Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn: Tình trạng tẻ nhạt khó chữa – Kỳ 2

 


Nhà phê bình Vương Trí Nhàn: Tình trạng tẻ nhạt khó chữa – Kỳ 2

Vanvn- “Nếu bây giờ mà nói về đời buồn của Xuân Diệu, của Nguyễn Tuân, của Chế Lan Viên, của Nguyễn Khải… như tôi đã biết, thì cũng đủ chuyện để nói và toàn những chuyện nhiều bạn đọc có thể chia sẻ. Trong Cây bút đời người, tôi mới viết về cái sự quẩn quanh, cái hèn, cái tầm thường, cái lo lắng lặt vặt ở một số nhà văn. Thật ra ở họ còn có cả những cái ác, nói dối nhau, trị nhau, đá ngầm nhau, dí điện nhau, phản bội nhau nữa… Cái đó thời nào cũng có và ở đâu cũng có cả.” – nhà phê bình Vương Trí Nhàn chia sẻ.

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Tranh của họa sĩ Hoàng Tường

>>Tình trạng tẻ nhạt khó chữa – Kỳ 1

 

Về phê bình văn học và sức ép dư luận

* Bây giờ nói chuyện mà lẽ ra phải nói từ đầu, đó là phê bình văn học. Sau khi đã khái quát cuộc sống nói chung và giới sáng tác nói riêng như trên, anh sẽ nói sao về nghề của mình?

– Vâng, tôi hiểu ý anh. Cũng xin nói ngay mà không cần phải che đậy giấu giếm gì: mọi chuyện gay go lắm. Giới phê bình chúng tôi xưa nay vẫn yếu hơn so với giới sáng tác; từ hồi có cơ chế thị trường lại càng yếu. Lực lượng chỉ gồm một vài nhà giáo dạy học, soạn các giáo trình, một ít cán bộ làm việc ở ban hiện đại của các viện nghiên cứu; rồi một vài người làm ở các báo, bên cạnh việc đưa tin, thỉnh thoảng có đi vào nhận xét các tác phẩm mới in ra… Thế thôi! Ở các nước khác, thường có những người đóng vai trò như cái cân ấy, chỉ có việc duy nhất là đọc sách mới in rồi đánh giá xếp loại, họ khen cho cuốn nào, cuốn đó bán được ngay. Ở ta loại người đó không hình thành, cái gọi là tác phẩm phê bình trên mặt báo không sao đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Hoặc đó là những bài viết theo kiểu học trò làm luận, đối chiếu một ít nguyên lý sơ giản mà người viết học được ở nhà trường với các sáng tác để rồi nêu ra những nhận xét không cần cho ai cả. Hoặc đó là những lời bình tán uốn éo ra vẻ thân cận gần gũi với giới viết văn, giảng cái hay cái đẹp cho mọi người, thực chất chẳng khác gì thứ văn chương thù tạc của mấy ông đồ trước chén rượu nhạt. Gần đây lại có hiện tượng móc ngoặc để lăng xê nhau, phê bình trở thành một thứ cò mồi cho sáng tác. Không chỉ bạn đọc chán mà chính người viết loại bài này cũng chán, càng chán thì càng làm bôi bác cho xong. Anh cứ thử để ý mà xem, số người viết phê bình chịu để công chăm lo chữ nghĩa câu cú không có mấy. Người viết không tiêu hoá được kiến thức, không có những suy nghĩ riêng của mình về cuộc đời, không có được niềm vui của một người tự do suy nghĩ và hào hứng vận dụng tiếng mẹ đẻ để viết nên một áng văn chương. Cũng tức là họ không đủ bản lĩnh của một người cầm bút, không có chủ kiến cũng như không có cái gan phơi bày con người mình trên mặt giấy như một nhân cách độc lập để đối thoại với bạn đọc. Như thế thì sao gọi là viết văn được? Trong không khí cởi mở của đời sống hiện nay, sự chuẩn bị để thay đổi không có, công phu không có, tiếp cận cái mới cũng không có nốt… Tức là vẫn làm ăn như mấy chục năm trước, bề ngoài có đắp điếm thêm một vài nét mới nhưng cái cũ vẫn là chính, mà cái cũ ấy lại cùn mòn đi, kém cỏi hơn. Vì thế, chưa thoát được sự tẻ nhạt vốn có từ nhiều năm trước.

* Tồn tại như một nhà phê bình, tức là anh phải luôn luôn đối chọi với những áp lực từ phía đối tượng anh phản ánh, từ phía bạn đọc, từ trong chính nội tâm của anh. Anh nhận định như thế nào về dư luận đối với phê bình của ta hiện nay, khi mà trong nhiều trường hợp, áp lực của số đông đôi khi trở thành chân lý?

– Tôi hiểu! Áp lực ghê gớm lắm! Thế nhưng đối với dư luận, tôi thấy có hai điều, hai điều này có vẻ như trái ngược nhau. Thứ nhất, tôi vẫn tin trên đại thể dư luận là đúng, bạn đọc là đúng. Mình cứ làm tốt đi, rồi mọi người sẽ hiểu cho mình. Mỗi người chỉ là một bộ phận nhỏ, trong cái guồng máy chung, tôi làm hết sức tôi và tôi chọn con đường riêng của tôi, thế là được rồi. Anh nào viết tốt, người đọc vẫn biết. Những người có được một chút gọi là nổi tiếng đều có lý do của họ, chứ không phải bất tài, lăng nhăng mà nổi tiếng được đâu. Thứ hai ngược lại, tôi cũng thấy rằng đời sống thường cũng có cái nông nổi hàm hồ của nó. Nhiều cái sai mà lại được cho là đúng, dở bốc lên thành hay. Thời nào cũng có những người dẻo mồm, nói huyên thuyên mà được người đời đổ xô đi nghe. Biết tất cả những cái đó rồi, vấn đề là có đủ tự tin để tiếp tục làm việc tốt và khẳng định mình hay không mà thôi.

* Ai đó bảo trong phê bình thường có hai xu hướng: một là phê bình theo lối quan phương; thứ hai là phê bình theo lối dung tục, tức là mang tính gạt bỏ tất. Anh có thể bình luận gì thêm?

– Theo tôi hiểu, phê bình quan phương, tức là cầm tay chỉ việc, dạy người ta phải làm văn chương như thế này, tìm cảm hứng sáng tạo như thế kia; sau khi người ta viết xong đối chiếu với sách vở quy phạm rồi bảo cái này không được, cái kia được chẳng hạn. Đúng là cái lối này đã cũ và hiện nay nó yếu nhiều rồi nhưng vẫn cứ dai dẳng tồn tại! Tôi muốn bổ sung: thứ phê bình quan phương đó cũng có đủ mặt, khi thì nó vuốt ve khen ngợi những thứ tầm thường, khi khác lại quát thét mắng mỏ những tìm tòi chân chính; vâng, chính nó đã mang tính gạt bỏ như anh nói.

* Dường như anh tỏ vẻ không thương xót gì bản thân cũng như giới phê bình của mình. Thế nhưng ít ra anh cũng có thể nói điều gì để “bào chữa” cho những cái gọi là yếu kém đó chứ?

– Để nói cho hết nhẽ, phải bắt đầu từ một sự thực đau lòng, đó là mặc dù hiện rất có nhiều người nhảy vào viết phê bình nhưng trong thâm tâm người ta khinh rẻ nó, không coi đó là sự nghiệp của đời mình, chẳng qua rỗi rãi mà chưa sáng tác được thì viết chơi in chơi, chọc ghẹo dư luận chơi. Tại sao có cái tâm lý đó, tôi nghĩ mãi và tạm cắt nghĩa thế này: Trước tiên phê bình là nghề khó, càng những nghề tưởng như dễ ai cũng làm được, muốn làm cho nổi càng khó. Thứ nữa, trong tâm lý con người hiện nay có một yếu tố tôi tạm gọi là sự sùng bái hành động, cứ được động chân động tay luôn luôn, cho ra thật nhiều sản phẩm là thích. Còn bảo họ ngồi để suy nghĩ đánh giá công việc rút kinh nghiệm rồi tìm cách làm ra sản phẩm tốt hơn, thì họ rất ngại .

Xin nói tiếp về những khó khăn đặc thù của phê bình. Suốt thời trung đại, ở ta, tác phẩm viết ra ít có khả năng xã hội hoá mà thường chỉ lưu hành trong từng vùng đất chật hẹp hoặc trong một ít bạn bè tri kỷ của người viết. Mà phê bình thực sự lại đòi hỏi xã hội có một mặt bằng đánh giá thống nhất. Giờ đây ngoài thị trường vẫn có tình trạng mỗi chợ một cân. Trong sự đánh giá lẫn nhau cũng thiếu những thước đo chung, khi có gì khác biệt thì giải quyết theo lối cãi bứa, ai to mồm và nói dai người đó được.Thế thì phê bình còn lâu mới thành một ngành hoạt động độc lập. Hàng ngày tôi rất thích xem ti vi buổi sáng, ở đó có cái mục điểm báo khá bổ ích. Báo chí gần đây xới ra được nhiều vấn đề đời sống, nói được nhiều chuyện bức xúc. Thế nhưng bao nhiêu chuyện nêu ra rồi, có làm được gì đâu. Hôm nay phát hiện, mai lại quên, lại đi phát hiện chuyện khác. Tôi tự liên hệ: không nên hy vọng gì nhiều ở những bài phê bình của mình.

Sống để vượt lên những nỗi buồn

* Khi thừa nhận trong nghề có nhiều hiện tượng đáng buồn và đã mổ xẻ được những nguyên nhân của nó, thì chắc anh đã suy nghĩ để tìm ra biện pháp giải quyết. Không phải là một người quản lý ở mặt vĩ mô, mà dưới góc độ của một nhà văn, một nhà phê bình, anh nghĩ cái hướng để làm việc đó như thế nào?

– Gần đây có một cuộc trao đổi trên báo Văn Nghệ, tại đấy nhiều người cùng bảo là phê bình văn học đang xuống cấp lắm. Rồi các anh ấy bảo rằng, hãy để cho mọi người nói hết ra, rồi cuộc sống sẽ điều chỉnh! Tôi không tin rằng mọi chuyện có thể giải quyết dễ dàng như vậy. Nói thẳng đâu có dễ. Vấn đề là nói đúng nói sát với tình hình và đề ra được biện pháp giải quyết, cái đó mới khó, chứ cho nói thẳng mà toàn những ý kiến xoàng xĩnh thì cũng vô bổ. Tôi không đặt hy vọng vào những cuộc gọi là trao đổi rộng rãi mà các đồng nghiệp tôi đã kêu gọi, lý do là như vậy. Cái chính là mỗi người hãy làm việc tốt hơn tự nâng cao mình lên trong công việc. Và hãy dám chấp nhận cái sự gọi là đơn độc về mặt tinh thần, theo đuổi đến cùng những điều mình coi là đúng, rồi chân thành thận trọng nghiêm túc trình ra trước bạn đọc, để mọi người cùng xem xét.

Nhiều người thường tự hào rằng có thể mình viết chưa hay nhưng mình đã viết rất thực. Làm như cứ muốn là chân thực ngay được. Theo tôi hiểu, trong các mối quan hệ, chân thực được là khó nhất, và chỉ những cái hay mới có quyền nói rằng nó thực! Bởi trình độ nắm và trình bày cái thực phụ thuộc vào kinh nghiệm sống và triết lý về đời sống. Trong khi chờ đợi những cái hay đó, thôi thì ta hãy bằng lòng để cả những ý kiến có vẻ lạ tai cũng được phép xuất hiện. Ví dụ với bài viết về Xuân Diệu, tôi muốn cung cấp cho độc giả những hình ảnh khác nhau về một con người nổi tiếng, khi thì ông hiền lành nhẫn nhịn, khi thì tham lam tính toán, khi thì thiết thực biết điều, lúc khác lại khéo léo vun đắp những mong để lại một ấn tượng đẹp với hậu thế. Mỗi đoạn mang một hình ảnh như vậy. Người đọc sẽ xem những hình ảnh khác nhau, rồi hình dung ra con người mà họ muốn hiểu. Còn nếu như bạn đọc nào đã có sẵn một cách hiểu về Xuân Diệu rồi, chỉ cần đọc thêm một bài minh hoạ cho quan niệm đã có, thì xin mời đọc những người khác. Chung quanh Xuân Diệu đã có nhiều người viết. Trần Đăng Khoa viết rất hay, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đăng Mạnh viết rất sâu sắc. Tôi không có ý định viết để thay thế bài của các tác giả nói trên, mà chỉ cung cấp thêm một hình ảnh để bạn đọc tham khảo.

* Đọc kỹ những bài phê bình của anh thời gian gần đây, có cảm giác nhà phê bình Vương Trí Nhàn luôn ở trong tình trạng đi cheo leo trên một sợi dây, nó là cái ranh giới giữa một bên là sự phê bình mang tính phê phán quyết liệt, không né tránh vấn đề, một bên là những cố gắng kiềm chế để giữ được cái giọng điệu vốn có của mình, điềm đạm, trầm tĩnh. Anh có nghĩ đó là một cái hướng hiệu quả trong phê bình văn học hiện nay hay không?

– Những lúc ngồi rỗi tự vấn tôi thấy mình cũng có vẻ hơi nhiều những bất mãn, theo cái nghĩa là không bằng lòng đối với đời sống. Bất mãn cho cả mình và cho cả người khác. Trong phạm vi văn học mà chúng ta đang nói, có nhiều người có thể làm được nhiều việc có ích. Nhiều người nhạy cảm, có năng khiếu có tài nhưng ít bỏ công tu luyện đọc thêm học thêm nên viết được cái đầu, còn về sau không phát triển lên được. Chắc anh Yên Ba cũng thấy, nhiều nhà văn ta bao nhiêu năm sống ở chiến trường, có thể nói rất thuộc thực tế chiến tranh, vậy mà hơn hai chục năm gần ba chục năm sắp qua, vẫn chưa thấy có những cuốn sách được dư luận công nhận. Tại sao? Theo tôi vấn đề là ở chỗ chúng ta không có cách nhìn mới đối với chiến tranh, không tìm cách khám phá lại lý giải lại. Có cách nhìn mới thì tự nhiên vốn liếng cũ được huy động, được làm mới. Trong việc này, theo tôi, lẽ ra chúng ta cần phải huy động kinh nghiệm nước ngoài. Không chỉ văn học Xô viết mà văn học Đức, văn học Pháp, văn học Mỹ, đều có những cuốn sách lớn viết về chiến tranh, có thể giúp các nhà văn của ta tham khảo. Nhưng hình như ít ai chịu mầy mò tìm tòi rút kinh nghiệm của người ta, mà chỉ ngồi đó với đống tài liệu cũ, mãi không làm được cái gì ưng ý rồi đâm ra sốt ruột, bỏ đi viết những cái linh tinh trước mắt, đó không phải chỉ là đáng tiếc với chính anh ta mà đáng tiếc cho cả xã hội.

Nhìn rộng ra ở các khu vực đề tài khác cũng vậy. Tôi muốn kêu to lên để mọi người cùng sốt ruột rồi cùng băn khoăn lo liệu. Nhưng với thời gian tôi càng ngày càng cảm thấy thông cảm hơn với bạn bè đồng nghiệp. Mỗi người đang có vô vàn khó khăn, bao nhiêu công việc hàng ngày cuốn họ đi. Sự kiếm sống ngày mỗi quyết liệt. Chung quanh đang chạy như điên để có thêm thu nhập, để nổi tiếng, để có thế đứng, để giành giải thưởng, để được hưởng thụ những gì mà cả đời chưa được hưởng. Những thúc ép đó khiến cho một số người lúc nào cũng trong tâm trạng ngồi không yên ổn đứng không vững vàng, chẳng làm được cái gì tử tế như lẽ ra họ có thể làm. Về phần mình tôi cũng thèm muốn đủ thứ. Nhưng tôi cảm thấy không nên mà cũng không đủ sức lao vào cuộc chạy đua với mọi người. Phê bình quả thật chẳng có ảnh hưởng gì lắm. Tôi muốn chê ai, thì người ấy thực ra cũng đã biết, và điều quan trọng hơn, nhiều người khác cũng có cái đó cả, chê một người là bất công; còn khen ai cho có tác dụng đâu phải dễ. Nên tôi thấy chỉ có cách là điềm đạm mà sống và viết. Đây không chỉ là chuyện giọng văn mà trước tiên là ở cách nhìn. Có lần thấy nhiều người cứ đòi giải tán Trường viết văn Nguyễn Du, tôi bảo: ở ta có bao nhiêu là công ty, xí nghiệp, nhà trường làm ăn thua lỗ, bê bối, bao nhiêu trường đại học sinh viên ra trường không nơi nào nhận chứ riêng gì trường Nguyễn Du. Đấy cái gốc mà tôi muốn trau dồi cho ngòi bút của mình là điềm đạm kiểu đó.

Những cách tồn tại khác nhau

* Anh có thể nói gì về những sự nổi tiếng vốn là chuyện được giới văn nghệ quan tâm?

– Tôi thấy có những việc như thế này. Chẳng hạn nhìn vào mấy ông Nhân văn Giai phẩm, thấy ở đấy có ông giỏi, nhưng nhiều ông viết cũng thường thôi. Như Phùng Quán, thơ chỉ có một ít bài hay còn phần nhiều nặng về khoa trương la hét, tuyên ngôn tuyên bố. Nhưng vẫn nổi tiếng, chỉ bởi lẽ nhiều người cứ bắt chước nhau mà khen, chứ không chú ý thực tài. Những vụ bê bối được sự ưu ái có phần quá đáng của dư luận. Mà chúng ta còn lạ gì, dân mình, thấy sập cầu, đâm xe, cứ đứng xem cái đã, cho dù là tắc đường cũng không ngại. Nó là tâm lý dân tộc rồi. Từ đó, sinh ra cái hiện tượng mà nhiều người gần đây đều biết, tức là sách bị “đánh” lại bán chạy, có người khôn ngoan đến mức tạo ra dự luận “đánh” mình để nổi tiếng. Chưa biết bao giờ mới dẹp hết được những huyền thoại, cả thứ huyền thoại tự nhiên, lẫn thứ được người trong cuộc tạo ra một cách cố ý! Xã hội như thế, thì văn nghệ như thế thôi, không thể trách được.

* Nhân nói về những vụ việc trong địa hạt phê bình của anh, thời gian qua có những ý kiến phê phán anh. Anh nghĩ sao về những ý kiến đó?

– Nhìn lại những người từng có viết bài phê phán tôi, thì Trần Mạnh Hảo là người đọc tôi kỹ nhất, hơn những người khác nhiều. Theo tôi, ông Hảo là một người làm việc chăm chỉ và tích cực, thường có ý kiến của mình về mọi chuyện. Nếu để sang một bên mục đích viết mà chỉ nói về cách làm việc thì tôi thấy ông quá nhạy cảm trước những yêu cầu xã hội và giỏi khái quát, tức là biết gán cho người và việc trước mắt những ý nghĩa mà ông thấy cần phê phán. Đọc người khác viết về một hiện tượng văn chương nào đó, ông có phản ứng lại rất nhanh, đọc tới đâu, viết tới đó. Nhiệt tình chính của ông là nhiệt tình tranh luận bác bẻ vặn vẹo lại những người đã viết trước. Đôi lúc tôi cứ có cái cảm giác là ông Hảo làm cái việc trị người khác cốt cho nó xôm trò, và muốn tự chứng tỏ rằng điều gì rồi cũng có thể nói khác đi, nói ngược lại, hay ít ra là cãi lại tất cả.

* Nhưng dù sao, anh Hảo cũng mang lại cho không khí phê bình một sự sôi động nào đó chứ?

– Chính vì vậy tôi thường suy nghĩ về Trần Mạnh Hảo theo cái hướng đây không phải chỉ là cách tồn tại của một người. Chắc có nhiều người khác nghĩ theo kiểu như vậy, họ cũng muốn viết như ông Hảo, chẳng qua chỉ vì nhát hay ngại mà không viết. Và điều cần suy nghĩ hơn cả là có những người cần những bài viết kiểu đó. Thành thử có thể nói đây là một hiện tượng chỉ có ở thời buổi hôm nay, hiện tượng ấy là một phần của đời sống tinh thần trong xã hội chúng ta đang sống. Khi vượt lên trên những khen chê ác cảm thiện cảm cá nhân để gắn hiện tượng với cái chung, tôi thấy có nhiều điều phải lý giải thêm!

* Bây giờ đi vào một vài hiện tượng sáng tác. Anh nhận định như thế nào những cây bút trẻ, ví dụ như Nguyễn Bình Phương?

– Nguyễn Bình Phương là một cây bút mà theo tôi là có những hướng tìm tòi tốt. Một số người khác cũng có hướng tìm tòi như thế. Nhưng mà ở ta cái sự tìm tòi thường mang tính cá nhân, một hai người làm với nhau. Nó thiếu cái nền chung. Cùng với sự tìm tòi, lại còn phải tính tới khả năng của mỗi cây bút nữa. Có khi anh tìm tòi đúng, nhưng tài năng kém, nên không thực hiện được ý định. Cũng như anh có cái xe máy, nhưng anh đi nhộm nhoạm, thì lại không bằng cái người đi xe đạp đàng hoàng, chắc chắn. Tìm tòi là việc phải làm, nhưng để viết thành công, chấp nhận được thì còn xa lắm, khó lắm. Xin lỗi là gần đây do mải làm nốt một số công việc dang dở, tôi không có nhu cầu đọc các tác giả trẻ và cũng không chú ý tới những diễn biến mới trong đời sống văn nghệ, nên chỉ có thể nói đại khái như thế.

* Còn tác giả Tạ Duy Anh, anh thấy thế nào?

– Tôi đặc biệt trân trọng Tạ Duy Anh ở cái điểm chịu đọc. Đọc cả những tác giả lớn của nước ngoài và đặt sáng tác của mình trong mối liên hệ với những vấn đề mà các tác giả lớn đó đã động chạm tới. Đó là một hướng đi rất có triển vọng. Tạ Duy Anh không thuộc vào cái lớp người “làm hàng” hiện nay, tức là viết cốt để đăng báo, viết liên tục, đôi khi biết không có gì hay ho vẫn cứ viết. Cái cuốn mới của Tạ Duy Anh, đáng lẽ còn có thể hay hơn nữa, nếu có sự bình tâm và lắng sâu hơn, viết kỹ hơn, trau chuốt hơn nữa. Nhưng hai chương quan trọng nhất của cuốn sách tôi lại không thích. Tôi thấy viết về nhân vật như thế nó không thực. Nhớ lại hồi chiến tranh tôi thấy mọi người sống hồn nhiên hơn nhiều, lấy đâu ra những nhân vật dằn vặt tìm tòi như tác giả đã viết. Mà bây giờ cũng vậy, người ta có thể giết nhau vì mấy đồng bạc, chứ lấy đâu ra người giết vợ rồi tự sát vì không tìm ra chân lý! Có thể nói con người trong thực tế đơn giản hơn, thấp hơn mà cái triết lý toát ra từ đời sống hiện nay thì lại rắc rối hơn nhiều. Cần diễn tả nó với cái vẻ riêng mà xã hội Việt Nam mới có, trau chuốt câu văn, nhịp điệu, tạo được một không khí chung để cho người ta cảm thấy và cùng suy nghĩ là tốt nhất, chứ không nên nóng vội. Ngoài ra, nói thật, tôi phải cái bệnh dễ dị ứng khi thoáng cảm thấy hình như ai đó muốn dùng ngòi bút vào những công việc ngoài văn học.

Sống trong nghề

* Chúng ta đã nói về dư luận nói chung. Thế còn sức ép dư luận đối với đối với bản thân anh thì sao?

– Tôi cố giữ tính độc lập của mình. Nếu trong chừng mực có thể, tôi có phần nào tránh được sức ép của dư luận, ấy là vì một lẽ đơn giản: Tôi luôn luôn tự nghĩ mình không là cái gì cả. Nói chung tôi là dân lao động tự do, cái gì mình thích thì làm. Thẻ nhà báo tôi không có. Tôi cũng không phải là người ăn lương để nghiên cứu. Không như một số người làm ở viện nọ, viện kia, hàm này, chức nọ, tôi chỉ là một người viết bình thường, tự mình chịu trách nhiệm trước lương tâm mình, thế thôi. Nghĩ đến đâu viết đến đấy. Viết xong gửi báo, thấy được thì họ đăng, không thì trả về. Thậm chí một vài lần bị “đòn”, tôi cũng im lặng, tiếp tục làm cái việc muốn làm. Những người khác còn là giáo viên, còn đứng trên bục giảng, nên lo sợ mất uy tín, chứ tôi việc gì phải lo, ai phải ai trái đã có bạn đọc. Trong đời sống hàng ngày thiếu gì chuyện mình không thích mà có làm gì được đâu. Tôi có viết một bài về Xuân Diệu, không phải là tôi có ý này, ý nọ, như người ta bảo là “đánh” hay là cái gì tương tự. Tôi chỉ muốn nói về Xuân Diệu như tôi đã hiểu. Tôi và nhà văn Tô Hoài từng ngồi nói với nhau và cùng chia sẻ với nhau cái ý thế này: các nhà văn nhà thơ gọi là hàng đầu của mình ấy mà, nhìn kỹ cũng thảm lắm. Xét theo một phương diện nào đó thì họ có vẻ oai, song đi sâu vào đời họ, cũng thấy nhiều chuyện buồn. Có bao nhiêu điều định làm mà không làm nổi, muốn sống khác đi mà không thoát ra nổi cái đường ray đã có sẵn. Họ cũng phải lo lắng đủ thứ, để rồi nhận được lại chẳng là bao. Những năm chiến tranh, các anh ở Hội cũng phải bình bầu để chia nhau đủ thứ, từ đôi lốp, cái xích cái líp xe đạp, đến một đầu sách, một chuyến đi nước ngoài. Người vốn rộng rãi cũng đâm tính toán tủn mủn, người rất hiền lành cũng có lúc gây gổ với chung quanh, người ôm một đống hoài bão lúc còn trẻ khi về già buông xuôi bỏ cuộc hết. Có lẽ là tôi bất tài nên trong khi tôi định viết với sự thương xót thì bài viết lại khiến một số người cảm thấy là tôi có ác ý. Tuỳ họ thôi, còn tôi đã viết ra rồi, không thể chữa lại và nếu viết tiếp thì tôi lại vẫn viết với cảm hứng ấy. Nếu bây giờ mà nói về đời buồn của Xuân Diệu, của Nguyễn Tuân, của Chế Lan Viên, của Nguyễn Khải… như tôi đã biết, thì cũng đủ chuyện để nói và toàn những chuyện nhiều bạn đọc có thể chia sẻ. Trong Cây bút đời người, tôi mới viết về cái sự quẩn quanh, cái hèn, cái tầm thường, cái lo lắng lặt vặt ở một số nhà văn. Thật ra ở họ còn có cả những cái ác, nói dối nhau, trị nhau, đá ngầm nhau, dí điện nhau, phản bội nhau nữa… Cái đó thời nào cũng có và ở đâu cũng có cả. Vương Sóc hay Lỗ Tấn đều đã có lúc nói tuột hết ra đấy thôi. Bây giờ ở các nước, loại sách hồi ký cùng là sách viết về tiểu sử của những người nổi tiếng cứ gọi là mọc lên như nấm. Mà viết xong cũng không hiếm trường hợp có kiện tụng. Ta cũng nên quen dần với sinh hoạt văn học kiểu đó. Không phải để làm gì cả, mà chỉ để muốn cho mọi người cùng nhìn lại suy nghĩ lại về chính mình, và cái thời mình đang sống. Tại sao các nhà văn cứ đòi nói thực về xã hội mà lại không thích nói thực về chính mình, chính cái giới của mình? Nhiệm vụ hiện nay của văn nghệ là phải tham gia vào một cuộc tự phê bình của cả xã hội. Lâu nay tôi vẫn nỗ lực theo phương hướng đó. Tôi cố nói cho hết cách hiểu của mình về một vài con người đương thời, với tất cả những đau đớn, dằn vặt đã đến với họ.

Nhiều người cứ bảo viết bây giờ bị hạn chế, không được bày tỏ hết ý kiến. Thực ra không phải vậy. Tôi không thấy hạn chế gì quá lắm, hoặc có hạn chế thì chỉ là ở một vài khu vực nhạy cảm nào đó, ngoài ra nhiều khu vực khác còn rộng rãi chán. Nếu như tôi có thể viết ra một cuốn thật hay về Nguyễn Du, về Hồ Xuân Hương, hoặc về Nguyễn Tuân về Xuân Diệu, thì có gì mà không được chấp nhận. Không phải là khen chê cho khác đời đâu, mà phải phân tích, lập luận cho có lý lẽ, và cốt yếu nhất là khắc hoạ được bộ mặt tinh thần của con người mà mình nói tới. Viết hay thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn cản trở, kể cả sự khắt khe của đồng nghiệp và sự đỏng đảnh đồng bóng của dư luận. Những hạn chế đương thời, nó không thấm gì so với sự thiếu hụt tài năng kiến thức của những người đang làm nghề. Chính vì vậy tôi chỉ đòi hỏi mình phải gắng hơn nữa. Có một kinh nghiệm đơn giản thế này: nếu bài nào viết tốt, thì những người đọc morát sửa không sai mấy đâu; còn bài viết kém thế nào khi in cũng có lỗi. Tức là khi mình viết tốt, viết được sâu sắc, chung quanh sẽ dễ chấp nhận và tiếp thu.

* Có vẻ như anh chỉ chú ý tới tầng lớp văn nghệ cũ!

– Mỗi người có những khu vực tạm gọi là thành thạo. Tôi có may mắn bắt tay viết từ hồi những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu… còn sống, tôi cảm thấy chỉ viết về họ thôi đã đủ cho mình lắm rồi. Nếu tôi biết cách khai thác thì qua họ người đọc thấy được người văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung, và từ họ mà người đọc hiểu ra cả lớp người cầm bút trẻ hôm nay.

Phê bình là việc chung của cả giới chứ đâu phải là việc của riêng ai. Bởi vậy tôi chỉ tập trung vào việc của tôi. Thế là đủ! Đã mang tiếng là quá linh tinh rồi, còn đèo bòng thêm làm gì.

* Cũng có ý kiến cho rằng anh yếu về lý luận mà chỉ có kinh nghiệm thực tế…

– Trong phê bình có những cái mới, như lý luận về thi pháp, về cấu trúc, rồi phân tâm học này, kí hiệu học này, đủ thứ, một số trong đó tôi có biết đôi chút qua các tài liệu nước ngoài. Nhưng không thích đóng vai trò rao giảng những cái đó và cũng không muốn áp dụng một cách sống sít, mà chỉ nghĩ hãy vận dụng tinh thần của nó để xem xét đời sống văn học trước mắt. Tôi luôn tự nhủ phải viết như thế nào để càng có nhiều người muốn đọc càng tốt. Lý tưởng nhất là bài viết ra anh xích lô cũng có thể hiểu được, một người không chuyên môn cũng có thể thích, còn người cùng giới lại vẫn công nhận là ở đó có những cái mới. Nhưng mỗi người viết vốn có một kiểu, nhiều khi người ta không thể chủ động chọn lựa cách viết của mình mà nó cứ tự nhiên hình thành. Nếu được phép xếp loại, tôi tự thấy mình thuộc loại viết văn bằng cách viết phê bình. Các nhà văn khác viết về đời sống: công nhân, nông dân, trí thức… Còn tôi thì viết về chính các nhà văn. Đó là những đối tượng để tôi suy nghĩ khám phá mà cũng là khu vực hành nghề, là đất làm ăn của tôi.

* Ngay cả khi chấp nhận cái cách riêng ấy của anh, vẫn có những người không đồng tình với anh?

– Nói không đồng tình còn là quá nhẹ. Đúng hơn là người ta ngại tôi, chán tôi cùng là lên án tôi, chê bai tôi. Sau khi cuốn Cây bút đời người – cuốn sách mà tôi bộc lộ mình đầy đủ nhất – được in ra, có người nhận xét một câu gọn lỏn: Ông Nhàn viết vừa ác vừa nhạt. Tức là vừa bất tài vừa vô hạnh. Lại có người nhìn chung cả những cái tôi viết khái quát: ông Nhàn hình như có gì cay cú, viết không thiện tâm, chỉ toàn bôi gio, trát trấu vào giới cầm bút. Nhưng ai nghĩ thế nào là quyền của họ, về phần mình tôi cũng đã tự cắt nghĩa được là tại sao họ nghĩ về tôi như vậy. Về tài thì thôi không tranh cãi làm gì. Còn về tâm, cũng đã có những bạn viết trẻ không quen mà chỉ đọc tôi, viết trên báo rằng: bàng bạc trên các trang viết của Vương Trí Nhàn có sự bùi ngùi thương xót với những kiếp người. Đó là những lời có ý nghĩa động viên an ủi tôi rất nhiều .

* Anh đã có lần nhại Kim Thánh Thán và cũng từng viết khá kỹ về Thánh Thán khi ông ấy bình về cuốn Mái Tây. Đấy có phải là mẫu nhà phê bình mà anh thích hay không?

– Thánh Thán là một ngòi bút đa dạng. Ông ấy thường chọn tác phẩm để nhận xét, chú giải, nói chung để bình. Ông rất tài trong việc đọc rồi chỉ ra chữ này dùng đắt ở chỗ nào, chữ kia dùng như thế đã đạt hay chưa. Tôi không làm theo kiểu đó. Nhưng có cái đặc biệt của Thánh Thán mà tôi muốn theo: ông ấy công khai nói rõ chỉ mượn những cái tìm thấy ở người khác, để nói về mình. Tức là tôi thích Thánh Thán ở chỗ rất chủ quan như cách nói của ta bây giờ. Thú thực, tôi cố ý không lảng tránh sự can dự chủ quan trên trang viết. Tôi chẳng bao giờ khách quan như một số người đòi hỏi. Tôi không phải là cái cân vô cảm sinh ra để cân chính xác những giá trị nào đó, mà với tư cách là người viết, tôi chỉ nói những điều thấy cần nói.Trong những bài viết ấy luôn có bản thân tôi, những vui buồn và những từng trải của tôi. Tôi đã chuẩn bị, để nếu có điều kiện, sẽ viết hồi ký. Nghĩ tới lúc được“lật con bài của mình” (như cách nói của Aragon), tôi thấy rất hào hứng.

* Một trong những câu nói của Thánh Thán được xem như là tuyên ngôn của phê bình là: làm duyên với đời! Nhìn nhận lại quá trình cầm bút của mình, anh có thấy đã làm duyên được với đời chưa?

– Tôi nghĩ rằng tôi làm được một phần, dù có thể cái sự làm duyên của tôi cũng không thoát khỏi tẻ nhạt như chúng ta từng nói. Trong câu chuyện hàng ngày, trong sách vở và các loại bảng vàng bia đá để lại cho đời sau, nhiều người có thói quen lý tưởng hoá hình ảnh các nhà văn, nên tôi cố làm ngược lại. Đó là kéo giới cầm bút về gần với những người bình thường. Điều này không làm tổn thương tình cảm của ta với các nghệ sĩ ấy. Chúng ta vẫn biết ơn họ yêu mến họ, nhưng là yêu cái phần thực, chứ không phải cái phần chính họ cố ý vẽ ra và chúng ta vô tình đắp điếm phụ hoạ.Và quan trọng, chúng ta soi thấy mình trong họ, qua họ mà chiêm nghiệm thêm những hệ lụy của cuộc đời. Tất nhiên công việc này cần có sự tham gia của nhiều người khác! Tôi cũng biết cái nghề mình là vất vả, nhiều người không coi ra cái gì, nhưng nó đã là một phần cuộc đời của tôi, tôi xin tiếp tục. Tôi hay nói cho vui, người khác là quả cam quả hồng bày trên bàn thờ, còn tôi chỉ là quả sấu xanh vứt lăn lóc đây đó. Thế nào cũng được, miễn tôi đã cố gắng để có thể là quả sấu ngon, lúc đánh giấm rau hay đầu hè nấu bát canh thịt người ta phải dùng tới.

* Xin cảm ơn anh!

YÊN BA thực hiện 2003

Viết & Đọc chuyên đề mùa hạ 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét