Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

HÀI VĂN NGUYỄN HIẾU

         Đường Văn

HÀI VĂN  NGUYỄN HIẾU

(Đọc lại tập truyện vui Chuyện cái vòi nước
NXB Hà Nội, 1984)

(Tản văn – Bình truyện - Phỏng vấn)
ĐƯỜNG VĂN

…“Tiếng bom nổ méo vầng trăng”*,
Hài văn tóe tung “vòi nước”!

(Đường văn bạn tôi. ĐV; 7 – 2014)



1.     Tác phẩm đầu tay được khen tới… mây xanh…! Nhưng tác giả lại bị lãng quên ở Hội nghị các cây bút trẻ và bị phiền toái ngay tại chính làng quê mẹ… Khôn đâu đến trẻ! Khỏe đâu đến già?!

Khi Nguyễn Hiếu cho in tập truyện vui đầu tay Chuyện cái vòi nước (12 – 1984) thì kẻ viết bài tản văn – bình truyện nhỏ này đang du học ở xứ sở tuyết trắng, bạch dương (CHLB Nga), 2 năm sau mới về nước. Vì thế, những điều viết trong tiêu mục trên là do nghe người làng dư luận và sau này chính tác giả thuật – kể lại với giọng đùa cợt, nhưng vẫn không giấu nổi sự tủi buồn và tiếc nuối pha niềm ân hận. Số là tập truyện vui cười - hài hóm vưà trình làng của cây bút trẻ - lính mới tò te trên lĩnh vực văn chương chuyên nghiệp, một mặt, được một số nhà văn lão làng rất khen ngợi: cụ Nguyễn Công Hoan, các ông Tô Hoài, Hà Ân, Phạm Hổ… lại được đích thân hoạ sỹ tài danh số 1 của Hà Nội: Phái Phố (Bùi Xuân Phái) vẽ cho cái bìa rất chi là hí lộng, vui tươi, phóng to thành bức panô - áp phích, dựng hiên ngang, sừng sững ngay trước thềm Nhà hát Lớn, Tràng Tiền, Hà Nội hôm khai mạc Hội nghị Nhà văn trẻ Việt Nam. Chú nhà văn – nhà báo trẻ bạn tôi hồi ấy hẳn đã hửng mũi khi có người so sánh: Có lẽ một Adit Nêxin (nhà văn nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ về những truyện ngắn hài hước, châm biếm, đã được dịch sang tiếng Việt) mới của Việt Nam đã xuất hiện!!! Vậy mà, mặt khác, không hiểu quên hay bởi lý do gì đó mà BTC hội nghị không gửi giấy mời cho tác giả Nguyễn Hiếu?! Thế thì có uất không cơ chứ?! Thậm vô lý!!! Cho đến tận bây giờ, chính Nguyễn Hiếu cũng vẫn không biết và không muốn biết, không muốn, không thể tìm hiểu đến tận ngọn nguồn lạch sông câu chuyện lạ lùng, hi hữu ấy chỉ bởi tính cách tự trọng và tự ái cao của người quê Trèm!...
                                                                      Nguyễn Hiếu
 Lại nữa, có lẽ vì muốn cho truyện mình mang màu sắc địa phương thật cụ thể hoặc muốn đưa tên người làng vào sách cho… oai (!?)… Hỡi ơi! cái ý định tốt đẹp, ngây thơ đó của một ngòi bút lần đầu nhập tịch làng văn đã khiến cho Nguyễn Hiếu, tuy ngoài tuổi tam thập nhi lập rồi mà vẫn bị bất ngờ vì chưa hết dại! Hắn tương nguyên văn những cái tên ông này, bà nọ, hoặc đã mất hoặc đang sống sờ sờ ở làng hắn, vào truyện, kèm theo những tính từ hài hước chỉ với dụng ý mua vui (Anh thường trực; tr: 116 – 126) Sách về đến làng. Chỉ ít hôm sau, lập tức có chuyện! Những đám con cái mấy lão Điền toét, Khảm trọc, Thi Doan…nổi điên vì thằng Hiếu dám xúc phạm đến cha mẹ chúng! Chúng rủ nhau hùng hổ tìm tác giả Chuyện cái vòi nước vừa ra lò để trị cho nó một mẻ! Rõ là đồ nhà văn nói láo, nhà báo nói phét! Tôi nghe nói đận ấy Hiếu ta phải trốn biệt, không dám ló mặt về làng một thời gian dài…! Mãi sau, nghe ngóng binh tình im im mới dám bí mật trở về thăm mẹ và bố mẹ vợ chớp nhoáng, rồi lại nhanh chóng chuồn ngay ra phố…! Mới ngấm lời dạy của các cụ thật là chí lý: Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già!

Lâu dần…, rồi mọi sự cũng đã qua… Thế mà, cái tai nạn nghề nghiệp đầu tiên ấy cũng vẫn không làm gã bạn tính ngang ngang, chừa cái thói để nguyên tên thật của người làng với những nhân vật truyện hư cấu của mình. Và thi thoảng lại có ông X, bà Y thôn Đông, thôn Hồng… khó chịu ra mặt, ca thán với tôi về cái sự láo lếu, hỗn hào, ngông nghênh, dại dột của nhà văn - nhà báo xóm Ô Tô. Thực ra, đó chẳng qua là sự lẫn lộn tên thật, tên giả, chuyện thật, chuyện bịa vớ vẩn trong sáng tác hư cấu truyện tình ngay lý gian của Hiếu đã động chạm tới lòng tự tôn, tự hào, tự ái vốn dĩ rất giàu có của họ hàng, láng giềng và bạn đọc người Trèm xưa nay.
Hồi những năm 80 – 90 thế kỷ trước, vì công việc nghề nghiệp và cuộc sống, tôi và Hiếu rất ít khi gặp nhau. Thư từ cũng hầu như không trao đổi. Bởi thế, 1 số truyện ngắn của hắn, tôi chỉ lọt đọt đọc trên mấy tờ báo tuần, báo ngày đăng tải. Mãi tới năm 2011, mới được anh bạn cũ tặng 2 tập truyện ngắn, trong bộ Tuyển tập tác phẩm NH, 10 tập (NXB Hà Nội, 2010). Nhớ lại, vẫn lấy làm cảm động, hình ảnh lão bạn già ngày xưa ôm chồng sách chất ngất, đứng gọi réo ơi ới trước cổng, đúng sáng mồng một Tết Nhâm Thìn (2012). Tôi hỏi hắn có tuyển một số truyện từ Cái vòi nước không? - Có chứ! Cứ đọc khăc biết! Hiếu cười 1 cách tự tin. Sau khi đã đọc kỹ, tôi đã viết tặng hắn vài bài cảm luận về gần trăm truyện ngắn ấy (mời bạn đọc trên trannhuong, nguyennguyenbay, vunho.com (2012 – 2013). Nhưng cuối cùng, vẫn không nhận ra truyện nào được rút từ Cái vòi nước (vì hắn tuyệt không ghi nguồn trích)?!...
 Bỗng một buổi sáng gần đây, Hiếu đưa tận tay tôi một tập sách mỏng, giấy đen ố vàng, quăn queo, lỗ chỗ mối xông, giọng trịnh trọng: - Cậu đọc nguyên bản Chuyện cái vòi nước ngày xưa đây! Tìm mãi mới thấy. Còn độc bản này! Phải giữ cẩn thận nhé! Tôi ngạc nhiên, thú vị: - Tìm thấy trong đống sách cũ a? - Tất nhiên rồi! – Cảm ơn! mình sẽ đọc ngay!
Đọc hết 1 lượt, mới hay, đa số các truyện trong tập này đã được tuyển vào 2 tập tuyển truyện ngắn của Hiếu mà tôi đã đọc. Nhưng đọc lại một cách kỹ càng và hệ thống trong tập sách lần đầu tiên xuất bản vào cuối thời bao cấp, hóa ra lại đột hiện những chiêm nghiệm lý thú mới. Bởi vậy, mới có cái nhan đề và tiêu đề mục 1 hơi bị dài dòng… như trên.

2.     Gợi nhớ thời chiến tranh và thời hậu chiến bao cấp vất vả, thiếu  thốn vô cùng mà hào hùng, trong sáng, vô tư… hay là tính thời sự - báo chí của Chuyện cái vòi nước.

23 truyện ngắn được sáng tác trong khoảng thời gian 13 – 14 năm cuả thập kỷ thứ 7 và mấy năm đầu thập kỷ thứ tám thế kỷ trước (1970 – 1983), đã đăng rải rác chủ yếu trong chuyên mục Chuyện của mỗi nhà trên báo An ninh Thủ đô mà phóng viên trẻ Nguyễn Hiếu là cây bút chủ lực. Đó là giai đoạn đất nước và dân tộc Việt Nam trải qua thời kỳ cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ và gần 10 năm đầu thời kỳ đất nước hòa bình thống nhất trong một nền kinh tế kế hoạch - bao cấp vô cùng khó khăn trước đổi mới, với những ưu điểm và hạn chế rất đặc biệt, đặc thù. Hiện thực ấy đã phần nào được phản ánh một cách chân thực, khá sinh động trong hầu hết tập truyện vui Cái vòi nước. Có thể nói truyện của Nguyễn Hiếu cố gắng thể hiện cuộc sống muôn mặt đời thường tập trung ở mảnh đất Thủ đô Hà Nội những năm tháng không thể nào quên ấy, bằng cái nhìn của một phóng viên thời sự sắc sảo, tinh tường và rất cá tính.
Bao trùm lên tất cả là cái bầu không gian - không khí xã hội, đất nước và thời đại trong thời chiến và từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, mà ở đó bộn bề bao khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, từ vật chất đến tinh thần: Từ những căn nhà tập thể chật chội, đơn điệu, được chia phòng, chia ô đều chằn chặn cho từng loại hộ cán bộ, công nhân độc thân, gia đình  (Láng giềng cuả nhà sử học, Không phải của mình thì đừng sinh chuyện! Chuyện cái vòi nước…) dẫn đến những mâu thuẫn lặt vặt và dai dẳng, những toan tính tầm thường, hèn mọn, ti tiện giữa những người lao động bình thường chân thật hay ranh ma vốn tối lửa tắt đèn có nhau. Dự Đám cưới chị cửa hàng trưởng (mua bán bách hóa; một trong những loại cán bộ nhà nước nổi đình đám được ưu tiên, trọng dụng thời đó!), mới thấy mức sinh hoạt, mức sống của nhân dân lao động Việt Nam hồi ấy nghèo túng, cực khổ đến nhường nào! Nỗi lo đói, sợ không đong được gạo, không mua hết được phiếu thực phẩm, mất điện ngay trong đám cưới, thiếu vải, thiếu nước dùng, dầu thắp, củi đun…Chao ôi! Nghĩ lại cảnh xếp sổ, xếp hàng đong gạo, mua thực phẩm thời ấy… đến giờ vẫn còn kinh hãi! Quà tặng mừng cô dâu, chú rể là những bộ quần áo trẻ sơ sinh, những cái phích Rạng đông hoặc tấm vỏ chăn hoa Trung Quốc, cái xoong chưng bột nhôm Liên Xô… và những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn…Chè, thuốc lá, cũng phải tìm mọi cách xin, xoay, trao đổi, ngoài tiêu chuẩn cung cấp rất ít ỏi! Thế nên mới có chuyện móc ngoặc lộ liễu hay khôn khéo giữa chị tạp hóa với anh bán gạo và cô bán thịt,  chị bán dầu…Bán theo tiêu chuẩn nhà nước cấp tem phiếu mà như gia ơn, như bố thí! Mua tiêu chuẩn cuả mình mà như cầu xin, năn nỉ! Từ cơ chế cấpphát, xin - cho, xuất hiện tệ nạn cửa quyền, quan liêu, hách dịch, đặc quyền, đặc lợi cho cá nhân, gia đình, người thân. Xuất hiện nạn phe phẩy tràn lan khắp chợ thì quê. Từ phe thịt, đậu đến vé xem phim, xem kịch. ..(Buổi sáng của ông thủ kho, Cô bé bán bánh mì, Một trường hợp điển hình lịch sự…) Thậm chí đến thần linh, oai vũ như Thánh Gióng mà cũng còn phải thúc thủ, bay về trời, trước thói quan liêu, bao cấp, cửa quyền của các nhân viên, cán bộ nhà máy cơ khí nọ (… Trường hợp thánh Gióng bay về trời). Nhiều hiện tượng và vấn đề tiêu cực xã hội phổ biến hồi ấy được ngòi bút hài hóm Nguyễn Hiếu tái hiện và làm nổi bật trong những tình huống vui, buồn thường nhật đã xa mà tưởng chừng như mới hôm qua!
Cơ chế ấy, xã hội ấy đẻ ra những ông trưởng phòng ích kỷ và vô cảm trước bất hạnh và bệnh tật cuả người khác, chỉ một mực đòi hỏi và chỉ huy nhân viên tranh đấu cho quyền lợi vật chất thiết thực, nhỏ bé của cá nhân mình, phòng mình một cách trịch thượng và vô lối (Thói quen đáng sợ của nghề nghiệp). Một trưởng phòng khác quan liêu và lười biếng đến mức vô tình ký lệnh bán cầu Long Biên (do nhân viên cố ý đùa nhả!) một cách vô tư! Một ông thủ kho to hơn thủ trưởng, nhận quà biếu như 1 sự tất nhiên… và nếu khách đến tay không thì chỉ nhận được câu trả lời: hoặc hết hàng, hoặc bận họp! (Buổi sáng của ông thủ kho!) Chỉ cần một bữa nhậu bia tóe phé là người ta đã có thể xóa phăng chữ tín của một cán bộ vốn rất trọng chữ tín trong công việc; để biến anh ta thành đồng lõa với thói ăn cắp của công một cách dễ dàng! (Để giữ cho mình một chữ Tín)...
 Bằng hình tượng nghệ thuật ngôn từ, trong thể loại truyện vui ngắn, linh hoạt nhẹ nhàng, văn Nguyễn Hiếu đã ghi đậm dấu ấn mặt trái, mặt tiêu cực của cái thời khổ cực, lọ mọ, lúi xùi ấy bằng tiếng cười trung thực, phê phán, xây dựng chân thành.
Nhưng xã hội Việt Nam những năm 70 – 80 không chỉ có thế! Bên cạnh đó, tuy mới chỉ thấp thoáng, đã thấy lóe lên những con người lao động nghèo cực, thẳng thắn, chân thực, cố và quyết giữ mình trong sạch, giản dị, không hiếu danh hão, gắng xử sự công việc thấu lý, trọn tình (Anh thường trực, Cô bé bán bánh mì, Điều ngỡ ngàng của tôi…).
Một anh con trai kì cạch sửa bằng được cái vòi nước chờn gien để bà mẹ đỡ mất ngủ, trước ngày nhập ngũ (Cái vòi nước)… Một nhà văn trẻ chỉ nhất quyết tặng vé thừa 1 cách lịch sự cho người được tặng chứ không chịu nhận tiền mua sòng phẳng (?!) của con phe! Một cô bé vốn học giỏi, phải đi buôn bánh mì một cách tháo vát đến đáo để để đỡ ông bố nghiện rượu và đàn em đông đúc chứ nhất thiết không chịu làm con ăn cắp. Cô bé tập tọng nghề buôn trái phép đó đã xúc động thực sự trước cách đối xử tình cảm, tâm lý của một chú công an đường phố…
Tuy dụng ý nghệ thuật cơ bản của tác giả trong tập truyện hài này, theo tôi, rõ ràng không chủ yếu nhằm vào xây dựng những tình huống, câu chuyện, nhân vật người tốt, việc tốt, nhưng sự thật cuộc sống khách quan cứ tuân theo quy luật xã hội khách quan của nó. Cái tốt, người tốt, việc tốt, sự tốt đẹp, trong sáng, hướng thiện giản dị và cao quý, lạc quan, yêu đời… vẫn là nét bản chất trong tính cách truyền thống của nhân dân Việt Nam, con người Việt Nam chúng ta, dù phải trải qua bất cứ hoàn cảnh khách quan, những gian nan, khó khăn, phức tạp nào, trong chiến tranh hay trong hòa bình!
(Chúng tôi sẽ phân tích rõ thêm nhận xét này trong mục tiếp theo).
Chính cạnh khía thứ hai tích cực này khiến cho nội dung tư tưởng của Chuyện cái vòi nước thêm phần toàn diện, khách quan, đa chiều một cách có cơ sở hiện thực chứ hoàn toàn không phải từ chủ quan, áp đặt, định hướng sẵn của tác giả. Và thành công đó đã tạo nên tính thời sự, phóng sự báo chí nhanh, sắc, cập nhật mà vẫn đậm đà của tác phẩm. Nguyên nhân cơ bản của thành công: theo tôi, có lẽ một phần bởi Nguyễn Hiếu vừa là một phóng viên đài – báo xông xáo vừa là nhà văn trẻ nhiệt thành và hăng hái chăng?

3.     Gợi mở những vấn đề xã hội, văn hóa, nhân sinh muôn đời hay là chiều sâu nhân bản của tập truyện vui.

Đó là khi tác giả đề cập tới những chủ đề xã hội – văn hóa – tâm lý trong cuộc sống nhân sinh đương thời mang tính chất phổ biến, truyền thống và cổ điển; nhưng lại đã và đang xảy ra trong muôn mặt đời thường thời đương đại. Chẳng hạn, các chủ đề tình yêu lứa đôi, đám cưới, cuộc sống gia đình vợ chồng, giáo dục con cái, cảnh sống và tâm trạng người cán bộ nhà nước về hưu…
(Khi trăng non lặn, Không phải của mình thì đừng sinh chuyện, Nếu anh ấy luôn nói thật*, Thế là ông ấy về hưu, Sự việc giản dị bên trò chơi con trẻ, Sang vì vợ, Dưới lùm cây có pho tượng…)
Với những truyện ngắn vui này, nụ cười hài hước khi thì nở ra trên khuôn mặt, ánh mắt, giọng nói,… của các nhân vật chính, phụ hay người kể chuyện; khi lại chìm ẩn bên trong cùng với những suy tư chia sẻ, đồng cảm hay băn khoăn tìm kiếm mãi vẫn chưa ra cách giải quyết nào tạm gọi là thấu lý, đạt tình; chứ đừng nói là rốt ráo, triệt để, … họa chỉ có trong… mơ! Đặc điểm này khiến cho truyện vui Nguyễn Hiếu bắt đầu nhuốm phong vị man mác, thâm trầm của loại tự sự tâm lý ngắn nghiêm trang mà vẫn không bị nặng nề, khô khan và áp đặt. Nghĩa là: trong nhiều truyện, cơ hồ ít nhiều đã đạt tới sự kết hợp giữa nghiêm chỉnh và tếu nhộn, quan trọng mà bông phèng… dường như vô tình, hóa ra lại gắn kết bởi một lôgich nào đấy trong tư duy và ngôn từ hình tượng không kém phần chặt chẽ.
Ví dụ: trong vấn đề tình yêu đi tới hôn nhân (Khi trăng non lặn, Không phải của mình…, Đám cưới chị cửa hàng trưởng) được tạo bởi những tình huống bộc lộ bản chất tính cách, nhân cách, mưu mẹo và hành động của các nhân vật khác nhau. Bền chặt, hòa thuận hay đổ vỡ, li tán không chỉ đến cuối truyện mới rõ mà đã hé lộ dần dần từ đầu và cứ theo đà ấy mà phát triển đến đỉnh cao và kết thúc tất nhiên phải thế! Mặt khác, không khí truyện trong đám cưới chị cửa hàng trưởng, tuy không có cái vui hồ hởi, mộc mạc, rộn rã, hơi quê quê như các đám cưới ngày mùa cùng thời điểm: Các cụ ông say thuốc/Các cụ bà say trầu/Còn những đôi trai gái/Chỉ nhìn mà say nhau! (Phan Thị Thanh Nhàn;) nhưng lại bộc lộ chung niềm vui mừng hạnh phúc dào dạt, chân thành cho bạn bè, dân làng mình. Tình làng nghĩa xóm, ở đây đã trở thành nét đẹp đạo lý, phong tục tập quán văn hóa cổ truyền từ xưa tới nay, thật đáng trân trọng.
Thói ghen tuông của một số bà vợ với các ông chồng trong gia đình là một bi hài kịch cổ điển không hồi kết và luôn gay cấn, như bom nổ chậm trong nhà. Bất hạnh vướng vào ổ kén rắc rối này, nhiều phen, các ông chồng khốn khổ, khốn nạn, tình ngay lý gian (chưa nói đến loại có tình thật!) đã phải cười ra nước mắt, tìm mọi cách để làm hòa, làm lành với bà xã và cố thanh minh thanh nga về sự ngay thẳng, thủy chung nhất mực của mình! (Sang vì vợ).
Chuyện mua bán, cá độ tỉ số trong thi đấu thể thao (bóng đá), bao năm nay đâu chỉ là vấn nạn đau đầu của Fifa thế giới mà ngay ở Việt Nam ta hiện đang nhức nhối với không ít cầu thủ bị đồng tiền làm mờ mắt mà phạm pháp, mang tội (ở các đội tuyển bóng đá Ninh Bình, Long An mới đây…) đã được Nguyễn Hiều đề cập trong 1 truyện hài đầy tính chuyên môn của một phóng viên trẻ yêu và hiểu biết về bóng đá (Trung phong tự do hay những đường bóng dích dắc) từ đầu thập kỷ tám mưới thế kỷ trước).
Vấn đề nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ như thế nào được biểu hiện ngay từ cách chọn trò chơi, cách chiều con, cố tình trưng diễn khoe khoang sự tháo vát, đảm đang, quyền biến hơn người của bà mẹ trẻ trước ông bố hiền lành, lơ ngơ với mọi việc đời và trước bàn dân thiên hạ, trong 1 buổi sáng chủ nhật đẹp trời của cặp vợ chồng trẻ đưa con đi chơi công viên (Sự việc giản dị bên trò chơi con trẻ). Hoặc vấn đề giáo dục và định hướng sống cho lũ trẻ bụi đời, lang thang cơ nhỡ, buôn bán nhí… thực sự đặt ra trước các gia đình, các ngành công an, thuế vụ, các nhà trường… Tóm lại là trước những người lớn có trách nhiệm, đâu phải là vấn đề nhỏ nhặt, vụn vặt và có thể giải quyết chỉ bằng những biện pháp pháp luật, hành chính, cưỡng ép, tức thời! (Cô bé bán mì).
Không ít vị cán bộ lừng lẫy thời đương chức, hết sức luyến tiếc khi phải về hưu! Về hưu mà vẫn cố chứng tỏ cái oai, cái tài của mình như xưa; thực chất là đã hết thời, vô dụng và vô vị, nhưng vẫn không chịu sống cảnh ngồi nhàn xơi nước, khi chén rượu, khi cuộc cờ, chợt ngẫu nhiên cay đắng nhận ra sự thừa thãi, vô tích sự của mình trước đám trẻ ở tổ sản xuất găng tay nhựa chỉ bằng tuổi cháu con! (Thế là ông ấy về hưu). Tôi ngạc nhiên vì khi viết truyện này, Nguyễn Hiếu mới đang tuổi ngoài tam thập nhi lập, mà tả tâm trạng và hành động của lớp người gấp đôi tuổi mình, tả cách sống và cảnh sống rất xa lạ với mình một cách khá tinh tế và chân thực. (Dĩ nhiên, nếu so với những truyện ngắn, khi nhà văn đầu hói làng Chiện trở lại chủ đề này hơn 30 năm sau, trong Tuyển tập truyện ngắn (2010), thì Ông ấy về hưu còn đơn giản, quá nhẹ và có phần phiến diện. Đó cũng là điều dễ hiểu).
Tôi đánh giá cao đặc điểm và giá trị nội dung này của tập Chuyện cái vòi nước còn bởi nó xuất hiện khá đều và có chủ đích trong ý thức tư tưởng nghiêm túc của một cây bút trẻ với tập sách đầu tay của mình.
Đặc điểm này, một mặt, làm cho giá trị nội dung tư trưởng của tác phẩm thêm sâu sắc, có giá trị lâu dài, vượt lên tính thời sự nhất thời của vụ việc, tính khái quát được nâng cao, tính nhân văn - nhân bản sâu đậm, rõ nét hơn; mặt khác, về nghệ thuật thể loại, nó góp phần mở rộng biên độ phản ánh và thể hiện cuộc sống - con người của thể loại truyện ngắn hài, khiến cho dung lượng và chất lượng của thể loại văn xuôi tự sự đặc biệt này trở nên phong phú, đa dạng hơn. (Đến mức, ở một vài truyện, theo tôi, tính hài đã có phần nhòe mờ, nếu chiểu theo tiêu chí chặt chẽ của truyện ngắn hài để tràn sang thể loại tự sự ngắn trữ tình. Ví dụ: Điều ngỡ ngàng của tôi, Dưới lùm cây có pho tượng).
Tôi cho rằng, khi viết Chuyện cái vòi nước, chưa chắc nhà văn trẻ đã tự ý thức được sâu sắc vấn đề này. Có thể anh cứ viết theo tiếng gọi của trái tim nghệ sỹ và sự thôi thúc, mách bảo trong tư duy nhạy bén của một phóng viên, một công dân trước thực tế cuộc sống xã hội đương thời. Chẳng qua, đây chỉ là suy diễn, đoán định của người đọc lại quyển sách 30 năm sau mà thôi!

4.                 Tiếng cười nhẹ, hóm mà không kém sâu sắc, triết lý
& Những đặc điểm nghệ thuật khác…
Thành công cùng hạn chế về nghệ thuật của nhà văn trẻ quê Trèm.

Giá trị nghệ thuật cơ bản của truyện hài nói chung, truyện ngắn vui như Chuyện cái vòi nước, nói riêng, là ở chỗ tiếng cười hài hước mang tính xã hội, tư tưởng - thẩm mỹ có giá trị đến đâu và được xây dựng, sáng tạo như thế nào, tạo được hiệu ứng đồng cảm lành mạnh trong tâm hồn người đọc ra sao. Đọc lại tập sách hài đầu tay của Nguyễn Hiếu sau độ lùi 30 năm, bình tâm cảm nhận và đánh giá, thấy sự tươi mới, ròn vang của thể loại này cơ hồ có giảm mức độ ít nhiều…. Tất nhiên! Nhưng vẫn có thể khái quát đặc điểm và ưu điểm như trên. Đáng biểu dương hơn nữa là bởi từ ấy cho đến nay, dòng văn hài của cả nền văn học Việt chúng ta vẫn đã và đang èo uột, thưa vắng xiết bao!? Tương lai  xem ra cũng chẳng có gì hứa hẹn! Nghĩ không khỏi trạnh lòng: những truyện ngắn hài lừng danh của Nguyễn Công Hoan, tiểu thuyết hài Số đỏ của Vũ Trọng Phụng trước cách mạng may được một Cái vòi nước của Nguyễn Hiếu và một Hậu Chí Phèo của Phạm Thành muộn mằn và đứt quãng nối nghiệp. Nhưng như thế cũng chẳng đã đáng mừng và le lói hi vọng về sự nối tiếp của mạch hài văn hiện đại nước ta?
Âm hưởng hài hước, đùa vui bàng bạc khắp 23 truyện trong Cái vòi nước. Tiếng cười lành mạnh, trẻ trung của nhà văn trẻ tỏ ra không hề bông phèng, vu vơ mà xuất phát từ những tình huống đời thường rất thực tế đã được soi chiếu sắc sảo và làm bật nổi những mâu thuẫn hài dựa trên những tương phản đối lập, lô gich chứ không hề chủ quan bịa đặt, lắp ghép, gọt chân cho vừa giầy; những mâu thuẫn giữa các phạm trù xã hội – đạo đức – tâm lý  phổ biến trong cuộc sống nhân dân Việt Nam những năm nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao (Tố Hữu), những năm cả nước ăn bo bo đẻ ra nhà máy thép (Chế Lan Viên), những năm cả dân tộc, sau những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm trường kỳ, dữ dội, quyết liệt tìm một lối đi mới để vùng thoát khỏi sự trói buộc, trì trệ của cơ chế quan liêu - bao cấp đã từ lâu không còn tác dụng! Trong những mối quan hệ xã hội, gia đình chằng chịt, phức tạp đan xen: cá nhân và tập thể, trách nhiệm riêng và chung, thực lực hạn chế và sự háo danh, khiêm tốn, tự trọng trước sự cám dỗ của đồng tiền và quyền lực hay nạn móc ngoặc, hối lộ, tham nhũng, tha hóa… (dù mới chỉ như những con muỗi, cò con, so với phạm vi, mức độ khủng như hiện nay); đến những quan hệ gia đình riêng tư nhất: giữa hai người đang yêu nhau, cặp vợ chồng có vợ hay ghen, mối liên hệ tế nhị giữa biên tập viên lão luyện trong nghề và nhà văn trẻ đang muốn khẳng định mình, nạn cá độ và tình yêu nghề nghiệp, sự trung thực của các cầu thủ và trách nhiệm, tầm nhìn của các nhà quản lý thể thao…v.v…
Mỗi truyện vui của Nguyễn Hiếu đều mang lại một trận cười nho nhỏ, không cay đắng, dữ dội, quyết liệt, cũng không hằn học, cay động, nhọn hoắt như tiếng cười trào phúng, đả kích kẻ thù dân tộc, giai cấp;
 Tiếng cười trong Cái vòi nước là tiếng cười nhắc nhở, chế giễu, đùa vui, hài hóm khuôn trong nội bộ các tầng lớp nhân dân một thời khó khăn và hào hùng của đất nước. Tiếng cười mang tính tập thể nhiều hơn tính cá nhân, cá biệt, với ý thức nhà văn - công dân góp ý, phê bình để xây dựng.
Cười mấy anh trưởng phòng cá nhân, háo danh, vô cảm trước trách nhiệm công việc và số phận con người. Cười mấy bác thủ kho cứ ngỡ mình to hơn thủ trưởng. Cười vợ chồng nhà sử học chủ quan, tự tin đến hời hợt và vẫn giữ cái nhìn lạc hậu, cũ kỹ về lớp trẻ. Cười sự lịch sự ngây thơ, xa rời thực tế của anh nhà văn trẻ sớm được cuộc sống nghiệt ngã mở mắt…
Tóm lại, tiếng cười hài vui do tác giả sáng tạo khá nhiều vẻ, phong phú và đậm tính đời thường, thời sự. Nhưng trong một vài truyện, tiếng cười ấy cũng có những biểu hiện chuyển điệu, chuyển giọng để trở nên kín đáo, càng nhỏ nhẹ hơn, lặn sâu vào tình huống cốt truyện và tính cách, ngôn ngữ nhân vật, làm cho giọng điệu truyện hài trở nên lắng đọng hơn, vẫn nhẹ mà gợi mở sâu hơn, thấp thoáng triết lý một cách không cố ý. (Sang vì vợ, Điều ngỡ ngàng của tôi, Chuyện cái vòi nước (Riêng tình huống cái vòi nước công cộng hỏng này, nhiều năm sau, Nguyễn Hiếu đã sáng tác 1 truyện ngắn khác: Người thích rậm lời (trong tập Người đàn ông không lấy vợ (2014), thì yếu tố hài vui gần như đã nhường chỗ cho khuynh hướng bi kịch của 1 cách sống tốt đẹp, nhưng lại bị chế giễu, ngăn chặn, có phần mạnh mẽ hơn nhiều so với truyện xưa?!).
Kể ra, với tác phẩm đầu tiên, lại là 1 tác phẩm hài vui, đầu tay, viết được như thế đã là khá lắm rồi! đáng ghi nhận lắm rồi!
Tác giả Chuyện cái vòi nước đã sáng tạo tiếng cười trong truyện mình bằng những biện pháp, thủ thuật gì? Cố nhiên, thấy cũng vẫn là những biện pháp nghệ thuật học tập từ truyện hài dân gian, truyện ngắn, truyện dài hài của các cây bút văn xuôi trong, ngoài nước đi trước. Rõ và có hiệu quả tốt là một số biện pháp phổ biến sau:
-         Cường điệu, phóng đại tình huống, nhân vật, ngôn ngữ,… tùy mức độ khác nhau.
-         So sánh tương đồng hoặc tương phản. (tập trung vào sự khác biệt giữa các nhân vật)
-         Nghệ thuật kết truyện bất ngờ và gợi mở.
-         Giễu nhại,
-         Lời văn bàng bạc giọng đùa vui.
-         Bước đầu sử dụng yếu tố huyền ảo của thần thoại, truyền thuyết kết hợp với các yếu tố (chủ yếu) của hiện thực để tạo tình huống gây tiếng cười. (…Thánh Gióng bay về trời). cùng với cách mở truyện học từ truyện cổ tích dân gian:
Ngày nảy ngày nay, ở một công ty nọ, có một ông chủ nhiệm to béo, mượt mà(Chuyện kim tích; tr. 8) gợi cảm giác vừa cổ vừa kim, khá thú vị.
Tuy nhiên, đây mới là thể nghiệm đầu tay nên còn thô vụng, đơn giản. Càng về sau, Nguyễn Hiếu càng thành công hơn với thủ pháp nghệ thuật chịu ảnh hưởng của một tác giả gạo cội châu Mỹ La tinh).
-         Bố cục truyện ngắn hài trong Cái vòi nước: Nhìn chung gọn, rõ, chặt.
Tuy thế, nhà văn trẻ còn phải học tập rất nhiều ở các bậc thầy về mặt này. Một số truyện trong tập chưa cô đọng, độ nén chưa cao, còn để những chi tiết ít tác dụng, có thể lược bớt cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nội dung của truyện.
-         Câu văn khá linh hoạt. Nhưng từ đó lại nảy ra một trong những nhược điểm (sẽ còn tồn tại rất lâu như một bệnh mãn tính hay một thói tật của ngòi bút?!) của câu văn Nguyễn Hiếu. Đó là sự gia công, chọn lọc, sửa chữa câu chưa thật nghiêm, kỹ nên còn không ít những câu văn quá dài, các mệnh đề, cụm từ liên kết với nhau lỏng lẻo, gây cảm giác tư duy rối rắm, người đọc khó theo dõi (tr. 5, 9…).
Nguyễn Hiếu đã hơn một lần thổ lộ với tôi, cái lý do sâu kín của nhược điểm ngôn ngữ tồn tại quá dai dẳng, rất khó sửa này: Ấy là khi ngòi bút đang bị rơi vào tình trạng bí rị, đang moi óc, cố tìm hướng đi tới, phát triển của cốt truyện… mà chưa ra!? Thế là câu cú từ chỗ mạch lạc, trôi chảy tự nhiên cứ bị quanh quẩn, lòng vòng, lằng nhằng, rắc rối một cách khó kiểm soát. Tình trạng này chỉ chấm dứt, ngôn từ kể chuyện tả người, tả cảnh, tả việc của Hiếu sẽ nhanh chóng trở lại gọn ghẽ, trong sáng đâu đấy, khi mạch truyện cho đến hồi kết được khai thông (gần giống như cụ Nguyễn Công Hoan ngày xưa kéo 20 trang đầu toàn chuyện đẻ đái, mất gà, chửi bới…dông dài trong tiểu thuyết Bước đường cùng. (Hồi ký Đời viết văn của tôi (NXB Văn học, 1973). Tôi thì nghĩ đó chỉ là một cách biện giải chân thành, tinh quái và đáng yêu của tác giả mà thôi! Nhưng không phải chỉ có thế! Ở đây, thực sự có vấn đề về tư duy và ngôn ngữ thể hiện của Nguyễn Hiếu, một yếu điểm chỉ mang lại sự mỏi nản nơi người đọc khi đọc văn anh.
-         Chi tiết, lời nói của nhân vật bà vợ nhà sử học được cố ý nhắc đi nhắc lại như điệp khúc giễu nhại: - Cái đó đâu có chuyện gì mà rộn! (Láng giềng của nhà sử học) lại gây phản cảm, vì sự bắt chước câu nói nổi tiếng của cụ Hồng: - Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi! (Số đỏ)
-         Cách đặt nhan đề truyện: có xu hướng chọn cả mọt câu dài với dụng ý biểu hiện riêng chủ đề và nghệ thuật (Nếu bát nước chấm đó không là mắm tôm, Nếu anh ấy luôn luôn nói thật, Trung phong tự do hay những đường bóng dích dắc…). Tuy lại có những nhan đề ngắn mà vẫn vừa thừa vừa thiếu từ, lại tối nghĩa: Chuyện kim tích (tr. 8);  Chuyệntích rồi! vậy thừa từ chuyện. Nhưng nếu cứ để 3 từ thì lại thiếu 1 từ để nhan đề có khả năng trở thành 1 thành ngữ: Chuyện kim tích cổ.
 Thật ra, việc thể nghiệm sáng tạo có thể biểu hiện ngay từ khâu đặt nhan đề tác phẩm. Nhan đề tác phẩm Nguyễn Hiếu được suy nghĩ, lựa chọn rất có chủ đích, góp phần làm nổi nét riêng tác phẩm của anh. Đó là 1 ưu điểm. Nhưng riêng trong trường hợp này, điều đó lại bị ngược lại với ý muốn tốt đẹp, bản lĩnh nhà văn.

5.     Thay lời kết
     bằng một cuộc phỏng vấn nguội & ngắn

Khoảng hai tuần trước, trong một buổi nhàn đàm của song lão chơi văn văn chơi, nhân lúc trà dư tửu hậu, khi vừa đọc lại xong tập Chuyện cái vòi nước, tôi ngẫu hứng làm một cuộc phỏng vấn nguội, ngắn lão bạn già - nhà văn đầu hói, tóc nhuộm, ria nhuộm đen nhức, như sau:
-         ĐV: Sau 30 năm tồn sinh trong lòng người đọc, cậu tự đánh giá thế nào về tác phẩm văn xuôi đầu tay của mình?
-         NH: Đó là đứa con đầu lòng rứt ruột đẻ ra sau hơn chục năm ấp ủ, thai nghén của tớ. Tất nhiên, tớ yêu quý nó vô cùng, dù bây giờ sau hơn 40 năm làm nghề. Nhìn lại, tự thấy nó (CCVN) còn không ít non nớt, cạn nông và vụng dại. Nhưng đó là sự non nớt, vụng về chân thành và sáng trong, đầy ham mê đặc biệt mà những tác phẩm sau này của tớ, dù khá hơn, hay hơn, không sao có được! Trong sự nghiệp của một nhà văn chuyên nghiệp nói chung, như tớ nói riêng, tác phẩm đầu tay được in là một sản phẩm tinh thần và vật chất thiêng liêng, không gì có thể thay thế!
-         ĐV:  Phải chăng có thể vận 2 câu thơ nổi tiếng của Thế Lữ vào đây:
 Vòi nước đầu tay lưu luyến ấy,
 Hết đời, hồ dễ Hiếu sao quên!?
-         NH: Hay! Hay!
-         ĐV: Vậy thì cơn cớ nào khiến nhà báo trẻ Nguyễn Hiếu muốn kiêm nghề viết văn, lại chọn lối văn hài – truyện ngắn, một thể loại văn xuôi hóc búa, khó nhằn, ngay cả với những nhà văn thành danh lâu năm?
-         NH: Câu hỏi khá hiểm đấy! Nhưng với tớ, câu trả lời thật đơn giản: Tính vui nhộn, hài hước vốn có trong máu của tớ, được di truyền khá mạnh và nhiều từ bà mẹ tớ, đặc biệt từ ông cậu ruột THT – nhà thơ làng lừng lẫy một thời vùng Trèm – Vẽ, mà không ít câu vần vè của cụ đã tự nhiên trở thành truyền ngôn dân gian: Cắt tóc Lại Xuân, cán bộ, nhân dân ai ai cũng thích! Nông dân chùi chân đi ngủ! Chào cô giáo Tú! Chào chú giáo Trường! chồng dân Thụy Phương, vợ là gái phố!...
Mang dòng máu vui hài, tếu táo ấy, tớ chuyển vào văn mình một cách hồn nhiên, tự nhiên, chẳng cần phải lựa chọn, đắn đo gì!
-         ĐV: Chẳng lẽ chỉ có thế? Còn ảnh hưởng của học vấn, sách vở đối với cựu học sinh giỏi Văn miền Bắc năm nào?
-         NH: À, đúng! Một nguồn kích thích, gợi dẫn quan trọng nữa là bức thư tay của cụ Nguyễn Công Hoan (tớ còn trang trọng lưu giữ đến nay), một cây bút hài số 1, 2 ở Việt Nam ta. Cụ đích thân viết thư góp ý, chỉ bảo cho thằng nhóc vô danh hạ tốt là tớ, khi cụ đọc xong tập bản thảo Cái vòi nước mà tớ liều gửi lên cụ ngự lãm. Chính từ những lời khích lệ, động viên rộng rãi và cởi mở của cụ và cả của cụ Tô Hoài sau này nữa, đã khiến tớ mạnh dạn thử bút và thử nghiệm thể truyện hài xem sao!? May mà trời cho, tập đầu cũng tạm được! tập 2: Cười dành cho tất cả (NXB Thanh niên, năm 198?) đến nay chính tớ cũng không còn lưu được 1 bản nào?! Muốn đọc lại văn xưa của mình, có lẽ hôm nào phải bỏ 1 buổi vào mò ở Thư viện Quốc gia! Nhưng đến tập 3 thì hoàn toàn tắc! không thể ra được!?
-         ĐV: Thảo nào! Thế chứ! Thời in ấn bao cấp quốc doanh độc quyền ấy, loại lính mới tò te như cậu mà được in riêng cả  1 tập truyện ngắn vui - hài là may mắn đặc biệt rồi! Mới hay tại sao trong CCVN, thấp thoáng hơi hướng đâu đó văn cụ Nguyễn, cả cụ Vũ (Trọng Phụng), cụ Tô nữa! Đúng không?!
-         NH (cười cười vừa kiêu kiêu vừa ngượng nghịu): Đọc tinh đấy! Nhưng làm sao trách được 1 cây bút trẻ, trong tác phẩm chập chững đầu tay, hở lão bạn già khó tính kia? Có điều, càng về sau, khi viết, tớ càng không bị những cái bóng cổ thụ, đại thụ ấy ám ảnh, che khuất nữa. Tớ quyết tâm, quyết chí đến độ quyết tử tìm bằng được lối viết riêng, tiếng nói riêng của mình. Khi viết, chỉ biết mình và người đọc, tuyệt không nghĩ đến bất kỳ một ông lớn, bà to nào!
-         ĐV: Ghi nhận suy nghĩ, quan niệm nghiêm túc và khó khăn ấy đã được thể hiện khá rõ nét trong nhiều tác phẩm ngắn, dài của cậu sau CCVN. Nhưng, nói thật, tớ cố soi, cố tìm khá lâu mà vẫn chưa khái quát được đầy đủ phong cách hài của NH đấy?! Cậu có thể nói gì về điều này?
-         NH: Một nhận xét nghiệp vụ nghiên cứu - phê bình đáng để giới sáng tác quan tâm. Nhưng lại chứng tỏ cậu chưa hiểu dụng ý nghệ thuật và khao khát cả đời văn của tớ. và cũng chưa hẳn cậu đã đọc thật kỹ tất cả - toàn bộ  truyện – kịch của tớ. Ấy là bởi tớ muốn quyết thử sức, thể nghiệm vào tất cả mọi thể loại, loại thể văn học hiện đại. Tớ từng tâm nguyện: Không có một thể loại văn học nào xa lạ với tôi!
Bởi thế, từ truyện ngắn hài, tớ vươn sang truyện vừa hài, rồi tiểu thuyết hài: Tây tây ta ta, Con ngố, Những mảnh trần gian chẳng đậm hài đó sao? Hài tràn sang cả kịch tùy hứng của tớ: Cu Tũn muốn làm người lớn, Hàng rào mồng tơi gãy giập, Trò đùa của dân, Chuyện như thế thì còn phải nói, cả Linh hồn đông lạnh nữa… lẽ nào không phải hài kịch Việt Nam thứ thiệt?! Thơ vui tớ cũng thử, ngay từ bài thơ Gửi người lái máy bay cùng quê (1973), rồi những bài thơ về làng Trèm thân yêu của chúng ta, rồi cả bài thơ trữ tình chính trị: Nhân dân… cũng bàng bạc chất hài… Kể ra, tớ thấy mấy nhận xét kết luận của cậu ở bài Nguyễn Hiếu hài trong chùm ba truyện ngắn… đều đúng cả. Nếu mở rộng ra với toàn bộ tính hài, chất hài của văn truyện, văn kịch của tớ thì cơ bản… cũng là như vậy.
Thế nào? liệu tớ có tự nói quá, khen mình quá không? Văn mình mà!
-         ĐV: Đó là căn bệnh kinh niên khó tránh đối với bất cứ nhà văn nào! Càng tài càng tự thị, càng coi giời bằng… nửa cái vung! Nhưng, bạn ơi! từ tâm nguyện, dù sâu sắc, thiết tha, cháy bỏng đến mấy so với hiệu quả thực tế bao giờ cũng có khoảng cách xa. Bạn đọc rộng rãi mới ghi nhận Nguyễn Hiếu là lực sỹ hạng nặng của văn xuôi, nhà viết kịch táo bạo; nhưng nhà văn hài Nguyễn Hiếu (vốn tiềm tàng trong máu, như cậu tự nhận!) thì hình như vẫn… khi tỏ, khi mờ!... Trong hầu hết các văn phẩm, thi phẩm, kịch phẩm của cậu, quả thấy bàng bạc đậm, nhạt, nhiều, ít chất hài, giọng hài. Nhưng chưa có 1 truyện vừa nào, tiểu thuyết nào, kịch bản nào có thể định danh là tiểu thuyết hài, hài kịch, theo đúng nghĩa khoa học chặt chẽ của thuật ngữ này! (Nghĩa là yếu tố hài còn và luôn pha trộn, hòa lẫn, đan xen với nhiều yếu tố khác, lúc chìm, lúc nổi chứ chưa thành nhân lõi của dòng hài chủ lưu). Tớ cho rằng đó là mặt trái, hạn chế của quan niệm lý thuyết bao sân của cậu và hiệu quả sáng tác.
Nhưng, đến Môlie hùng vỹ cũng còn chỉ được gọi là nhà hài kịch vĩ đại mà thôi! Hay A. Tsêkhốp, một trong những bậc thầy số 1 của thể loại truyện ngắn  thế giới thì số truyện ngắn hài 100% của cụ cũng chiếm chỉ khoảng 1/3 tổng số, là cùng!
-         NH: Có thể vậy! nhưng chưa chắc đã hoàn toàn như vậy! Nhưng thôi! tranh luận kiểu này e sẽ không có hồi kết đâu! Chỉ biết, tớ rất cảm ơn bạn già, trong những ngày mưa nắng, oi bức thất thường dường này, cần mẫn vượt lên mấy giống bệnh già mãn tính, vẫn chịu khó đọc lại, đọc kỹ tập truyện còm xửa xưa của tớ. Lại còn viết cho tớ những nhận xét bình luận chân thực, ấm áp tình bạn mà vẫn khách quan, cẩn trọng từ một ngòi bút nhà giáo – phê bình, nghiên cứu nghiệp dư lâu năm. Thế là quý hoá lắm rồi! Cậu thừa biết tạng người, tạng văn của tớ vốn là thế, hiện là thế và vẫn… là thế… mà! Xưa nay, có ai tự nắm tóc mình mà lớn lên được đâu?! Họa chăng chỉ có thánh thần trong cổ tích, huyền thoại!!
-         ĐV: Phải! phải! dù sao, theo tớ, Chuyện cái vòi nước của cậu cũng xứng đáng sẽ được ghi vào danh sách những tác phẩm văn xuôi hài hiếm hoi của văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ 20. Chỉ nội điều đó thôi, cũng chẳng đủ để tự hào và đáng chúc mừng hay sao? Sao ta lại không làm ly vang Đà Lạt mới này nữa để mừng tuổi 30 Chuyện cái vòi nước – đứa con đầu lòng của cậu chứ?!
-         NH:  Ừ! mà không hiểu sao, tớ chỉ thích uống cái tang vang Đà Lạt? có thể một mình gật gù tu cạn cả chai mà chỉ thấy lâng lâng, thú khoái lạ lùng.?! Nào! Bạn già! cạn ly!./.

Cuối tháng bảy - 5 – 8 – đêm 6 – 8 - 2014. ĐV


  • Câu thơ Nguyễn Hiếu trong bài Nhớ em tận Trường Sơn (1974), từng được nhà thơ lớn Chế Lan Viên khen có sáng tạo hình tượng (méo).
  • Mời đọc: Nguyễn Hiếu hài trong chùm ba truyện ngắn… và một vài bài khác trong sách: Văn chơi chơi văn (2014); chùm bài: Tác phẩm Nguyễn Hiếu trong mắt Đường Văn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét