ĐEM THƠ LÀM VỐN NÓI LỜI MÙA XUÂN
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Nhà thơ Dương Đoàn Trọng, cây bút chủ lực của Thi Nhân Miền Cổ Tích, Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật huyện Chương Mĩ, Hà Nội thuộc Hội Thơ Đường luật Việt Nam có nhã ý mời tôi viết giới thiệu tập thơ mới anh định in với nhan đề “Chấm đèn xanh”. Tác giả đã có thơ in trên các báo Người Hà Nội, Văn Nghệ, Người Cao tuổi, Phụ Nữ Việt Nam, Diễn Đàn Văn nghệ Việt Nam, trong các tuyển thơ địa phương và Trung ương. Anh cũng từng nhận Giấy khen của Câu lạc bộ thơ di sản Hán Nôm Việt Nam, Bằng khen của Trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, Giải thưởng thơ Lục Bát Trăng vàng ( 2012 -2018). Đã xuất bản tập thơ “Bến xưa” tại nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2018.
Một cựu chiến binh, thương binh nghỉ chế độ quân đội say mê với thơ ca như thế thật đáng nể trọng.
Điều ngạc nhiên là bên cạnh những bài thơ Đường luật nghiêm ngắn, chỉn chu về niêm luật, đa dạng phong phú về đề tài, thì ngòi bút của thi nhân cũng khá đa dạng. Có thơ ngũ ngôn, có câu đối, có thơ thủ vĩ ngâm, khoán thủ, áp cú, và đặc biệt là lục bát. Lục bát mượt mà và không hiếm những bài thơ đùa, thơ vui giàu ý vị.
Sở dĩ nói thơ của Dương thi nhân “nói lời mùa xuân” bởi vì tác giả hay viết về mùa xuân, và điều này quan trọng hơn, những vần thơ anh giàu niềm vui, giàu sức trẻ, giàu cảm xúc yêu đời. Viết về tờ lịch, anh coi đó là “mảnh thời gian”, những con số tháng, ngày là con số đợi chờ:
Treo lên con số đợi chờ
Mong sao bóc những ước mơ sắp thành
Tay cầm tờ lịch mong manh
Mà lòng trĩu nặng vòng quanh tháng ngày
(Mảnh thời gian)
Phải trẻ trung về cảm xúc mới có thể có cái vui tếu, hài hước nhân ngày đầu Xuân:
Muốn thăm núi
Chẳng dám trèo
Muốn mua gì
Thấy túi nghèo lại thôi
Sợ chưa đến chợ tiền rơi
Tắm sông chỉ sợ không bơi đến bờ
Thôi đành ngồi vẽ bánh thơ
Để mà nhai chữ ngẩn ngơ thơm mồm
(Vui vui năm mới)
Nghèo nhưng mà nghèo sang, có cái cốt cách của các nhà nho tài tử xưa.
Trong tập này không hiếm những bài thơ tác giả có giọng bông đùa, đọc lên không khỏi mỉm cười thú vị.
Này nhé, chuyện tình duyên mà cứ như là “bầu cử” tự nguyện:
Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa
Từ ngày bà ấy bầu ta làm chồng
Lương gầy lẻo khẻo mấy đồng
Làm bà ấy phải gieo trồng nuôi ta
(Bà ấy và tôi)
Rồi thi nhân lại thấy mình như là một thứ của rơi mà vợ vô tình nhặt được. Đọc ai cũng liên tưởng đến truyện ngắn nổi tiếng “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Nhưng bà vợ có ông “Chồng nhặt” này vui hơn:
Ở thập niên ấy…tám mươi
Em vui nhặt được một người đàn ông […]
Cùng em chung một mái nhà
Chịu khó sản xuất làm ra mấy người
Bây giờ mắc tật dở hơi
Suốt ngày thơ thẩn không rời trang phây
Thuốc lá vẫn lấy cả cây
Rượu ngang rượu dọc mỗi ngày một chai
Hỏi người này…chính của ai
Em xin gởi lại không nài trả công
Biếu thêm tủ sách to đùng
Nào thơ với truyện đi cùng giấy khen
(Trả lại của rơi)
Chà chà chà! Chỉ còn thiếu điều ghi chú: Ai nhận thì em xin cám ơn muôn lần và bội phần hậu tạ!
Cũng cái chuyện thơ phú, Dương thi nhân than thở trong bài thơ vui –vui thơ:
Lục bát rồi lục túi mình
Đường thi bát cú méo hình đường đi
Đối nhau chan chát tức thì
Hoạ bài vợ xướng là khi lục nồi
( Thơ ơi là thơ)
Có chuyện chơi chữ lắt léo với những thuật ngữ chuyên môn và từ ngữ đời thường: Lục bát, lục túi, lục nồi, đường thi, bát cú, đường đi, đối, xướng, họa…
Có hàng loạt các bài thơ vui tếu khác như Thai thơ, Thơ nịnh vợ, Ca dao nhại, Thơ tôi, Đơ đơ, Thơ tặng vợ, Tự vấn an, Tự họa,…
Tuy nhiên, giọng thơ của tác giả Dương Đoàn Trọng cũng khá đa thanh. Không chỉ có vui, hài, nhộn tếu, mà còn có những trầm tư, suy nghiệm, lo lắng, băn khoăn đầy ân tình về người thân, quê hương, đất nước.
“Nghĩ về mẹ”, “Nhớ xưa”, “Mẹ ơi”, “Mười năm ngày giỗ mẹ” là những bài thơ xúc động về người mẹ kính yêu. Trong đó có những câu:
Những đêm cuối cùng
con nằm bên mẹ
Tuổi sáu mươi
con bỗng thành đứa trẻ
nước mắt chảy dầm dột ướt tiếng gà khuya
(Mười năm ngày giỗ mẹ)
Kỉ niệm mùa hè vẫn in đậm trong tâm hồn người lính:
Hè năm ấy chúng mình đang tuổi lớn
Vừa thi xong đã vội vã lên đường
Chiếc ba lô cõng nặng mùa bom đạn
Chặt gậy chống vào cơn sốt Trường Sơn
(Những mùa hè)
Suy tư về hoa và thơ ngắn gọn mà lắng sâu:
Ngày mưa hoa nở lạnh lùng
Hương thơm giấu kĩ tận cùng ruột hoa
Khoác câu thơ ướt đi qua
Từ trong ngọn gió thổi ra chữ buồn
(Ngày mưa)
Và gốc gác nhà quê không hề phai dù trải qua đạn lửa chiến trường khi thấy cảnh cơn mưa mùa hè nhà nông:
Ầm ầm sấm sét gọi mưa
Đồng làng sót lại lưa thưa bóng người
Nhà ai dở mếu dở cười
Quét cào sân thóc đang phơi ướt nhòe
(Hè nhà quê)
Với sự nhạy cảm ngôn từ, tác giả băn khoăn, ngậm ngùi khi thăm quê bạn mùa nước lũ:
Tên sông Bùi mà sao lại đắng cay
Nhấn chìm cả niềm vui chưa kịp đến
Đôi trai gái đang mong đúng hẹn
Lại nhỡ nhàng phải hoãn chuyến xe hoa
(Về quê em)
Nhà thơ trăn trở trước sự phân biệt giàu nghèo của xã hội:
Người đi hoa viếng trăm vòng
Người ba hồi trống gõ trong nợ nần
(Điểm cuối)
Và phê phán những kẻ hãnh tiến, hợm hĩnh tra tay vào còng số Tám:
Rạng rỡ hoa vòng hôm nọ khoác
Bùi ngùi khóa số bữa nay đeo
( Chuyện bây giờ)
Cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đến những vần thơ tự trào của tác giả. Bên trên đã nói đến chuyện “bầu cử”, chuyện “Trả lại của rơi”. Nhà thơ nhiều lần tự giễu mình là “đơ đơ”, là “ngẩn ngơ”, là “lẩn thẩn lơ ngơ”. Và vẽ chân dung :
Chữ nghĩa xào tươi cùng mắm muối
Văn thơ ướp mặn với tương cà
( Tự họa)
Chim gà lúc chộp mang xào miến
Cá tép khi lừa bắt nấu tương
Bạn hữu vui cùng thơ với rượu
Ông Trời soát sổ nghĩ còn thương
(Tự vấn an)
Người ta chỉ nghĩ tiền rồi giá
Lão cứ toàn mơ phượng với rồng
(Vui… buồn thơ phú)
Vui , lạc quan như thế nên hồn thơ trẻ lâu. Lúc nào cũng như mùa Xuân mới bắt đầu.
Và tôi nghĩ với thi nhân Dương Đoàn Trọng trong tập thơ này, lời giới thiệu không gì thích hợp hơn là “Đem thơ làm vốn nói lời mùa Xuân”
Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2021
Ngày dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét