Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn: Tình trạng tẻ nhạt khó chữa – Kỳ 1

 


Nhà phê bình Vương Trí Nhàn: Tình trạng tẻ nhạt khó chữa – Kỳ 1

Vanvn- “Vẽ không vẽ, viết không viết, chỉ có mỗi phê bình mà cũng không xong, thế thì còn gọi là làm văn nghệ ở cái nỗi gì nữa?” – Trong cuộc đời làm nghề tôi đã nghe bao nhiêu lời ruồng rẫy chê bai tương tự, đến mức cảm thấy đấy là một thứ thân phận của nghề mình – thân hèn, phận tủi… Tôi đã chán, đã mệt, đã thử cựa quậy để ra khỏi nghề, nhưng không ra nổi…” (Tự thú của một người viết phê bình văn học – Vương Trí Nhàn).

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Ảnh: Hải An

Ngửi hơi nhau rồi viết!

* Yên Ba: Có lần ở đâu đó, anh đã nói về sự tẻ nhạt trong đời sống văn học; vậy theo anh, cho đến bây giờ, cái sự tẻ nhạt ấy có còn không và tại sao?

– Vương Trí Nhàn: Theo tôi, chúng ta đang sống trong cái-thời-văn-học mà có khi hàng năm trôi qua cũng không thấy có gì thay đổi lắm, không có sự kiện gì đáng kể. Thỉnh thoảng tôi vẫn mang một số bài cũ của mình in lại, bởi tin rằng nhận xét của mình về tình hình chung vẫn đúng. Cái cảm giác về sự tẻ nhạt vẫn còn; nó là cái có thực và chưa biết bao giờ mới gạt bỏ được. Tôi nghĩ rằng cái đáng lo của đời sống sáng tác nói chung và phê bình nói riêng, là nó cứ đều đều, làng nhàng; giở một tờ báo ra, đọc vài dòng thấy chán, lại bỏ xuống. Lâu lâu, có ai bảo báo đó có một hai bài đọc được, lại mới đi tìm. Đọc lại báo chí cũ, khoảng 50 năm đầu của thế kỷ trước, thấy người đương thời làm được nhiều lắm. Tôi nghe nói, trước 1975 Sài Gòn cũ đã hơn Thái Lan, còn bây giờ thì chưa biết bao giờ ta có thể đuổi kịp cái đất nước láng giềng gần gũi ấy. Văn chương cũng thế, trong vòng 5,10 năm, kiểm điểm lại thấy chúng ta không làm được cái gì cho đáng kể. Có lần, chính các anh ở Hội Nhà văn cũng nói đại ý: văn chương ta hiện đang ở tình trạng có nền không có đỉnh, không có những tác phẩm đủ sức gây bất ngờ, không có cái gì xuất hiện như một hiện tượng kỳ lạ để có thể làm cho mọi người phải đi tìm. Trong giới với nhau ai sống thế nào đã biết, nên ai sắp viết ra cái gì đại khái ra sao cũng đã biết được rồi. Người dọa điên thì có, người điên thật thì không, nói chung toàn những người tỉnh như sáo và hết sức thực dụng thì làm sao có cái gì mới mẻ, táo bạo cho được.

* Tức ý anh muốn nói sự tẻ nhạt là một đặc điểm có tính chất giai đoạn?

– Đúng thế. Lịch sử văn học có những lúc rất lạ. Như hồi Thơ mới, báo Ngày Nay những năm 1938-1939 mỗi số chỉ đăng độ có 3-4 bài thơ (nhiều nhất là của Xuân Diệu, Huy Cận) nhưng toàn những bài có giá trị lâu dài. Hoặc Tiểu thuyết Thứ Bảy mấy năm 1940-1942 có thời gian in liên tiếp cả loạt truyện ngắn của Nam Cao mà đến bây giờ người ta vẫn đọc. Còn An Nam tạp chí trước và sau 1930 (hoặc Nam Phong cũng thế), số báo nào cũng đăng hàng vài chục bài thơ, mà trừ thơ Tản Đà, không bài nào bây giờ được in lại. Tôi có cảm tưởng thời nay cũng có gì na ná như cái thời trước 1930 ấy. Trong một lần trao đổi với anh Vũ Quần Phương, anh ấy cho rằng các nhà xuất bản chưa chịu gạn lọc kỹ. Tôi bảo là không có cái hay thì lấy gì mà gạn! Làm kỹ cũng chỉ đến thế thôi! Bảo một tác giả viết 100 bài thơ thì làm được ngay, nhưng bảo làm lấy một bài hay thì chịu.

* Chẳng nhẽ anh không thấy là mọi người đang nỗ lực để vượt lên trên sự trì trệ đó?

– Có nhưng chưa đủ. Hiện chúng ta đang thiếu những cuộc thảo luận kỹ lưỡng để bàn đến cùng về những vấn đề thiết yếu. Ví dụ để chuẩn bị cho những cuộc thi tiểu thuyết, lẽ ra phải có một cuộc trao đổi sôi nổi: Thế nào là tiểu thuyết? Trong quá khứ, tiểu thuyết đã có một tiến trình tiến hoá như thế nào? Chỗ khác của tiểu thuyết phương Đông với tiểu thuyết phương Tây, chỗ khác của tiểu thuyết thế kỷ XX với tiểu thuyết các thế kỷ trước? Và nhất là những xu hướng phát triển của tiểu thuyết trên thế giới hiện nay. Phải có người dịch giới thiệu, rồi các nhà văn trao đổi và thảo luận, mỗi người tìm lấy cho mình một hướng đi mà mình thấy gần gũi nhất. Lý luận, không gì khác, chính là những thăm dò tưởng tượng, là cái mũi dùi khoan vào những bí mật phía trước để gợi mở cho người viết. Hiện nay, trên nhiều lĩnh vực khoa học, lý luận và thực hành gần như song hành với nhau, thậm chí lý luận đi trước thực hành. Trong thiên văn, có nhiều trường hợp người ta tìm thấy những ngôi sao trên giấy tờ trước, rồi sau đó dùng kính viễn vọng mới nhìn thấy được. Nhà văn cũng thế thôi. Có người như Claude Simon (Giải thưởng Nobel 1985) chẳng hạn, là loại có lý thuyết trước, sau đó ông ấy mới dùng văn chương để minh hoạ cho lý thuyết của mình. Ở ta có tình hình ngược lại. Lý luận bị coi là xa lạ với sáng tác. Các nhà văn chỉ lo viết và viết, không tính cái định viết sẽ như thế nào, có thể có một ý nghĩa lý luận nào chăng, trong thể loại có định mở ra một con đường mới không? Thế thì làm sao có được những cách tân thực sự.

Theo tôi quan sát, rõ ràng ở các nhà thơ lớp trước, văn hoá thơ (tức là sự hiểu biết về bản chất thơ ca, lịch sử của nó, con đường đi tới của nó) khá hơn các nhà thơ bây giờ. Trong những năm sáu mươi, ở Hà Nội, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi… đã bỏ nhiều công sức dịch văn học nước ngoài, mang thơ thế giới vào Việt Nam. Xuân Diệu còn viết nhiều tiểu luận giới thiệu về các nhà thơ thế giới. Mà những cái đó ông làm tốt hơn nhiều nhà nghiên cứu, do đó tác động đến anh em viết văn làm thơ trẻ lúc ấy rất lớn. Bây giờ, sự tiếp xúc với văn học nước ngoài có thể rộng rãi hơn, nhưng không được kỹ như hồi trước, mà lại chỉ do các nhà nghiên cứu làm, ảnh hưởng tới giới sáng tác khá hạn chế.

Mặt khác, nay cũng là lúc nhà văn nhà thơ ít có ai đi vào khám phá văn học cổ như các thế hệ trước. Xuân Diệu 42 tuổi đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm Nguyễn Du năm 1958 ở Nhà hát lớn. Xuân Diệu viết cả quyển sách về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Các bạn làm thơ trẻ, cỡ khoảng 30, 40 bây giờ, khó lòng mà làm được như vậy. Không phải không ai cho làm mà cái chính là có cho làm cũng không làm được. Đáng lẽ phải học hỏi Xuân Diệu để rồi vượt lên ông, đi xa hơn ông, thì lại biến ông thành đích, thành ngưỡng, thành cái trần và tự coi thế là đủ. Một người bạn tôi quan sát cách viết phê bình của một số nhà thơ hiện nay nói đùa: các ông toàn ngồi ngửi hơi nhau rồi viết. Lối nói có thể hơi thô lỗ nhưng đúng một sự thật, là nhiều bạn trẻ bây giờ chỉ loanh quanh ngồi tán với nhau và tán về nhau. Đấu hót với nhau một hồi rồi viết lại. Chỉ sợ không ai biết nên phải lo giảng cho mọi người biết là bạn mình làm thơ hay lắm! Trong khi đó rất ngại đọc các tác giả cổ điển.Chiếm lĩnh lại thơ của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,Tản Đà… không chỉ là việc của các nhà nghiên cứu, nó còn là việc của các nhà thơ. Mà ở đâu cũng thế thôi, ở Liên Xô trước đây, một trong những người viết hay nhất về Tchekhov là nhà văn Zalyguil, còn nhà văn Nabokov (sống ở Mỹ, tác giả Lolita) thì có cả một loạt bài giảng về các văn hào cổ điển Nga. Bởi các nhà văn thường có sự đồng cảm riêng khi đọc văn của nhau. Ở nước ta, tôi có cảm tưởng lớp nhà văn mới trưởng thành sau chiến tranh ít hiểu về sáng tác của ông cha, chính điều đó cũng góp phần tạo nên cái sự tù túng, không phát triển.

Tôi muốn nói thêm một chút về về việc trao đổi và giới thiệu văn học nước ngoài. Bây giờ có thêm nhiều sách văn học phương Tây để đọc, song thử hỏi có mấy người biết các nền văn học phương Tây đó một cách cặn kẽ, theo dõi từng biến động ở đó chứ không phải chỉ đọc các bản dịch? Một cây bút phê bình trẻ gần đây nhận xét rằng người đọc Việt Nam cách đây 15 năm thì có thể đối thoại cùng người đọc Nga, còn người đọc bây giờ không làm được việc đó. Theo tôi nói thế có phần chung chung, vì người đọc có nhiều loại. Tôi chỉ muốn nói trong phạm vi giới cầm bút. Cách đây 15, 20 năm, một số anh em yêu mến và “thuộc “ văn học Nga biết rõ Moskva có mấy tờ báo hay tạp chí văn học quan trọng, khuynh hướng từng tờ ra sao, hiện do ai nắm, nội tình như thế nào? Còn bây giờ có ai thạo văn học Mỹ, văn học Pháp như thế không? Tôi có cảm tưởng là không, hoặc chỉ có rất ít .

Theo tôi, luôn luôn cần đặt văn học chúng ta trong văn mạch chung của văn học thế giới,để mà thấy được tình hình của mình, thực trạng của mình, đồng thời học hỏi được những cái mới lạ, cũng tức là cái người ta đã trải, và trước sau ta cũng sẽ đi tới. Năm 1995, tôi đã nói chuyện hội nhập nhưng không có người nghe nên qua đi. Tôi nói là: chúng ta đang có một nền văn học“lạc hậu so với xã hội” với nghĩa trong khi tất cả những thứ khác của ta từ quần áo may mặc xuất khẩu, cho đến cá, tôm, hàng công nghệ, thời trang, ca nhạc phim ảnh … đủ mọi thứ lo hội nhập với thế giới, thì văn học chúng ta bằng lòng dừng lại ở trình độ một thứ hàng nội địa trong nước dùng với nhau. Chưa tính đến chuyện đặt văn học Việt Nam vào văn mạch văn học thế giới, hoặc mới nhìn việc giao lưu một cách rất thiển cận- thế thì làm sao có sự tiến bộ được. Theo tôi, chuyện này không chỉ riêng ở ta. Có lần nhân nhà xuất bản nơi tôi công tác tiếp một đoàn nhà văn Trung Quốc, tôi có hỏi là rồi các anh sẽ đi đến đâu? Hay lại giống như thế kỷ XX của phương Tây, lại đi về cái cá nhân, lại phi lý, cô đơn…? Họ nói họ còn đang tìm, song không cho rằng Trung Quốc đứng ngoài quy luật vận động chung của thế giới. Theo tôi những vấn đề như thế anh không quan tâm không được. Bản sắc dân tộc bao giờ cũng có, nhưng những con đường mà nhân loại đã tìm thấy và đã đi qua, thì nước nào cũng sẽ đi qua, dù mỗi nước sẽ đi theo cách của mình… Bảo nhau giữ lấy bản sắc là đúng. Nhưng phải lo làm giàu cho cái bản sắc ấy. Sợ tiếp xúc rồi sinh ra học đòi bắt chước nên hạn chế tiếp xúc sẽ gây khủng hoảng. Bên hội hoạ các họa sĩ làm việc này một cách tự nhiên, dù tác phẩm làm ra chưa khá lắm (vì cái vốn cơ bản quá yếu) nhưng hướng đi là đúng. Trong văn học lại không muốn làm cái chuyện đó nữa, thì còn tiến làm sao được.

Về văn hóa quà vặt

* Trong một bài phiếm luận, anh đã nói đến văn hoá quà vặt. Xin anh nói rõ thêm cái ý này của mình. Tình hình có đến nỗi trầm trọng?

– Có khả năng đáp ứng một cách linh hoạt những yêu cầu xã hội nhưng nhìn kỹ sản phẩm làm ra toàn những thứ lụn vụn không có giá trị lâu dài. Sự nhạy cảm không đi kèm với một khả năng suy nghĩ sâu sắc. Một sự sáng tạo thường trực nhưng trình độ lại có phần loàng xoàng… Đại khái đó là dấu hiệu chính của một nền văn hoá quà vặt. Một mặt phải công nhận là đời sống văn hoá có vẻ nhộn nhịp, sôi nổi, sặc sỡ, song mặt khác lại cứ có chút gì như là làm cho vui thưởng thức cho vui, chứ không phải là cái gì thiết yếu không có không được. Mượn thuật ngữ của tâm lý học, còn có thể nói đây chính là một dạng của stress. Trước áp lực quá lớn của đời sống hiện đại, đôi lúc người ta sinh ra lảm nhảm.

Hàng hoá chúng ta làm ra nhiều, nhưng không có cái gì độc đáo mới lạ. Nhà xây nhiều nhưng không có nổi một khu phố đẹp.Tất cả cứ làng nhàng mà tồn tại bên nhau. Cách làm ăn này này cũng chi phối cả sự sáng tác. Mọi người viết lách rất nhiều nhưng không nghĩ chuyện lâu dài, nghĩ đến những việc có thể tác động lớn, thật sự có ích cho xã hội. Nói riêng, trong khi viết phê bình, chúng ta thường chỉ cãi nhau quanh một vài chuyện linh tinh, rồi bẻ câu, bẻ chữ, mà không đặt ra những vấn đề lớn của văn học để cùng suy nghĩ và giải quyết.Tầm nhìn của một con người, của một cây bút – nói ra có người cho là viển vông – nhưng nếu thiếu đi cái đó chúng ta sẽ trở nên tầm thường và lúc đó mọi sự chăm chỉ, chịu ngồi vào bàn, chịu viết chịu in, đều cũng trở nên vô nghĩa. Thật là một điều oái oăm nhưng tôi có cảm tưởng chính cái mà con người hiện nay thiếu, là lý tưởng, là sự ao ước, là sự tự tin, tin rằng nếu cố gắng và làm việc theo phương hướng đúng, chính mình và những người quanh mình có thể vươn tới những đỉnh cao chói lọi chứ không phải lúc nào cũng lờ đờ lẹt đẹt như thế này.

* Có vẻ như anh rất thích tìm ra mối liên hệ giữa văn học và đời sống nói chung.

– Đó là một hướng suy nghĩ cần thiết và bản thân tôi muốn tiếp tục theo đuổi.

Xin được nói tiếp một số nhận xét. Nhiều người bây giờ sống vội quá, ham làm giàu quá, ham hưởng thụ quá. Khuyến khích nhau làm là cần, nhưng cần hơn là bảo nhau đừng làm để mà làm, mà phải đặt yêu cầu cao với những thứ đang làm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và tìm cách đạt được chuẩn mực quốc tế. Tại sao hàng Tàu tràn ngập phố xá cửa hàng xứ mình? Là do họ làm rẻ và tốt hơn, còn hàng ta vừa đắt vừa xấu.Văn chương, phim ảnh mình cũng thế thôi. Làm lắm phim làm gì, trong khi phần nhiều phim chẳng ra phim. Dịch sách cũng thế! Một cuốn mới in như Người đẹp tặng ta thuốc bùa của Vương Sóc nội dung rất hay, nhưng dịch và in cẩu thả. Có những chữ cần dịch không chịu dịch, cứ âm Hán Việt bệ nguyên vào làm loạn cả tiếng Việt. Rồi nhà văn thì ham viết quá. Tôi thường nghĩ, với cái tạng của số đông anh em cầm bút hiện nay, một đời người viết được hai ba cuốn sách hay là được, sức mình chỉ đến thế, chứ làm nhiều làm lắm mà kém cỏi thì làm làm gì? Chúng ta phải xấu hổ với ông cha là thời nay sách in rất nhiều, nhưng loại được thường xuyên tái bản, tức là có thể gia nhập vào đội ngũ những Tắt đèn, Số đỏ, Sống mòn…rất hiếm! Đứng về phía người tiêu thụ mà xét, xã hội không cần đến nhiều nhà văn làng nhàng đến như thế này, mà chỉ cần một số ít hơn, nhưng mỗi người phải là một ngòi bút biết viết nên các tác phẩm có chất lượng. Từ những năm Hai mươi đầu thế kỷ XX, một số sách của Tản Đà, Nguyễn Công Hoan in ra số lượng mỗi cuốn đã trên một ngàn chứ đừng nói sách của Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao về sau. Mà dân số ta hồi ấy chỉ độ hai ba chục triệu chứ không phải trên bảy mươi gần tám mươi triệu như bây giờ (thời điểm 2003-YB).

Một điều đáng nói nữa là sự dung tục. Kiểu như thi vẽ với sứ Tàu thì chấm mười ngón tay vào mực mà vẽ thành mười con giun rồi cười đắc chí. Ngồi ở hàng nước, mấy cậu thanh niên nói tục xong rồi cười hô hố với nhau; trên ti vi cũng thi nhau cười những cái không đáng cười. Bệnh dung tục bộc lộ từ trong cách làm việc lẫn cách ăn nói, quan hệ và rõ nhất trong khẩu vị thưởng thức những khi vui chơi giải trí. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi hồi còn sống thường than phiền với tôi rằng: sân khấu hiện nay không thể phát triển được bởi vì không có một không khí sân khấu thực sự. Người ta đi xem kịch buồn cười lắm, khán giả nhiều nơi vừa xem, vừa cắn hạt dưa và nói chuyện, càng những đoạn nhố nhăng thì càng có nhiều tiếng cười thích thú. Làm sao có thể đề cao những khán giả ấy được, và với những khán giả ấy, làm sao có thể đòi hỏi sân khấu đi lên? Chuyện gì cũng coi như chuyện đùa, đó là cái chết! Tôi không đùa theo kiểu ấy được; tôi luôn nghĩ rằng phải nghiêm túc trong công việc. Ai bảo tôi là mắc cái bệnh là “quan trọng hoá”, tôi xin chịu.

* Cứ cho là do một bộ phận giới nhà văn hay bạn đọc đã tạo ra cái khuynh hướng “quà vặt” đi, thế nhưng tại sao hiện tượng đó lại kéo dài như vậy?

– Nó là kết quả của một phức hợp tâm lý mà tôi tạm diễn tả như sau: Một mặt mọi người ai cũng cảm thấy cần phải làm một cái gì đấy, có ngay một cái gì đấy; với người viết là chuyện khẳng định thành tựu tài năng, với bạn đọc nó là nhu cầu tiếp nhận hưởng thụ văn chương. Mặt khác, trình độ khả năng thì có hạn, không những nhà văn chưa thể làm một cái gì gọi là lớn lao mà chính bạn đọc cũng chưa thấy cần phải có cái lớn lao đó. Sự thực dụng đã chi phối tất cả. Chúng ta luôn dễ dãi với nhau, không phải chỉ là chuyện khen tụng vuốt ve nhau trên báo chí đâu, mà trong rất nhiều chuyện lớn nữa. Ví dụ đưa một tác giả vào cho học sinh học ở nhà trường rất dễ dãi. Cả những cái không đáng là văn chương cũng được giới thiệu trang trọng. Tôi là người phản đối đưa văn học sau năm 1975 vào giảng dạy ở nhà trường. Một số người kêu là phải đưa cái mới vào cho kịp thời.Tôi đáp: Hãy giảng dạy văn học cổ điển nhiều hơn nữa, còn với thứ văn chương vừa viết ráo mực, cần phải có độ lùi, có thử thách. Các nhà văn muốn lớp trẻ đọc, thì đến mà nói chuyện với họ, thuyết phục họ, đừng bắt họ phải học. Thơ Việt Nam sau Thơ mới chưa có sự tổng kết thấu đáo, những tổng kết ngang tầm Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941 của Hoài Thanh – Hoài Chân. Đáng ra chúng ta phải làm cái đó, nhưng không ai làm. Phần lớn những tuyển tập thơ văn hiện nay, có phải là sự tổng kết, đánh giá gì đâu. Các anh trong ban tuyển chọn rất tự hào về cuốn tuyển thơ sau 1975, tôi bảo: chẳng rõ gì cả, có chăng đó là biết đang có lắm người làm thơ!

* Hẳn cái sự dễ dãi đó đã ăn sâu vào tâm lý mọi người?

– Khi khen nhau, gần đây nhiều người thích nhấn mạnh tới sự dễ hiểu. Có vẻ như cái gì “nặng” thì chúng ta sợ. Thế thì không được! Phải có cái nặng, có cái nhẹ chứ! Có cái đọc hiểu ngay, nhưng có cái phải đọc đi đọc lại mới hiểu. Chúng ta có một nền văn nghệ mà các sản phẩm phần lớn giống như một thứ polyvitamin, ngòn ngọt và uống quá liều một chút cũng không chết ai, không có hại gì lắm. Trong khi đó cần có những thứ thuốc kháng sinh, những thứ mà trong y tế người ta gọi là thuốc độc bảng A, bảng B, uống quá liều thì nguy hiểm, nhưng một số bệnh phải có nó mới khỏi được.

Chúng ta chưa tạo được tâm lý dị ứng với cái dở, chán ghét nó, khổ sở vì đâu cũng gặp nó. Lại thường chỉ nói chuyện đúng sai mà ít phân biệt hay dở. Nhưng cái đúng mà dở thì sao có thể gọi là văn chương được. Nhiều nhà văn chẳng viết được cái gì đáng kể, thế nhưng cũng đã vào lịch sử văn học. Lỡ rồi. Cười chứ biết làm gì được!

Về văn chương “cỏ gianh”

* Một ý khác của anh mà tôi cảm thấy có thể đồng cảm là cái ý về văn chương“cỏ gianh”.Nếu có thể xin anh nói rõ thêm, ý nghĩ đó đã được hình thành như thế nào.

– Phố Hàng Than Hà Nội có một hàng bánh cốm Nguyên Ninh bán chạy lắm, thế là mọc lên bao nhiêu hàng tên đặt lơ lớ, những là An Ninh, Yên Minh, Nguyên Minh… Trên Nhật Tân có một hàng thịt chó Anh Tú khá đông khách, thế là hàng loạt nhà khác trương biển nhận vơ là Anh Tú, người mới đến ăn lần đầu không còn biết đằng nào mà lần.

Ta hay nói tới tính độc đáo, nhưng thật ra đang sống lẫn vào nhau, sống bầy đàn – nếu nói một cách nghiêm túc. Chúng ta không có những cái tinh hoa, những cái gọi là đỉnh. Tại sao như vậy?

Xem một phim truyện Trung Quốc (xin lỗi là đã quên tên), tôi nhớ mãi cái cảnh một viên tướng của Tưởng Giới Thạch bị thua trận nên chạy trốn, ngồi trên xe do một ông nông dân kéo. Trên xe có cả vợ viên tướng, một ít đồ đạc và có cả một cái bu gà. Có người xin đi nhờ, viên tướng bảo ông nông dân vứt cái bu gà đi, cho người ta lên. Nhưng có cái lạ là chính ông nông dân không bằng lòng, vừa kéo xe ông vừa khoác bu gà sau lưng. Ông bảo: không có gà, không có trứng, làm sao mà tướng quân khoẻ được? Tức là ông ta biết mình không quan trọng bằng cái người ngồi trên xe kia, đã gọi là tướng thì được quyền có trứng gà để ăn, quyền được sang trọng. Trong thâm tâm, ông nông dân quan niệm mình thuộc một loại người khác mà viên tướng thuộc loại người khác. Khái quát mà nói, có thể bảo đó là quan niệm cho rằng xã hội lớp lang phân biệt chứ không phải tất cả cá mè một lứa như dân mình quan niệm. Hà Nội bây giờ khá nhiều nhà, nhất là nhà buôn bán, có ô-sin. Nhưng ở ta lạ lắm, nhận làm ô-sin, hay phục vụ quán xá được mấy hôm, lại muốn nhảy ra làm cái việc là cạnh tranh ngay với chủ mình. Không nói ra nhưng trong bụng nghĩ mình chẳng kém ai. Người nào cũng biết đi buôn, người nào cũng biết làm thủ trưởng. Một sự cào bằng đã được hình thành một cách tự phát. Tôi nhớ lại những rừng cỏ gianh đã đi qua. Trong chiến tranh, sau những trận bom cày xới tan nát, nhiều cánh rừng nguyên sinh cây cối đổ gục và biến thành đồi cỏ gianh. Một xã hội bình thường giống như một khu rừng nguyên sinh ấy, nó có cây cao bóng cả, có cả những dây leo. Cỏ mọc lan trên mặt đất cùng với dây leo ủ đất, giữ nước, làm cho cả cánh rừng thành một tổng thể tươi tốt đầy sức sống và do đó dây leo cũng có ích. Giả như trong một quần thể, các thành viên chỉ biết đến sự phát triển của chính mình và nhất định không chịu nhận phần thua thiệt, không chịu làm gì giúp cho các thành viên khác hưởng lợi, thì tức là chẳng còn có sự phân tầng mà các nhà sinh học hay nói và hoá thành rừng cỏ gianh mất rồi. Tôi nghe nói ở Trung Quốc có sự công khai phân loại nhà văn, ví dụ Mạc Ngôn được giới thiệu là sáng tác viên bậc một. Ở ta chưa ai tính chuyện xếp hạng như thế này, vì giá kể có làm cũng rất rắc rối, chẳng ai chịu ai. Giống như cỏ gianh, nếp sống chen cạnh tự phát hình thành và được mọi người chấp nhận. Mà nơi nào cái tầm thường thắng thế thì ở đấy cái tinh hoa vốn mong manh yếu ớt rất dễ thui chột. Chẳng những nhiều cây bút viết cứ kém dần đi mà cả những hàng phở ngon cũng chỉ nổi lên được vài ba năm, rồi lại trở thành dở, mất khách. Một số nhà nghiên cứu gần đây đã nhận xét rằng xã hội Việt Nam thời trung đại chỉ có quan chức mà không có quý tộc; chỉ có những người học hành mà không có trí thức; có người buôn vặt chứ không có doanh nhân. Không cần có người chứng minh ai cũng thấy đúng như thế. Quý tộc có nghĩa không phải lo làm gì cả nhưng vẫn sống đàng hoàng, còn mấy ông quan ở ta thời xưa vừa làm quan vừa lo ăn, lo con cái, thế thì làm sao có thể chuyên chú vào công việc cai trị? Dân ta nổi tiếng là học giỏi, nhưng học chỉ để lấy cái bằng và xin được việc rồi thì không học nữa.Trong khi ấy trí thức là phải thoát ra khỏi bằng cấp địa vị, phải tách khỏi những chuyện mưu sinh để luôn luôn suy nghĩ về đời sống. Cũng như vậy, giữa những người buôn bán cò con với những doanh nhân có văn hoá, biết đường vươn ra làm ăn lớn- có sự cách xa một trời một vực. Người nọ níu kéo người kia là tình trạng ở ta có từ lâu đời, và nếu không làm một cuộc mổ xẻ lớn để tự nhận thức đầy đủ, xã hội sẽ không phát triển lên được.

Về tính chuyên nghiệp trong văn học

* Anh hay đặt vấn đề chuyên nghiệp hoá ngòi bút cả trong phê bình lẫn trong sáng tác. Khái niệm đó nên được hiểu thế nào?

– Đó chính là phương án để xã hội cũng như văn chương thoát khỏi tình trạng đồi cỏ gianh mà ở trên vừa nói.

Một xã hội tiến lên cần nhiều người thạo việc. Mỗi người có việc của mình. Hồi mới lớn, tôi được dạy: việc gì cũng phải biết làm! Tôi không đủ sức cãi lại, chỉ nghĩ bụng con người mà việc gì cũng làm được, thì sẽ chẳng làm được gì cho ra trò. Lấy đâu ra một con dao vừa chẻ củi được, vừa vót tăm được? Thế nhưng tâm lý này đã ăn sâu vào mình, khó bỏ lắm. Có lần tôi đi với thằng con trai tôi, xe hỏng, hai bố con ngồi chờ người ta chữa. Tôi buồn tình bảo, con để ý xem người ta chữa như thế nào, bận sau xe có hỏng còn tự chữa lấy. Nó cãi lại, bố vẫn hay nói là phải chuyên chú vào một nghề cho giỏi cơ mà, xe hỏng thì mang ra thợ chữa, để thì giờ ấy làm việc chuyên môn của mình có phải hay hơn không.Tôi nghe mà giật mình. Dẫu sao, lúc tỉnh táo, tôi vẫn nghĩ muốn nâng cao chất lượng công việc phải chuyên nghiệp hoá. Việc gì cũng vậy mà văn nghệ cũng vậy. Anh chỉ cần tập trung làm một nghề cho giỏi, nếu nó phù hợp với anh. Tập trung tất cả tinh hoa, sức lực của mình cho một công việc, đó chính là tính chuyên nghiệp! Hãy nhìn vào bóng đá Tây Ban Nha, Italia để biết tầm quan trọng của tính chuyên nghiệp là như thế nào. Bao nhiêu tài năng nghị lực của các cầu thủ đều tập trung cho đá bóng; ngoài cầu thủ ra, còn cả một bộ máy đầy năng động cùng suy nghĩ với họ, giúp họ khai thác mình một cách tối đa, làm sao mà giải bóng đá của người ta không hay cho được? Ta bây giờ chẳng những chưa có những nhà làm luật chuyên nghiệp, những nhà thể thao chuyên nghiệp, mà sáng tác cũng chưa có chuyên nghiệp. Nhà văn ăn lương và không sống bằng nhuận bút. Mà nhiều người trong đó ăn lương để làm việc khác, sáng tác chỉ là kiêm nhiệm. Thời phong kiến viết văn không phải là nghề. Các ông quan, nhà nho ngoài việc chính vẫn làm, khi rỗi rãi thì ghi lại đôi dòng ngôn chí, mạn hứng. Từ đầu thế kỷ XX đã có một lớp người lấy viết lách làm nguồn sống chính. Cái đó làm cho văn chương có sự phát triển vượt bậc. Còn một khi sáng tác mới được xem như phong trào, thì hiệu quả có thấp cũng là dễ hiểu .

* Anh nhìn nhận các giải thưởng văn chương gần đây như thế nào?

– Có nhiều chuyện lắm! Thứ nhất là không khí chung của sáng tác kém, ít tác phẩm tốt, nên phải so đũa chọn cột cờ. Thứ hai và cũng là cái chính, cơ chế giải thưởng nó cổ lỗ quá.Các ban chung khảo thường bỏ phiếu kín, đằng sau đó như nhiều người đoán hẳn có nhiều cuộc mặc cả ngấm ngầm, nên hay dở chẳng rõ ràng gì cả. Đáng ra phải biết rõ tác phẩm nào được ai bỏ phiếu đồng ý và nó được mấy phiếu, thế mới đàng hoàng và mới có ý nghĩa. Ngoài ra tôi còn có một vài đề nghị nữa, đã nói mấy lần nhưng chẳng ai nghe. Tôi đề nghị là chẻ nhỏ giải thưởng ra, có giải về những tìm tòi thể nghiệm trong tiểu thuyết, lại có giải thưởng về ngôn ngữ văn học, giải thưởng dành cho cây bút trẻ xuất sắc… Chia nhỏ như thế dễ nhận ra những cái cố gắng cụ thể của nhau và có tác dụng khuyến khích nhau hơn. Thậm chí, nên có giải thưởng tư nhân. Người nào đó đứng ra, lập nên một giải thưởng, và xét trao hàng năm cho các tác phẩm xuất sắc. Một điểm nữa, ý của nhiều người, và tôi cũng thấy đúng. Là nên phân biệt giải thưởng với việc thưởng công cho người tốt, người có thành tích công tác. Ai có công phải được thưởng, nhưng việc nào đi việc ấy. Văn chương phải đúng là văn chương, còn tiền bạc để trợ cấp cho người túng thiếu lại là chuyện khác. Cần nhớ giải thưởng trước tiên là một cơ chế thúc đẩy sáng tác. Có lần tôi tính, phải đến 70% nhà văn Việt Nam có giải thưởng các loại và các anh các chị ấy thường không quên ghi cái đó vào lý lịch sáng tác của mình. Song tôi vẫn có cảm tưởng chưa biết bao giờ các hội nghề nghiệp mới tạo được những giải thưởng có tính chuyên môn cao, có uy tín thực thụ. Ngẫm ra, tình trạng giải thưởng lan tràn hiện nay cũng lại là một biểu hiện của văn hoá quà vặt mà ở trên đã nói.

YÊN BA thực hiện 2003

Theo Viết & Đọc chuyên đề mùa hạ 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét