Hồ Tây đến nao lòng, dù nơi tôi ở với mặt nước Hồ chỉ tính bằng khoảng cách của những ...sải tay.

         Nhớ những buổi chiều được đạp xe đi một vòng quanh hồ, ta có cảm giác như người được bước ra từ  sau cánh cửa thời gian quá khứ lạc vào xứ sở tương lai lạ lùng. Hồ Tây hiện ra với những bức tranh đủ màu sắc khác nhau. Không chỉ chủ sở hữu một làn nước xanh quanh năm gợn sóng, Hồ Tây còn đẹp bởi trời xanh như một thứ trang sức, làm cho nước hồ như xanh hơn. Rồi cây ven hồ soi bóng xuống tấm gương nước long lanh. Rồi người thể dục , người đi dạo  nhấp nhô, chập chờn như cánh bướm…

          Có một lần tôi đi du lịch Trung Quốc, khi đến Hàng Châu, ngắm cảnh Tây Hồ. Trong khoảng không gian đẹp mê hồn của trời mây non nước, biết chúng tôi là người Việt Nam, anh hướng dẫn viên du lịch nước bạn liền kể một câu chuyện thế này:

Ngày xưa, xưa lắm, trên thiên cung có một tấm gương thần, do sơ suất, một vị tiên đã đánh rơi  nó xuống hạ giới. Tấm gương vỡ làm đôi và văng ra làm hai mảnh. Một mảnh rơi xuống miền đất hoa lệ Hàng Châu Trung Quốc tạo thành Tây Hồ. Một mảnh rơi xuống mảnh đất linh thiêng thơ mộng Việt Nam tạo thành Hồ Tây.

Câu chuyện thực hư ra sao ta chưa biết, nhưng nó đã khẳng định sự nổi tiếng của Hồ Tây Việt Nam trên  đất nước có vô vàn  hồ đẹp Trung Hoa.

Dù nằm trong lòng Thủ Đô Hà Nội, cách khu phố đông nhộn nhịp chỉ mấy bước chân, nhưng không gian Hồ Tây vẫn mang dấu ấn của không gian làng xã. Tôi bắt đầu xuất phát đạp xe từ  làng Bái Ân, vòng tay phải theo lối Trích Sài, Làng Hồ, Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Xuân La.

Trước cửa chùa Trích Sài là một cây bồ đề xum xuê vài ba trăm năm tuổi, một chòm si dày đặc như một "trái núi " màu xanh với chùm rễ bện vào nhau lâu năm như những con trăn khổng lồ chui thật sâu xuống lòng hồ. Nó hút chất màu mỡ và cả những gì bí ẩn của lòng đất Hồ Tây để cho vầng lá xanh tươi khác thường kia bốn mùa không ngơi rì rầm những lời của đất... Cách bờ tầm vài trăm mét là mấy ngôi mộ cổ nhấp nhô cùng sóng nước, lặn vào ký ức thời gian. Ngôi trường Chu Văn An cổ kính, sang trọng mang kiến trúc kiểu Châu Âu, khuất sau hàng cổ thụ trầm tĩnh, như một cặp đôi tri âm tri kỷ với Hồ Tây. Đường độc đạo Thanh Niên xuyên lãng mạn giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch như hệt mũi tên của thần tình yêu vừa bật khỏi cung, để sẵn sàng chọc thủng trái tim kẻ si tình. Có phải vì như thế mà bao năm nay, con đường này trở thành  nơi hò hẹn, thành lối đi về cho bao  đôi lứa! Nó đã giấu vào trong mình biết bao sự bí ẩn, đã  chứng kiến, che chở cho  sự khởi đầu của biết bao mối tình say đắm của những  đôi nam thanh nữ tú đất Hà Thành thanh lịch, hào hoa!

      Xe tôi qua làng quất Nghi Tàm, làng hoa Quảng Bá, Nhật Tân, làng đánh cá Xuân La, làng dâu tằm dệt vải Bái Ân, làng giấy dó Yên Thái... trù phú xinh đẹp.

Trên chiếc "Cầu Kiều" của Thung Lũng Hoa, hay bên con đầm kiêu sa của những  loài hoa đặc biệt "lá xanh bông trắng", ta bắt gặp những "con mắt lá răm" của những thiếu nữ Hà thành. Em xúng xính trong làn xống áo "mớ bảy mớ ba", hay giản dị trong chiếc yếm thắm xưa để trần đôi vai thon trắng muốt. Ngắm em cười, em tạo dáng trước ống kính của người đàn ông đang chết mê chết mệt vì em, ta ao ước mình trẻ lại, ta ao ước mình trở về với miền quê êm ả, trở về với ao sen trước cửa đình làng, trở về với bao kỷ niệm một thời.

Có một chị trung tuổi khá duyên dáng đang bó hoa sen.  Em gái có thể cầm, đứng trên chiếc cầu nhỏ, hay đứng ven đầm  tạo dáng. Cũng những đóa sen này đây, nó sẽ trang điểm cho mỗi quầy hàng hoa, mỗi gánh hàng hoa và mỗi căn phòng thêm xinh tươi trong  những tòa chung cư hiện đại cao vời...

Ai đã đi quanh Hồ Tây một vòng, qua hàng chục đền chùa ( chưa ở đâu chùa liên tiếp chùa đến thế ) sẽ không thể không dừng chân trước một bán đảo xinh đẹp, cổ kính và linh thiêng, được xây dựng  cách nay trên bốn thể kỳ, "một chốn đi về" cho bao thế hệ - Phủ Tây Hồ. Tương truyền vị thần nữ được thờ tự ở đây rất li kì. Đó là chuyện về nàng công chúa Quỳnh Hoa con thứ hai của nhà trời không may đánh vỡ viên ngọc quý bị đầy xuống trần gian và Bà Chúa Liễu Hạnh nhân đức đã trở thành thánh mẫu,  và là một trong "tứ bất tử" của Nước Nam ta. Sực nhớ  đến mấy câu thơ về Phủ Tây Hồ của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa:

                    Mấy năm giặc đánh phá

                   Ba Đình vẫn xanh cây

                   Trăng vàng chùa Một Cột

                   Phủ Tây Hồ hoa bay

 Bây giờ Phủ Tây Hồ thanh bình.  Ngoài những món ăn đặc sắc như bánh tôm, bún ốc, ném nướng... trở thành nổi tiếng về ẩm thực Hà thành,  Phủ Tây Hồ  còn là tâm điểm lễ bái cầu duyên, cầu cho quốc thái dân an,  và tham quan, du lịch của Thủ Đô.

 

        Ngày chưa về Hà Nội, chỉ mới biết đến con hồ quyến rũ này qua việc đọc các câu chuyện cổ tích, qua các tác phẩm bất hủ của các bậc tiền bối văn chương, tôi khao khát biết bao được một lần đặt chân đến cái góc lãng mạn trong bức tranh cổ kính của Hà Nội.

Nhớ cảm xúc lần đầu tiên được cha dẫn đến ngắm Đường Thanh Niên và được ăn bánh tôm Phủ Tây Hồ. Nhớ khi dọn đến ngôi nhà mới, buổi chiều đưa con ra dạo ven hồ, cảm nhận điều hạnh phúc giản dị hằng mơ ước: mình được làm cư dân Hồ Tây...

Người ta ví  Hồ Tây là lá phổi xanh của Thủ Đô Hà Nội, có lẽ là nói về  cây xanh, về  mặt nước, nhưng chắc chủ yếu là nói về gió.

Có người bạn, nói với tôi như thế này khi  nhận xét về cái gió "đặc sản" Hồ Tây:

"Gió ở đây rất tươi, bởi nó không hẳn là từ trời vương xuống, mà nó còn từ con sóng của Sông Hồng, của thẳm sâu nơi lòng Hồ...bung lên. Nó có mùi nồng nàn ngai ngái của cây cỏ, mùi thanh thanh phảng phất  của cá tôm, cộng với mùi hương hoa trái của xứ vườn Nhật Tân, Quảng Bá; của những thung lũng hoa muôn loài vương giả; của những đầm sen mát lành trong khiết như những cảnh thần  tiên. Và thẳm sâu trong không gian mênh mông, cơ hồ đâu đó còn vọng lại tiếng vỗ cánh của chim Sâm cầm, tiếng rì rào của rừng lau, bãi sậy;  tiếng hát phường vải của những cô gái làng dệt Nghĩa Đô. Nghe trong gió như còn vọng  tiếng đập giấy, xeo giấy của các chàng trai làng Võng Thị, tiếng chuông  của hàng chục  ngôi chùa ngân nga trong chiều rơi và cả nguyên khí đất trời kết lại từ ngàn xưa...".

Buổi chiều mùa hè hay mùa thu, khi trong lòng có những vui buồn hay trống vắng, tôi đều lấy Hồ Tây làm nơi trú ngụ tinh thần. Và không phải chỉ mình tôi.

Người khách dừng ô tô, anh xuống trước một cây lộc vừng ven hồ, với hàng nghìn những chùm dải cuống hoa chiu chít buông làm thành một tấm rèm.

Dưới gốc cây, cơ man nào là cánh hoa rụng, còn tươi thắm, rải thành thảm đỏ. Anh lia  bấm máy quay và chụp. Thấy tôi có vẻ đồng cảm, anh trần tình:

- Vẻ đẹp  rực rỡ nồng nàn của sự tàn phai chị ạ!

Tôi đồng tình với "định nghĩa" của anh và mong rằng, những tấm ảnh chiều nay sẽ được thêm vào kho tư liệu của người thợ săn ảnh tâm huyết này những tác tác phẩm đẹp mê hồn.

Một cặp đôi dừng lại, họ  sung sướng hít hà cơn gió mát tới tận tim phổi sau một ngày căng mình trong văn phòng chật hẹp của máy điều hòa nhiệt độ làm cho khô lạnh làn da.

Và kia, đằng sau lưng họ, trên vỉa hè được bày la liệt những hàng bàn ghế nhựa, một mùi thơm khó cưỡng của sả, lá chanh, gừng, tỏi ớt...đang tỏa ra từ hàng ốc luộc.

Từng cặp đôi, cặp ba, cặp tư mỉm cười, sà vào các hàng ghế tạm bợ mà khêu khêu, chấm chấm. Bát nước chua cay, mặn ngọt khoái khẩu đã làm bao thực khách xuýt xoa hả hê. Thi thoảng nhâm nhi đôi lát sung xanh ngâm dấm với ốc, vừa ăn vừa ngắm mặt nước mênh mông. Dường như vừa thưởng thức món ăn, vừa ngắm cảnh làm cho việc ẩm thực thêm thi vị. Có thể  ngắm những con thuyền lao như mũi tên của những vận động viên thể thao. Ngắm chòm mây bạc lững lờ trôi. Ngắm bóng lặng lẽ của bác ngồi câu cá.  Ngắm dáng tất bật của những người đi làm tranh thủ về  nhà đầm ấm cùng bữa cơm chiều...

         Ốc Hồ Tây vốn thơm ngon nổi tiếng, lại được ăn tại ven Hồ cùng người thân mến thì thú vị nào bằng.

Hồ Tây nổi tiếng với những món ăn dân dã nhưng cũng không hiếm những nơi chốn sang trọng dành cho người Thủ Đô  sành ăn, thanh lịch.

Phía Tây, ngoài những đầm Sen lãng mạn như chốn bồng lai là những nhà hàng sang trọng phục vụ cho những nhu cầu tiệc tùng hay gặp gỡ giao lưu tương tác... Còn có những khu biệt thự sang trọng cao cấp. Đó là thế giới của sự sang giàu ...

          Ngay trên  con đường đi vào khu biệt thự vẫn có những bà cụ làng Quảng Bá ngồi trước cái rổ tre với dăm mớ rau vườn nhà. Một quán lều bạt sơ sài dăm chiếc ghế nhựa với một bộ ấm chén, cái lọ kẹo lạc cũ kỹ, vài trái cây giản dị và bác chủ hàng áo cánh nâu nhũn nhặn, duyên duyên đang vừa bán hàng vừa tách nhị sen. Người khách sành trà đến từ phố cổ, trước tiên, ông nâng tách trà lên và thưởng trà bằng mũi, rồi chậm chạp khiêm nhường nhâm nhi như thế ông đang uống kỷ niệm của mình...

           Tôi  ấn tượng nhất quán cà phê góc hồ. Quán nhìn ra mặt hồ cả hai phía. Khách hàng phần lớn là những người muốn tìm không gian thư giãn cho mình cùng bạn bè. Và không hiếm những cặp đôi…

Họ thường ngồi bên nhau hàng giờ, tách cà phê đã nguội, cứ khuấy lên mà chẳng mấy nhâm nhi. Mắt nhìn những con sóng lô xô. Vu vơ ngắm mấy bông hoa lan trắng muốt thấp thoáng trong lùm xanh tỏa hương ngát trong veo,  ngắm cây điệp khoe chùm hoa vàng dịu dàng nữ tính... mà như muốn thu cả  cảnh  sắc Tây Hồ  cất giấu vào kho báu cho riêng mình...

         Chiều càng muộn, những làn gió lộng, cùng nhịp sống có phần chậm lại, khi những làn sương tím nhạt mỏng như trong những giấc mơ miên man phủ mặt hồ. Những con sóng ẩn mình trong chiều buông, gió cũng ẩn mình trong tiếng reo của lá, tiếng rì rào của sóng, tiếng giày rảo bước của người đi bộ,… Ta vẫn cảm nhận được một phần hơi thở của thời gian qua những nhịp sóng  lăn tăn, qua tiếng xe vun vút của người đì làm về trễ và cả tiếng thì thầm của những cặp đôi...

Tôi chợt nhận ra bóng một người lặng lẽ rời ghế đá, nhìn Hồ Tây mênh mang như gửi niềm riêng đến tận cõi nào. Có vẻ như  người đó đang tìm lại những kỉ niệm xưa.

Giá mà tôi được đọc tặng người ấy mấy câu thơ rất hay của Nguyễn Hưng để chia sẻ tâm trạng  thì hay biết mấy.

 

" Đâu những chiều bên Hồ Tây lộng gió

Của một thời cháy đỏ giấc mơ yêu

Và còn đâu bàn tay nắm trong chiều

Từng dắt nhau phiêu diêu vào cõi mộng"...

Hà Nội bây giờ đang kỳ dãn cách. Các ngả đường chỉ lác đác vài ba người đi lại vội vàng, khẩu trang kín mít. Người ta chăng dây cấm tuyệt đối những tụ điểm vui chơi. Các nhà hàng im lìm cửa đóng cài then...

Những hàng cây ven Hồ Tây dường như ngơ ngác. Có lẽ chúng chả hiểu vì sao những "người bạn" hằng ngày thân thiết lại tự nhiên vắng bóng. Chỉ có gió Hồ Tây, những con gió của trời, của đất, của thánh thần, của nước là vẫn cần mẫn thổi. Nước Hồ Tây hóa thân vào gió, mang hơi mát lành đã dành dụm hàng nghìn năm, gửi đến vuốt ve tiếp sức cho từng người, từng nhà trong mùa chống dịch...

Hồ Tây đang cùng tôi, cùng khu phố tôi, cùng Hà Nội và cả nước đẩy lùi con Covid.

 

Hà Nội 21.7.2021

PTD

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét