TỔ QUỐC NƠI BIÊN VIỄN
(Bút ký)
NGUYỄN THỊ LAN
- Giữa tháng Tư năm 2013, đoàn nhà văn Hải Dương gồm mười bốn người có chuyến đi thực tế ở Lai Châu. Ngoài hai nhà văn nữ ở văn phòng Hội còn khá trẻ, hầu hết các thành viên trong đoàn đều ở lứa U60, U70.
Bắt đầu khởi hành từ Hải Dương lúc 7 giờ 10 phút, qua Hưng Yên, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái đến gần năm giờ chiều đoàn đến địa phận tỉnh Lai Châu. Nghỉ đêm ở nhà khách huyện Than Uyên, sáng hôm sau lại rong ruổi trên đường, phải đến chiều tối mới đến được đồn biên phòng Sì Lờ Lầu (thuộc xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ) nơi đoàn cần đến. Từ đây về Hải Dương hơn 600km.
"Đường lên Tây Bắc xa xôi..." câu hát đó cứ ngân nga mãi trong lòng chúng tôi suốt cả hành trình. Mặc dù đã đi nhiều nơi thuộc Tây Bắc, Việt Bắc nhưng với chúng tôi, ít chuyến đi nào lại "ấn tượng" như chuyến đi này. Từ Yên Bái đến Lai Châu độ dốc tăng dần. Hàng mấy trăm cây số nơi chúng tôi đi qua chỉ có núi cao, vực sâu và mây mù. Đường đi với những cung đường chênh vênh trên sườn núi cao chót vót, những đoạn khúc khuỷu rồi đổ dốc bất ngờ, những đoạn cua tay áo liên tục... khiến những người yếu bóng vía cũng phải giật mình. Đến đây mới thấm thía lời thơ của Lò Ngân Sủn trong bài hát "Chiều biên giới": "Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn..."
Sì Lờ Lầu, nơi chúng tôi dừng chân theo tiếng địa phương là "mười hai tầng dốc". Địa danh này nằm tại đường vĩ tuyến cao nhất của tỉnh Lai Châu với ba mặt có đường biên giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Mười hai đường dốc đứng chạy chữ chi với chiều dài trên 5km, chiều cao tuyệt đối trên 600m, quả là một thử thách với những ai đến đây.
Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ gần 100km song trước năm 2005 để đến được Sì Lờ Lầu người ta phải đi bộ 40km từ trung tâm cụm xã biên giới Dào San. Nghe nói, trước khi có đường cấp phối chạy lên, cán bộ miền xuôi khi đến Sì Lờ Lầu phải bò qua mười hai tầng dốc, có khi kiệt sức nằm giữa đường, chờ người xuống cáng lên. Nghe chuyện, tôi chợt nhớ đến bài thơ "Thục đạo nan" (Đường lên Thục khó) của nhà thơ Lý Bạch:
"Ôi chao! Ghê thay! Nguy hiểm và cao thay
Đường xứ Thục khó đi, khó hơn cả lên trời xanh."
- "Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn..."
Đến đây mới thấy cảnh vật ở nơi biên cương đẹp đến nao lòng. Bây giờ đang là cuối xuân, từ thung sâu đến sườn núi nơi nào cũng xanh mướt cỏ cây. Cái lạnh tê tái đã mất dần thay vào đó là những ngày nắng ấm áp.
Dọc đường đi, đẹp nhất là những ruộng bấc thang xếp tầng tầng lớp lớp vô tận, bức tranh kì diệu của thiên nhiên và con người nơi mảnh đất khó nhọc này. Ruộng bậc thang là một kỳ quan của thiên nhiên và kỳ công lao động của con người mang nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Thật khó mà nói hết được vẻ đẹp huyền ảo của những ruộng bậc thang nhiều màu sắc (mà có người ví nó như tấm thổ cẩm khổng lồ) giữa màu xanh núi rừng. Mùa này lúa mới lớn, những dải lụa xanh non uốn quanh triền núi xanh, men theo sườn đồi, thấp thoáng trong mây trắng phủ mờ trông như tranh vẽ. Nhìn cảnh vật lòng chúng tôi trào lên một tình yêu thiên nhiên và khâm phục sức lao động của con người.
Ở đây không có nhiều hoa ban như bên Sơn La với những bản người Thái nhưng có rất nhiều đào, những rừng đào bát ngát. Cuối mùa đào không còn khoe sắc thắm, thay vào đó là màu xanh mơn mởn của lá và những quả non chi chít trên cành.
Rồi những rừng thông reo vi vu, những đồi sim tím miên man, rồi hoa mua, hoa dã quỳ, hoa ngải thầu, bồ công anh và bao loài hoa không tên trên các sườn núi, tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ bất tận.
Rồi những bản làng đơn sơ ẩn dưới vòm cây dưới thung lũng, những nhà sàn chênh vênh trên các sườn đồi.
Và bao trùm lên cả là một không gian khoáng đạt, núi đồi im lặng mênh mông, là một bầu không khí thanh sạch tưởng như chẳng nơi nào thanh sạch hơn.
Trên đất Lai Châu, chúng tôi đã đến động Tiên Sơn, một di tích thắng cảnh cấp quốc gia thuộc xã Bình Lư, huyện Tam Đường. Động có độ dài 500m, gồm 49 khoang (49 cung) nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi, có nhiều thạch nhũ với những hình thù khác nhau, màu sắc huyền ảo. Trong động có dòng suối trong vắt chảy luồn lách qua các cung động tạo cho du khách một cảm giác thoải mái.
Cũng trên xã Bình Lư huyện Tam Đường có một ngọn thác hùng vĩ là thác Tác Tình. Con thác này còn có tên gọi là thác Tắc Tình hay theo cách gọi thân thương của người dân tộc nơi đây là thác Tình với huyền thoại về mối tình đôi trai gái người Dao. Bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, thác cao chừng 130m đổ xuống thẳng đứng, chân thác rộng chừng 40m, dưới chân thác là một hồ nước khá rộng. Nhìn xa, thác như một dải lụa mềm mại thả mình trong không gian bao la của núi rừng, một nét đẹp nguyên sơ mà hùng vĩ, một bức tranh sơn thuỷ hữu tình rất thơ mộng.
Lai Châu có khung cảnh thanh bình. Địa hình nhiều đồi núi cao, thung lũng sâu và sông suối đan xen khiến nơi đây trở nên hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà công ty du lịch sinh thái Giecko Travel (Anh) đã bình chọn Lai Châu cùng với vịnh Bái Tử Long lọt vào TOP 5 những địa điểm du lịch sinh thái tuyệt vời nhất Đông Nam Á.
- Lai Châu đẹp nhưng nghèo. Lai Châu là một trong những mảnh đất nghèo nhất Tổ quốc. Nhiều vùng đất ở đây thấm nghèo với bốn không: không điện, không nước sạch, không giao thông, không trạm y tế. Nơi chúng tôi đến, do đặc điểm sinh hoạt và cư trú đồng bào dân tộc ở đây (mà phần lớn là người Dao đỏ và Hà Nhì) đa phần là thấp bé. Vất vả và chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em. Đến đây chúng tôi mới hiểu tuổi thơ vùng cao là trông em và chăn trâu giúp mẹ, là vào rừng lấy củi mà không ai nghĩ tuổi của các em có thể mang vác được, là đầu trần chân đất, là mấy tháng tuổi đã vắt vẻo trên lưng mẹ làm rẫy, là đi bộ năm sáu cây số đường rừng để đến trường. Và những người mẹ miền núi nắng héo đôi vai, xác xơ tóc, gầy gò lõm sâu lồng ngực tảo tần làm nương rẫy, chăn trâu, kiếm củi... Những con người đó ở trong những ngôi nhà nhỏ bé, chật chội, bưng ván sơ sài; đồ đạc hầu như chẳng có gì đáng giá. Chúng tôi đã đến thăm nhà đồng chí bí thư đảng uỷ xã Ma Ly Chải. Nhà anh nghèo: một ngôi nhà bưng ván gỗ có lẽ chỉ rộng hơn ba chục mét vuông mà mười lăm người trong gia đình anh đã từng sống chen chúc ở đó.
Mấy năm gần đây ở Sì Lờ Lầu, kinh tế người dân đã khá hơn nhờ sự hỗ trợ của chính phủ với những chương trình 135, chương trình 120... Rồi nhờ trồng thảo quả, thỉnh thoảng được mùa có nhà thu được đến vài trăm triệu (tuy nhiên số hộ như thế còn ít ỏi). Cái đói cơ bản đã được giải quyết nhưng bà con dân tộc còn nghèo, vẫn phải vật lộn để mưu sinh.
Không những cuộc sống vật chất còn khó khăn mà đồng bào ở đây còn nghèo về đời sống tinh thần. Ít phương tiện giải trí, trẻ con có khi đi bộ hàng mấy cây số ra đường cái chỉ để ngắm người qua lại. Chúng tôi nói đùa đó là "văn hoá đường".
Sì Lờ Lầu là một trong những xã nghèo nhất nước. Đường xá đi lại rất khó khăn. Trước kia, mùa mưa có tháng xã đã từng bị cô lập với bên ngoài. Chúng tôi đã có một kỷ niệm về đường xá ở đây. Xe của đoàn đến gần Sì Lờ Lầu thì bị sa lầy do hôm trước ở đây có mưa. Con đường núi nhão nhoét ngập sâu trong nước. Chúng tôi phải nhờ một chiếc xe tải ở sau kéo lên. Cả đoàn xuống xe, bất đắc dĩ phải làm phu đường là bê những hòn đá tảng để lót đường. Sau đó xe mới rồ máy vượt qua được chỗ lầy (cảnh bê đá này đã được một nguời trong đoàn nhanh tay "nháy" mấy kiểu làm kỷ niệm).
- Cảnh vật và cuộc sống ở Sì Lờ Lầu ấn tượng như vậy nhưng có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất với chúng tôi là những con người ở nơi đây.
Bà con dân tộc sống cực kỳ đơn giản, suy nghĩ đơn giản (và có lẽ tâm hồn cũng đơn giản?). Những lo toan của họ giản đơn và những nỗi vui buồn sướng khổ của họ có lẽ cũng giản đơn như vậy. Gặp nhau họ thêng hỏi về con lợn, con gà, về nương lúa , về thảo quả….Rằng năm nay mưa đá, hoa thảo quả rụng nát chắc thảo qủa lại mất mùa.Họ sống hồn nhiên, thật thà, hiền hoà, ít ham muốn, ít ganh đua. Họ bằng lòng với những gì mình có. Có cảm tưởng chỉ cần ngày hai bữa no, họ có thể ung dung ngồi sưởi nắng hoặc ngồi nói chuyện tâm tình với mấy người bạn, đôi mắt hiền như nai rừng. Có thể họ chưa một lần hỏi hạnh phúc là gì như các triết gia nhưng rõ ràng họ đang có được hạnh phúc trong từng giây phút sống đơn giản và bình yên. Đồng bào ở đây tuy nghèo nhưng tình rộng mở, rất thân thiện và quý khách. Tiếp xúc với những con người đó ta có cảm giác thư thái, an lành.
Chúng tôi đã được gặp anh Giàng A De, người Hà Nhì, bí thư đảng uỷ xã Ma Ly Chải. Người đàn ông 40 tuổi ấy cao lớn, khoẻ mạnh, nước da hồng hào (đặc trưng của những người sống ở vùng cao) rất thông minh và hiền. Để thuận tiện trong việc tiếp xúc với bà con, anh đã tự học 5 thứ tiếng dân tộc. Khi được hỏi "Có biết tiếng Mông không?" anh bẽn lẽn trả lời bằng tiếng Kinh: "Cũng piết" (cũng biết). "Có biết tiếng Thái không?" "Cũng piết", "Có biết tiếng Dao không?" "Cũng piết"... Được hỏi "Làm bí thư có khó không?", trả lời: "Khó một tí". Rất thật thà, đôn hậu, đáng yêu.
Chúng tôi đã có gần hai ngày hai đêm ở đồn biên phòng Sì Lờ Lầu (đồn biên phòng 259) và có ấn tượng thật đẹp với cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Ở độ cao 1600m, cách thị xã Lai Châu gần 100km, đồn Sì Lờ Lầu nằm ở nơi gian khó nhất của Tổ quốc.
... Sau cuộc chiến tranh Biên giới, ngày 19/12/1979 đồn Sì Lờ Lầu đã được Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang".
Giờ đây được giao phụ trách hai xã Sì Lờ Lầu và Ma Ly Chải với 30,24km đường biên (từ cột mốc 70 đến 78) nhiệm vụ của đồn đúng như khẩu hiệu ở đây: "Tất cả vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia".
Thượng tá Vũ Cao Hãn, chính trị viên, bí thư chi bộ của đồn đã nói chuyện với chúng tôi. Để bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các chiến sĩ là phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra cột mốc biên giới; mỗi tuần một hai lần, phần lớn phải đi bộ. Có những cột mốc ở sâu trong rừng, mỗi lần lên, cán bộ chiến sĩ phải mang theo cơm nắm và túi ngủ, phòng khi quay về không kịp phải ngủ lại trong rừng... Rồi xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương (đồn có thượng uý Lê Văn Anh xuống làm phó bí thư thường trực đảng uỷ xã). Rồi phòng chống tội phạm (trong đó có tội phạm ma tuý), chống buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Rồi giúp dân làm kinh tế, giúp dân xoá đói giảm nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bỏ dần hủ tục lạc hậu... trăm thứ việc, việc gì cũng thấy bóng dáng áo xanh ở đó.
"Thứ nhất biên phòng, thứ nhì cắm bản", là hai công việc khó khăn vất vả nhất ở nơi đây. Các chiến sĩ xuống "cắm bản" có người đã được đồng đội yêu mến gọi là "trưởng bản", đó là đại uý Nguyễn Văn Khiêm. Khi xuống "cắm bản" các anh đã không ngại khó ngại khổ học tiếng của đồng bào, cùng ăn ở, giúp bà con làm rẫy, lợp nhà... Chính vì vậy đồng bào ở đây đã dành cho các chiến sĩ tình cảm yêu mến, trân trọng, coi các chiến sĩ như người nhà, như một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Và thực sự những người lính áo xanh ấy đã coi "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".
Khi được hỏi về cuộc sống riêng của cán bộ chiến sĩ, đồng chí chính trị viên của đồn cho biết: Các chiến sĩ ở đây quê quán ở nhiều tỉnh khác nhau, có người quê ở tận Thanh Hoá, có người quê Thái Bình, Nam Định, Hà Tây, Hải Dương... mỗi năm được nghỉ phép một lần khoảng một tháng. Tôi làm phép tính: một năm có 365 ngày, các chiến sĩ ở đây phải xa quê hương gia đình người thân đến 335 ngày, thật là một sự hy sinh lớn lao.
Gần 48 giờ ở đồn biên phòng Sì Lờ Lầu, chúng tôi đã có những trải nghiệm thật khó quên với những con người ở nơi "đầu sóng ngọn gió", những con người mà chúng tôi rất đỗi thương mến, quý trọng. Chúng tôi cùng ăn, ở, sinh hoạt văn nghệ với các chiến sĩ, cùng hít thở bầu không khí thanh sạch nơi đây; buổi ban mai cùng các anh đi chợ Sừng (một phiên chợ ở bản Gia Khâu tồn tại hàng trăm năm nay chỉ họp hai ngày: Sửu (con trâu), Mùi (con dê) của bà con dân tộc); buổi chiều cùng các anh đến thăm và tặng quà một trường tiểu học; đêm nằm cùng nghe tiếng mưa rừng xối xả, tiếng gió núi ầm ào; cùng nâng cốc "rượu thóc" mừng ngày gặp mặt (mà mỗi lần cạn chén lại là một lần bắt tay thật chặt, một mỹ tục của đồng bào miền núi nơi đây); cùng quây quần dưới chân cột cờ trong sân đồn chụp ảnh kỷ niệm lúc chia tay.
Ở đây chúng tôi cũng có những giây phút thật xúc động. Đó là khi được đặt chân lên con đường in dấu chân các anh, ngày nắng cũng như ngày mưa, suốt bốn mùa đi tuần tra biên giới. Chúng tôi cũng đến cột mốc 70 (2) nằm trên một thung lũng nhỏ bên bờ suối đầy đá tảng. Bên kia suối là cột mốc 70 (1) của Trung Quốc. Lặng ngồi bên cột mốc mà thấy rưng rưng... Ôi Tổ quốc! Hơn bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S này, hai tiếng "Tổ quốc" hiện ra ở đây thật cao quý, thiêng liêng. Cột mốc này xác định chủ quyền biên giới quốc gia. Để có cột mốc này, biết bao thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh để giành, giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Cột mốc này là kết quả của cuộc đàm phán, giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa ta và nước láng giềng suốt bao năm. May mắn thay một lần trong đời chúng tôi đã đến được nơi đây.
Người xưa nói "Đêm nằm năm ở". Vượt qua hơn 1200 cây số chúng tôi đã có hai "năm ở" nơi biên viễn, mảnh đất thiêng liêng, phên dậu của Tổ quốc, niềm tự hào và yêu thương của mỗi người dân đất Việt. Đó là những trải nghiệm thật hạnh phúc.
Hải Dương, tháng 5 năm 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét