Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

CÓ MỘT NHÀ THƠ HỮU ĐẠT TÀI HOA

 


CÓ MỘT NHÀ THƠ HỮU ĐẠT TÀI HOA

                        Qua tập “Thơ tình và thơ hình họa”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021

                                           Vũ Nho


 

           Tôi biết tên tuổi PGS.TS. Nhà văn Hữu Đạt đã lâu. Anh là nhà ngôn ngữ, cũng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Khác với những bạn bè là nghiên cứu chỉ chuyên chú nghiên cứu, Hữu Đạt nghiên cứu rất say mê, có thành tựu không nhỏ. Nhưng phần sáng tác của anh lại là phần cũng rất nổi trội. Không  nhiều, nhưng cũng không quá hiếm các nhà nghiên cứu có học hàm học vị vẫn  kiêm thêm cả lĩnh vực sáng tác. Mà sáng tác cũng không xoàng. Ấy  là GS.TS. Lê Văn Lân tức nhà thơ Mã Giang Lân. GS. Hà Minh Đức với thơ và truyện ngắn. PGS.TS. Phạm Quang Long với các tiểu thuyết. GS.TS Nguyễn Thanh Hùng với một số truyện ngắn. Nhưng PGS TS. Hữu Đạt vẫn khác biệt với các vị trên ở chỗ thành tựu sáng tác của anh rất  nhiều và rất rộng. Có kịch ( bốn kịch bản), có tiểu thuyết  (hàng chục cuốn), có  tập truyện ngắn (2 tập), có bút kí, có kịch bản phim truyện, có lí luận phê bình văn học (3 tập), có chuyên khảo “Ngôn ngữ thơ Việt Nam”, “Tiến trình  phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam từ sau năm 1986 đến nay” .

Riêng về thơ, anh có trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày”. Lại có các tập thơ “Lữ hành”. Và bây giờ là tập “Thơ tình và thơ hình họa”.

Trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” của tác giả đã được tổ chức  tọa đàm khoa học với nhiều tham luận sôi nổi (Như  tác phẩm khác của anh được hội thảo  là tiểu thuyết “Những kẻ giấu mặt” cũng sôi nổi không kém). Cũng có nhiều người đã viết về tập “Lữ hành”. Và hầu như  các tác giả bài viết không dè sẻn lời khen, coi Hữu Đạt là nhà thơ tài hoa, là người góp phần cách tân thơ với lối thơ  hình họa. GS.TS. Nguyễn Hồng Hải, người bạn học thời phổ thông sau này  gặp lại, khâm phục bạn mình phải thốt lên “Hữu Đạt là một anh giáo – Hội viên Hội nhà văn Việt Nam đã từng “một tay múa đủ mười đường văn chương”!”. ( Đọc Thơ tình và thơ hình họa của Hữu Đạt in ở cuối tập thơ). Nhà giáo Trần Hinh, một bạn đồng nghiệp thì viết : “Hữu Đạt đã “cày bừa” gần như trên tất cả các thể loại văn chương, viết nghiên cứu, phê bình, sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, tạp văn…Có lẽ “lão nông” Hữu Đạt cho đến lúc này đã “cày nát mảnh ruộng” được chia của mình. Chỉ còn một “mảnh đất nhỏ xíu” anh chưa kịp thử “gieo hạt mới” là thơ ca” (Hữu Đạt – Nhà thơ lữ hành, in trong “Bạn đọc, nhà văn và phong cách”,  Nxb Hội Nhà văn, trang 176). Và người viết tiên đoán : “Chắc Hữu Đạt sẽ chưa dừng lại ở đây : hoặc anh sẽ  còn tiếp tục cho ra đời các tập thơ mới; hoặc nữa, sẽ còn một việc cuối cùng trong cuộc đời phải làm là viết một cuốn hồi kí” (Tài liệu đã dẫn, trang 177). Tập thơ Lữ hành đã ra đời như tiên liệu. Và Trần Hinh đã đánh giá  Hữu Đạt “chuyên nghiệp” như bất cứ một nhà thơ thứ thiệt nào khác” (Tài liệu đã dẫn, trang 179).

            Quả thực, Hữu Đạt có một năng lực sáng tạo phi thường ở mọi thể loại. Nhà khoa học ngôn ngữ Hữu Đạt không ngáng trở hay trói buộc nhà  tiểu thuyết, nhà viết kịch,   nhà viết kí, nhà phê bình, nhà thơ,… Trái lại hòa hợp trong các nhà đó, nâng đỡ các nhà đó làm thành nhà văn Hữu Đạt độc đáo, có thành tựu ở cả “mười đường văn chương”. Riêng về lĩnh vực thơ, Hữu Đạt là người giàu cảm xúc nên dễ thành công đã đành. Một yếu tố khác cực kì quan trọng, theo tôi, chính là vì Hữu Đạt còn là một nhà nghiên cứu với chuyên luận “Ngôn ngữ thơ Việt Nam”,  “Tiến trình  phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam từ sau năm 1986 đến nay”.  Nhà nghiên cứu đã hỗ trợ đắc lực cho nhà thơ, làm cho  tiếng Việt trở nên lung linh huyền ảo” như nhận xét của GS.TS. Nhà giáo nhân dân Hoàng Trọng Phiến.

          Bây giờ xin trở lại với 165 bài thơ trong tập “Thơ tình và thơ Hình họa”.

          Có thể thấy hầu như đến nơi nào ( mà  tác giả  là người đi nhiều) Hữu Đạt cũng có thơ. Chuyện gì cũng có thể thành thơ. Giấc mơ, nỗi nhớ, thăm trường xưa, đêm không ngủ, mùa Thu (Thu cảm, chiều Thu, Heo may, Mới gữa mùa thu), mùa Xuân ( Cảm xuân, Xuân xa xứ, Có những mùa xuân) mùa Hạ (Mỗi một mùa thi, Hè nào, Hoa Phượng, Khi mùa hè sắp hết). Không phải là ngòi bút tài hoa và tâm hồn nhạy cảm khó có thể viết như vậy.

          Mảng thơ tình, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước, nhất là tình yêu lứa đôi nam nữ là mảng  thơ đậm đà, thành công của tác giả. Những câu thơ vừa đằm thắm, vừa trong trẻo lại vừa mang mang một nỗi buồn chia xa:

                   Khi em về Văn Yên

                   Trời Thu sao xanh thế

                   Trong lời ru của mẹ

                   Có nỗi buồn xa xăm

                   Khi em về Văn Yên

                   Trăng cũng lên theo núi

                   Sao buồn sao không nói

                   Nhấp nháy hoài sao ơi

                            (Khi em về Văn Yên)

Có thể nói thơ tình của Hữu Đạt không mãnh liệt, sôi nổi, vồ vập dạt dào như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, mà nghiêng về bâng khuâng, dịu dàng, mơ màng:

                   Tuổi học trò đã xa rồi thuở ấy

                   Chợt mơ màng xao xuyến cánh phượng rơi

                                                     (Xa rồi)

                  Em về theo những bước chân

                   Là bâng khuâng những xa gần nhớ mong

                   Nắng chiều như cũng thong dong

                   Mang theo hương lúa lên đòng ngoại ô

                                       (Em đến – Em về)

 Dù đi nhiều, nhưng hồn thơ tác giả luôn neo đậu chốn quê. Nỗi thương quê, nhớ quê được  gửi vào những vần thơ da diết:

                    Đồng ruộng ngút ngàn

                   Mênh mông sóng lúa

                   Ngày tháng Chạp rét như dao cứa

                   Lập thập mò cua cá dưới thung sâu

                                (Anh có còn nhớ quê)

“Lập thập” bạn sẽ không tìm thấy trong từ điển, nhưng lại diễn tả được   thần tình cái rét run của người mò cua cá dưới thung sâu.

          Ở Matxcơva mà nhớ Hồ Tây, nhớ đường Trần Phú và:

                   Giữa Matxcơva vẫn nghe

                   tiếng quê mình trong từng góc phố

                   Ta vẫn thấy quanh đây có cả mùi rơm rạ

                   Khói tranh vàng bên bếp lửa quê ta

                                             (Chiều thu)

          Sự tinh tế còn được thể hiện trong nhiều bài thơ, nhiều câu thơ. Như Rừng Nga là một ví dụ:

          Rừng Nga chiều

          Em đi lặng lẽ

          Rừng cây chợt hát

          Nghe thì thầm những lời của đất

          Hát về một nước Nga xưa

          Văng vẳng từ xa tiếng chuông nhà thờ

          Ai đọc bài thánh kinh

          Làm ngọn nắng ngập ngừng bên tháp cổ

                             (Rừng Nga)

 Một số bài thơ của Hữu Đạt  làm ở Học Viện Phật giáo Việt Nam khi vịnh Thiền viện, hay khi độc ẩm buổi sớm ở Sóc Sơn mang dấu ấn Thiền rất rõ. Không khí thiền thanh tịnh, khoan thai với “Một tiếng chuông đi trong gió nhẹ”, với “Tiếng mõ tụng kinh ngập lối về”. Không phải ngẫu nhiên mà TS Mông Lâm, giảng viên Trường Đại học ngoại ngữ ngoại thương Quảng Đông viết một tiểu luận nhan đề “Giá trị nhân văn trong thơ tiền Việt Nam xưa và nay”. Tác giả chọn 2 bài thơ xưa “Cáo tật thị chúng”  của Mãn Giác thiền sư và “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư cùng với ba bài thơ của Hữu Đạt gồm “Hội ngộ”, “Hữu duyên” và “Nhân duyên” để phân tích. Sau đó đi đến kết luận: “Vẫn là thơ Thiền, nhưng thơ Thiền của Hữu Đạt mang cả luồng gió thời đại mới ùa vào trong không gian thơ Thiền, góp phần tạo nên vị thế đặc biệt, độc đáo của thơ Thiền thời nay” (Ngôn ngữ và Đời sống, số 8 năm 2019).

Là nhà ngôn ngữ học, ngoài vốn liếng từ ngữ thơ Thiền, tác giả cũng đọc nhiều về Phật học, cái chính là hồn thơ giàu xúc cảm giúp cho tác giả thành công khi viết thơ Thiền.

          Tôi muốn dành ít dòng nói về thơ hình họa của Hữu Đạt. Những người viết về thơ anh đã đề cập sự sáng tạo và góp phần cách tân của anh. Quả thật, Hữu Đạt không phải là người đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận và làm thơ “hình họa” (còn gọi là hình thức xếp hình, thơ hình vẽ) hay thơ “mô phỏng”. Việt Nam đã có Nguyễn Vĩ, Lê Ta, Trần Huấn Chương làm thơ “mô phỏng”. Nhưng chỉ là những thử nghiệm. Hữu Đạt làm kiên trì hơn, bền bỉ  và bài bản hơn. Anh quan niệm “Thơ hình họa là thể loại thơ ẩn chứa trong nó nhiều tầng bậc cấu trúc, nhiều tầng bậc ngữ nghĩa, nhiều cung bậc tình cảm và nhiều giai điệu âm thanh.

          Mỗi bức họa hình thành bằng thơ đã là một hình tượng, một tư tưởng, còn câu chữ, nhịp điệu trong nó sẽ tạo nên các hình tượng riêng lẻ trong cái thể thống nhất nhiều chiều. Tôi thích làm thơ hình họa vì muốn đem đến cho bạn đọc một lối đọc, một lối cảm thơ theo cách mới. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm được sự đồng cảm từ mỗi con chữ ở trong các “bức họa” ấy” (Lời nói đầu, trang 8).

          Trong tập này, tác giả đã đưa ra hơn 30 bài thơ với các hình cái cốc, chiếc nơ, tháp nước, bản đồ Việt Nam, cây thông, chiếc bát úp, lưỡi mác, mũi tên, máy bay, tháp chồng, trăng lưỡi liềm, li có chân, lọ lộc bình, con tàu, hình thoi, lọ lộc bình cổ, quả ổi, quả cầu, giọt lệ, con quay, thiếu nữ mặc váy, con thuyền, trái tim, trái núi, lọ hoa, lọ mực, ngọn đèn, mũi tên.

          Chưa kể bài Cõi mê (trang 8), Anh về bến cũ (trang 16), Heo may ( trang 20), Chiều thu (trang 22 -23) Xuân xa xứ (trang 36), Qua Bưu điện (trang 70), Một năm lỗi hẹn (trang 112) , Gặp bạn cũ (trang 119), Biết khi nào trở lại quê em (trang 160)  đều gợi hình ảnh mà tác giả không gọi tên. Ví dụ  Cõi mê là hình bóng người, Gặp bạn cũ là hình đồng hồ cát (chỉ thời gian), Heo may là hình chiếc đèn hoa kì, Biết khi nào trở lại quê em là hình  núi chồng lên núi (Quê em rừng vẫn nối rừng, quanh co núi liền tiếp núi – biểu tượng con đường khó đi). Có bạn đã nói rằng “Về thăm xứ Thanh” hình chiếc cốc ngầm ý sẽ có cụng li, gặp gỡ say sưa. Rồi “Mùa Thu” có hình quả ổi, vì ổi là đặc sản mùa thu.  “Nhớ” có hình trái tim, vì  tỉnh cảm sinh ra nỗi nhớ,…

          Rõ ràng, những hình họa, làm cho bài thơ được trình bày đa dạng, vui mắt hơn, và cũng gợi một ý tưởng nào đó, cùng với lời thơ.

          Tôi nhớ chuyện V. Maiacovxki làm thơ bậc thang. Nhưng không phải là thơ bậc thang ngay từ đầu. Mà thi hào làm thơ bình thường, sau đó mới tạo ra bậc thang rồi công bố. Chắc hẳn thi sĩ Hữu Đạt cũng không làm thơ hình máy bay, tháp nước, cái cốc, mũi tên,… Nó vốn là bài thơ bình thường, rồi tác giả mới kì khu xếp nó thành các hình. Giả như đó là các bài thơ chất lượng kém hoặc làng nhàng, thì dù có xếp hình vương miện hay hạt kim cương, giá trị của bài thơ cũng không vì thế mà tăng lên! Thật may là không có bài thơ nào non lép, cho nên thêm hình họa có thể thêm tầng bậc ngữ nghĩa, thêm một cách tiếp nhận,  nhưng về cơ bản giá trị của bài thơ vẫn không thay đổi đáng kể.

          Thơ hình họa, hoan nghênh! Nhưng cũng chỉ nên coi là một sự chơi thơ tài hoa, như tiền nhân đã từng làm thơ yết hậu, thủ vĩ ngâm,  đọc xuôi và đọc ngược, khoán thủ (chiết tự, xuyên tâm, tung hoành trục khoán,…)

          Dẫu sao, tôi cũng dành sự cảm mến và kính trọng với nhà văn Hữu Đạt, một nhà bao gồm rất nhiều nhà, trong đó có nhà thơ tài hoa như bạn bè và bạn đọc đã thân ái tặng anh!

                                              Hà Nội, 10 tháng 6 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét