Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

TỪ LÁY VÀ TỪ GHÉP…DỄ NHẦM LẪN


TỪ LÁY VÀ TỪ GHÉP…DỄ NHẦM LẪN
Trích  email của một giáo viên THCS

Số là em đang dạy lớp 6, sắp tới thi chất lượng đầu năm, em có ra đề khảo sát như sau:
Đề: 
Câu 1. Tìm từ ghép và từ láy trong bài ca dao sau:
“Mồ hôi mà đổ xuống đồng,
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương.
Mồ hôi mà đổ xuống vườn,
Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm…”
(Ca dao)

Đáp án:
Câu 1:
1.1. Từ ghép: Mồ hôi, đồi nương, tơ tằm.
1.2. Từ láy: Trùng trùng, vấn vương.

Với đán án này, đồng nghiệp cho rằng thiếu: "xuống đồng, xuống vườn, dâu xanh, lá tốt."
Em thì xếp chúng vào loại cụm từ.

Còn đáp án của em thì là vậy, nhưng em phân vân: 
- Từ "mồ hôi" như "bồ hóng", "bồ kết"... có sách cho là từ đơn đa âm tiết.
- Từ "vấn vương", đảo lại là vương vấn, cả hai âm tiết đều có nghĩa, vậy đây là từ  ghép đẳng lập.
Em đang rối quá, nên em đã đổi đề cho đơn giản hơn, nhưng xin thầy hãy cho ý kiến với đề như vậy để em được mở mang thêm!
Cảm ơn thầy thật nhiều! Xin thầy vui lòng giúp em.


Trả lời của Vũ Nho
1.    Theo tôi, từ mồ hôi là từ đơn đa âm tiết, đây không có ghép “mồ”  cộng với “hôi” thành từ ghép “mồ hôi”.
2.    "xuống đồng, xuống vườn, dâu xanh, lá tốt." Đây không phải là từ ghép. Chỉ là cụm từ thôi. Bạn sẽ không thể tìm thấy chúng trong Từ điển. Các đồng nghiệp đã không đúng.
3.     Vấn vương và vương vấn đều có nghĩa như nhau. Nhưng không phải hễ đảo lại được thì nó là TỪ GHÉP.  Chẳng hạn “Hoan hỉ”, không thể đảo lại thành “Hỉ hoan”, hoặc “Hân hoan”, không đảo lại được, nhưng chúng vẫn là từ ghép. Từ Ghép là từ mà mỗi yếu tố đều có nghĩa riêng, khi ghép lại, chúng mang nghĩa chung của hai yếu tố đó. Ví dụ : Đồi + Nương = Đồi nương. Tơ +Tằm = Tơ tằm.
Bạn nên lưu ý rằng Tơ tằm có dạng láy phụ âm đầu : T, nhưng ta không coi là từ LÁY, vì các yếu tố riêng TƠ và TẰM có nghĩa độc lập. Cũng giống như Tươi tốt hoặc Tốt tươi, chúng ta không coi là từ LÁY mà coi là từ GHÉP.
Trở lại với VẤN và VƯƠNG. VẤN có nghĩa riêng ( quấn thành vòng) VƯƠNG có nghĩa riêng ( mắc vào, dính vào)
Nếu VẤN VÍT là láy, thì VẤN VƯƠNG  tương tự, thoạt nhìn cũng có thể coi là LÁY. Tuy nhiên VÍT trong VẤN VÍT không có nghĩa, mà ta cũng không đảo lại VÍT VẤN. Vậy thì VẤN VƯƠNG giống với từ GHÉP hơn, nó sẽ tương tự như TỐT TƯƠI hoặc TƯƠI TỐT.
Kết luận : Vấn vương là từ GHÉP.
Đó là ý kiến riêng của tôi. Bạn có thể hỏi thêm các chuyên gia ngôn ngữ. Chúc thành công!


Nhân nói về từ LÁY, bạn cũng cần biết thêm các từ sau đây:
Óc ách, ì ầm, ất ơ, ì èo, ì ào, eo óc…
Một số tài liệu có xếp chúng vào TỪ LÁY.
Bạn sẽ ngạc nhiên thấy chúng không phải là láy toàn bộ, láy phụ âm đầu hoặc láy phần vần như sách đã nói. Vậy thì các từ này láy kiểu gì? Có phải là từ láy không?
Tôi đã trực tiếp hỏi một người chuyên nghiên cứu ngôn ngữ. Anh ấy nói rằng xếp vào  từ LÁY. ( Vì có tài liệu xếp rồi). Những trường hợp này là láy kiểu “ khuyết thiếu phụ âm đầu”, ( bởi vì chúng không có phần VẦN giống nhau để gọi là láy phần vần, mà  cũng không có phụ âm đầu giống nhau). Điều lí thú là nếu chúng ta thêm các phụ âm đầu vào các từ này, chúng ta dễ dàng nhận ra chúng là từ láy : Róc rách, rì rầm, phất phơ, kì kèo, rì rào, nheo nhóc…
Tôi nói rằng, nếu không viết vào sách giáo khoa, thì cũng nên nói ở sách giáo viên để các thầy cô không lúng túng khi có học sinh hỏi những từ ấy có phải là từ láy, và láy kiểu gì.


Vũ Nho



5 nhận xét:

  1. Bác Vũ Nho giải thích đúng và rất hay. Có rất nhiều từ ghép đẳng lập, đặc biệt là các từ gốc Hán, nhiều nhà biên soạn Từ điển nói chung và Từ điển từ láy tiếng Việt nói riêng đã xếp nó vào từ láy. Bởi vậy gây không ít khó khăn cho công tác giảng dạy của các thầy cô giáo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Hoàng Tuấn Công đã ghé trang và để lại nhận xét!

      Xóa
  2. Xem ra từ láy, từ ghép, từ đa âm tiết... rất phức tạp chứ không hề đơn giản. Tôi có khá nhiều sách vở, từ điển viết về những vấn đề này mà nhiều khi tra còn thấy lúng túng. Với những gì bác Vũ Nho viết bên trên thì thật học sinh lớp 6 không thể phân biệt được. Đáp án sách cũng như ý kiến chuyên môn của các GV cũng cần phải xem lại huống hồ học sinh.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn bác giải thích rất dễ hiểu

    Trả lờiXóa