Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Góp lời bàn về ranh giới từ ghép – cụm từ


Góp lời bàn về ranh giới từ ghép – cụm từ

                               Hoàng Dân

III. Ranh giới giữa từ ghép và cụm từ tự do
Từ trong tiếng Việt không biến đổi về hình thái, đó là một đặc điểm cơ bản về loại hình, nhưng đồng thời cũng là một nguyên nhân làm “đau đầu” những ai nghiên cứu và dạy học tiếng Việt. Bình thường, khi dùng từ để giao tiếp (nói, viết), do “quán tính” về ngữ nghĩa và trong một ngữ cảnh xác định, các nhân vật giao tiếp đều thông hiểu những điều cần trao đổi; do đó không mấy ai lại căn vặn, chẳng hạn: “cơm rượu” là từ hay cụm từ?! Thế nhưng, khi buộc phải “gọi tên” đơn vị ngôn ngữ ấy ra thì chúng ta lại không thể trả lời nước đôi được!
So sánh:
1.a. Đổ cơm rượu vào nồi để nấu rượu/ (cơm rượu: chỉ một sự vật làm nguyên liệu nấu rượu = từ ghép)
1.b. Dọn cơm rượu để mời khách/ (cơm + rượu = cụm từ)
(2.a) Anh mua bàn gỗ hay bàn đá? (bàn gỗ, bàn đá = từ ghép)
(2.b) Trong phòng học có rất nhiều bàn gỗ/ (bàn gỗ = cụm từ)
3.a. Hàng trăm nữ sinh mặc áo dài đi đón khách/ (áo dài = từ ghép)
3.b. Áo dài so với chiều cao của cậu/ (áo dài = cụm từ)
(4.a) Năm nghìn một bông hoa hồng/ (hoa hồng = từ ghép)
(4.b) Hoa hồng có thể tạo ra cảm giác ấm cúng hơn hoa trắng/ (hoa hồng = cụm từ)
5.a. Vua cha, vua con và thần dân trên dưới một lòng/ (vua cha = cụm từ)
5.b. Vua cha truyền ngôi cho Lang Liêu/ (vua cha = từ ghép)

          6.a. Tướng sĩ một lòng phụ tử/ (tướng + sĩ = tướng và sĩ = cụm từ)
          6.b. Nếu phải chọn giữa tướng sĩ và thần dân thì ta sẽ chọn thần dân/ (tướng sĩ chỉ một loại đối tượng khác với thần dân = từ ghép)
7.a. Than tổ ong, than quả bàng... đều có thể dùng làm chất đốt được/ (than tổ ong = cụm từ)
7.b.Dùng than tổ ong tuy có tiện lợi, nhưng cũng có hại cho sức khoẻ/ (than tổ ong = từ ghép)
...
Có thể thấy việc phân biệt giữa cơm rượu (từ ghép) với cơm rượu (cụm từ) là tương đối rõ ràng, các trường hợp còn lại vẫn gây tranh cãi.
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, tập 1, NXBGDVN.2013 xếp than tổ ong, máy hơi nước, bánh đa nem, cá đuôi cờ vào loại từ ghép có ba tiếng.
Chúng ta thử giải thích một trường hợp: than tổ ong
Có thể ban đầu “tổ ong” chỉ là một cụm từ định danh, trong đó “tổ” là danh từ trung tâm, “ong” là định ngữ cho “tổ”, nó trả lời câu hỏi “tổ gì?”. Tương tự như vậy, chúng ta gặp: tổ mối, tổ kiến, tổ tò vò…
Rồi về sau từ ghép “than tổ ong” được hình thành theo các phương thức chuyển nghĩa phổ biến:
   - Phương thức ẩn dụ: thông qua so sánh ngầm, người ta thấy hình thức của viên than giống với hình thức của tổ ong.
   - Phương thức hoán dụ: lấy một đặc điểm về hình thức (tổ ong) để gọi tên sự vật (than tổ ong).
Tương tự như “than tổ ong”, chúng ta gặp: than quả bàng, than bánh, than cám, than đá…
Nói chung, ranh giới giữa từ ghép và cụm từ thường rất mơ hồ, do đó khó mà giải thích cho người khác “tâm phục khẩu phục” được, đây có thể coi là một trong những “vấn đề muôn thuở” của tiếng Việt. Kinh nghiệm để có một câu trả lời gần đúng là:
Từ ghép thường được dùng để chỉ một sự vật, hiện tượng nhất định; ý nghĩa của nó có tính khái quát, cấu trúc của nó chặt chẽ (không xen vào giữa hai tiếng một tiếng khác được). Còn cụm từ thường được dùng để miêu tả một sự vật, hiện tượng...; ý nghĩa cụ thể hơn; có thể xen các tiếng khác vào giữa hai tiếng. Và thường thì chỉ có thể “gọi tên” chúng (từ ghép/cụm từ) trong những ngữ cảnh giao tiếp cụ thể.
 Ví dụ (2.a): Chọn mua một trong hai sự vật cùng loại, cụ thể, có sự khác nhau về nguyên liệu, giá cả...
Ví dụ (2.b): bàn gỗ = bàn làm bằng gỗ
 Như vậy, ranh giới giữa từ ghép và cụm từ tự do là rất mơ hồ, chúng có độ “co giãn” rất linh hoạt; cho nên khó mà phân định một cách máy móc, cứng nhắc. Do tính bất biến về hình thái của từ trong tiếng Việt, cho nên hiện tượng nhập nhằng này không chỉ gây khó khăn cho việc dạy học tiếng Việt của người Việt, mà còn luôn khiến cho những người nước ngoài học tiếng Việt phải nhiều phen “điêu đứng”! Chúng ta sẽ lí giải như thế nào về các nhóm từ ghép (hoặc cụm từ) sau:
- Nhóm có mẫu “A và B nói chung”: áo quần, sách vở, cây cỏ, điện máy, xăng dầu…
- Nhóm có mẫu “A giống như B”: than tổ ong, than quả bàng, mắt lá răm, mũi dọc dừa, mặt chuột kẹp…
- Nhóm không có mẫu ổn định: sân bay, mát tay, thối mồm, to đầu, xấu bụng…
- Nhóm có hình thức giống nhau nhưng có thể không cùng một loại: hoa hồng, hoa vàng, hoa đỏ, hoa ban, hoa huệ, hoa cúc, hoa cúc dại, hoa hồng dại, hoa tươi, hoa khô, hoa héo, hoa giả, hoa thật, hoa giấy (hoa giấy tự nhiên , cánh mỏng màu hồnghoa giả làm bằng giấy), hoa cái, hoa tai, hoa văn, hoa mĩ, hoa lệ…
- Nhóm có ý nghĩa ngữ dụng: tính đàn ông (khác nam tính), tính đàn bà (khác nữ tính), thuốc ho (uống để không ho nữa), thuốc ngủ (uống để ngủ được), thuốc đỏ (không phải thuốc màu đỏ, mà là thuốc dùng để sát trùng)…
- Nhóm có ý nghĩa ước lệ: trăm năm, nghìn năm (nghĩa là: rất nhiều, suốt đời, muôn thuở… Ví dụ: trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng/trăm năm quyết với tình em một lòng/nghìn năm vẫn phận má hồng mong manh), vài ba, dăm bảy, ba bốn (nghĩa là: rất ít, có giới hạn, không đáng kể… Ví dụ: vài ba người, vài ba hôm, dăm bảy ngày, ba bốn hôm…).
-Nhóm có chức năng định danh: mái nhà, mái ngói, mái lá, tường gạch, tường đá, tường hoa, sân gạch, sân đất, sân gạch Bát Tràng, sàn nhà, sàn gỗ, sàn bê tông, sân chùa, sân đình, sân bóng, sân quần vợt, bóng trăng, bóng đèn, bóng ma, lá bàng, lá liễu, lá tràm, lá trầu, cây cam, cây chanh, cây mít, cá rô, cá thu, cá chép, chim ri, chim sẻ, chim sâu, thuyền nan, thuyền tôn, thuyền gỗ, nồi đồng, nồi đất, nồi cơm điện…
          Tính chất “mơ hồ” về ranh giới giữa cụm từ và từ ghép đã khiến cho chúng ta không khỏi lúng túng khi gặp những hiện tượng sau đây:
- Những em bé đang múa hát rất hay.
- Họ là những người viết lách rất giỏi.
- Các anh cứ thử thách tôi đi.
- Ông ấy định đoạt lương của nhiều người.
- Bác thợ sắp sửa chữa chiếc máy bơm hỏng.
- Tôi chỉ trích bài báo của anh.
- Xe chuyên chở cá.
- Xe không được rẽ trái.
- Chiếc thuyền không lướt sóng băng băng.
        (Hoàng Dân: Bài tập tiếng Việt THCS&THPT.NXB Thanh Niên.2011)


Đọc thêm*
1. Ranh giới giữa cụm từ song song (đẳng lập) và từ ghép song song (đẳng lập):
          Cũng như bất cứ loại từ nào, từ ghép song song phải có hai đặc trưng cơ bản: tính vững chắc về cấu tạo và tính nhất thể về ngữ nghĩa. Hai tính ấy liên quan chặt chẽ với nhau. Nói chung, những trường hợp nào không có đầy đủ tính vững chắc về cấu tạo thì cũng không có đầy đủ tính nhất thể về ngữ nghĩa và ngược lại.
          Cụm từ song song vì không có tính vững chắc về cấu tạo và tính nhất thể về ngữ nghĩa, nên có những biểu hiện cụ thể như sau:
   a. Cho phép áp dụng các biện pháp như mở rộng, xen từ nối, đảo trật tự.
   b. Ý nghĩa của nó là bằng tổng số ý nghĩa của những thành phần song song trong cụm từ. Ví dụ “Anh, em gặp nhau” có thể mở rộng thành “Anh cả, anh hai, em trai, em gái gặp nhau”, hoặc có thể xen từ nối “Anh và em gặp nhau”, và có thể đảo trật tự “Em và anh gặp nhau”; nghĩa là ý nghĩa của cụm từ “anh, em” chỉ là ý nghĩa của “anh + em” mà thôi.
   c. Quan hệ song song trong cụm từ là quan hệ giữa những thành phần đồng loại và đồng chức, có khả năng vận dụng độc lập trong lời nói với đầy đủ ý nghĩa thực vốn có của nó. Nói cách khác, đó là một loại quan hệ cú pháp.
            Từ ghép song song có những biểu hiện cụ thể trái hẳn lại:
   a. Không thể áp dụng các biện pháp như mở rộng, xen từ nối, và chỉ trong một số trường hợp nhất định mới cho phép đảo trật tự.
   b. Ý nghĩa của nó không phải là tổng số ý nghĩa của các từ tố (hình vị, tiếng); hơn nữa, trong nhiều trường hợp, không thể từ ý nghĩa của các từ tố, áp dụng qui tắc để suy ra một cách chính xác ý nghĩa của nó. Ví dụ từ “nhà nước” (Phải chấp hành pháp lệnh của nhà nước) không thể mở rộng, xen từ nối hay đảo trật tự được bởi “nhà nước” và “nước nhà” hoàn toàn khác nhau; ý nghĩa của “nhà nước” không phải là “nhà + nước”, nó đã khác xa với ý nghĩa của từng thành tố “nhà” và “nước”.
   c. Quan hệ song song trong từ ghép – quan hệ song song giữa những từ tố không có khả năng hoạt động độc lập – không còn là quan hệ cú pháp thuần tuý, mà là một loại quan hệ cú pháp từ hoá.
         Tuy nhiên, ngay trong phạm vi từ ghép song song cũng cần nhận thấy những trường hợp khác nhau về cả đặc điểm ngữ nghĩa lẫn đặc điểm cấu tạo. So sánh “quần áo” (quần áo rất sạch sẽ) với “ngăn nắp” (đồ đạc rất ngăn nắp) làm ví dụ. “Quần áo” có nghĩa là “quần, áo và đồ mặc nói chung”, ý nghĩa này tuy rộng hơn, khái quát hơn ý nghĩa của “quần và áo”, nhưng dù sao vẫn không khác nhau quá xa, vì thế về hình thức cấu tạo, từ “quần áo” cũng còn gần gũi với cụm từ “quần, áo”. Ngược lại, ý nghĩa của “ngăn nắp” thì đã khác hẳn ý nghĩa của từng thành tố “ngăn” và “nắp” cộng lại, do đó từ “ngăn nắp” có cấu tạo chặt chẽ hơn cụm từ “ngăn, nắp”.
           Chúng ta có thể nhận thấy những sự khác nhau tương tự trong hàng loạt các từ khác. Ví dụ khi so sánh các từ: chìm nổi, được thua, mưa nắng, gái trai, vợ chồng, ông cháu, chạy nhảy, chán ghét, thóc gạo, trâu bò…với các từ như: bứt rứt, đồng bóng, đua đòi, đanh đá, khép nép, so đo, sành sỏi, sôi nổi…
          Vì vậy, vấn đề được đặt ra là: cần xác nhận những đặc điểm khác nhau trong nội bộ từ ghép song song như thế nào cho thoả đáng?... Trong đó tiêu chuẩn chủ yếu có thể dựa vào là quan hệ ngữ nghĩa trong nội bộ từ ghép song song, bởi vì có thể nói rằng, về mặt hình thức cấu tạo, các từ trong từng loại không có gì khác biệt nhau; chẳng hạn:
   - Loại A có mức độ “từ hoá” cao nhất, ví dụ từ “ngăn nắp”.
   - Loại B có mức độ “từ hoá” vừa phải, ví dụ từ “tìm kiếm”.
   - Loại C có mức độ “từ hoá” lỏng lẻo nhất, ví dụ từ “quần áo”. Đây là loại từ ghép rất dễ có nguy cơ trở về dạng cụm từ tự do.
2. Ranh giới giữa cụm từ chính phụ với từ ghép chính phụ:
          Trước hết, cần phải vạch ra ranh giới giữa CTCP với TGCP, chẳng hạn giữa “áo trắng” với “thuốc đỏ”.
          Hai đặc điểm của cụm từ là: cấu tạo lỏng lẻo và ý nghĩa được thể hiện một cách có qui tắc. “áo trắng” là cụm từ vì nó có hai đặc điểm ấy. Giữa “áo” và “trắng” có thể xen những yếu tố khác như: áo dài trắng, áo cộc tay trắng, áo sơ mi trắng, áo rất trắng… Về mặt ý nghĩa, nếu hiểu “áo” là gì, “trắng” là gì và biết trật tự kết hợp “chính trước, phụ sau” thì sẽ hiểu ý nghĩa của nó.
          “Thuốc đỏ” thì vừa có tính chặt chẽ về cấu tạo, vừa có tính không qui tắc (võ đoán) ở một mức độ nhất định trong sự thể hiện ngữ nghĩa. Không phải thứ thuốc có màu đỏ nào cũng là “thuốc đỏ”. Ý nghĩa của từ “thuốc đỏ” phải giải thích mới hiểu được. Ở đây, tính võ đoán tương đối về ý nghĩa đã củng cố thêm tính chặt chẽ về cấu tạo. Chính vì từ “thuốc đỏ” không chỉ thuốc màu đỏ nói chung, nên không thể xen hay ghép một yếu tố nào khác vào cấu tạo của nó. Nếu không coi trọng mặt ngữ nghĩa thì khó mà xác định được một cấu tạo nào đó là đơn vị “từ hoá” chặt hay lỏng, nhưng nếu đã khẳng định được tính võ đoán tương đối về ngữ nghĩa của một tổ hợp thì cũng sẽ khẳng định được tính chặt chẽ về cấu tạo của tổ hợp ấy. Có thể nói, sự xác định từ ghép thường bắt đầu bằng việc xem xét mặt ngữ nghĩa của nó.
         Tính võ đoán tương đối về ngữ nghĩa của từ ghép “thuốc đỏ” thể hiện ở chỗ: tuy cùng có một hình thức cấu tạo như cụm từ “thuốc đỏ”, nhưng ý nghĩa của nó thì hẹp hơn ý nghĩa của cụm từ. Có nhiều từ ghép khác cũng có tính võ đoán tương đối về ngữ nghĩa như từ “thuốc đỏ” như: thuốc tím, cá hồng, cà chua… Tuy nhiên, còn có những trường hợp không giống như vậy, chẳng hạn từ “ruột thừa” không thể giải thích là có ý nghĩa hẹp hơn cụm từ “ruột thừa”, bởi vì nói chung ruột của con người là không thừa. Hoặc từ “dân đen” không phải có nghĩa hẹp hơn cụm từ “dân đen”, mà là khác nhau ở chỗ “đen” trong từ ghép không có nghĩa như từ “đen” chỉ màu sắc cụ thể thường được dùng trong cụm từ. Điều này chứng tỏ rằng: tính võ đoán tương đối về nghĩa của từ ghép là không giống nhau và nguyên nhân của những tính võ đoán tương đối ấy cũng khác nhau.
                                      (Theo PGS Hồ Lê: Cấu tạo từ Tiếng Việt hiện đại.
                                                     NXB ĐH&THCN, Hà Nội. 1976)
* Sách đã dẫn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét